YouTube là một trong những nền tảng kỹ thuật số hữu ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại. Chỉ một tìm kiếm đơn giản như “funny cat videos” (video mèo vui nhộn) cũng có thể dẫn đến một mê cung nội dung không phù hợp.

Không có gì ngạc nhiên khi phương tiện giải trí tuyệt vời này lại thu hút đông đảo người dùng đến thế. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc trẻ em cần được hướng dẫn cẩn thận khi tiếp cận nền tảng này. Là bậc cha mẹ Công giáo, chúng ta có trách nhiệm giáo dục con cái, đặc biệt là trong việc định hướng đạo đức cho con. Vì thế, việc giúp trẻ tận hưởng YouTube một cách lành mạnh mà không vấp phải những cạm bẫy của nó là điều hết sức quan trọng.

Dưới đây là một số gợi ý giúp cha mẹ và trẻ em sử dụng YouTube an toàn hơn, đồng thời đảm bảo phù hợp với đức tin của gia đình:

1. Cài đặt YouTube Kids – nhưng đừng cài rồi để đó

YouTube Kids là một điểm khởi đầu lý tưởng, cung cấp nội dung phù hợp với lứa tuổi cùng các công cụ kiểm soát của phụ huynh. Tuy nhiên, đừng cho rằng mọi video trên đó đều an toàn tuyệt đối. Thuật toán không hoàn hảo, đôi khi vẫn có những video kỳ lạ, thậm chí không phù hợp, lọt qua. Hãy thường xuyên kiểm tra nội dung trẻ đang xem, và nhớ rằng công nghệ chỉ là công cụ – nó không thể thay thế sự giám sát của cha mẹ hoặc của người trông trẻ!

2. Sử dụng chế độ kiểm soát của phụ huynh và chế độ hạn chế

Với trẻ lớn hơn sử dụng YouTube thường xuyên, chế độ Hạn chế (Restricted Mode) giúp lọc bớt nội dung không phù hợp. Ngoài ra, tạo một tài khoản gia đình cũng giúp bạn theo dõi lịch sử xem của trẻ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bộ lọc không phải lúc nào cũng chính xác – đôi khi chặn nhầm nội dung tốt, nhưng cũng có lúc để lọt nội dung đáng ngờ. Vì vậy, sự giám sát thực tế của phụ huynh vẫn là điều quan trọng nhất.

3. Cùng xem với trẻ khi có thể

Chúng ta hoàn toàn hiểu rằng không phải ai cũng có thời gian để ngồi xem hết 47 tập phim về một chuyến tàu biết nói để học những bài học cuộc sống, hoặc kiên nhẫn xem đi xem lại tập phim yêu thích của con đến lần thứ một nghìn. Tuy nhiên, nếu có thể, hãy cùng xem với trẻ hoặc ít nhất là kiểm tra thời gian sử dụng màn hình của trẻ. Điều này giúp bạn có cơ hội thảo luận về nội dung trẻ đang xem, củng cố những giá trị tích cực và hướng dẫn trẻ đưa ra những lựa chọn đúng đắn.

4. Dạy trẻ biết phân định

Trong một thế giới tràn ngập thông tin (và cả thông tin sai lệch), trẻ cần học cách phân biệt nội dung tốt và xấu. Hãy khuyến khích con đặt câu hỏi: Ai đã tạo ra video này? Nó có đang truyền đạt sự thật không? Nó có phản ánh những giá trị của đức tin chúng ta không? Khi trẻ gặp phải nội dung đáng ngờ, hãy hướng dẫn chúng so sánh với Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo hội để có cái nhìn đúng đắn.

5. Khuyến khích trẻ tiếp cận nội dung chất lượng

Có rất nhiều nội dung tuyệt vời phù hợp với các giá trị Công giáo – như những câu chuyện về Các Thánh, phim hoạt hình dựa trên đức tin, và các chương trình giáo dục giúp nuôi dưỡng nhân đức. Hãy giúp trẻ tìm kiếm những viên ngọc quý báu này, thay vì chỉ xem những gì thuật toán gợi ý. Một số kênh như Catholic Kids MediaBrother Francis hoặc các phim hoạt hình dựa trên Kinh Thánh có thể giúp việc học hỏi đức tin trở nên sinh động và thú vị.

6. Giới hạn thời gian sử dụng màn hình một cách hợp lý

Như Đức Giáo hoàng Phanxicô từng nhắc nhở, truyền thông kỹ thuật số không thể thay thế các mối tương quan thực sự. Hãy đặt ra giới hạn cho việc sử dụng YouTube, đảm bảo rằng nó không lấn át thời gian cầu nguyện, sinh hoạt gia đình hoặc các hoạt động ngoài trời. Duy trì sự cân bằng giữa thế giới số và thế giới thực là chìa khóa giúp trẻ phát triển toàn diện.

7. Cầu nguyện để được soi sáng

Cũng như với mọi thử thách trong việc nuôi dạy con, cầu nguyện chính là khí cụ mạnh mẽ nhất. Hãy xin Chúa ban cho bạn sự khôn ngoan để đồng hành với trẻ trong thế giới kỹ thuật số. Bạn cũng có thể nài xin sự chuyển cầu của Thánh Clara thành Assisi (bổn mạng của truyền hình và truyền thông) để xin Chúa hướng dẫn gia đình bạn trong việc lựa chọn các phương tiện truyền thông phù hợp.

YouTube có thể là một nơi tuyệt vời để học hỏi, giải trí và truyền cảm hứng – nhưng chỉ khi được sử dụng một cách khôn ngoan. Bằng cách duy trì sự tương tác, thiết lập giới hạn và dạy con biết phân định, chúng ta có thể giúp trẻ hình thành thói quen sử dụng công nghệ lành mạnh, phù hợp với đức tin Công giáo.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: aleteia.org (16/02/2025)