Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIX – TNB

1229 lượt xem

PHỤC VỤ “LẤP ĐẦY” THAM VỌNG THỐNG TRỊ
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIX – TNB

Maria Fiat Diệu Huyền, MTG Vinh

LỜI CHÚA: Mc 10, 35-45

Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây”. Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì? “. Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”. Đức Giê-su bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”. Các ông đáp: “Thưa được”. Đức Giê-su bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”. Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

SUY NIỆM: PHỤC VỤ “LẤP ĐẦY” THAM VỌNG THỐNG TRỊ

Bài Tin Mừng hôm nay có lẽ là một trong những bản văn để lại cho chúng ta nhiều dấu lặng cũng như đặt ra những nghịch lý về căn tính của người đứng đầu. Thật trớ trêu khi các môn đệ vẫn cứ mơ màng tới danh vọng, vẫn bận tâm tìm kiếm địa vị cao sang cho mình sau lời tiên báo thứ ba của Chúa Giêsu về cuộc Thương Khó.

Thánh Máccô thuật lại rằng hai anh em Giacôbê và Gioan đã mạnh bạo đến xin hai chỗ ngồi danh dự là bên hữu và bên tả Chúa khi Người khôi phục vương quốc Israel trần thế. Hai anh em này đã nhanh chân nhanh miệng hơn những anh em khác và thậm chí họ đã “qua mặt” anh cả Phêrô. Rõ ràng lời thỉnh cầu của hai ông thật phi lý, ngây ngô, và cũng rất hững hờ, vô tâm trong bối cảnh này bởi nó bỏ qua mặc khải tại Giêrusalem, và phủ nhận con đường thập giá. Lời cầu xin này khác nào một con dao “xẹt ngang” qua trái tim đang cần lắm sự chia sớt “sức nặng kinh hoàng” của cây Thập Giá đang đè lên tâm hồn Chúa. Trớ trêu hơn, sự “vượt mặt” của anh em nhà Dê-bê-đê đã dấy lên một làn sóng tranh giành quyền cao chức trọng giữa các môn đệ. Các ông tỏ ra rất khó chịu có lẽ vì tất cả các ông đều có cùng một tham vọng giống nhau, chỉ là chưa dám mở lời cầu xin Chúa mà thôi.

Vẫn như những lần trước, Chúa Giêsu nén nỗi đau vào trong. Người không trách mắng các ông vì sự mê muội và tham vọng sai lạc, nhưng Người nhẹ nhàng hướng các ông về mầu nhiệm Thập Giá: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10, 38). Lời đáp “Thưa được” (Mc 10, 39) của các ông thật khôi hài dưới ánh sáng của cuộc Thương Khó. Hai ông đã không hiểu được ý nghĩa thực sự của “chén đắng” là cái chết đau thương tức tưởi đang chờ đón Thầy tại Giê-ru-sa-lem. Lòng vẫn đầy tham vọng, hai ông khăng khăng sẵn sàng chịu đựng tất cả để đặt cho bằng được những chỗ ưu tiên, danh giá nhất. Giả như hai ông biết rằng hai chỗ mà các ông đang cầu xin sẽ là hai chỗ của hai tên trộm cướp bị đóng đinh bên tả bên hữu Thầy mình, liệu hai ông có thỉnh cầu không? Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn kéo tâm hồn các ông về với Thập Giá bằng cách hứa cho các ông được chia sẻ trọn vẹn thân phận của Người. Thế nhưng, Chúa Giêsu từ chối lời thỉnh nguyện của các ông là được ngồi bên hữu bên tả, bởi Người đã phó dâng tất cả trong tay Chúa Cha.

Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu đã phân biệt hai loại quyền bính và đưa các ông đi sâu vào ý nghĩa thực sự của người đứng đầu, người lãnh đạo. Quyền bính xã hội thường mang tính áp chế do tham vọng cá nhân muốn được ăn trên ngồi trước nhưng quyền bính trong Nước Trời hay Hội Thánh mà Người sắp thiết lập thì không như thế. Người mời gọi các môn đệ, những mục tử lãnh đạo Cộng đoàn và mọi Kitô hữu phải noi gương Người để sống khiêm hạ và sẵn sàng phục vụ tha nhân. Chính Chúa Giêsu khi nói lên điều ấy, Người đã đi trước, đã thực hiện trọn vẹn điều Người giảng dạy. Người đã đi đến chỗ rốt hết, đã hiến mạng, đã âm thầm phục vụ sự sống nhân loại cho đến muôn đời.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu,

Có những khoảnh khắc trong cuộc đời,

Chúa cần lắm sự hiện diện của chúng con trước Thánh Thể,

Để phần nào chia sớt những đau khổ đến tột cùng vì sự bội bạc của nhân loại

Nhưng đáp lại lời mời gọi tha thiết ấy,

Là một sự hững hờ, vô tình bạc nghĩa

Chúng con đã ngoảnh mặt bỏ đi

Chúng con đã bảo rằng mình quá bận,

Chúng con đã gắt lên rằng Chúa quá phiền phức.

Cũng có khi chúng con “chấp nhận” đến với Chúa nhưng để “đòi hỏi” đặc quyền đặc lợi

Bỏ qua những nỗi đau ấy,

Chúa vẫn âm thầm hiện diện với chúng con nơi tấm bánh mọn hèn,

Và kêu gọi chúng con hãy sống tinh thần khiêm nhu phục vụ như Chúa,

Nhưng chúng con đã chẳng thèm nghe vì “lời này sao chướng tai quá!”

Giữa thời đại người ta đạp đổ nhau để vươn lên làm kẻ thống trị,

Sao Chúa lại bảo chúng con lội ngược dòng?

Chúa vẫn thì thầm qua tấm bánh nhỏ chúng con rước hằng ngày,

“Giữa các con ai làm lớn phải là người phục vụ.

Thầy đã phục vụ các con, các con cũng hãy phục vụ nhau.

Hãy lấy tinh thần phục vụ để “lấp đầy” tham vọng thống trị trong chúng con! Amen.