“Tai chúng tôi đã từng được nghe
Chuyện cha ông vẫn thường kể lại
Về công trình Chúa đã làm nên
Thời các cụ thuở xa xưa ấy”
(TV 42,2)
Đã hơn 340 năm những bước chân đầu tiên của chị em Mến Thánh Giá Vinh manh nha in dấu trên dải đất mẹ Nghệ-Tĩnh-Bình, cũng 100 năm trôi qua kể từ khi Đức Cha Eloy Bắc ban sắc lệnh chính thức công nhận Hội Dòng là Dòng Giáo phận, và đã tròn 70 năm Hội Dòng được đón lấy luồng gió cải tổ theo tinh thần Giáo Luật, là hành trình Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh được Chúa chính thức “nắn đúc nên hình nên dạng” (Tv 118,73). Như thế, Bách Chu Niên và Thất Thập Niên là những “mốc son tròn đầy” để nhìn lại những trang sử thánh thiêng của Hội Dòng được viết bằng mồ hôi, nước mắt, xương máu, tâm huyết và trọn cả cuộc đời của dòng người tận hiến mang tên Mến Thánh Giá Vinh. Trong dòng thời gian vô hình, cội nguồn vẫn mãi lưu dấu ở đó. Tuy vậy, thật không dễ cho thế hệ hậu sinh khai thác, bởi có những điều đã vĩnh viễn bị chôn vùi mà không một tài liệu nào trên thế gian này lưu lại. Đôi dòng lược sử dưới đây có lẽ quá ngắn ngủi để “ôm trọn cả một chặng đường lịch sử”, nhưng có lẽ cũng đủ để cho hậu thế tràn dâng bao nỗi niềm vì được đụng chạm đến “cái bi và cái hùng”, “cái thăng lẫn cái trầm” của thời vận. Những dòng chữ tưởng chừng như bất động, tĩnh lặng trên mặt giấy, nhưng có lẽ sẽ đủ để chắp cánh cho một “cuộc hành hương lịch sử”, đủ cho một tâm hồn thiện chí ngỡ ngàng trước phép lạ “hạt giống bé nhỏ nảy mầm thành cây cổ thụ”, đủ để ai đó giật mình thảng thốt trước tiếng bom đạn dữ dội thời máu lửa, hay có thể lắng nghe được những tiếng nói cười rộn rã giữa cảnh thái bình, và thậm chí có thể “tương ngộ” những khuôn mặt lịch sử đã mãi mãi chìm sâu vào cõi “tĩnh lặng thường hằng”…
I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ THÀNH LẬP
Cho tới nay, chưa thấy sử liệu nào cho chúng ta biết được cộng đoàn Mến Thánh Giá đầu tiên trên đất Nghệ-Tĩnh-Bình được thành lập vào năm nào và bởi ai. Nhưng chắc chắn rằng, các nữ tu Mến Thánh Giá đã có mặt khá sớm ở Giáo phận Vinh, chỉ khoảng hơn 10 năm sau ngày thành lập (1670-1683) và phát triển khá mạnh trên vùng đất này.
Vinh là nơi có nhiều cộng đoàn và nhiều chị em Mến Thánh Giá nhất của Đàng Ngoài. Vào thời điểm thành lập Giáo phận (1846), Vinh đã có tới 8 cộng đoàn và 220 nữ tu Mến Thánh Giá. Tuy nhiên, suốt trên 200 năm tồn tại, chị em Mến Thánh Giá Vinh chưa phải là nữ tu đúng danh nghĩa theo Giáo luật, chưa có lời khấn công, chưa được quy tụ trong một tổ chức với Bề trên và tu luật; thậm chí, chưa được đào tạo vì phần lớn chị em đều mù chữ.
1. Các cộng đoàn Mến Thánh Giá đầu tiên trên đất Nghệ-Tĩnh-Bình
Về sự hiện diện của các nữ tu Mến Thánh Giá tại ba tỉnh Nghệ-Tĩnh-Bình, các sử gia cho rằng, không thể khẳng định được nơi nào các nữ tu xuất hiện trước và nơi nào xuất hiện sau. Tuy vậy, có những nơi được sử liệu đề cập đến sớm hơn các nơi khác.
Nhật ký truyền giáo Đàng Ngoài cho biết, vào khoảng năm 1683-1684, đã có một dạng Nhà Mụ Mến Thánh Giá tại Kẻ Trầu (Lưu Mỹ, Nghệ An) và tại Hương Khê (Hà Tĩnh). Cụ thể, vào tháng 11/1682, thừa sai Jean Louis Sarruate đến Bùi Chu, năm sau vào Thanh Hóa và sau đó vào Nghệ An. Cha đặt cơ sở tại Trang Đen và đã đi thăm ba nhà thờ Kẻ Hương Khê, Bút Cang và Kẻ Trầu. Năm 1683-1684, khi ở Hương Khê, ngài “tìm thấy 9 hay 10 bà và cô gái không giống như các tín hữu khác. Họ không sống thành cộng đoàn dưới cùng một mái nhà, nhưng lại tụ họp khá thường xuyên hơn các tín hữu còn lại và cũng nhau thi hành việc đạo đức”. Còn ở Kẻ Trầu, cha xác định rằng cha đã gặp khoảng 30 người nữ mà “đức hạnh ở Châu Âu cũng không sánh bằng”.
Còn theo một tài liệu khác của cha Adrien Launay, các nữ tu Mến Thánh Giá cũng đã xuất hiện khá sớm ở Quảng Bình. Cha không xác định rõ ràng mốc thời gian nào, tuy vậy, cha cho rằng Nhà Mụ Mến Thánh Giá đã xuất hiện tại Quảng Bình vào cuối thế kỷ XVII. Lý do là vì vào năm 1701, đã có một Nhà Mụ Mến Thánh Giá hiện diện khá ổn định tại vùng Bắc sông Gianh. Dựa vào nhiều căn cứ và lý luận lịch sử, cha cho rằng đó là Nhà Mụ Mến Thánh Giá Hướng Phương.
Sang đầu thế kỷ XVIII, Mến Thánh Giá Tây Đàng Ngoài có những bước phát triển hơn nữa. Trong thư ngày 06/11/1701 gửi cho mẹ, thừa sai François Guisain viết: “Trong miền truyền giáo này, chúng con còn có khoảng 20 nhà nữ tu gọi là Mến Thánh Giá” mà phần lớn nằm ở Nghệ An. Sử gia Adrien Launay, dựa theo thừa sai Néez cho biết: “Năm 1700, Giám mục De Bourges viết một thư chung cho cha Michel Hợp và Benoît Sự khi đó đang hoạt động trong tỉnh Nghệ An, yêu cầu họ cùng nhau đi thăm viếng 14 nhà Mến Thánh Giá và sau đó gửi cho ngài báo cáo chính xác về cuộc thăm viếng của họ”. Nhưng trong cuốn sách của mình, thừa sai Néez chỉ ghi “bốn nhà Mến Thánh Giá” (quatre maisons des Amantes de la Croix). Xem ra con số 14 chính xác hơn vì trong Nhật ký Truyền Giáo Đàng Ngoài từ ngày 15/11/1714 đến 12/11/1715 ghi rõ: “Có 15 nhà Mến Thánh Giá với 150 chị em, không kể đến nhiều chị em sống tiết dục tại nhà cha mẹ. Chỉ còn 5 nhà Mến Thánh Giá trong phần còn lại của vương quốc”. Như vậy, so với năm 1700 thì năm 1715 đã có thêm một nhà Mến Thánh Giá tại Nghệ An, vì Nhật ký Truyền Giáo thời này cho biết thêm: “Vào cuối tháng 11/1715, cha Giuse Phước, linh mục Đàng Ngoài, đã làm phép một nhà mới của các chị Mến Thánh Giá tại làng Lương Trang thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An”. Con số nhà Mến Thánh Giá tiếp tục tăng. Trong thư ngày 15/11/1720, thừa sai Guisain báo cáo có 25 nhà Mến Thánh Giá ở Tây Đàng Ngoài, mỗi nhà có khoảng trên dưới 20 người. Con số này được duy trì ổn định cho tới năm 1753. Vào thời điểm đó, Đức Cha Deveaux cho biết rõ hơn là trong số 25 nhà Mến Thánh Giá này, có tới 18 nhà trong tỉnh Nghệ An, một ở tỉnh Thanh Hoá ngoại và 5 ở tỉnh Nam (Nam Định). Ngài đã liệt kê địa sở của các nhà Mến Thánh Giá tại Nghệ An (khi đó còn bao gồm cả Hà Tĩnh) như sau:
– Huyện Kì Hoà: Trang Thọ, Kẻ Dênh, Đại Vinh
– Huyện Thạch Hà: Kẻ Ngo, Hoà Thư, Kẻ Nhin (có thể là Kẻ Nhím, tiền thân của An Nhiên, Văn Hạnh, Chân Thành ngày nay)
– Huyện Hương Sơn: Hà Nha
– Huyện La Sơn: Kẻ Trúa
– Huyện Nam Đàn: Kẻ Đòn, Đá Bạc, Kẻ Nại
– Huyện Thanh Chương: Làng Vạn, Làng Trỗ, Kẻ Eo
2. Nguyên nhân của sự dồi dào ơn gọi
Chúng ta có thể tự hỏi: Do đâu ơn gọi Mến Thánh Giá tại Vinh lại dồi dào hơn nơi khác? Các thừa sai cho chúng ta câu trả lời: “Các Kitô hữu của tỉnh này (Nghệ An) nhiệt thành hơn các Kitô hữu ở các tỉnh khác, và họ sẽ càng nhiệt thành hơn nữa nếu các cuộc bách hại thường xuyên và sự thất bát mùa màng không đẩy họ đến chỗ túng thiếu và làm suy giảm lòng nhiệt thành của họ”. Một nguyên nhân quan trọng khác là sự quan tâm của các Đấng Bản Quyền, cụ thể ở đây là Đức Cha De Bourges Gia, người đã ra lệnh cho cha Hợp và cha Sự đi kinh lý các nhà Mến Thánh Giá ở Nghệ Tĩnh, và chính Đức Cha cũng đích thân can thiệp để chấn chỉnh. Riêng Đức Cha Bélot, Giám mục phó (1712-1713) và Đại Diện Tông Toà Tây Đàng Ngoài từ tháng 01/1713 đến ngày ngài mất (02/01/1717), với trụ sở thường xuyên ở Trang Đen (nay là giáo xứ Trang Đen), là người đã dành sự ưu ái đặc biệt cho Dòng Mến Thánh Giá. Nhật ký Truyền Giáo đã hết lời ca ngợi những đức tính cao đẹp và lòng nhiệt thành của vị mục tử này, trong đó ghi nhận sự quan tâm lớn lao của ngài đối với các linh mục bản xứ, các thầy giảng, và cách riêng với các nữ tu Mến Thánh Giá: “Khi Giám mục Basilée (Bélot) đến tỉnh Nghệ An vào ngày 05/02/1713 để cử hành thánh lễ và ban ơn toàn xá tại nhà thờ Trang Nứa, ngài đã hun đúc lòng nhiệt thành và tuân giữ tu luật của các nữ tu Mến Thánh Giá. Một số chị phụ trách đã tuyên khấn trong tay ngài (chưa phải là lời khấn công như ngày nay), nhiều thiếu nữ dâng mình cho Chúa khi gia nhập các nhà thánh thiện này. Ngài đã thành lập những nhà mới hoặc khôi phục một số nhà bị sụp đổ hay triệt hạ do các cuộc bách hại hay do các tai hoạ khác. Hiện có 15 nhà trong tỉnh Nghệ An, trong đó, có một số nhà có 25 nữ tu. Nếu vị Giám mục thánh thiện này còn sống thêm vài năm nữa, ngài sẽ làm cho cả Giáo phận của ngài đầy lòng nhiệt thành, gần giống như thời kỳ đầu của Hội Thánh”. Thừa sai Guisain, sau này là Giám mục, có trụ sở tại Trang Đen cũng quan tâm nhiều đến các nhà Mến Thánh Giá và nhờ ngài mà chúng ta được biết về nếp sống Mến Thánh Giá.
3. Nếp sống và Sứ vụ của chị em Mến Thánh Giá Vinh thời bấy giờ
Trong thư ngày 06/11/1701 gửi cho mẹ, thừa sai Guisain cho biết: “Trong miền truyền giáo này, chúng con có 20 nhà các nữ tu gọi là Mến Thánh Giá. Tuy các chị chưa đạt đến sự trọn hảo như các nữ tu của chúng ta tại Châu Âu, người ta vẫn có thể nói rằng họ sống một đời sống khá khổ hạnh và rất nghèo, chỉ sống bằng lao động chân tay và một vài bố thí mà các Kitô hữu dành cho họ”. Nhiều năm sau, cũng vị thừa sai này cho biết trong thư ngày 01/12/1709: “Các nữ tu Mến Thánh Giá sống một cuộc đời rất ngây thơ, trong trắng và khắc khổ. Các chị sống chung và lao động chân tay như dệt vải, đan chiếu, may vá, thêu thùa…”. Có phần chắc là nếp sống tốt lành của các nữ tu Mến Thánh Giá vẫn được duy trì vào giữa thế kỷ XVIII.
Trong báo cáo về tình hình của miền truyền giáo Tây Đàng Ngoài năm 1751, Giám mục Néez viết: “Họ sống nhờ bàn tay của mình. Họ không khấn nhưng giữ các đức khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục như các nữ tu ở Châu Âu. Họ sống một cuộc đời khổ hạnh và lam lũ, chỉ ăn thịt ba ngày trong năm vào dịp lễ Phục Sinh, Hiện Xuống và Giáng Sinh; ăn chay vào các ngày thứ sáu và thứ bảy trong tuần, chỉ ăn hai bữa trong ngày suốt cả năm, không kể đến một vài kỷ luật nghiêm khắc mà họ đã quen làm một cách sốt sắng. Họ cộng tác vào công cuộc truyền giáo bằng nhiều việc và giúp ích đáng kể”.
Năm 1766, Đức Cha Reydellet cũng có nhận xét tương tự: “Trong toàn Giáo phận, có 20 Nhà Phước Mến Thánh Giá. Mỗi nhà có Bề trên của mình và gồm khoảng 15, 20, 25 hay 30 người. Các thiếu nữ này quy tụ với nhau trong một ngôi nhà, giữ cùng một tu luật và dưới sự lãnh đạo của một chị Bề trên. Họ sống một cuộc đời khó nghèo và khổ hạnh, thực hành đức vâng lời, khiêm nhường và từ bỏ của cải thế gian. Các chị rất nghèo, sống bằng lao động chân tay và buôn bán nhỏ. Các chị không buộc phải giữ nội vi vì các nguy hiểm mà các chị phải liên tục đương đầu; chúng tôi chỉ cho các chị tuyên khấn lúc trên 40 hay 50 tuổi. Các chị có lòng nhân đức. Chúng tôi có thể nói rằng các chị là hương thơm của Chúa Giêsu. Các chị được các tín hữu cũng như lương dân yêu mến và ngưỡng mộ”.
Về hoạt động truyền giáo, ngoài việc cầu nguyện, ăn chay hãm mình để cầu nguyện xin cho lương dân trở lại, các nữ tu Mến Thánh Giá còn tham gia trực tiếp vào các sứ vụ tông đồ như dạy giáo lý cho nữ giới, thăm viếng bệnh nhân và rửa tội cho trẻ em nguy tử.
– Dạy giáo lý cho nữ giới: Năm 1673, dưới thời Đức Cha Néez, các chị đã dạy giáo lý cho lương dân: “Có hơn 100 nữ tu Mến Thánh Giá dạy dỗ cho những người cùng giới. Đó là một đóng góp đáng kể cho việc duy trì và phát huy trật tự trong các nhà thờ thuộc quyền quản trị của Đức Cha và góp phần hữu hiệu vào việc làm cho lương dân theo đạo”. Năm 1713, một thừa sai viết: “Các nữ tu Mến Thánh Giá tuy nhút nhát tự nhiên theo giới tính, đã bí mật thực hành công việc của một người dạy giáo lý cho nữ giới và thiếu nữ công giáo”.
– Thăm viếng bệnh nhân: Thừa sai Guisain cho biết: “Các chị thường đi đọc kinh tại nhà có người ốm đau và giúp đỡ họ cả tinh thần lẫn vật chất. Những chị lớn tuổi đi thăm các bệnh nhân nơi họ ở, an ủi họ, giúp họ chết bình an và đọc kinh cùng với các tín hữu để cầu xin Chúa cho họ được chết lành hoặc được chữa lành, điều mà họ thường nhận được”.
– Rửa tội trẻ em nguy tử: Đây là một trong các nhiệm vụ được quy định trong bản Luật Tiên Khởi. Xã hội Việt Nam đói khổ thời này thường hay phải gánh chịu các thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh nên trẻ em chết yểu khá nhiều. Do vậy, các nữ tu Mến Thánh Giá cũng tham gia vào việc tìm kiếm và rửa tội cho các trẻ em nguy tử.
4. Chị em Mến Thánh Giá Vinh trong thời bị bách hại
Dòng Mến Thánh Giá được thành lập và thành hình trong thời kỳ đạo Chúa bị cấm cách, bách hại nặng nề kéo dài trên hai thế kỷ, các nữ tu Mến Thánh Giá phải đối diện với hành trình “gieo trong lệ sầu” của Mẹ Giáo Hội. Các nữ tu chịu nhiều khốn quẫn có khi do nhà cầm quyền, có khi do lương dân và có khi do cả giáo dân phản bội.
Xoá sổ các cộng đoàn: Trước sự bách hại, sách nhiễu ngày một gia tăng và khốc liệt, số cộng đoàn ngày càng giảm sút, thậm chí đến cuối thế kỷ XVIII, hầu như không còn cộng đoàn nào. Vào đầu năm 1759, thừa sai François Le Chartier khẳng định: “Tỉnh có nhiều nhà nữ tu nhất là xứ Nghệ”. Vậy mà chỉ 40 năm sau, hầu như không còn cộng đoàn Mến Thánh Giá nào trên đất Nghệ Tĩnh. Trong thư ngày 03/06/1799, Đức Cha Longer cho biết cụ thể hơn số cộng đoàn Mến Thánh Giá bị thiệt hại: “Tất cả các nhà thờ, nhà của các linh mục, nhà của các nữ tu Mến Thánh Giá (12 nhà) đều đã bị phá hủy”. Một số tài liệu cho biết lý do sự bách hại gia tăng và số cộng đoàn bị xóa sổ:
“Vị quan của tỉnh này là kẻ thù của các Kitô hữu; ông ta đã hăm doạ họ và chỉ chờ lệnh của vua là bách hại họ. Khi nhận được sắc chỉ mới nhất, và theo như ông ta đã dự trù, cuộc bách hại đã nổ ra tại tất cả các huyện thuộc quyền ông ta: Tất cả các nhà thờ, tất cả các nhà của các linh mục và nhà của các nữ tu Mến Thánh Giá đều bị cướp rồi phá sập, các vật dụng bị lấy đi.[…] Không vị quan nào hung hăng bách hại đạo và truy lùng các thừa sai hơn ông quan Nghệ An. Chẳng những không còn nhà cho những người gắn bó với việc phục vụ Địa phận, không còn nhà của các nữ tu, mà giáo hữu cũng không thể tụ tập bất kỳ đâu để đọc kinh chung, ngay cả họ cũng không được đọc kinh to tiếng trong nhà của họ”.
Ngoài ông quan ghét đạo ở Nghệ An, còn có “một tên cướp ác ôn” cũng gây ra nhiều thiệt hại không kém cho đạo:
“Tên gian ác đặc biệt này, chỉ một mình hắn ta thôi, đã làm hại cho đạo hơn 50 sắc chỉ có thể gây ra. Hắn ta đã cung cấp cho chính quyền một cách chi tiết về tình trạng các nơi ở và các nhà khác nhau của chúng tôi, cũng như nhà của các nữ tu Mến Thánh Giá, với tên tuổi và đặc điểm của các Giám mục Gabale (Reydellet), của nhiều linh mục và của các người nhà của Giám mục; với các chỉ dẫn và thông tin này, đội quân của quan tỉnh mang theo khí giới và lửa để tàn phá khắp nơi”.
5. Chị em Mến Thánh Giá Vinh cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XX
Cuối thế kỷ XVIII, người ta cứ nghĩ rằng Dòng Mến Thánh Giá tại Vinh đã bị tận diệt, nhưng thực tế không bi thảm như vậy. Vì một đàng, các nữ tu rất kiên vững trong ơn gọi của mình; và đàng khác, cơ sở vật chất vốn rất sơ sài, chỉ là những mái tranh vách đất, nên nếu bị phá bỏ thì lúc bình sinh cũng có thể dễ dàng gầy dựng lại, và các chị quy tụ về với nhau tại chỗ cũ hay một địa điểm mới thích hợp hơn. Vậy nên, tới năm 1800, các nhà thừa sai lại liệt kê có 15 nhà Mến Thánh Giá tại Xứ Nghệ: Kẻ Trầu, Kẻ Đòn, Trang Luân, Trang Nghè, Làng Trung, Đá Dựng, Kẻ Gai, Làng Vạn, Làng Trỗ, Kẻ Nhím, Mĩ Dụ, Kẻ Nại, Bàn Thạch, Hà Nha, Phù Lão. Con số các cộng đoàn và con số nữ tu Mến Thánh Giá xứ Nghệ trong thế kỷ XIX cũng có nhiều biến động, đạt đến mức cao nhất là 16 nhà vào năm 1829.
Tháng 01/1846, trong bức thư của Đức Cha Pierre Retord Liêu, Giám mục Địa phận Tây Đàng Ngoài, gửi cho M. Lauren ở Lyon, đã mô tả đường lối tu trì của 30 nhà Mến Thánh Giá trong toàn Địa phận, trong đó, có chị em Mến Thánh Giá tại vùng Nghệ-Tĩnh-Bình như sau:
“…có 616 chị em (toàn Địa phận Tây Đàng Ngoài). Những chị em này sống đạo đức, không bao giờ ăn thịt; ăn chay và đánh tội hai lần, nhà ở nghèo nàn, ăn mặc khó khăn, sống bằng nghề tay chân, cày bừa, dệt vải, làm thuốc bán rong ở các chợ. Chính các chị thường xuyên đi thăm viếng, yên ủi kẻ liệt, giúp các linh mục, dạy giáo lý dự tòng và luôn có các chị được phân công đi khắp các làng tìm các trẻ em nguy tử để rửa tội. Năm vừa qua, các chị đã rửa tội chừng 1.000 em như thế, chính những trẻ nhỏ đó bây giờ là những thiên thần nhỏ trắng tinh trước mặt Chúa”.
Năm 1846, Tòa Thánh tách phần đất Nghệ-Tĩnh-Bình ra khỏi Địa phận Tây Đàng Ngoài, với tên gọi Địa phận mới là Nam Đàng Ngoài (năm 1924 được đổi tên thành Địa phận Vinh). Vào thời điểm này, các thừa sai cho biết số nữ tu của Nam Đàng Ngoài là 220 nhưng không nêu số cộng đoàn. Sử gia Trương Bá Cần cho biết đầy đủ hơn: “Năm 1846, lúc thành lập Giáo phận, đã có 220 nữ tu với 8 cơ sở: Làng Đoài, Trang Nứa, Kẻ Trầu (Lưu Mỹ), Vạn Lộc, Kẻ Đòn (Quy Chính) ở Nghệ An, Nghĩa Yên, Giáp Hạ ở Hà Tĩnh và Hướng Phương ở Quảng Bình”. Nhưng trong báo cáo ngày 22/02/1848 gửi Bộ Truyền giáo, Đức Cha Gauthier cho biết: “hiện có 13 nhà nữ tu Mến Thánh Giá”. Con số nữ tu đạt đến mức cao nhất là 336 chị vào năm 1867. Từ năm 1876 đến năm 1884, có tất cả 9 cộng đoàn, còn số nữ tu dao động từ 154 đến 183 chị. Từ năm 1886 đến hết thế kỷ XIX, có 8 cộng đoàn và số nữ tu thì từ 142 đến 180 chị.
Bị bách hại là một phần của đời sống các môn đệ của Đức Kitô, nên chị em Mến Thánh Giá không là ngoại lệ. Thế kỷ XIX là thời kỳ đạo Công Giáo bị bách hại khốc liệt dưới các triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, mà cao điểm là Phân Tháp và các phong trào của sĩ phu như Văn Thân, Cần Vương. Ngoài ra, còn có riêng một sắc chỉ về bách hại nữ tu. Năm 1817, có hai nhà Mến Thánh Giá bị đốt cháy. Năm 1874, làng Kẻ Trầu bị đốt phá, Nhà mụ Kẻ Trầu cũng chung số phận. Có ba nữ tu Mến Thánh Giá tại Trù Sơn (cộng đoàn Lưu Mỹ hiện nay) là chị Maria Hồi (khoảng 40 tuổi), chị Anna Nhiên (36 tuổi) và chị Matta Mến đã vững lập trường tuyên xưng đức tin trước những đe dọa tấn công. Do đó, các chị bị điệu vào nhà Thánh của giáo xứ Lưu Mỹ cùng với 17 giáo dân, và tất cả đã chịu chết thiêu với toàn bộ ngôi nhà thờ. Thi thể của các chứng nhân đức tin được rước về một chỗ, lập thành một Nhà Thánh, hiện nằm trong khuôn viên của cộng đoàn chị em Mến Thánh Giá Lưu Mỹ và được chị em tôn kính bảo vệ.
Năm 1892, thời Đức Cha Louis Pineau Trị, là năm dâng Giáo phận cho Đức Mẹ, riêng vùng đất Nam Đàng Ngoài có 8 nhà Mến Thánh Giá và 173 nữ tu. Các chị đã rửa tội được 4.070 trẻ em.
6. Chính thức thành lập
Suốt trên 200 năm hiện diện, trải qua biết bao thăng trầm của thời vận, nhờ vào sự kiên cường và tinh thần hy sinh không mệt mỏi, cuối cùng, các nữ tu Mến Thánh Giá tại Nghệ-Tĩnh-Bình cũng đã được Thiên Chúa chúc phúc bằng một mốc lịch sử đáng nhớ.
Ngày 11/02/1924, Đức Cha Joseph Eloy Bắc, Giám mục Đại Diện Tông Tòa Địa phận Vinh đã ra một sắc lệnh thừa nhận các Tu viện Mến Thánh Giá trong vùng Nghệ-Tĩnh-Bình thuộc Dòng Giáo phận.
Ngài dự tính công việc cải tổ cho chị em Mến Thánh Giá theo yêu cầu của Giáo Luật 1917, nên đã nhờ các nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ trực tiếp giúp các chị em, nhưng sau đó, dự tính này bất thành. Cũng vì thời cuộc, ngài chưa thể đưa ra các biện pháp nào cụ thể để giúp đỡ chị em Mến Thánh Giá; tuy vậy, đây được xem là mốc son lịch sử đặc biệt – chị em Mến Thánh Giá tại Vinh được ban “danh phận”, đặt nền tảng cho công cuộc cải tổ sau này.
Theo thống kê năm 1939, giai đoạn này, Địa phận Vinh có 7 cộng đoàn Mến Thánh Giá với 160 nữ tu: Trang Nứa, Vạn Lộc, Lưu Mỹ, Quy Chính ở Nghệ An; Nghĩa Yên, Chân Thành (Giáp Hạ) ở Hà Tĩnh và Hướng Phương ở Quảng Bình. Như vậy, cộng đoàn Xã Đoài (Nhà Mẹ ngày nay) đã bị giải thể. Thời này, các cơ sở vẫn còn độc lập, đời sống của chị em rất kham khổ mọn hèn, không được bồi dưỡng kiến thức cả về văn hóa lẫn giáo lý. Hầu như các chị chỉ quanh quẩn với các trẻ mồ côi, gánh thuốc viên trên vai qua các miền thôn dã. Việc dạy giáo lý phổ thông hay đi truyền giáo đã có đội ngũ Thầy giảng chuyên trách. Trong giai đoạn này, ơn gọi giảm sút, ít ai quan tâm đến cộng đoàn “Nhà Mụ”.
II. CÔNG CUỘC CẢI TỔ
1. Thời Kỳ I (1951-1979)
1.1.Tiến trình cải tổ
Trước đó, các vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã nhận ra tình trạng giảm sút của Dòng Mến Thánh Giá và nhu cầu cấp thiết phải canh tân, cải tổ Dòng cho phù hợp với Giáo Luật 1917. Điều này được thể hiện qua công đồng Đông Dương năm 1934, họp tại Hà Nội với bảy điều khoản liên quan đến Dòng Mến Thánh Giá và Dòng Ba Đa Minh.
Chiếu theo Bộ Giáo luật năm 1917, việc cải tổ các dòng tu thuộc quyền Giáo phận cần được thực hiện. Ở Việt Nam, vào năm 1925, Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm đã tiến hành cải tổ đầu tiên và thành công với lễ khấn của 61 chị. Năm 1932, Giáo phận Thanh Hóa được thành lập, tách ra từ Giáo phận Phát Diệm, và từ đó, do sắc lệnh ngày 09/11/1932, hình thành Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa, tách ra từ Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, với 45 nữ tu, trong đó, hơn một nửa đã khấn trọn đời.
Tại Giáo phận Vinh, Đức Cha Joseph Eloy Bắc đã lập kế hoạch cải tổ Dòng Mến Thánh Giá (1924-1938) nhưng bất thành. Mãi tới năm 1951, dưới thời Đức Cha Gioan Baotixita Trần Hữu Đức, công cuộc cải tổ mới được khởi sự. Qua các bút tích Đức Cha Gioan Baotixita để lại, chúng ta thấy rằng ngài quan tâm đến Dòng Mến Thánh Giá ngay từ khi ngài được bổ nhiệm làm linh mục Giám quản Tông Tòa Giáo phận Vinh. Quả vậy, trong “Chương trình hoạt động từ ngày Tòa Thánh giao Địa phận cho giáo sĩ bản quốc 19/07/1950”, ở mục đầu tiên, ngài ghi: “1) Củng cố nhà chị em Mến Thánh Giá…”, cụ thể ở đây là Nhà Phước Xã Đoài. Cũng trong trang đầu tiên này, khi vạch chương trình hoạt động cho tháng 5 và tháng 6 năm 1951, ngài lại nêu: “Huấn luyện nhân viên các Phước Viện tại Vạn Lộc. Bầu cấp chỉ huy cho các Phước Viện. Xin xem tài liệu các Phước Viện Mến Thánh Giá 1951”. (Hiện tại, chưa tìm thấy tài liệu các Phước Viện Mến Thánh Giá 1951 cũng như các năm sau, tuy rằng trong Nhật ký, nhiều lần ngài đã ghi “Xem tài liệu các Phước Viện Mến Thánh Giá 1951”.)
Sự quan tâm của ngài tiếp tục được thể hiện qua các việc như: tháng 07/1951 gửi “các chị Nhà Phước đi coi sóc các nơi như Trang Nứa…”, tháng 08/1951, “chuẩn bị cuộc khấn tập Phước Viện Mến Thánh Giá”. Các việc này, ngài ghi quá vắn tắt nên cũng không biết được chi tiết cụ thể ra sao. Có thể, các việc liên quan đến Dòng Mến Thánh Giá ngài nêu trong chương trình hoạt động cũng như trong các bút tích chỉ mới là những dự tính, chưa có điều kiện thực hiện, thay vào đó, ngài sẽ làm theo một kế hoạch khác mà mục đích cuối cùng vẫn là cải tổ và nâng chất Dòng Mến Thánh Giá Vinh.
Sau khi được tấn phong Giám mục (16/09/1951), giữa bộn bề công việc, Đức Cha vẫn quan tâm đến các chị em Mến Thánh Giá. Trước hết, ngài đặt cha Phêrô Nguyễn Đình Trọng làm Tổng Tuyên úy nhà dòng và nhờ cha giúp các chị về tu đức, cụ thể là khảo hạch kiến thức về ba lời khấn. Đức Cha còn cẩn thận nhắc nhở các chị tìm hiểu trước và gửi tài liệu cho cha Trọng nghiên cứu thêm. Sau đó, trong thư ngày 10/12/1951 gửi các chị, ngài báo tin:
“1/ Sau lễ Sinh nhật năm nay, sẽ có cha Tổng Tuyên úy Dòng Mến Thánh Giá Địa phận tới thăm nhà chúng con. Ngài sẽ kiểm soát kỷ luật, tài chánh, sổ sách cùng tinh thần đạo đức và sự hòa thuận trong nhà. Ngài sẽ đi lần lượt Lưu Mỹ, Quy Chính, Vạn Lộc, Trang Nứa và Nghĩa Yên. Ngày nào thì cha Tổng Tuyên úy sẽ chỉ định. 2/ Phải làm sổ các chị em sẽ được khảo về ba lời khấn, để khi cha Tổng Tuyên úy đến, sẽ nộp cho ngài. 3/ Chị em có thể khảo là những chị em vào Phước Viện đã lâu ngày và có học thức”.
Chắc chắn là Cha Trọng đã tiến hành công việc này, và có thể cuộc khảo hạch đã phát hiện ra những vấn đề căn bản còn thiếu sót từ đời sống tu trì, quản trị và cả tài chính, buộc Đức Cha phải đưa ra một cuộc cải tổ toàn diện cho Dòng Mến Thánh Giá để có thể đáp ứng yêu cầu của Giáo Luật.
1.2. Công cuộc Cải Tổ đầu tiên (1951-1954)
Trong cương vị là người cha chung của Giáo phận, Đức Cha Gioan Baotixita Trần Hữu Đức đã quan tâm nhiều đến Dòng Mến Thánh Giá với cái nhìn thực tế trước những thúc bách cải tổ. Chủ trương của ngài là thống nhất các tu viện Mến Thánh Giá trong Địa Phận và huấn luyện để sống chính thức có lời khấn công theo Giáo Luật.
Năm 1952, Đức Cha Gioan Baotixita Trần Hữu Đức hiệp nhất các Tu Viện Mến Thánh Giá tự trị thành một Hội Dòng mang tên Giáo phận với tên gọi đầy đủ là Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh và tiến hành công cuộc cải tổ.
Đức Cha Gioan Baotixita đã đặt vấn đề với Đức Cha Louis Cooman Hành, nhờ Nhà Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa vào giúp công cuộc cải tổ cho Nhà Dòng Mến Thánh Giá Vinh. Thỉnh cầu này được chấp thuận. Với tư cách là Giám mục Giáo phận Thanh Hóa, Đức Cha Cooman Hành đã cử ba nữ tu là bà Anê Trần Thị Đoá, Anna Nguyễn Thị Duyên và Anê Trần Thị Diệm. Ngày 04/02/1952, ba nữ tu Mến Thánh Giá Thanh Hóa lên đường tới Giáo phận Vinh. Sau chín ngày lênh đênh trên thuyền, các bà tới Xã Đoài ngày 13/02/1952.
Do những chuyển biến của đất nước nên sinh hoạt tôn giáo gặp rất nhiều khó khăn. Việc huấn luyện chị em theo chương trình của Dòng không được phép thực hiện tại trung tâm Địa Phận. Vì thế, với sự nhất trí của Đức Cha Gioan Baotixita, cơ sở huấn luyện của Nhà Dòng tạm chuyển về cộng đoàn Vạn Lộc (nay thuộc xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn). Vào lúc ấy, Vạn Lộc là cộng đoàn thuận lợi về nhiều mặt nhất so với các cộng đoàn khác. Thêm vào đó, Đức Cha Gioan Baotixita đã từng làm cha xứ Vạn Lộc nên ngài biết rõ vùng đất và con người ở nơi đây.
Ngày 20/02/1952, ba bà giáo lên Vạn Lộc và bắt đầu công tác huấn luyện. Ngày 20/03/1952, Nhà Tập Vạn Lộc khai mở với số lượng là 22 Tập sinh. Nhà Tập gồm hai giai đoạn: thời gian thử và một năm tập chẵn. Theo sự chỉ định của Đức Giám mục Địa Phận, Nhà Dòng đã mời cha Phaolô Trần Đình Khanh, bấy giờ là cha quản hạt và quản xứ Vạn Lộc, cộng tác với trách nhiệm linh hướng. Dù đã giao phó trách nhiệm cho cha Phaolô Trần Đình Khanh, nhưng Đức Cha vẫn luôn quan tâm theo dõi sự tiến triển của quá trình huấn luyện.
Ngày 09/04/1952, Đức Cha Gioan Baotixita gửi thư cho Đức Cha Giáo phận Thanh Hóa báo tin về ngày khai giảng của khóa Tập tại Vạn Lộc, và còn cho biết thêm con số nữ tu Mến Thánh Giá ở cộng đoàn Hướng Phương là 80 chị và con số toàn Giáo phận là 193 chị.
Sau nửa năm, khi công tác huấn luyện đã ổn định, ngày 10/09/1952, Đức Cha Gioan Baotixita Trần Hữu Đức đã gửi văn thư số 369/TGM lên Tòa Thánh về việc “Cải tổ Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh”, trong đó, báo cáo sự hiện diện của Hội Dòng qua nhiều thế kỷ và “khiêm tốn thỉnh cầu Đức Thánh Cha ban phép cho các chị em Mến Thánh Giá thuộc Địa Phận mình, tuyên các lời khấn theo Giáo Luật, sau khi đã trải qua thời gian Tập Viện đúng luật”. Văn thư cũng báo cáo việc ngài đã mời ba chị Mến Thánh Giá Thanh Hóa vào mở Nhà Tập tại Vạn Lộc, để dạy dỗ và huấn luyện những chị em Mến Thánh Giá Vinh được tuyển chọn.
Ngày 21/11/1952, tại nhà thờ giáo xứ Vạn Lộc, cha Phêrô Nguyễn Đình Trọng chủ sự lễ mặc áo cho 18 chị được chính thức bước vào Nhà Tập. Như vậy, từ 22 chị ban đầu, 18 chị được chọn vào Nhà Tập.
Thời gian đào tạo theo đúng luật là một năm thử và một năm tập trọn, nhưng lớp thử và lớp tập đầu tiên này là số chị em đã tu lâu năm trong Nhà Phước, nên được Bề trên chuẩn giảm về thời gian thử. Sau đúng một năm, trong dịp lễ Mẹ Dâng Mình ngày 21/11/1953, lễ khấn đầu tiên của Hội Dòng được tổ chức tại Vạn Lộc với 17 tân khấn sinh.
Vì không thể đến chủ sự thánh lễ khấn dòng, Đức Cha đã ủy quyền cho cha Phêrô Nguyễn Đình Trọng cử hành thánh lễ và nhận lời khấn của quý chị. Đây vừa là hoa quả đầu mùa của Dòng Mến Thánh Giá Vinh, vừa là cột mốc đánh dấu một khởi đầu mới của Hội Dòng. Sau lễ khấn, Đức Cha cử các chị đi các cơ sở. Kể từ đây, ngày 21 tháng 11 hằng năm đã trở thành lễ khấn truyền thống của Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh qua các thế hệ.
Ngày 23/11/1953, Đức Cha Gioan Baotixita Trần Hữu Đức ban hành nghị định số 423/EV, chính thức nhìn nhận Dòng Mến Thánh Giá Vinh là một Hội Dòng có LỜI KHẤN công. Có thể xem đây là ngày khai sinh của Dòng Mến Thánh Giá Vinh theo Giáo Luật. Như vậy, bước tiến nền tảng đã hoàn thành và mở lối cho công cuộc huấn luyện sau này. Ngày 20/11/1954, có 9 chị lãnh tu phục. Ngày 21/11/1954, có 3 chị khấn lần đầu và 17 chị khấn lại. Các năm sau đều mở khóa mới Nhà Tập.
1.3. Chị em Mến Thánh Giá Vinh trước bối cảnh Di cư
Miền Bắc Việt Nam vừa trải qua một cuộc cải cách ruộng đất với biết bao biến động trong toàn xã hội, lại tiếp đến sự kiện di cư rầm rộ theo hiệp định Genève (07/1954). Tại Vinh, nhật ký ngày 10/04/1955, Đức Cha Gioan Baotixita: “Cơ quan Giáo hội, chủng viện, dòng tu đua nhau nộp đơn đi Nam, còn giáo hữu thì sống chết, sướng khổ, trẻ già vẫn cương quyết đi Nam lánh nạn” . Các nữ tu Mến Thánh Giá Vinh, mới bước vào công cuộc cải tổ hơn hai năm, cũng rơi vào băn khoăn giữa việc đi hay ở. Lúc đầu, các chị muốn đi, một phần vì bị tác động bởi tình hình chung quanh và cách riêng là bởi sự ra đi của các chị Mến Thánh Giá Thanh Hóa. Ngày 15/04/1955, các chị đến gặp Đức Cha để xin đi Nam. Ngài giải thích và thuyết phục, “rút cục tự quyết ở lại với Giáo hội và phó dâng mọi sự trong tay Chúa Quan Phòng”.
Nhờ vào sự cương quyết của Đức Cha, mọi người quyết tâm ở lại Miền Bắc để bảo vệ cơ sở và sẵn sàng đón nhận mọi thách đố của cuộc sống. Riêng Cộng đoàn Hướng Phương ở cực nam của Giáo phận, gần giới tuyến, “trên dưới 40 người đành trộm phép vào miền Nam, chỉ còn một số chị già yếu ở lại”. Nhưng Thiên Chúa có thể biến sự dữ thành sự lành. Nhờ sự di cư này đã hình thành nên Dòng Mến Thánh Giá Tân Bình, nay là Hội Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang.
Trong giai đoạn này, các nữ tu Dòng Thánh Phaolô đang điều hành Bệnh viện Xã Đoài cũng đã quyết định di cư, nên đã giao việc điều hành Bệnh viện lại cho các nữ tu Mến Thánh Giá Vinh (Bệnh viện do Đức Cha Joseph Eloy Bắc xây dựng từ năm 1921 và giao cho các nữ tu Dòng Thánh Phaolô điều hành). Từ đó, thành hình một cộng đoàn gọi là Sở Nhà Thương Xã Đoài, mà số nhân sự có khi lên đến 15 chị. Hoạt động của các chị rất uy tín và nhận được sự tin tưởng của người dân. Ngày 08/04/1958, sau khi đi thăm bệnh viện Xã Đoài, Đức Cha Gioan Baotixita viết: “Nhân dân lân cận đau nhiều, kéo nhau uống thuốc hoặc chữa bệnh ở Nhà Thương vì y tá xã, huyện không được dân tín nhiệm”.
Trong cuộc cải cách ruộng đất vào thời kỳ này, bốn cộng đoàn của Nhà Dòng Mến Thánh Giá Vinh bị tịch thu hết thóc lúa và ruộng đất canh tác. Chị quản lý của bốn nhà bị đem ra đấu tố và bị tra tấn. Hết lương thực, hết đất canh tác, một số chị em trở về gia đình, còn một số đông chị em khác phải đi làm thuê xa để nuôi những chị em đang bám chặt cơ sở để duy trì và bảo vệ Nhà Dòng.
1.4. Chuyển Nhà Chính và Nhà Tập về Xã Đoài
Xã Đoài là trung tâm của Giáo phận Vinh từ ngày được thành lập (1846), quy tụ Tòa Giám Mục, Nhà thờ Chính Tòa, Đại Chủng Viện và Tiểu Chủng Viện, nên Đức Cha Gioan Baotixita Trần Hữu Đức tính đưa Nhà Chính và Nhà Tập của Dòng Mến Thánh Giá về đây. Ngài đã bàn bạc với Nhà Dòng và tiến hành công việc này khá khẩn trương, chỉ trong hơn một tháng.
Ngày 29/09/1955, tình hình chính trị tạm lắng dịu, với sự giúp đỡ tận tụy của Đức Cha Địa phận và cha quản lý Phêrô Nguyễn Năng, việc chuyển Nhà Chính và Nhà Tập từ Vạn Lộc về Xã Đoài đã hoàn tất. Khu “Nhà Lẫm” (kho lúa) của Nhà Chung được ngăn thành nhà nguyện và phòng học của trường Thánh Thất dùng để đào tạo lớp đệ tử từ 12 tuổi trở lên; “nhà đâm xay” (nhà xay lúa) trở thành nội vi sinh hoạt của Tập Viện; “nhà ở của Ban Quản Lý” được chuyển thành nơi ở cho các bà trong Ban Điều Hành Nhà Dòng và cho các chị đã tuyên khấn. Các cơ sở vật chất nhanh chóng được ổn định, Nhà Dòng được chính quy hóa, mở đầu cho một thời kỳ hoạt động mới đầy cam go, nhưng cũng có nhiều hứa hẹn về một mùa xuân khởi sắc.
1.5. Ổn định cơ cấu tổ chức (1955-1963)
Sau khi chuyển Nhà Chính về Xã Đoài, công cuộc huấn luyện bắt đầu đi vào nề nếp sinh hoạt và được Đức Cha hướng dẫn thường xuyên hơn.
Ngày 22/11/1955, Đức Cha tiếp tục củng cố và tổ chức lại Hội Dòng qua việc thuyên chuyển một số chị em “vì lợi ích chung của Dòng, mặc dầu thiệt thòi riêng cá nhân hay đoàn thể”. Cũng trong ngày này, Mẹ Anê Trần Thị Đóa giới thiệu Ban Huấn luyện Nhà Tập gồm chị Maria Nguyễn Thị Thịnh, chị Maria Cao Thị Khang và chị Têrêsa Đinh Thị Phúc, dưới quyền bà Maria Trần Thị Diệm mà Đức Cha gọi là “Bà Tập”. Việc này có thể cho chúng ta hiểu rằng, Mẹ Đóa đã được cử làm Bề trên chung của Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh.
Công cuộc cải tổ còn được tiếp tục vào các năm tiếp theo dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đức Cha Gioan Baotixita Trần Hữu Đức và cha Bề trên Phêrô Nguyễn Đình Trọng. Bên cạnh đó, ngài còn bổ nhiệm cha Gioan Baotixita Nguyễn Hồng Ân huấn đức cho chị em theo đường tu đức nhiệm nhặt của các Dòng thuở xưa trong Giáo Hội. Với tình thương và sự quan tâm của vị cha chung Giáo phận, Đức Cha thường xuyên thăm viếng Nhà Tập và Nhà Chính Xã Đoài. Ngài dâng lễ, dạy dỗ, đích thân khảo hạch các chị chuẩn bị mặc áo hay khấn dòng, trao đổi công việc với Mẹ Đóa và cha Trọng (Tuyên úy), vốn là hai người năng nổ nhất trong công cuộc đào tạo. Đức Cha hướng chị em phát triển về nhiều mặt, bao gồm kiến thức, tâm linh và tu đức.
Cơ cấu tổ chức của Hội Dòng cũng được hoàn thiện thêm với việc lập ra Đại Công hội. Ngày 14/11/1956, trong cuộc tĩnh tâm thường niên chung, Hội Dòng đã bầu năm chị vào Ban Cố vấn mà Đức Cha gọi là “Đại Công hội”, gồm các chị: Maria Nguyễn Thị Thịnh, Maria Nguyễn Thị Ái, Maria Đậu Thị Lễ, Têrêsa Đinh Thị Phúc, Maria Cao Thị Khang. Ngày 25/02/1957, chị Maria Đậu Thị Lễ được bầu làm Phó Bề trên.
Như vậy, đến thời điểm này, cơ cấu tổ chức đã khá hoàn chỉnh, với một Mẹ Bề trên, một Phó Bề trên, một Hội đồng Cố vấn, một Bề trên Nhà Tập với ban chỉ huy phụ tá. Cũng từ thời điểm này, chúng ta thấy các con cái Mến Thánh Giá Vinh bắt đầu đảm đương các chức vụ lãnh đạo như phó Bề trên, hội đồng, ban chỉ huy Nhà Tập và dĩ nhiên trước đó là Bề trên các cộng đoàn.
Theo Thư Chung của Đức Cha Gioan Baotixita Trần Hữu Đức đề ngày 30/08/1960, Dòng Mến Thánh Giá Vinh có 415 nữ tu. Đây quả là một con số ấn tượng, thể hiện sức sống dồi dào của Hội Dòng.
Có thể nói, công cuộc cải tổ đã mang lại những hoa trái rất đáng vui mừng trên bình diện cơ cấu và chương trình huấn luyện của Hội Dòng, dấu chỉ cụ thể là việc cha Gioan Bùi Trọng Đề mấy lần viết thư xin Mẹ Bề trên đến lập cộng đoàn ở Nghi Lộc, và nhất là việc Đức Cha Giuse Maria Phạm Năng Tĩnh của Giáo phận Bùi Chu viết thư xin Đức Cha Gioan Baotixita Trần Hữu Đức cử người ra giúp cải tổ Dòng Mến Thánh Giá Bùi Chu. Vì khó khăn của thời cuộc, cả hai yêu cầu này đều không thực hiện được nhưng cũng cho thấy sự thành công của tiến trình cải tổ và quan trọng hơn, chính sự thành công này sẽ giúp Hội Dòng trụ vững được trong các cơn thử thách.
Tháng 10/1963, cộng đoàn Nhà Mẹ Xã Đoài khởi công xây dựng nhà thờ, ngày 05/11/1964 được khánh thành và làm phép; còn nhà nguyện cũ được dùng làm nhà ở cho các chị đã khấn.
1.6. Mến Thánh Giá Vinh dưới thời chiến tranh và cấm cách (1964-1979)
Sự kiện Vịnh Bắc Bộ (08/1964) mở màn cho những năm tháng chiến tranh ác liệt. Chiến sự lan rộng trên cả hai miền Nam Bắc, mà đỉnh điểm là những cuộc không kích quy mô trên toàn miền Bắc. Giáo phận Vinh đã gánh chịu nhiều thiệt hại và dĩ nhiên Dòng Mến Thánh Giá Vinh cũng không thể tránh khỏi các tàn phá của chiến tranh. Thiệt hại nặng nề nhất là Nhà Mẹ Xã Đoài bị bắn phá nhiều đợt, nhất là trận bom ngày 17/05/1968. Trận bom này được gọi là “ngày khủng khiếp có một không hai của chị em Mến Thánh Giá Xã Đoài”, được ghi lại như sau: “Hàng loạt rốc-két (Rocket) ầm ầm trút xuống, cả tu viện chìm trong khói đạn. Nhà đổ sầm sập, chỗ nọ góc kia vọng lên tiếng kêu cứu […] Nguyện đường bị bắn thủng nóc gian cung thánh, nhà Tạm và bàn thờ bật tung. Nhà khách sập tường ngoài. Mái nhà ngủ Tập Viện bị trúng đạn, giường gãy, màn tung.[…] Tính ra vừa chẵn 14 chị bị thương. Mười bốn nạn nhân là 14 chặng đường Thánh Giá của Chúa Kitô trong buổi trưa thứ sáu ngày 17/05/1968. Cả tu viện chìm ngập trong khói lửa và hoang tàn, nào nhà học, nhà ở, lửa bốc cháy ngùn ngụt, khói đen bao trùm […] Nắng hè như đổ lửa, cùng với sức nóng của những ngôi nhà đang cháy, biến tu viện Mến Thánh Giá Xã Đoài thành chảo lửa, sặc sụa khói và thuốc bom đạn […]. Không để đoàn con phải bơ vơ, Đức Giám mục Giáo phận đã cho mẹ con tạm trú tại nhà Dài, nhà Hưu dưỡng của các cha”.
Cùng chịu chung số phận với Nhà Dòng Mến Thánh Giá, ngày 21/07/1968, Nhà thờ Chính Tòa, một số cơ sở của Tòa Giám Mục, Tiểu Chủng Viện và Sở Nhà Thương đều bị bom đạn phá hủy tan hoang. Nhà Chung phải sơ tán, nhưng một số chị em vẫn ở lại để bảo vệ cơ sở Nhà Chung và Nhà Dòng. Như vậy, chị em Mến Thánh Giá Vinh đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh trong giai đoạn này.
Thêm vào đó, chính quyền bấy giờ lại bắt giam một số nữ tu và gây nhiều khó khăn cho các cộng đoàn. Năm 1970, cộng đoàn Nghĩa Yên bị giải tán, còn các chị em bị đuổi về quê. Riêng bà Bề trên Matta Trần Thị Lan và một số chị em vì muốn ở lại để gìn giữ cộng đoàn nên bị nhà nước quy kết tội chống lại cách mạng. Bà và em đệ tử Maria Nguyễn Thị Minh Tâm bị bắt đi cải tạo.
Nhìn lại một chặng đường, tuy gặp nhiều khó khăn, cuộc sống của Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh vẫn tiến triển đều đặn cho đến năm 1971, qua 15 lớp khấn liên tục. Từ năm 1971 trở đi, Tập Viện bị đóng cửa.
Ngày 05/01/1971, Đức Cha Gioan Baotixita Trần Hữu Đức từ trần. Đây là một đại tang cho toàn Giáo phận. Chị em Mến Thánh Giá Vinh khóc thương vị cha già suốt 20 năm đã tận tụy củng cố, xây dựng và phát triển Nhà Dòng.
Ngày 12/03/1971, cha Phêrô Nguyễn Năng được tấn phong Giám mục. Bởi đã nhiều năm làm quản lý Giáo phận, ngài rất thấu hiểu những khó khăn của chị em nên đã quan tâm tạo mọi điều kiện, đáp ứng những nhu cầu cấp thiết cho những hoạt động của Nhà Dòng tùy theo khả năng của Giáo phận. Trong những năm này, cơ sở của Nhà Dòng tiếp tục bị bắn phá. Trận bom ngày 14/10/1972 đã được Đức Cha Phêrô Maria Nguyễn Năng nêu lại trong thư ngày 10/11/1972 như sau: “Nhà Nguyện Dòng Mến Thánh Giá bị đánh sập hoàn toàn, nhà cao và các nhà ở của các nữ tu đều hư hỏng rất nặng, không một nhà nào lành lặn. Tuy nhiên mọi người đều an toàn”.
Năm 1977, Đức Cha Phêrô Maria Nguyễn Năng cho khởi công xây dựng lại Nhà thờ Chính Tòa bị phá hoại trong chiến tranh. Giữa hoàn cảnh khó khăn về đào tạo nhân sự, Đức Cha đã có sáng kiến mở được một khóa Tập chui cho chị em. Trong quá trình xây dựng Nhà thờ Chính Tòa, Đức Cha đã huy động lao công và đã gọi 8 chị về tham gia công trình, buổi sáng hai giờ, buổi chiều hai giờ, thời gian còn lại để cho các chị tu tập. Ngày 06/07/1978, sau tám năm trong chức vị Giám mục giữa muôn vàn khó khăn, ngài được Chúa gọi về. Đoàn con Mến Thánh Giá tiếc thương người cha chung đã tận tụy vì Giáo phận và vì Hội Dòng.
Vào giai đoạn này, một sự kiện đáng tiếc xảy ra, chính quyền đã đóng cửa Sở Nhà Thương Xã Đoài. Trong quá trình thi công xây dựng lại Nhà thờ Chính Tòa Xã Đoài, ngày 02/04/1978, một công nhân trẻ tên là Trần Khắc Sơn, thuộc giáo xứ Ngọc Long, 16 tuổi (đi làm thay anh) bị té ngã từ sàn cao xuống đất. Em liền được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Xã Đoài và làm các thủ tục chuyển viện, nhưng khi đến bệnh viện tỉnh thì em đã tắt thở. Đây là một tai nạn nghề nghiệp, nhưng chính quyền lại quy trách nhiệm cho các nữ tu trong việc cấp cứu và làm thủ tục chuyển viện. Vì lý do đó, năm 1978, Sở Nhà Thương bị chính quyền đóng cửa và giải thể luôn cộng đoàn. Quyết định số 646/QĐ-UB ngày 17/10/1978 của UBND huyện Nghi Lộc quy định số phận các nữ tu đang phục vụ tại đó như sau: “Những người lâu nay lao động phục vụ trong Nhà Thương thì ai ở đâu về đó. Những người nào muốn tiếp tục tu hành thì phải làm đơn trình báo, chính quyền sẽ xét sau”.
Các khó khăn chưa dừng lại ở đó, vì ngay sau vụ việc đóng cửa trên đây, chính quyền yêu cầu Bà Bề trên Trần Thị Đóa về Thanh Hóa, với lý do không cho nhập hộ khẩu tại Xã Đoài. Sau đó, cha chính Phanxicô Xaviê Trần Văn Sáng và cha Giuse Vương Đình Ái cùng vận động với chính quyền tỉnh nên Mẹ Đóa được ở lại.
Ngày 04/03/1979, cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp (lúc này đang là linh mục Tổng Đại Diện Giáo phận Vinh, kiêm quản hạt, quản xứ Hướng Phương) được tấn phong Giám mục Giáo phận Vinh. Với sự khôn ngoan và tận tụy, ngài đã kiên vững dẫn dắt Giáo phận và Hội Dòng đi qua những thăng trầm của thời cuộc.
Sau tất cả các biến cố đã xảy ra, chúng ta mới thấy được công cuộc cải tổ đã được tiến hành một cách vất vả và cực khổ, bằng nhiều nước mắt và có khi cả sinh mạng; qua đó, cho thấy sự quyết tâm và kiên trì của các nữ tu Mến Thánh Giá Vinh trên con đường tận hiến cho Thiên Chúa. Có thể nói rằng, công cuộc cải tổ đã được tiến hành đúng lúc, và các thành tựu của nó đã trở thành nền tảng vững chắc để Hội Dòng có thể cầm cự và tồn tại trong những thập niên với nhiều biến động sau này.
2. Thời kỳ II (1980-2000)
2.1. Giai đoạn kiến tạo và xây dựng đời sống (1980-1990)
Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, sức sống tưởng chừng như khô cằn vì những thăng trầm của thời vận, thì chị em Mến Thánh Giá Vinh lại đón nhận được một làn gió tươi mới của Chúa Thánh Linh. Việc thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam (1980), với định hướng mục vụ mới đã có ảnh hưởng lớn đến sự thăng tiến của Hội Dòng trên mọi chiều kích.
Giống như các vị tiền nhiệm, Đức Cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp đã rất quan tâm đến Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh, là Hội Dòng kỳ cựu nhất và trong nhiều giai đoạn lịch sử là Dòng duy nhất ở Giáo phận. Sự quan tâm này được thể hiện qua những việc làm cụ thể và đem lại những kết quả tích cực.
a/ Đặc cách Tập Viện
Đức Cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp nhận thấy có khá nhiều nữ tu cao niên đã tu tập nhiều năm, nhưng do những khó khăn của thời thế nên chưa được trở thành những nữ tu thực thụ. Ngài đã trăn trở tìm cách cho chị em được huấn luyện giai đoạn Tập Viện để được tuyên khấn. Nhân dịp đi viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô tại Rôma, ngài đã xin Tòa Thánh cho phép lập Tập Viện ở từng cộng đoàn để đào tạo “lớp học trò cao tuổi” đã kiên trì chờ đợi suốt hơn 20 năm. Tòa Thánh đã chấp thuận. Ngày 21/11/1979, lớp Nhà Tập đặc biệt này được mở tại các cộng đoàn: Lưu Mỹ, Vạn Lộc, Trang Nứa và Hướng Phương, “để đào tạo lớp học trò cao tuổi đã kiên trì chờ đợi ròng rã 20 năm. Chương trình đó được thực hiện tốt đẹp, và cuối năm 1980, có lễ khấn tạm cho lớp học trò ấy tại Xã Đoài với con số là 33 chị em”.
b/ Bước chuyển tiếp trong cơ cấu Ban Điều Hành
Năm 1981, Mẹ Đóa xin từ chức vì lý do sức khỏe và tuổi tác, Hội Dòng bầu Mẹ Maria Nguyễn Thị Thịnh làm Bề trên. Mẹ Thịnh là một trong 17 khấn sinh đầu tiên do Mẹ Đóa đào tạo vào năm 1953. Sự kiện này đánh dấu thêm một mốc trưởng thành của Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh. Từ đây, chính các nữ tu Mến Thánh Giá Vinh đảm nhận vai trò lãnh đạo và xây dựng Hội Dòng. Ngoài việc hướng dẫn chị em trong phục vụ, mẹ bắt tay vào công cuộc nâng cấp các cơ sở của Dòng, đặc biệt là việc xây dựng một nhà tầng dài và rộng tại Nhà Mẹ Xã Đoài, để đón tiếp quý chị em từ các cộng đoàn về tĩnh tâm hằng năm. Cũng trong năm này, nhằm giúp chị em trau dồi thêm kiến thức, Đức Cha và Ban Điều Hành Hội Dòng gửi một số chị em vào Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế để học hỏi; nhưng đáng tiếc, do không được cấp hộ khẩu, nên chỉ sau một tháng, chị em phải trở về. Việc đào tạo nhân sự cho Hội Dòng chuyển sang hướng khác.
c/ Nội Quy 1982
Một trong những việc quan trọng mà mẹ Bề trên mới và Hội đồng Dòng đã thực hiện là ban hành Nội Quy Dòng Mến Thánh Giá Vinh. Bản Nội Quy này chủ yếu dựa theo ba văn bản pháp quy chính yếu của Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa là “Hiến pháp Nhà Dòng, Quy luật và Tục lệ”, được Mẹ Thịnh và các chị trong Hội đồng Dòng bổ sung một số điều cho phù hợp với truyền thống Vinh. Bản Nội Quy được đưa vào áp dụng từ dịp Phục Sinh năm 1982, bao gồm 15 chương và 204 điều, nêu lên mục tiêu, đặc sủng của ơn gọi Mến Thánh Giá, cũng như quy định mọi mặt trong đời sống của Hội Dòng.
d/ Xây dựng và cải tổ khác
Với sự giúp đỡ của Tòa Giám mục, đặc biệt của Đức Cha Phêrô Gioan, chị em lần lượt xây dựng thêm một số căn nhà tại cộng đoàn Nhà Mẹ Xã Đoài để đáp ứng kịp thời những nhu cầu sinh hoạt và học tập. Cũng trong thời gian này, Đức Cha đã cho phép chị em được thay đổi tu phục gọn gàng và hợp thời hơn để thuận tiện cho việc phục vụ và rao giảng Tin Mừng.
Ngày 22/10/1984, Mẹ Đóa đột ngột qua đời, để lại muôn vàn tiếc thương cho chị em Mến Thánh Giá thuộc Giáo phận Vinh và Thanh Hóa.
Sau hai nhiệm kỳ tận tâm hướng dẫn chị em, Mẹ Thịnh đã nghỉ hưu. Năm 1991, Hội Dòng đã bầu chọn chị Anê Nguyễn Thị Tâm làm Tổng Phụ Trách. Với tầm nhìn trẻ trung và cầu tiến, đồng thời, về phía chính quyền cũng đã cởi mở dễ dàng hơn, nên khi bắt tay vào việc, chị Anê đã mạnh dạn thực hiện những hướng đi mới phù hợp với đường lối canh tân của Giáo Hội. Trong thời kỳ này, Đức Cha Phêrô Gioan đã bổ nhiệm cha Phêrô Hoàng Bảo làm tuyên úy Hội Dòng.
2.2. Giai đoạn phát triển và hội nhập (1991 – 1999)
Từ thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh bước vào thời kỳ phát triển và hòa nhập mà các biến cố lớn là thử nghiệm Hiến Chương Dòng Mến Thánh Giá (1991), gia nhập đại gia đình Liên Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam (1991), mở lại Nhà Tập (1993) và khẳng định một bước tiến bền vững (từ năm 1998).
a/ Thử nghiệm Hiến Chương Dòng Mến Thánh Giá
Trong gần 300 năm đầu hiện diện, các nữ tu Mến Thánh Giá sống với nhau thành những cộng đoàn nhỏ, biệt lập, dưới sự lãnh đạo chung của các Đấng Bản quyền, nhưng chưa có cơ cấu tổ chức.
Trước luồng gió của Công đồng Vatican II và Bộ Giáo Luật năm 1983, những tầm nhìn và yêu cầu mới đối với các dòng tu và đời sống thánh hiến được chú trọng, đặc biệt nhấn mạnh đến việc canh tân và thích nghi đời tu trong một xã hội đang đổi thay. Một trong những trọng tâm của công cuộc canh tân là trở về nguồn, tìm lại diệu cảm, đặc sủng, linh đạo ban đầu của Đấng Sáng Lập.
Ngày 27/02/1990, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình phê chuẩn Hiến Chương và đề nghị áp dụng thử nghiệm cho bảy Hội Dòng Mến Thánh Giá có Nhà Mẹ trong Giáo phận Sài Gòn trong vòng bốn năm. Nhiều Giáo phận khác cũng đồng ý cho các Hội Dòng Mến Thánh Giá của mình áp dụng Hiến Chương này, trong đó có Giáo phận Vinh. Ngày 13/09/1991, Đức Cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp cho Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh áp dụng thử nghiệm. Lúc này, Hội Dòng có 158 chị em có lời khấn.
b/ Mở lại Nhà Tập
Năm 1992 là Năm Thánh của Giáo phận Vinh. Nhân dịp này, Ban Tôn giáo Chính phủ đã đến viếng thăm Tòa Giám mục và Nhà Dòng, chị em đã đề đạt lên ba nguyện vọng và đều được chấp thuận:
– Cho phép Tu Viện được tiếp nhận ơn gọi cách dễ dàng.
– Cho số chị em hiện đang “lưu vong” ở ngoài được trở về cộng đoàn.
– Cho phép chị em được tự do thuyên chuyển giữa các cộng đoàn theo như Hiến Chương và Nội Quy mà Hội Dòng quy định.
Năm 1993, toàn Hội Dòng có 20 em được cấp hộ khẩu chính thức để nhập Dòng và tiếp tục hằng năm.
Sau 23 năm ngưng hoạt động, ngày 25/03/1993, Tập Viện được hoạt động trở lại. Đầu năm 1996, Tập Viện được chính quyền công khai chấp thuận. Ngày 21/11/1996, có 13 chị được tuyên khấn lần đầu và ngày 21/11/1998, có thêm 11 chị được khấn lần đầu. Đây quả là một hồng ân cao cả sau 25 năm “không có các lớp khấn” (1971-1996). Cũng từ năm 1996 trở đi, Tập Viện tuyển sinh hằng năm, nên từ năm 1998 đến nay, mỗi năm đều có lớp khấn. Số chị được tuyên khấn từ năm 1996 đến năm 2002 là 94 chị. Tháng 09/1998, Đức Cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp đặt cha Phêrô Lê Duy Lượng làm tuyên úy cho Hội Dòng.
c/ Đặc cách khấn tư mật
Ngày 20/11/1996, qua sự chuẩn nhận của Đức Cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp, Hội Dòng đã cho phép sáu chị được “khấn tư mật”, nghĩa là khấn riêng với cha linh hướng sau một thời gian được đào tạo, và lặp lại lời khấn này vào dịp cấm phòng năm. Đây là những chị em đã trung kiên theo Chúa từ những năm 1947, 1950 và những năm sau này. Các chị là những người đã kinh qua những thời khắc khó khăn nhất của chiến tranh và thời cuộc, nhưng lại không có điều kiện để được huấn luyện và thánh hiến qua lễ nghi của Giáo Hội. Hơn nữa, vì hoàn cảnh gia đình, các chị không có cơ hội học tập, nhưng ước muốn được theo Chúa trong ơn gọi tu trì nên xin vào Dòng giúp việc nhà Chúa. Với thời gian, quý chị là những người đảm nhận các công việc chân tay, âm thầm phục vụ trong Nhà Dòng, Nhà Chung và Đại Chủng Viện. Các chị là những chứng tá sống động trong việc trung thành sống ơn gọi thánh hiến trước khi được thánh hiến và cũng là những người kiên trung bảo vệ ơn gọi của mình và gia sản của Hội Dòng. Nhận thấy được lòng đạo đức, sự khao khát cũng như sự nhiệt tình và dấn thân xây dựng Hội Dòng nên Hội Dòng đã cho các chị được khấn tư mật. Sau lớp khấn tư mật lần đầu tiên năm 1996, còn có thêm một số lớp khấn tư mật nữa trước khi chấm dứt hoàn toàn (lớp thứ hai vào ngày 25/03/1999 gồm 9 chị; lớp thứ ba ngày 25/03/2000 gồm 22 chị; lớp khấn cuối cùng ngày 25/03/2005 gồm 20 chị).
d/ Một vài sự kiện khác
Nhờ số nhân sự gia tăng liên tục đi kèm với chất lượng đào tạo được nâng cao, nên Hội Dòng vừa có thể mở thêm cơ sở, vừa có thể mở rộng các hoạt động mục vụ và xã hội.
Kể từ năm 1991 về sau, hầu hết các cộng đoàn của Hội Dòng đã từng bước xây dựng nhà ngủ, nhà ăn, nhà học để tạo điều kiện tốt hơn cho chị em sinh hoạt và học tập. Đặc biệt là các Nhà Nguyện đã được xây dựng lại tại Nhà Mẹ Xã Đoài, cộng đoàn Trang Nứa, Lưu Mỹ, Nghĩa Yên, và Hướng Phương.
Tháng 04/1999, chị Anê Nguyễn Thị Tâm mãn nhiệm (1991-1999), chị Anna Đậu Thị Nhung được bầu làm Tổng Phụ Trách. Chị đã cùng với chị em chung vai sát cánh xây dựng Hội Dòng ngày càng thăng tiến hơn. Chị được chị em tín nhiệm bầu chọn làm Tổng Phụ Trách trong suốt ba nhiệm kỳ liên tục (1999-2011).
Ngoài việc mời các cha giáo giúp các lớp Tập sinh, Tiền tập và Thanh tuyển tại Nhà Mẹ, Hội Dòng còn tổ chức các khóa thường huấn cho lớp khấn sinh hằng năm vào các dịp hè từ mười ngày đến hai tuần, với các môn học như Kinh Thánh, Giáo lý tổng quát, Luân lý, Tín lý, Sư phạm Giáo lý, Tu đức, Đời sống thánh hiến, Giáo Luật về đời sống thánh hiến, Đời sống cộng đoàn…
Bên cạnh đó, Hội Dòng còn tuyển chọn một số khấn sinh đi học tại các Học Viện Thần Học ở Sài Gòn và Bùi Chu. Một số khác thì vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp theo các phân khoa khác nhau, nhằm đáp ứng cho những nhu cầu phục vụ.
III. CHÂN TRỜI MỞ RỘNG (từ năm 2000 đến nay)
Ngày 27/01/2000, Đức Cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp đã chính thức phê chuẩn Hiến Chương cho Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh sau gần 9 năm thử nghiệm (kể từ ngày 13/09/1991). Đây là biến cố quan trọng đánh dấu một bước tiến vững chãi mới của Hội Dòng.
Ngày 11/12/2000, Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, Giám mục phó Giáo phận Vinh, kế vị Ðức Cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp trong cương vị chủ chăn Giáo phận. Đức Cha Phaolô Maria là người cha hết mực tận tụy, đã đồng hành cùng với đoàn con Mến Thánh Giá Vinh trong suốt một thập niên chuyển mình giữa một xã hội đang tiến đến công cuộc hiện đại hóa.
Năm 2002, Hội Dòng mừng kỷ niệm 50 năm hồng ân Cải tổ, và đã cho ra đời cuốn Kỷ Yếu đầu tiên của Hội Dòng.
Từ năm 2004, nhằm đào tạo nhân sự cho nhu cầu tương lai, Hội Dòng đã chọn một số chị em đi du học tại các quốc gia: Italia, Philippines, Pháp, Mỹ, New Zealand. Phần lớn các chị em, sau khi đã học tập và tu luyện ở hải ngoại trở về Việt Nam, mang những kinh nghiệm cùng vốn tri thức mà mình tích lũy được để phục vụ Hội Dòng và Giáo phận. Một số chị em khác được chọn ở lại phục vụ tại đất nước mà mình tu học.
Ngày 13/05/2010, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chấp nhận đơn xin từ nhiệm của Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, đồng thời bổ nhiệm cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP., làm Giám mục Chính Tòa kế nhiệm. Trong muôn vàn nỗi ưu tư chung của Giáo phận, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp vẫn luôn dành mối quan tâm đặc biệt cho việc củng cố cơ cấu và canh tân đường hướng huấn luyện của Hội Dòng.
Tháng 11/2010, với niềm thao thức cho công việc đào tạo của Hội Dòng, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Tâm (giáo sư Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê) làm tuyên úy, đánh dấu nhiều thay đổi căn bản trong công việc huấn luyện. Đức Cha Phaolô và cha Phêrô đã hướng dẫn chị em nâng cao chương trình đào tạo và từng bước đưa chương trình đã hoạch định đi vào quy củ. Đặc biệt, các ngài đã xúc tiến việc thực hiện chương trình đào tạo sơ khởi cho các em đệ tử bằng kế hoạch thành lập một trung tâm huấn luyện dành riêng cho các em.
Ngày 02/05/2011, chị Anna Đậu Thị Nhung mãn nhiệm, chị Anna Phan Thị Phê được bầu làm chị Tổng Phụ Trách (2011-2015). Cùng với toàn thể chị em trong Hội Dòng, chị đã nỗ lực kiến tạo Hội Dòng và đem đến nhiều thay đổi trong những năm này.
Ngày 20/08/2011, Trung Tâm Đệ Tử Viện Gia Hòa được chính thức thành lập và trở thành nơi quy tụ các em đệ tử tại các cộng đoàn về để thực hiện chương trình đào tạo theo một tiến trình huấn luyện. Vì vậy, từ việc nhận riêng đệ tử tại các cộng đoàn, thì nay Ban Đào tạo đảm nhiệm việc tuyển sinh tại một trung tâm, để có chương trình huấn luyện chuyên biệt cho các em (Trung Tâm Đệ Tử Viện Gia Hòa được Tổng Tu Nghị khóa VIII đổi tên thành Thanh Tuyển Viện Gia Hòa, cùng với việc đổi “Đệ Tử sinh” thành “Thanh Tuyển sinh”). Cũng trong năm 2011, dưới sự hướng dẫn của Đức Cha Phaolô và cha tuyên úy Phêrô, Ban Điều Hành Hội Dòng đã quyết định tách lớp Tiền Tập ra khỏi nội vi của lớp Tập Giáo Luật.
Ngày 15/06/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, lúc bấy giờ là Tổng Đại Diện Giáo phận Vinh, làm Giám mục Phụ tá Giáo phận Vinh. Với sự quan tâm và tình thương của người mục tử, ngài đã đồng hành với Hội Dòng trong sự thăng tiến về huấn luyện, cơ sở vật chất và đời sống.
Cũng trong năm 2013, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp nhận thấy có hai bậc sống trong Hội Dòng. Các chị tư mật được xem như là bậc trợ sĩ, nhưng theo chỉ dẫn của công đồng Vaticanô II thì dòng nữ chỉ có một bậc sống mà thôi. Cho nên, Đức Cha đã khuyến khích Ban Điều Hành chuẩn cho các chị được khấn công, và ngài đã ủy nhiệm cho cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Tâm trực tiếp hướng dẫn trong việc nâng bậc sống của các chị. Ban Điều Hành đã quyết định đặc cách hết mọi tiêu chuẩn về tuổi tác, trình độ, sức khỏe, cũng như những tiêu chuẩn khác để các chị được làm năm Tập theo Giáo Luật và Hiến Chương của Hội Dòng. Lớp Tập này khai giảng ngày 20/09/2013 tại cộng đoàn Nghĩa Yên, nhưng đến ngày 21/03/2014, được chuyển về Nhà Mẹ Xã Đoài vì có nhiều điều bất tiện. Ngày 08/09/2014, các chị được công khai dâng lời khấn lần đầu trong bầu khí ngập tràn hạnh phúc của Hội Dòng, của gia đình và của chính quý chị.
Năm 2014, Học Viện Liên Dòng Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII Giáo phận Vinh được thành lập, tạm mượn cơ sở Nhà Đa năng của Cộng đoàn Nhà Mẹ Xã Đoài để hoạt động (2014-2022). Kể từ đây, tất cả chị em đã tuyên khấn lần đầu được ở lại Nhà Mẹ để học chương trình thần học trong 2 năm trước khi đi sứ vụ tại các cộng đoàn.
Ngày 27/05/2015, chị Maria Hồ Thị Quy được bầu làm Tổng Phụ Trách Hội Dòng trong Tổng Tu Nghị khóa VII (nhiệm kỳ 2015-2019). Chị đã dẫn dắt Hội Dòng thăng tiến hơn trên nhiều lĩnh vực.
Ngày 14/09/2016, Đức Cha Phaolô bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Văn Vinh làm tuyên úy Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh. Với bao nỗi ưu tư cho việc huấn luyện của Hội Dòng, cha Phêrô đã tận tình hướng dẫn và đồng hành với chị em trong các sinh hoạt của Hội Dòng. Tháng 08/2017, vì được bổ nhiệm làm Tổng Đại Diện của Giáo phận Vinh, nên ngài không thể tiếp tục trong cương vị tuyên úy của Hội Dòng. Tuy vậy, ngài vẫn luôn dành sự thao thức, quan tâm và thời gian cho chị em trong chương trình đào tạo và đời sống thiêng liêng.
Ngày 22/12/2018, Tòa Thánh công bố thành lập Giáo phận Hà Tĩnh (tách ra từ Giáo phận Vinh); đồng thời, bổ nhiệm Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp làm Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh và Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long làm Giám mục Giáo phận Vinh. Với sự quan tâm đặc biệt đến đời sống thánh hiến và công cuộc Loan Báo Tin Mừng, Đức Cha Anphong đã dẫn dắt Hội Dòng đi đến những bước tiến mới trong đời sống và sứ vụ.
Biến cố chia tách Giáo phận đã dẫn đến quyết định xin chia tách Hội Dòng để thuận lợi hơn cho sứ vụ của chị em tại hai Giáo phận. Ngày 15/03/2019, chị Tổng Maria Hồ Thị Quy gửi hồ sơ lên Tòa Thánh xin chia tách một Hội Dòng mới tại Giáo phận Hà Tĩnh.
Ngày 29/06/2019, Tổng Tu Nghị khóa VIII (2019-2023) đã bầu chị Maria Nguyễn Thị Nga làm Tổng Phụ Trách và đã có những định hướng về việc tách miền để chuẩn bị cho việc chia tách Hội Dòng. Thế nhưng, vào tháng 07/2019, Tòa Thánh trả lời không chấp nhận đơn thỉnh nguyện. Việc chia miền chính thức bị vô hiệu hóa. Với những thao thức cho sự phát triển của Hội Dòng, chị Tổng Phụ Trách Maria Nguyễn Thị Nga và Ban Điều Hành Hội Dòng bắt tay vào những kế hoạch mới.
Quy hoạch tổng thể khuôn viên Nhà Mẹ Hội Dòng: Nhận thấy các công trình nhà ở của chị em xuống cấp trầm trọng, hơn nữa, nhà ở của chị em quá chật hẹp và bất tiện, có những phòng ngủ từ 20 đến 50 người. Các chị em phục vụ ở ngoài xứ trở về Cộng đoàn Nhà Mẹ mỗi dịp tĩnh tâm tháng không có chỗ ở ổn định, các dịp thường huấn và tĩnh tâm năm lại càng chật vật hơn, các phòng cần thiết cho các sinh hoạt khác thì chưa có. Chính vì thế, đầu năm 2020, Ban Điều Hành Hội Dòng đã bắt đầu khởi công quy hoạch tổng thể khuôn viên Nhà Mẹ Hội Dòng. Tháng 11/2022, ngôi nhà đầu tiên trong bản quy hoạch đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Mừng Năm Thánh 350 năm Dòng Mến Thánh Giá: Ngày 14/09/2019, cùng với Liên Dòng Mến Thánh Giá, Hội Dòng đã long trọng tổ chức Thánh Lễ Khai mạc Năm Thánh mừng 350 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá (1670-2020) trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì sự quan phòng nhiệm lạ của Người trên Dòng Mến Thánh Giá xuyên suốt dọc dài lịch sử. Vào ngày 30/07/2020, Hội Dòng đã long trọng bế mạc Năm Thánh trong bầu khí cảm mến tri ân.
Thiết Lập Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá Vinh: Công cuộc hồi sinh Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá tại đất Vinh là một nỗi khát mong bấy lâu của Hội Dòng. Tuy vậy, qua các thời kỳ, chị em chưa có đủ điều kiện thuận lợi để thực hiện. Năm 2020, Hội Dòng đã từng bước vận hành và có những biến chuyển cụ thể cho những gì liên quan đến công cuộc thiết lập Hiệp Hội. Ngày 28/10/2022, thay mặt Hội Dòng, chị Tổng Phụ Trách Maria Nguyễn Thị Nga đã đệ đơn xin Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long thiết lập Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá Vinh và phê chuẩn Quy Chế cho Hiệp Hội. Ngài đã chấp thuận thỉnh nguyện của Hội Dòng qua Nghị định thiết lập Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá Vinh và phê chuẩn Quy Chế Hiệp Hội vào ngày 08/11/2022. Đúng 5h30 sáng, ngày 21/11/2022, Hội Dòng đã tổ chức nghi thức gia nhập Hiệp Hội cho 208 anh chị em giáo dân thuộc các giáo xứ: Vạn Lộc, Ngọc Long, Mẫu Lâm, Vĩnh Giang, Kẻ Gai, Cự Tân và Thanh Dạ tại Nhà Mẹ Hội Dòng. Vào lúc 8h00 sáng cùng ngày, Hội Dòng đã long trọng ra mắt Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá Vinh trong thánh lễ Tạ Ơn và Mừng Hồng Ân Thánh Hiến. Ngày 14/09/2023, những hội viên tiên khởi đã dâng lời cam kết lần đầu, đánh dấu một bước ngoặt hồng ân trong công cuộc hồi sinh Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá tại Vinh.
Thành lập Mái Ấm Bêtania: Ngày 20/11/1990, Hội Dòng đã thiết lập mái ấm nuôi dưỡng các cháu mồ côi, người khuyết tật tại khuôn viên cộng đoàn Nhà Mẹ. Năm 2012, khi có điều kiện thuận lợi, mái ấm đã được di dời ra trung tâm Thiện Tâm Faustina. Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, vào tháng 02/2022, Hội Dòng đã quyết định đón các cháu khuyết tật từ Mái Ấm Thiện Tâm Faustina về khuôn viên Hội Dòng và nhận thêm nhiều mảnh đời bất hạnh khác về chăm sóc. Tạ ơn Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, sau 10 tháng hoạt động, vào ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, 08/12/2022, Hội Dòng vui mừng nhận được quyết định cho thành lập Mái Ấm Bêtania và được phép hoạt động theo tính chất pháp lý.
Thỉnh nguyện mở Năm Thánh 2024: Vào ngày 30/10/2022, chị Tổng Phụ Trách Maria Nguyễn Thị Nga đã thay cho toàn thể Hội Dòng đệ đơn xin Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Giáo phận Vinh xin Tòa Thánh cho Hội Dòng được mở Năm Thánh kỷ niệm 100 năm Hội Dòng được Giáo quyền thừa nhận là Dòng Giáo phận (1924-2024) và 70 năm cải tổ Hội Dòng (1953-2023). Thỉnh nguyện của Hội Dòng được Đức Cha trình lên Tòa Thánh và được Tòa Thánh chấp thuận qua sắc lệnh 1303/22/I vào ngày 09/04/2023.
Từ ngày 07-15/06/2023, Hội Dòng họp Tổng Tu Nghị lần thứ IX, chị Tổng Phụ Trách Maria Nguyễn Thị Nga tái đắc cử nhiệm kỳ 2023-2027. Tổng Tu Nghị đã hoạch định đường hướng “sống sứ vụ Loan Báo Tin Mừng theo tinh thần Đức Cha Lambert” cho nhiệm kỳ này. Sau Tổng Tu Nghị, Hội Dòng tiến hành các công tác chuẩn bị cho Năm Thánh.
QUÝ BỀ TRÊN QUA CÁC NHIỆM KỲ
1. Mẹ Anê Trần Thị Đóa
Mẹ Anê Trần Thị Đóa sinh ngày 13/04/1913, tại giáo xứ Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình), vào Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa ngày 24/04/1926, khấn Dòng ngày 02/02/1932. Theo thỉnh cầu của Đức Cha Gioan Baotixita Trần Hữu Đức, với sự chấp thuận của Đức Cha De Cooman Hành, mẹ lên đường vào Vinh ngày 04/03/1952, ghé qua Xã Đoài và tới Cộng đoàn Vạn Lộc ngày 20/02/1952. Sau một tháng chuẩn bị, vào ngày ngày 20/03/1952, mẹ mở Nhà Thử đầu tiên theo đường hướng cải tổ. Nhà thử kéo dài 8 tháng. Sau đó, vào ngày 20/11/1952, Nhà Tập chính thức được khai giảng. Mẹ Anê Trần Thị Đóa được Đức Cha Trần Hữu Đức đặt làm Bề trên tiên khởi của Dòng Mến Thánh Giá Vinh. Mẹ đảm đương chức vụ này trong 30 năm, giữa muôn vàn khó khăn. Mẹ đã lãnh đạo Hội Dòng một cách khôn ngoan và cương nghị, giúp Hội Dòng đứng vững giữa thời cuộc và tạo được những tiền đề phát triển về sau. Ngày 27/04/1981, mẹ được nghỉ ngơi dưỡng bệnh. Mẹ từ trần ngày 22/10/1984. Quý mến công lao và đức độ của mẹ, Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh đặt mẹ Đóa là “Tổ phụ” qua các thời kỳ.
2.Mẹ Maria Nguyễn Thị Thịnh
Mẹ Maria Nguyễn Thị Thịnh sinh ngày 05/02/1916 tại giáo xứ Vạn Lộc (Nam Đàn, Nghệ An), vào dòng ngày 14/11/1936, Phụ Trách Nhà Phước Lưu Mỹ từ năm 1946-1952. Sau đó, Mẹ được chọn vào lớp Nhà Tập đầu tiên tại Vạn Lộc năm 1952, khấn Dòng 21/11/1953 và trở về phụ trách Cộng đoàn Lưu Mỹ, cho đến ngày 15/08/1956 thì chuyển về phụ trách Nhà Lẫm Xã Đoài và làm Giám Tập. Mẹ khấn trọn đời ngày 21/11/1957. Vào ngày 21/11/1968, mẹ được bổ nhiệm làm Quản lý Hội Dòng và đảm đương công việc này hơn 10 năm, cho đến khi mẹ đươc bầu chọn làm Phụ Trách Cộng đoàn Nhà Mẹ vào ngày 05/02/1979. Sau khi mẹ Đóa xin nghỉ hưu, mẹ Thịnh được bầu làm Bề trên hai khóa liền (27/04/1981 đến 23/04/1991). Sau hai nhiệm kỳ, mẹ làm Tổng Cố vấn cho đến ngày nghỉ hưu (04/1996). Mẹ Maria Nguyễn Thị Thịnh từ trần ngày 30/08/2007. Mẹ là một trong những hoa trái đầu tiên của chương trình cải tổ và là con cái Mến Thánh Giá Vinh đầu tiên nhận trách nhiệm lãnh đạo Hội Dòng. Mẹ để lại nhiều công trình, củng cố các cộng đoàn, soạn thảo và ban hành Bản Nội Quy Hội Dòng năm 1982.
3.Chị Anê Nguyễn Thị Tâm
Chị Anê Nguyễn Thị Tâm sinh ngày 08/09/1938 tại giáo xứ Bảo Nham (Yên Thành, Nghệ An), vào Dòng ngày 14/04/1952, vào Nhà Tập ngày 20/11/1959, khấn lần đầu ngày 21/11/1960 và khấn trọn ngày 21/11/1967. Chị từng đảm đương các chức vụ: Chị Giáo Nhà Tập (1960-1971), Phó Phụ Trách Cộng đoàn Nhà Mẹ (1979-1981), Phụ Trách Cộng đoàn Nhà Mẹ (1981-1987), Phó Tổng Phụ Trách Hội Dòng (1988-1991), Tổng Phụ Trách Hội Dòng (1991-1999). Sau hai nhiệm kỳ, chị được bổ nhiệm làm Đặc Trách Tập Viện (2002-2005), Phụ Trách Cộng đoàn Nhà Mẹ (2005-2010), Phụ Trách Cộng đoàn Thiện Tâm (2011-2015). Ngày 01/01/2016, chị Anê Nguyễn Thị Tâm nghỉ dưỡng tại nhà hưu Cộng đoàn Nhà Mẹ.
4. Chị Anna Đậu Thị Nhung
Chị Anna Đậu Thị Nhung sinh ngày 28/10/1946 tại giáo xứ Thọ Ninh (Đức Thọ, Hà Tĩnh), vào Dòng ngày 20/02/1957, khấn Dòng ngày 21/11/1967, phục vụ Nhà Chung và Đại Chủng Viện (1988-1991), đi học tại Sài Gòn (1991-1994). Sau đó, chị lần lượt đảm nhận các chức vụ: Tổng Cố vấn, kiêm chị giáo Nhà Tập (1994-1996), Đặc Trách Khấn Sinh (1996-1999), Tổng Phụ Trách (1999-2011). Sau ba nhiệm kỳ, chị được bổ nhiệm làm Đặc Trách Tập Viện (2011-2013), Phụ Trách Cộng đoàn Nghĩa Yên (2013-2015) và là Tổng Cố vấn (2015-2019). Chị nghỉ hưu từ ngày 29/07/2019.
5. Chị Anna Phan Thị Phê
Chị Anna Phan Thị Phê sinh ngày 25/03/1944, tại giáo xứ Trung Song (Diễn Châu, Nghệ An), vào Dòng ngày 18/11/1957, vào Nhà Tập ngày 20/11/1966, khấn lần đầu ngày 21/11/1967 và khấn trọn ngày 21/11/1980. Chị được gửi vào Sài Gòn học năm 1988. Sau đó, chị lần lượt đảm nhận các chức vụ: Chị Giáo Nhà Tập (2002-2004), Đặc Trách Nhà Tập (2005-2010), Tổng Phụ Trách (2011-2015). Sau nhiệm kỳ, chị được bổ nhiệm làm chị giáo Nhà Tập (10/06/2015) và nghỉ hưu từ ngày 27/08/2016.
6. Chị Maria Hồ Thị Quy
Chị Maria Hồ Thị Quy sinh ngày 07/10/1969 tại giáo xứ Bố Sơn (Nghi Lộc, Nghệ An), vào Dòng ngày 05/06/1989, vào Nhà Tập ngày 10/03/1993, khấn dòng ngày 21/11/1996, khấn trọn ngày 21/11/2002, sau đó tu học tại Rôma (từ 02/2004 đến ngày 06/08/2009). Trở về nhà Dòng, chị Maria Hồ Thị Quy lần lượt đảm đương các chức vụ: Phó Phụ Trách Cộng đoàn Nhà Mẹ (2010 – 2011), Tổng Cố Vấn Hội Dòng (2011 – 2015), Phụ Trách Nhà Mẹ (2011 – 2012) và được bầu làm Tổng Phụ Trách Hội Dòng trong Tổng Tu Nghị khóa VII (2015-2019).
7. Chị Maria Nguyễn Thị Nga
Chị Maria Nguyễn Thị Nga sinh ngày 01/05/1977, tại giáo xứ Tân Lộc (Nghi Tân, Cửa Lò, Nghệ An). Chị vào Dòng ngày 02/06/1992; vào Nhà Tập ngày 20/11/1997; khấn Dòng ngày 21/11/1999; sau đó tu học tại Philippines từ tháng 06/2004 đến tháng 02/2014; khấn trọn ngày 01/06/2009. Chị lần lượt đảm đương các chức vụ: Đồng hành Khấn Sinh (2014-2015); Phó Tổng Phụ Trách kiêm Phụ Trách Cộng đoàn Nhà Mẹ (2015-2019). Tháng 06/2019, chị được bầu làm Tổng Phụ Trách Hội Dòng trong Tổng Tu Nghị khóa VIII (2019-2023) và tái đắc cử Tổng Phụ Trách trong Tổng Tu Nghị khóa IX (2023-2027).
TRI ÂN
Nhìn lại những trang sử nhuần thấm ân sủng và tình thương của Thiên Chúa, chị em Mến Thánh Giá Vinh trào dâng niềm cảm mến sâu xa, cất cao Khúc Cảm Tạ bởi nghiệm thấy “bàn tay Chúa luôn bao bọc cả sau lẫn trước” (Tv 138,5). Có thể nói sự tồn hữu và phát triển của Dòng Mến Thánh Giá Vinh cũng như những thành quả đóng góp của Hội Dòng cho sức sống của Giáo phận trong chặng đường lịch sử vừa qua, trên hết là nhờ tình thương và quyền năng của Thiên Chúa, thể hiện qua những con người cụ thể, từ các Vị Chủ Chăn, đến các linh mục Tuyên úy, Quý Cha giáo, Quý Cha ân nhân, Quý Chị Tiền nhân cũng như nhiều tâm hồn thiện chí khác. Bên cạnh đó, Hội Dòng còn mang nặng ơn nghĩa với các Hội Dòng Mến Thánh Giá, đặc biệt là Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa, đã tương trợ và giúp đỡ nhiều mặt. Hội Dòng xin khắc sâu những ân nghĩa cao dày ấy.
Tìm về những dấu ấn lịch sử là dịp thuận lợi để toàn thể Hội Dòng đi sâu vào cuộc “tự kiểm”, tái khám phá hành trình lớn lên giữa vườn hoa tâm linh Giáo Hội, hồi tâm lại những bước chân trên mọi nẻo đường sứ vụ và tăng thêm nhuệ khí thiêng liêng để hân hoan tiến bước về phía những chân trời hy vọng, mà dấn thân phục vụ cho vinh quang Thiên Chúa và phần rỗi con người, nhằm thành toàn ơn gọi của những người Mến Thánh Giá theo khuôn mẫu của Đấng Chịu Đóng Đinh.
Thiết tưởng “khép lại” dòng hồi ký lịch sử cũng là lúc để Hội Dòng “mở ra” những dự phóng mới cho việc sống đặc sủng của mình bằng quyết tâm thánh thiện nhằm thông truyền “thần lực, khí thiêng” vào cánh đồng nhân tâm trong thời đại kỹ nghệ. Ước mong rằng những dòng sử vắn vỏi trên sẽ làm sống lại tiến trình “Thiên Chúa xây dựng và canh tân Nhà của Người”, cùng làm dấy lên trong lòng các thế hệ hiện tại và tương lai khát vọng được thuộc trọn về Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh dưới mái nhà Mến Thánh Giá Vinh thân thương.
THỐNG KÊ NHÂN SỰ
Thống kê số liệu vào tháng 09/2023, Hội Dòng có 1223 thành viên, bao gồm: 611 chị Khấn Trọn, 363 Khấn Sinh, 74 Tập Sinh, 25 Tiền Tập và 150 Thanh Tuyển.
Các thành viên trực thuộc 12 cộng đoàn và Thanh Tuyển Viện:
- Cộng đoàn Nhà Mẹ Xã Đoài
- Cộng đoàn Hướng Phương
- Cộng đoàn Lưu Mỹ
- Cộng đoàn Quy Chính
- Cộng đoàn Chân Thành
- Cộng đoàn Vạn Lộc
- Cộng đoàn Trang Nứa
- Cộng đoàn Nghĩa Yên
- Cộng đoàn Thiện Tâm
- Cộng đoàn Yên Đại
- Cộng đoàn Quý Hòa
- Cộng đoàn Hà Lời
- Thanh Tuyển Viện
Có thể bạn quan tâm
Hội dòng Mến Thánh Giá Vinh: Bế mạc Năm Thánh kỷ niệm 100..
Th11
Hồng ân đêm Diễn Nguyện kỷ niệm 340 năm Hiện Diện, 100 năm..
Th11
Nguyện cầu đêm hồng ân!!!
Th11
Nguyện xin!!!
Th11
Cáo phó: Thân mẫu của nữ tu Anna Phan Thị Hòa (Cộng đoàn..
Th11
Hợp rồi tan
Th11
Bên Chúa muôn đời hay cách xa vĩnh viễn? (Suy niệm Tin Mừng..
Th11
Kitô Hữu Chiếm 75% Tổng Số Các Cuộc Bách Hại Chống Các Tôn..
Th11
Trường ca tự tình khúc
Th11
Tuổi già
Th11
Bà Nancy Và Ông Patrick, Triệu Phú Canada Bỏ Tất Cả Để Trở..
Th11
Ngày Thế Giới Người Nghèo: Đức Thánh Cha Phanxicô Sẽ Dùng Bữa Trưa..
Th11
Một lần để sống
Th11
Kho Tàng Đức Tin Không Thay Đổi Và Không Thể Thay Đổi
Th11
Người Tự Kỷ Có Gì Để Cống Hiến
Th11
Mở Án Phong Chân Phước Cho Sơ Clare Crockett
Th11
Cha Roberto Pasolini, Tân Giảng Thuyết Của Phủ Giáo Hoàng
Th11
Giới Trẻ Tham Gia Đời Sống Giáo Hội
Th11
Dốc cạn túi để được Thiên Chúa lấp đầy (Suy niệm Tin Mừng..
Th11
Hội dòng MTG Vinh: Khóa Thường Huấn dành cho quý chị trong Ban..
Th11