Giá trị Huấn quyền của Tài liệu Cuối cùng, xây dựng cộng đoàn qua mối tương quan giữa các Giáo hội, và cách thức làm việc của các “nhóm nghiên cứu” về những khía cạnh cụ thể đã nổi lên trong quá trình thảo luận mà Đức Thánh Cha mong muốn được xem xét thêm. Vai trò đóng góp của giáo dân và phụ nữ trong việc xây dựng một Giáo hội ngày càng tham gia tích cực và ít tính chất quyền lực hơn. Đây là những chủ đề mà các nhà báo tại phòng báo chí Vatican đã yêu cầu làm rõ trong buổi họp báo kết thúc Khóa họp thứ hai của Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI.

Cùng với Bộ trưởng Paolo Ruffini, Chủ tịch Ủy ban Thông tin, và bà Christiane Murray, Phó Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, còn có sự hiện diện của Hồng Y Mario Grech, Tổng Thư ký của Văn phòng Thượng Hội đồng, Hồng Y Jean-Claude Hollerich, SJ, Tổng Tường trình viên, nữ tu Maria de los Dolores Palencia Gómez, CSJ, chủ tịch đại biểu, cùng hai thư ký đặc biệt là linh mục Giacomo Costa, SJ, và Đức Cha Riccardo Battocchio.

Tài liệu Cuối cùng có giá trị Huấn quyền

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra để xóa tan sự nghi ngờ về tính chất huấn quyền của Tài liệu Cuối cùng là: Đức Thánh Cha quyết định không công bố một tông huấn hậu Thượng Hội đồng thì được hiểu như thế nào về tương lai của các văn kiện giáo hoàng? Nhà thần học Battocchio trả lời rằng điều Đức Thánh Cha tuyên bố hoàn toàn phù hợp với Tông hiến Episcopalis communio, trong đó nói rằng nếu được Đức Giáo hoàng chấp thuận rõ ràng, tài liệu sẽ thuộc Huấn quyền của ngài, không mang tính chất pháp lý, nhưng đưa ra những định hướng.

Hồng y Grech bổ sung: “Có một tài liệu không được viết ra, đó chính là kinh nghiệm – một kinh nghiệm rất tuyệt vời trong năm qua. Hoa trái đầu tiên là phương pháp hiệp hành, đồng thời là chìa khóa để giải quyết các chủ đề khác”. Hồng y Hollerich nhớ lại rằng năm ngoái, có những nhóm đa số và thiểu số trong đại hội, đầy hoài nghi lẫn nhau. Tuy nhiên, nhờ phát triển phương pháp hiệp hành, thái độ này đã thay đổi. “Một số ý kiến vẫn khác biệt, điều đó là không thể tránh khỏi, nhưng năm nay chúng ta thực sự đã sống tinh thần hiệp hành. Không ai buồn phiền. Giờ đây, chúng ta cần trở thành sứ giả của hoa trái này. Chúng ta không chỉ quy tụ để xem xét cơ cấu của Giáo hội hay đấu tranh giữa các phe phái.”

Thay đổi ngôn ngữ: Giáo hội không phải là một tổ chức đa quốc gia

Trong Tài liệu Cuối cùng, không còn sử dụng thuật ngữ “Giáo hội hoàn vũ” theo cách hiểu như một tổ chức đa quốc gia với nhiều văn phòng, hay như một trung tâm thương mại với các chi nhánh xa xôi. Cần phải chấp nhận một ngôn ngữ mới: thực sự có một sự hiệp thông giữa các Giáo hội, để minh chứng rằng có thể hiệp nhất trong tín lý, như các chi thể của một thân thể duy nhất trong Đức Kitô. Các Giáo hội địa phương không phải là những “tầng lớp”, mà đơn giản là “những cách thức khác nhau để sống mối tương quan”. Khi Đức Thánh Cha nói rằng tài liệu “không có giá trị pháp lý”, không có nghĩa là nó không bắt buộc các Giáo hội, mà chỉ ra một hướng đi để mọi người cùng tiến bước, trong sự đa dạng vốn có từ lúc khởi đầu của Giáo hội Đức Kitô. “Vì vậy, không phải là những luật lệ từ một cơ quan trung ương đưa ra để các vùng ngoại vi thích nghi, mà là một lời kêu gọi hoán cải (không chỉ về mặt luân lý), tức là một lời mời gọi sống các mối tương quan trong Giáo hội theo cách khác.”

Gốc rễ và lữ hành

Đức Cha Battocchio tiếp tục khi trình bày về Tài liệu Cuối cùng: “Những điểm quan trọng có thể trở thành men giúp cho thực tại truyền giáo của Giáo hội phát triển”. Quan điểm “gốc rễ và lữ hành” là cách mà Giáo hội muốn đáp lại và làm chứng trong một thế giới toàn cầu hóa, cha Costa khẳng định khi trả lời một câu hỏi về cách dung hòa giữa các yêu cầu của các Giáo hội Đông phương, đặc biệt liên quan đến phụng vụ, và của Giáo hội Latinh, trong bối cảnh di dân, thường là bắt buộc, có nguy cơ làm mất đi truyền thống, nghi lễ và những nét đặc thù tôn giáo-văn hóa: “Việc có gốc rễ là rất quan trọng,” vị linh mục Dòng Tên nói, “nhưng chúng ta không thể sống với những bức tường, cố thủ trong lập trường của mình.” Ngài cũng bổ sung rằng một trong những điểm nổi bật của đại hội chính là khám phá lại di sản của các Giáo hội Đông phương, một kho tàng lớn lao. Chẳng hạn cũng giống như sự phong phú mà nữ tu Maria đã trải nghiệm trong công việc mục vụ của mình với hơn 30 quốc tịch khác nhau ở Mexico.

Cha Costa cũng nhấn mạnh một điểm quan trọng: Giáo hội Latinh và Giáo hội Công Giáo không hoàn toàn giống nhau. Chúng không đồng nhất, chính vì có sự phong phú trong cách đức tin đã được nhập thể theo nhiều cách khác nhau. Do đó, điều này cần được gìn giữ nhưng không với sự cứng nhắc, mà là tìm cách “chúng ta phải thay đổi như thế nào”. “Chúng ta phải trở thành một trung tâm mà ở đó những người rất khác nhau có thể nhận ra nhau như anh chị em, con cái của một Người Cha duy nhất.”

Giáo dân và thừa tác viên có chức thánh, những vai trò bổ trợ lẫn nhau

Xung quanh số 76 của Tài liệu Cuối cùng, đã được làm rõ rằng “vấn đề không phải để so sánh giữa những gì mà thừa tác viên có chức thánh có thể làm và những gì mà giáo dân có thể làm”. Đây là những hình thức phục vụ khác nhau nhưng có thể được thực hiện theo cách tích hợp và năng động, và giáo dân không nên bị xem như “người thay thế”. Điều này chắc chắn đúng ở những vùng xa xôi trên thế giới, nhưng cũng cả ở Châu Âu, nơi ngày càng thế tục hóa. Hồng y Hollerich cho rằng, “có thể xem xét mở rộng không gian cho nhiều vai trò hơn”, miễn là hiểu Giáo hội theo một tầm nhìn cộng đoàn, không phải theo kiểu kim tự tháp. Dĩ nhiên, trong phụng vụ – một chủ đề vẫn cần được xem xét kỹ hơn – “không có kế hoạch thay thế linh mục bằng giáo dân”, như đã được khẳng định. Tuy nhiên, khi cần thiết và phù hợp với hoàn cảnh đặc thù của vùng lãnh thổ, “có thể có một phụng vụ mang tính tham gia hơn”. Hồng y Hollerich đã chia sẻ về việc ngài thường xuyên cử hành Thánh lễ trong giáo phận của mình, nơi có nhiều người Bồ Đào Nha, bằng ngôn ngữ của họ, và đôi khi sử dụng sách lễ Brazil với sự tham gia rộng rãi hơn. Thực tế, tầm quan trọng của Thánh lễ Chúa nhật đã được nhấn mạnh trong quá trình làm việc của Thượng Hội đồng, như là “nơi mà người ta học hỏi và có thể hiểu được một cách tượng trưng ý nghĩa của việc xây dựng cộng đoàn sống theo Tin Mừng một cách chân thực.”

Chức phó tế nữ vẫn là một vấn đề còn bỏ ngỏ

“Hiện nay, hệ thống đào tạo đã bao gồm nhiều vai trò khác nhau tham gia vào việc đào tạo các thừa tác viên có chức thánh,” Đức Cha Battocchio giải thích về sự đóng góp của phụ nữ trong các chủng viện và cách mà vai trò này có thể phát triển trong tương lai. “Điều này phụ thuộc vào từng bối cảnh. Nhiều chủng viện đã có sự tham gia tích cực của các gia đình, của nam giới và nữ giới không thuộc hàng giáo sĩ.” Về phía mình, Hồng y Luxembourg khẳng định: “Tôi không muốn các chủng sinh mất đi sự đóng góp quý báu mà phụ nữ có thể mang lại.” Hồng y Grech kể về chuyến thăm gần đây của ngài đến một nơi ở Châu Âu, nơi có một cặp vợ chồng tham gia hỗ trợ công việc này: “Đây đã là một kinh nghiệm thực tế, không phải là sáng kiến của Thượng Hội đồng. Ở Mỹ Latinh, những ân ban, đặc sủng và thừa tác vụ này đã được thực hiện và Thượng Hội đồng rất trân trọng.”

Vấn đề liệu phụ nữ có được phong chức phó tế hay không vẫn là một câu hỏi để ngỏ. Hồng y Hollerich nhấn mạnh rằng “đây là một vấn đề rất nhạy cảm”. Ngài lưu ý rằng Đức Thánh Cha không khẳng định rằng phụ nữ sẽ được phong chức, cũng như không phủ nhận điều đó. “Ngài nói rằng đây vẫn là một vấn đề còn bỏ ngỏ.”

Số phận của các Nhóm nghiên cứu

Mười “Nhóm nghiên cứu” sẽ hoàn thành công việc của họ vào tháng Sáu. Về tương lai của công việc này, cha Costa không nghĩ rằng sẽ có sự quay trở lại với Đại hội, mà sẽ được gửi đến các Hội đồng Giám mục của tất cả các Giáo hội mà họ đại diện. Đức Thánh Cha cũng đã nói rằng ngài muốn tiếp tục lắng nghe các ý kiến, không phải để trì hoãn quyết định, mà để có thêm thời gian cho sự phân định.

Tâm Bùi (TGPSG)

Chuyển ngữ từ: vaticannews.va/it

Nguồn: tgpsaigon.net