Chào mọi người buổi chiều tối tốt lành! Tôi đã đến đây hai lần rồi, và thật tuyệt vời khi được quay lại. Tôi phải nói sự thật với các anh em: Tôi đã từng ăn trộm ở đây. Tôi đến đây để cử hành Thánh lễ và thấy một số tờ giấy khiến tôi thấy thích thú. Chúng là những tờ giấy phát ra từ các bài học về Sách Gióp. Năm đó ở Argentina, tôi được giao nhiệm vụ dạy các tiết học đặc biệt về Gióp. Tôi lật từng trang và chúng làm tôi ấn tượng. Những ghi chép đó vẫn ở lại với tôi!

Thưa Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng con rất vui mừng khi ngài đến Bỉ. Chúng con rất, rất hân hoan chào đón Đức Thánh Cha. Chúng con sẽ hỏi Đức Thánh Cha những câu hỏi mà chúng con hy vọng là sẽ thú vị và đầy trí tuệ. Đây là cha giám tỉnh của Tỉnh Dòng Tây Âu nói tiếng Pháp và là bề trên miền độc lập Hà Lan. Vùng đất này thực sự là ngã ba đường, và các tu sĩ Dòng Tên ở đây cũng rất đa dạng: một số tu sĩ đến từ Hội đồng các Giám tỉnh Dòng Tên Châu Âu, sau đó là những vị nói tiếng Pháp và tiếng Flemish. Đức Thánh Cha biết rằng khi đến thăm một cộng đoàn Dòng Tên, Đức Thánh Cha không bao giờ phải đối mặt với các bản sao! Ở đây, chúng con hoàn toàn không giống nhau. Chúng con cũng nói các ngôn ngữ khác nhau. Một cuộc phiêu lưu đầy cảm hứng về hy vọng và đổi mới trong Giáo hội đã bắt đầu vào ngày 13 tháng 3 năm 2013. Chúng con muốn đây là một khoảng thời gian thân tình và vui vẻ. Ở Hà Lan, chúng con có một từ điển hình cho điều này, “gezellig”. Thật khó dịch: nó có thể có nghĩa là “vui vẻ”, “bầu không khí ấm cúng” hoặc thậm chí là “tâm trạng tốt”, tùy thuộc vào ngữ cảnh. Đây là từ phù hợp với chúng con vào thời điểm này. Và đó là lý do tại sao chúng con muốn cùng nhau hát bài thánh ca “En todo amar y servir – Hãy yêu và phục vụ mọi người”.

Cha Marc Desmet cầm đàn guitar và bắt đầu bài hát. Đức Giáo Hoàng cũng thì thầm những lời bài hát mà ngài biết rõ. Sau đó, các câu hỏi bắt đầu.

Thưa Đức Thánh Cha, sứ mệnh cụ thể của Dòng Tên tại Bỉ là gì?

Đức Thánh Cha: Này, tôi không biết rõ hoàn cảnh của anh em, nên tôi không thể nói sứ mệnh của anh em trong bối cảnh cụ thể này nên là gì. Nhưng tôi có thể nói với anh em một điều: tu sĩ Dòng Tên không nên sợ bất cứ điều gì. Họ là người bị căng kéo giữa hai hình thức can đảm: can đảm tìm kiếm Chúa trong lời cầu nguyện và can đảm đi đến vùng biên. Đây chính là “sự chiêm nghiệm trong hành động”. Tôi nghĩ đây thực sự là sứ mệnh chính của Dòng Tên: đắm mình vào các vấn đề của thế giới và vật lộn với Chúa trong lời cầu nguyện. Có một bài phát biểu tuyệt đẹp của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI với các tu sĩ Dòng Tên khi bắt đầu Tổng công nghị XXXII. Ngài nói rằng tại ngã ba đường của những tình huống phức tạp, luôn có một tu sĩ Dòng Tên. Bài phát biểu đó là một kiệt tác và nói rõ ràng những gì Giáo hội mong muốn từ Dòng Tên. Tôi đề nghị anh em đọc văn bản đó. Ở đó, anh em sẽ tìm thấy sứ mệnh của mình.[1]

Con sống ở Amsterdam, một trong những thành phố tục hóa nhất trên thế giới. Cha Tổng quyền Adolfo Nicolás đã từng nói rằng ngài mơ ước được thông truyền Linh thao cho những người vô thần. Ở đất nước chúng con, chủ nghĩa vô thần là chuẩn mực chứ không phải là ngoại lệ. Nhưng chúng con muốn thông truyền sự phong phú của đời sống tâm linh của chúng con cho tất cả những người hàng xóm, thực sự là cho tất cả mọi người, như Đức Thánh Cha nói, “Todos, todos, todos – Tất cả, tất cả, tất cả”. Làm thế nào chúng ta có thể đạt đến mức độ hội nhập văn hóa sâu sắc này?

Đức Thánh Cha: Chúng ta thấy giới hạn của sự hội nhập văn hóa khi nghiên cứu những ngày đầu của Hội Dòng. Những tấm gương của chúng ta là Cha Matteo Ricci, Cha Roberto De Nobili và những nhà truyền giáo vĩ đại khác, những người thậm chí đã khiến một số người trong Giáo hội sợ hãi bằng hành động dũng cảm của các ngài. Những bậc thầy này đã cho thấy giới hạn của sự hội nhập văn hóa. Hội nhập đức tin vào văn hóa và Phúc âm hóa văn hóa luôn đi đôi với nhau. Vậy, giới hạn là gì? Không có giới hạn cố định nào cả! Người ta phải tìm kiếm nó trong sự phân định. Và nó được phân định bằng cách cầu nguyện. Điều đó khiến tôi ấn tượng, và tôi luôn nhắc lại điều đó: trong bài phát biểu cuối cùng của mình, Cha Arrupe đã nói rằng hãy làm việc ở những vùng biên và đồng thời không bao giờ quên cầu nguyện. Lời cầu nguyện của Dòng Tên được phát triển nơi ranh giới, trong những tình huống khó khăn, ở những giới hạn. Đây là điều tuyệt vời về linh đạo của chúng ta, chấp nhận rủi ro.

Ở Tây Âu, chúng con quen thuộc với tình trạng tục hóa. Xã hội của chúng ta dường như xa rời Thiên Chúa. Có thể làm gì?

Đức Thánh Cha: Tục hóa là một hiện tượng phức tạp. Tôi nhận ra rằng đôi khi chúng ta phải đối mặt với các hình thức ngoại giáo. Chúng ta không cần một bức tượng của một vị thần ngoại giáo để nói về ngoại giáo: chính môi trường, không khí chúng ta hít thở là một vị thần ngoại giáo dạng khí! Và chúng ta phải rao giảng cho nền văn hóa này bằng cách làm chứng, phục vụ và đức tin. Và từ bên trong, chúng ta phải làm điều đó bằng lời cầu nguyện. Không cần phải nghĩ đến những điều rất phức tạp. Hãy nghĩ đến Thánh Phaolô ở Athens. Mọi chuyện diễn ra không tốt đẹp với ngài vì ngài đã đi xuống một con đường không phải của riêng ngài vào thời điểm đó. Tôi nhìn nhận vấn đề theo cách này. Chúng ta cần cởi mở, để đối thoại, và cởi mở trong cuộc đối thoại để giúp có được sự đơn giản. Điều làm cho cuộc đối thoại có kết quả là sự phục vụ. Thật không may, tôi thường thấy trong Giáo hội có một thứ chủ nghĩa giáo sĩ mạnh mẽ, vốn ngăn cản cuộc đối thoại này sinh hoa kết quả. Và trên hết, nơi nào có chủ nghĩa giáo sĩ thì không có sự phục vụ. Vì Chúa, xin đừng bao giờ nhầm lẫn giữa truyền giáo với chiêu dụ tín đồ!

Linh đạo và thần học của Dòng Tên dành chỗ cho trái tim – Ngôi Lời đã trở nên xác phàm! Nhưng thường thì, thật không may, chúng ta không dành không gian thích hợp cho trái tim. Theo con, sự thiếu hụt này là một trong những điều sau đó tạo ra các hình thức lạm dụng. Vậy thì, con muốn hỏi Đức Thánh Cha một câu hỏi về khó khăn trong việc dành cho phụ nữ một vị trí công bằng và thích đáng hơn trong Giáo hội.

Đức Thánh Cha: Tôi thường nhắc lại rằng Giáo hội là phụ nữ. Tôi thấy phụ nữ được ban cho những đặc sủng, và tôi không muốn giới hạn cuộc thảo luận về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội vào vấn đề thừa tác vụ. Ngoài ra, nói chung, nam quyền và nữ quyền là những chủ đề mang tính “thị trường”. Vào thời điểm này, tôi đang cố gắng ngày càng nhiều hơn để đưa phụ nữ vào Vatican với những vai trò có trách nhiệm ngày càng cao hơn. Mọi thứ đang thay đổi; anh em có thể thấy và cảm nhận được điều đó. Phó Chủ tịch Phủ Thống đốc thành Vatican là một phụ nữ. Rồi thì, Bộ Phát triển Con người Toàn diện cũng có một phụ nữ làm phó. Trong “nhóm” bổ nhiệm giám mục có ba người phụ nữ, và vì họ chịu trách nhiệm lựa chọn ứng viên, mọi thứ tốt hơn nhiều; họ rất nhạy bén trong phán đoán của mình. Trong Bộ Tu sĩ, phó là một phụ nữ. Phó trong Bộ Kinh tế là một phụ nữ. Tóm lại, phụ nữ đang bước vào Vatican với những vai trò có trách nhiệm cao: chúng ta sẽ tiếp tục trên con đường này. Mọi thứ đang diễn ra tốt hơn trước. Tôi đã từng gặp Ursula von der Leyen. Chúng tôi nói về một vấn đề cụ thể, và tôi hỏi bà ấy: “Nhưng bà giải quyết được những vấn đề này như thế nào?” Bà ấy trả lời: “Theo cùng một cách mà tất cả chúng tôi, những người mẹ, giải quyết.” Câu trả lời của bà ấy khiến tôi phải suy nghĩ nhiều…

Trong xã hội tục hóa của chúng ta, rất khó để tìm được các thừa tác viên. Đức Thánh Cha thấy tương lai của các cộng đoàn giáo xứ không có linh mục như thế nào?

Đức Thánh Cha: Cộng đoàn quan trọng hơn linh mục. Linh mục là người phục vụ cộng đoàn. Tôi biết ở nhiều nơi trên thế giới, trong một số tình huống, mọi người đang tìm kiếm trong cộng đoàn những người có thể đóng vai trò lãnh đạo. Ví dụ, cũng có những nữ tu đảm nhận công việc này. Tôi đang nghĩ đến một tu hội nữ tu Peru có sứ mệnh đặc thù của riêng họ: họ đến những nơi không có linh mục. Họ làm mọi thứ: họ rao giảng, họ rửa tội… Nếu cuối cùng có một linh mục được sai đến, thì họ sẽ đi nơi khác.

Đây là kỷ niệm 600 năm thành lập Đại học Leuven. Có một số tu sĩ Dòng Tên làm việc ở đó và có những sinh viên Dòng Tên đến từ khắp nơi trên thế giới đang theo học tại đó. Thông điệp của ngài dành cho những người trẻ Dòng Tên được định sẵn cho sứ mệnh trí tuệ trong việc phục vụ Giáo hội và thế giới là gì?

Đức Thánh Cha: Sứ vụ trí thức là quan trọng và đó là một phần trong ơn gọi của chúng ta với tư cách là những tu sĩ Dòng Tên để hiện diện trong học thuật, nghiên cứu và cả trong giao tiếp. Chúng ta hãy nói rõ: khi các Tổng công nghị của Dòng Tên nói rằng hãy đưa mình vào cuộc sống của mọi người và trong lịch sử, điều đó không có nghĩa là “tổ chức hội hè ăn uống linh đình”, mà là đưa mình vào ngay cả những bối cảnh mang tính thể chế nhất, tôi muốn nói, với một chút “khắt khe”, theo nghĩa tốt lành của từ này. Người ta không nên luôn tìm kiếm những gì ngoài qui định. Cảm ơn câu hỏi này, bởi vì tôi biết rằng đôi khi có một sự cám dỗ không đi theo con đường này. Một lĩnh vực suy tư rất quan trọng là thần học luân lý. Trong lĩnh vực này ngày nay, có rất nhiều tu sĩ Dòng Tên đang nghiên cứu, mở ra những con đường trong việc giải thích và đặt ra những thách thức mới. Tôi biết điều đó không dễ dàng. Nhưng tôi thúc giục những tu sĩ Dòng Tên hãy tiếp tục. Tôi đang theo dõi một nhóm các nhà đạo đức học Dòng Tên và tôi thấy họ đang làm rất tốt. Và sau đó tôi giới thiệu các ấn phẩm! Các tạp chí rất quan trọng: những tạp chí như Stimmen der Zeit – Tiếng nói của Thời đại, La Civiltà Cattolica – Nền Văn minh Công giáo, Nouvelle Revue Théologique – Tạp chí Thần học Mới

Con tự hỏi quá trình phong thánh cho Henri De Lubac và Pedro Arrupe diễn ra như thế nào?

Đức Thánh Cha: Hồ sơ phong thánh của Arrupe vẫn còn bỏ ngỏ. Vấn đề là việc xem xét lại các tác phẩm của ngài; ngài đã viết rất nhiều, và việc phân tích các văn bản của ngài mất nhiều thời gian. De Lubac là một tu sĩ dòng Tên vĩ đại! Tôi thường đọc những gì ngài viết. Tuy nhiên, tôi không biết liệu hồ sơ phong thánh của ngài đã được đưa ra chưa. Tôi xin nhân cơ hội này để nói với các bạn rằng hồ sơ phong thánh của Vua Baudouin sẽ được đưa ra, và chính tôi đã làm điều đó, bởi vì với tôi, mọi thứ ở đây dường như không tiến triển theo hướng đó.

Con xin đặt câu hỏi của mình theo cách nói của nhân vật Mafalda. Đức Thánh Cha có một lịch trình rất bận rộn: ngay khi Đức Thánh Cha kết thúc chuyến thăm Bỉ, Thượng hội đồng sẽ bắt đầu. Đức Thánh Cha sẽ chủ trì một buổi lễ hòa giải vào lúc bắt đầu. Vì vậy, Đức Thánh Cha sẽ làm Giáo hội sống động và sứ mệnh hòa giải của mình trong thế giới đầy rắc rối của chúng ta, như Thánh Phaolô yêu cầu các tín hữu Côrintô. Nhưng cộng đoàn Giáo hội yêu cầu được hòa giải trong chính mình để trở thành sứ giả hòa giải trên thế giới. Bản thân chúng ta cần các mối tương quan theo kiểu hiệp hành, sự phân định hòa giải. Chúng ta cần thực hiện những bước nào?

Đức Thánh Cha: Tính hiệp hành rất quan trọng. Nó cần được xây dựng không phải từ trên xuống dưới, mà từ dưới lên trên. Tính hiệp hành không dễ dàng, không, và đôi khi điều này là do có những người có thẩm quyền không đưa ra khía cạnh đối thoại. Một mục tử có thể tự mình đưa ra quyết định, nhưng vị ấy có thể đưa ra quyết định cùng với hội đồng của mình. Một giám mục cũng vậy, và giáo hoàng cũng vậy. Điều thực sự quan trọng là phải hiểu tính hiệp hành là gì. Sau Công đồng, Đức Phaolô VI đã thành lập Văn phòng Thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục. Giáo hội Đông phương không mất tính hiệp hành; chúng ta đã mất nó. Vì vậy, theo sự thúc đẩy của Đức Phaolô VI, chúng ta đã tiếp tục cho đến lễ kỷ niệm 50 năm mà chúng ta đã kỷ niệm. Và bây giờ chúng ta đã đến Thượng Hội Đồng về tính hiệp hành, nơi mọi thứ sẽ được làm sáng tỏ chính xác bằng phương pháp hiệp hành. Tính hiệp hành trong Giáo hội là một ân sủng! Quyền hạn được thực hiện trong tính hiệp hành. Sự hòa giải đến thông qua tính hiệp hành và phương pháp của nó. Và mặt khác, chúng ta không thể thực sự là một Giáo hội hiệp hành nếu không có sự hòa giải.

Con tham gia vào công việc phục vụ tị nạn của Dòng Tên. Chúng con đang đối mặt với hai căng thẳng lớn. Căng thẳng đầu tiên là cuộc chiến ở Ukraine. Những bạn trẻ đã gửi cho con một lá thư và gửi cho Đức Thánh Cha một bức ảnh của Thánh George. Căng thẳng khác là ở Địa Trung Hải, nơi chúng con nghe rất nhiều về chính trị với những cuộc nói chuyện về biên giới và an ninh. Đức Thánh Cha muốn đưa ra lời khuyên nào cho công việc phục vụ tị nạn của các tu sĩ Dòng Tên và của Hội Dòng?

Đức Thánh Cha: Vấn đề di dân phải được giải quyết và nghiên cứu kỹ lưỡng, và đây là nhiệm vụ của anh em. Người di cư phải được tiếp nhận, đồng hành, cổ võ và hòa nhập. Không được thiếu bất cứ hành động nào trong bốn hành động này. Điều đó sẽ rất nghiêm trọng. Một người di cư không hòa nhập sẽ có kết cục tồi tệ, nhưng xã hội mà người di cư đó đang sống cũng sẽ có kết cục tồi tệ như vậy. Ví dụ, hãy nghĩ đến những gì đã xảy ra ở Zaventem, ở đây tại Bỉ: thảm kịch đó cũng là kết quả của việc thiếu hòa nhập. Đây là điều Kinh thánh nói: chúng ta phải chăm sóc người góa phụ, người nghèo và người ngoại kiều. Giáo hội phải nghiêm túc nhận lấy công việc giúp người di cư. Ví dụ, tôi biết công việc của Open Arms. Tôi đã ở Lampedusa vào năm 2013 để làm sáng tỏ bi kịch di dân. Nhưng tôi muốn nói thêm một điều gần gũi với trái tim mình và tôi thường nhắc lại: Châu Âu không còn trẻ nữa, nó đang già đi. Châu Âu cần người di cư để cuộc sống được đổi mới. Bây giờ việc đó đã trở thành một vấn đề sống còn.

Thưa Đức Thánh Cha, ấn tượng đầu tiên của Đức Thánh Cha về chuyến đi Bỉ và Luxembourg là gì?

Đức Thánh Cha: Tôi chỉ ở Luxembourg một ngày, và tất nhiên anh em không thể hiểu một đất nước trong một ngày! Nhưng đó là một trải nghiệm tốt lành đối với tôi. Tôi đã từng đến Bỉ trước đây, như tôi đã nói với anh em. Nhưng, vào cuối cuộc họp này, tôi yêu cầu anh em, làm ơn, đừng đánh mất sức mạnh truyền giáo ở đất nước này. Đằng sau lịch sử Kitô giáo lâu đời của đất nước này, ngày nay đất nước này có thể che giấu một bầu không khí “ngoại giáo” nhất định, anh em hãy nói như vậy với đất nước này. Tôi không muốn bị hiểu lầm, nhưng rủi ro ngày nay là văn hóa ở đây hơi ngoại giáo. Sức mạnh của anh em nằm ở các cộng đoàn Công giáo nhỏ, vốn không hề uể oải chút nào: Tôi coi các cộng đoàn đó là cộng đoàn truyền giáo, và các cộng đoàn đó nên được giúp đỡ.

Đức Giáo hoàng rời khỏi hội trường sau một giờ trò chuyện. Trước khi rời đi, ngài đọc kinh Kính Mừng với mọi người rồi ban phép lành. Cuối cùng, mọi người chụp ảnh chung. Sau đó, tại cùng tầng với phòng họp, ngài đến thăm thư viện uy tín của Hội Bollandist, nơi có sứ mệnh nghiên cứu, xuất bản theo tình trạng gốc và bình luận về mọi tài liệu liên quan đến cuộc đời và việc sùng bái các thánh. Được hình thành vào năm 1607 bởi tu sĩ Dòng Tên Héribert Rosweyde (1569-1629) và được thành lập tại Antwerp bởi Cha Jean Bolland (1596-1665), thư viện này vẫn được một số tu sĩ Dòng Tên Bỉ tiếp tục cho đến ngày nay. Đức Phanxicô đã ban phép lành và viết vào sổ danh dự những lời sau: “Que el Señor los siga acompañando en la tarea de hacer conocer la historia de la Iglesia y de sus Santos. Con mi bendición. Fraternalmente, Francisco.”[2]

Phêrô Phạm Văn Trung

Chuyển ngữ từ : laciviltacattolica.com (08/10/2024)

_______

[1] Bản văn này có thể thấy tại: www.vatican.va/content/paul-vi/it/speeches/1974/documents/hf_p-vi_spe_19741203_esortazione-compagnia-gesu.html

[2] Xin Chúa tiếp tục đồng hành với anh chị em trong nhiệm vụ làm sáng tỏ lịch sử của Giáo hội và các Thánh của Giáo hội. Cùng phép lành của tôi. Thân ái, Francisco.