“Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa” (Gc 1:19-20).
Bạn có nóng tính không? Nếu thế thì bạn có đồng minh rồi. Một số vị thánh cũng nóng tính như thế, một tính nết mà các ngài đã khắc phục được nhờ sự trợ giúp của Chúa.
Tin Mừng cho chúng ta biết rằng thánh Giacôbê và Gioan được gọi là “con của thiên lôi” (Mc 3,17) có lẽ vì bản tính nóng nảy của các ông, như khi các ông muốn Chúa Giêsu gọi lửa từ trời xuống để thiêu hủy một thị trấn không tiếp đón Chúa (Lc 9:51-56). Các vị thánh nóng tính khác được biết đến bao gồm thánh Basil Cả, người có tính tình nóng nảy khiến ông không khéo léo trong cách cư xử với người khác.
Một ví dụ gần đây hơn là thánh Benildus, một tu sĩ người Pháp sống vào thế kỷ 19. Ngài từng nhận xét về những khó khăn của mình khi làm giáo viên như sau: “Tôi tưởng tượng rằng nếu các thiên thần xuống làm giáo viên thì họ cũng sẽ khó kiềm chế được cơn giận của mình.”
Khi nói đến danh tiếng là người hay nổi giận, thánh Jerome xứng đáng ở vị trí đầu tiên. Vị học giả Kinh Thánh vĩ đại này có một nhân cách xuất sắc nhưng hay cáu gắt và nổi tiếng vì những lập luận của ông với các nhân vật khác trong Giáo hội, bao gồm cả với thánh Augustinô. Ngài thường viết những lá thư với sự gắt gỏng hoặc châm biếm thánh Augustinô. Thánh Pammachius, một cựu thượng nghị sĩ La Mã, đã trao đổi thư từ với thánh Jerome và cố gắng thuyết phục ngài giảm tông giọng nói của mình nhưng không thành công đáng kể. Thánh Marcella cũng trao đổi thư từ với thánh Jerome, đôi khi thách đố các ý tưởng của ông và từng than phiền về tính nóng nảy của ông. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thánh Jerome đối xử rất dịu dàng với những người nghèo khổ và bị áp bức. Ngài nhận thức rõ những điểm yếu của mình và thực hiện những hành động sám hối lớn lao vì họ (chẳng hạn như sống trong hang động).
Thánh Jerome nổi tiếng với tính nóng nảy. Ảnh: Public Domain
Một số vị thánh được chúng ta biết đến với bản tính hiền lành, ví dụ như thánh Giám mục Francis de Sales và thánh Vincent de Paul, vị linh mục thánh thiện người Pháp. Họ đã phải rất cố gắng để vượt qua chiều hướng giận dữ và bất bình của mình. Thánh Vincent nói rằng, nếu không có ân sủng của Thiên Chúa, ngài sẽ là một người “cứng nhắc và ghê tởm, thô bạo và ngang ngược”. Còn thánh Francis de Sales từng tuyên bố rằng ngài phải mất hơn hai mươi năm để học cách kiềm chế tính khí nóng nảy của mình.
Chân phước John Colombini sống vào thế kỷ 14 là một thương gia khá tham lam, đặc biệt nổi tiếng với tính khí nóng nảy. Một ngày nọ, ông ấy nổi cơn thịnh nộ vì bữa tối chưa sẵn sàng khi ông ấy trở về nhà. Với hy vọng ông sẽ cư xử tốt hơn, vợ ông đưa cho ông một cuốn sách về các vị thánh. John ném cuốn sách xuống sàn, nhưng rồi – xấu hổ vì tính nóng nảy của mình – ông nhặt nó lên và bắt đầu đọc. Ông mải mê đọc đến nỗi quên mất bữa tối. Thực sự, John đã hoàn toàn được biến đổi bởi kinh nghiệm này. Sau đó, ông cho đi phần lớn tài sản của mình, biến ngôi nhà của mình thành bệnh viện và đích thân chăm sóc cho một người đang đau khổ vì bệnh phong. Khi vợ khuyên ông nên thận trọng trong các việc bác ái của mình, John – người không còn dễ bị xúc phạm bởi những lời quở trách nữa – nhẹ nhàng nhắc nhở bà rằng bà là người đã cầu mong cho ông hoán cải (mà lẽ ra bà phải đáp lại là: “Tôi xin mưa, nhưng đây là lụt”).
Cần có thời gian và sự kiên nhẫn để học cách kiểm soát tính khí nóng nảy, và một số vị thánh đã sẵn sàng nỗ lực hết sức trong vấn đề này. Chẳng hạn, khi một cơn bão cản trở mùa màng của thánh Nathalan, ngài đã giận dữ phàn nàn với Chúa. Liền sau đó, ngài hối hận, thề sẽ kiềm chế cơn giận và đã có bước đi triệt để nhắc nhở bản thân về lời thề này. Ngài trói tay phải vào chân bằng một ổ khóa sắt và ném chìa khóa xuống sông, hứa rằng sẽ không bao giờ mở cho đến khi ngài thực hiện một chuyến hành hương sám hối tới Rôma. Nhiều năm sau, thánh Nathalan đến Rôma. Ngài mua một con cá từ một cậu bé ở đó, và bên trong dạ dày của con cá là một chiếc chìa khóa. Tất nhiên, nó có thể mở được ổ khóa.
Có lẽ Chúa không đòi hỏi chúng ta phải làm những nỗ lực phi thường như thánh Nathalan, nhưng Ngài muốn chúng ta kiểm soát cơn giận của mình, và Ngài ban cho chúng ta cơ hội để làm điều đó, đặc biệt là trong cuộc sống hàng ngày. Kiên nhẫn chịu đựng những thói quen khó chịu của người khác, sửa chữa lỗi lầm của người khác với sự tử tế và lịch sự, không bấm còi nếu có người cản đường chúng ta khi tham gia giao thông, không chiều theo cám dỗ vội vàng phán xét động cơ của người khác.
Khi phải nói chuyện với người mà chúng ta đang giận, trước tiên chúng ta nên cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn và giúp đỡ. Cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta những lời nói đúng đắn có thể làm dịu một tình huống có nguy cơ bùng nổ.
Thánh Thérèse Lisieux khuyên chúng ta: “Khi giận ai, cách tìm bình an là cầu nguyện cho người đó và xin Chúa thưởng ơn cho họ vì đã làm mình đau khổ”. Chúng ta thường không nghĩ thế này, nhưng những người chọc giận chúng ta là đang vô tình giúp đỡ chúng ta bằng cách cho phép chúng ta phát huy tính kiên nhẫn, vì vậy chúng ta nên cố gắng cư xử nhẹ nhàng với họ.
Tương tự như thế, thánh Alphonsus Liguori nói: “Khi chúng ta phạm lỗi nào đó, chúng ta cũng phải nhẹ nhàng với chính mình. Tự trách mình sau khi làm sai điều gì đó không phải là khiêm tốn mà là một hình thức kiêu ngạo tinh tế. Tự tức giận với chính mình sau khi phạm lỗi là một lỗi lầm lớn hơn lỗi lầm vừa phạm, và sẽ dẫn đến nhiều lỗi lầm khác”. Vì vậy, Chúa muốn chúng ta kiểm soát cơn nóng nảy của mình, ngay cả khi chính chúng ta là đối tượng của sự tức giận. Lòng thương xót và sự bình an có tính chữa lành của Chúa được ban cho mọi người, nhưng chúng ta sẽ bỏ lỡ chúng nếu chúng ta để cho cơn giận của mình ngăn trở.
Chúng ta cần kiểm soát cơn nóng giận của mình. Ảnh: Canva
Vài cách để kiểm soát cơn giận
– Thánh Francis de Sales khuyên rằng, để tránh tội giận dữ, bạn phải nhanh chóng cầu xin Chúa ban bình an cho tâm hồn khi bạn đang tức giận, và sau đó hướng suy nghĩ của bạn sang việc khác. Đừng bàn ngay vào vấn đề, đưa ra quyết định hoặc sửa sai người khác khi bạn đang tức giận. Thánh Francis khuyên, khi một người chọc giận bạn, hãy xem xét những phẩm chất tốt của người đó, thay vì những lời nói hay hành động mà bạn thấy khó chịu.
– Nếu bạn muốn kiểm soát tính khí nóng nảy của mình, hãy nhận biết những hoàn cảnh mà bạn có nhiều khả năng tức giận nhất, trong một số hoàn cảnh nhất định (chẳng hạn như giao thông vào giờ cao điểm), với một số người nhất định (có thể là một người hàng xóm hoặc người quen nào đó), hoặc vào những thời điểm nhất định trong ngày (có thể ngay trước khi kết thúc ngày làm việc, khi bạn đang cố gắng thu dọn bàn làm việc). Một khi bạn đã học được từ kinh nghiệm về những điều có thể khiến bạn tức giận, bạn hãy chuẩn bị cho những khoảnh khắc đó bằng một lời cầu nguyện ngắn và thầm lặng, chẳng hạn: “Lạy Chúa, xin giúp con tránh nổi nóng” hoặc “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được bình tĩnh”.
– Khi bạn đang ở trong tâm trạng bình an, việc nhớ lại một tình huống gần đây khiến bạn mất bình tĩnh cũng rất hữu ích. Hãy tự hỏi bản thân: “Liệu sự tức giận của tôi có chính đáng không? Tôi sẽ ứng phó thế nào với tình huống này trong tương lai?” Bạn thậm chí có thể “thực hành” phản ứng đúng cách bằng cách giả vờ như tình huống này đang lặp lại; bằng cách để bản thân cảm thấy tức giận khi ở một mình, bạn có thể luyện tập những phản ứng có thể xảy ra và đánh giá xem phản ứng nào có thể giúp ích cho bạn.
Kim Linh chuyển ngữ từ: Catholic Exchange
Nguồn: dongten.net
Có thể bạn quan tâm
Lời Dẫn Lễ và Lời Nguyện Lễ Tất Niên và ba ngày Tết..
Th1
Đức Thánh Cha: Nhiều nhà truyền thông đã hy sinh mạng sống
Th1
Giáo phận Vinh: Thư Mục Vụ Xuân Ất Tỵ 2025
Th1
Chúa ơi, Xuân đã về!
Th1
Năm Thánh Truyền Thông: Câu chuyện là con đường ngắn nhất để kết..
Th1
Lời Chúa và Sứ Mạng (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Thường..
Th1
Đức Thánh Cha Bổ Nhiệm Đức Hồng Y Koovakad Làm Bộ Trưởng Bộ..
Th1
Năm Thánh Truyền Thông: Câu Chuyện Là Con Đường Ngắn Nhất Để Kết..
Th1
Đức Thánh Cha: Con Cái Không Bao Giờ Phải Là “Con Tin” Giữa..
Th1
Niềm Tin Tôn Giáo Và Đạo Cầu Lộc Trong Văn Hóa Việt Nam:..
Th1
Cáo phó: Thân phụ của Nữ tu Têrêxa Nguyễn Thị Vinh (Cộng đoàn..
Th1
Ban Tu sĩ Giáo phận Vinh: Thư mời tham dự Ngày Đời Sống..
Th1
Bạn còn muốn về nhà?
Th1
Cáo phó: Thân mẫu của Nữ tu Anna Hoàng Thị Huyền (Cộng đoàn..
Th1
4 Lời Khuyên Cho Cuộc Sống Kitô Hữu Hạnh Phúc
Th1
Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công..
Th1
Ra đi – Một hành trình để nhìn lại Sứ Vụ
Th1
Giáo hội, thân thể của Chúa Kitô, điều đó muốn nói gì cụ..
Th1
Tài Liệu Tuần Cầu Nguyện Cho Các Kitô Hữu Hiệp Nhất Năm 2025
Th1
5 lý do để hòa mình vào màu sắc của năm 2025
Th1