Thành kiến che lấp ân sủng (Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật IV thường niên – Năm C)

14 lượt xem

THÀNH KIẾN CHE LẤP ÂN SỦNG
(
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật IV thường niên – Năm C)

Maria Fiat Diệu Huyền, MTG Vinh

LỜI CHÚA: Lc 4, 22-30

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu nói trong hội đường rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?”
Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! “. Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”.

“Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”
Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

THÀNH KIẾN CHE LẤP ÂN SỦNG

Tin mừng hôm nay thuật lại diễn biến tâm trạng thay đổi “nhanh như chớp” của những người dân làng Nazaret khi họ nghe bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu tại quê hương. Thoạt đầu, Chúa Giêsu đã gây được sự hứng khởi mạnh mẽ trong dân chúng, nhưng ngay lập tức sau đó, họ quay lại chống đối và khích bác Người bởi họ có một gò núi thành kiến trong tâm trí. Sự đối kháng không chỉ ở mức độ không thích, không muốn nghe, nhưng đã đến độ người làng Nadarét muốn lôi Người ra vách núi để xô Người xuống vực. Thật là một sự trớ trêu, một sự thay đổi chóng mặt, và một sự tàn nhẫn của những người được xem là “đồng hương với Chúa Giêsu”.

Thánh Luca thuật lại rằng người làng Nazaret không thể hiểu được tại sao “anh chàng hàng xóm” của họ lại có thể nói được những lời hay ý đẹp như vậy. Họ sửng sốt và rồi họ quay về với gốc gác của Chúa Giêsu, họ kháo với nhau rằng: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?”. Những thành kiến về thân thế của Chúa Giêsu đã che lấp mắt họ về những điều đã thấy và những gì đã nghe. Biết được những lời xì xầm to nhỏ của họ, Chúa Giêsu đã thẳng thắn nói lên quan điểm của Người: “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Dân làng Nazaret cho rằng họ đã biết rõ về con người của Chúa Giêsu, và như vậy, chẳng có gì để họ học hỏi, không có gì đặc sắc để họ phải chú ý. Như vậy, “không cần gì thêm” là một thái độ tự mãn, không thể đón nhận gì khác được, ngay cả Thiên Chúa. Người ta thường ví người tự mãn như một ly đầy nên không thể nhận gì hơn. Phần Chúa Giêsu, Người ví mình như một ngôn sứ và đích thực Người là thủ lãnh của các ngôn sứ. Những gì mà các phát ngôn viên của Thiên Chúa đã phải trải qua trong lịch sử thì Người cũng phải đối diện. Những lời nói của Chúa có ý xa gần ám chỉ Người là ai, là người được Thiên Chúa sai đến, là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế mà mọi người đang trông đợi. Người còn cao trọng hơn cả tiên tri Êlia và Elisê. Bởi lẽ đó, dân làng Nazareth hết sức tức giận, kéo Ngài ra khỏi hội đường, đưa Ngài lên núi để xô Ngài xuống vực thẳm cho chết đi.

Thái độ bình thản đến lạ lùng của Chúa Giêsu khiến chúng ta ngỡ ngàng trước lòng nhân hậu khôn dò khôn thấu của Thiên Chúa. Người không buồn phiền cũng chẳng cay cú, thất vọng. Ngài quyết định đem ánh sáng ơn cứu độ đi đến nơi khác. Những người ở làng quê Nagiarét đã để lỡ cơ hội đón tiếp Đấng Cứu Thế thì biết đâu nơi khác lại rộng lòng chờ đón Người chăng? Thế nhưng, sự thật mà Kinh Thánh vén mở thì  trên con đường từ Galilê đến Giêrusalem mà Chúa Giêsu đi qua, Người sẽ tiếp tục chịu cái cảnh vừa được đón tiếp nồng nhiệt và liền sau đó bị người ta lên án và hãm hại. Cuối cùng, người Do Thái đã lôi Người lên thập giá trên đồi Golgotha, xô được Ngài xuống mồ. Nhưng Ngài lại chỗi dậy từ trong cõi chết và tiếp tục con đường của Ngài: đem ơn cứu độ cho muôn dân. Chúa Giêsu còn sai các môn đệ tiếp tục con đường của Người: đi làm chứng cho Ngài đến tận cùng trái đất.

Ngày nay, sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa vẫn được Giáo Hội tiếp tục thi hành trên khắp thế giới. Biết bao người đã được ơn gọi lãnh lấy sứ vụ đó và đã hân hoan đón nhận, đang thi hành sứ vụ của mình một cách can đảm, nhiệt thành và đáng thán phục. Họ cũng đang gặp đủ mọi thử thách, chống đối, ghen ghét, hãm hại bởi những thành kiến lệch lạc về Đạo Chúa. Phần bạn và tôi, chúng ta sẽ phải làm gì để chu toàn sứ mạng ngôn sứ mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa?

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã nói: “Nếu thế gian đã ghét Thầy, thì họ cũng sẽ ghét các con”.

Làm nhân chứng cho “sự thật và tình yêu” của Chúa

giữa một xã hội bị tục hoá như hiện nay

quả là một thách đố lớn lao đối với chúng con.

Xã hội luôn chất đầy những thành kiến lên con cái Chúa,

đôi khi, chúng con sợ hãi và muốn xuôi dòng.

Chúng con muốn thỏa hiệp để khỏi chuốc khổ vào thân.

Thế nhưng, chúng con quên mất rằng, Chúa cũng đã nói:

“Đừng sợ vì ơn Thầy đủ cho con!” và “Ai bền chí đến cùng thì được cứu độ”.

Xin cho chúng con can đảm lựa chọn Chúa trong mọi hoàn cảnh,

vì chỉ mình Chúa là phần thưởng đủ cho chúng con. Amen.

Có thể bạn quan tâm