Tại Thượng Hội đồng, giờ đây là thời điểm phân định đầy đủ về Tài liệu Cuối cùng, với việc trình bày các “modi” (cách thức) – tức là các sửa đổi cho bản văn, nhưng luôn hướng đến những gì đang diễn ra trên thế giới với đề xuất “một lời nói không mạnh mẽ và rõ ràng” đối với chiến tranh. Đây là nội dung chính của các buổi làm việc trong Hội trường Phaolô VI, được báo cáo sáng nay, ngày 22 tháng 10, trong buổi họp báo dành cho các nhà báo tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh. Ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Chủ tịch Ủy ban Thông tin, cùng với bà Sheila Pires, Thư ký Ủy ban đã trình bày những gì đang diễn ra trong hội trường.

Quá trình soạn thảo các ‘cách thức’

“Những giờ tới đây, chiều nay và sáng mai, sẽ được dành cho việc soạn thảo các ‘cách thức’ của các Nhóm nhỏ về dự thảo Tài liệu Cuối cùng,” ông Ruffini cho biết và thông báo “vào cuối buổi sáng, cha Giacomo Costa, Thư ký đặc biệt, đã giải thích chi tiết về giai đoạn mới này của công việc.” Cụ thể, các “cách thức,” theo ông Ruffini, “là những đề xuất cụ thể về sửa đổi, có thể là loại bỏ, bổ sung, hoặc thay thế.” Ngoài ra, “có các ‘cách thức’ tập thể và các ‘cách thức’ cá nhân. Các ‘cách thức’ tập thể được thông qua trong các nhóm ngôn ngữ. Mỗi thành viên đều được mời đưa ra đề xuất của mình. Mỗi ‘cách thức’ được bỏ phiếu riêng rẽ. Cần ít nhất đa số tuyệt đối (50+1) và chỉ các thành viên mới được bỏ phiếu. Mục tiêu là đạt được các ‘cách thức’ tập thể thể hiện sự phân định của nhóm.” Ông cũng cho biết thêm, “các ‘cách thức’ tập thể phải được nộp trước cuối buổi sáng ngày mai. Mỗi thành viên cũng có thể gửi các ‘cách thức’ cá nhân tới Văn phòng Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng.” Những ‘cách thức’ tập thể “có sức nặng lớn hơn,” ông nói thêm.

Bản dịch Tài liệu sang tiếng Ukraina và tiếng Trung

Cuối cùng, ông Ruffini cho biết “bản dự thảo Tài liệu Cuối cùng được viết bằng tiếng Ý, ngôn ngữ chính thức, nhưng đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ nhất có thể với các bản dịch không chính thức để phục vụ công việc. Tất cả điều này nhằm tạo điều kiện cho sự phân định của các thành viên khác nhau. Trong số các ngôn ngữ mà bản văn đã được dịch, tôi xin lưu ý có tiếng Ukraina và tiếng Trung. Điều này đã được hai Giám mục người Trung Quốc tham dự Thượng Hội đồng đánh giá rất cao.”

Lời kêu gọi của giới trẻ: “Chúng con muốn đồng hành cùng quý vị”

Trong buổi họp báo, bà Pires đã báo cáo rằng sáng nay có 343 tham dự viên trong Hội trường, bao gồm Đức Giáo hoàng Phanxicô. Sau khi “các nhóm nhỏ đã làm việc hôm qua” tiếp nối phần trình bày dự thảo Tài liệu Cuối cùng, “sáng nay tất cả các bài phát biểu tự do đều tập trung vào bản dự thảo tài liệu. Bản văn được đánh giá cao vì sự cân đối, chiều sâu và nội dung phong phú, đồng thời cũng có những đề xuất bổ sung.” Bà Pires cho biết, “đã có 40 bài phát biểu liên quan đến các chủ đề về tính hiệp hành đã được thảo luận cho đến nay.” Một trong những chủ đề này là giới trẻ: với lời kêu gọi từ một trong những thành viên trẻ nhất của Thượng Hội đồng, người đã gửi đến các giám mục và linh mục tham gia lời nhắn nhủ sau Thượng Hội đồng: “Xin đừng bỏ quên giới trẻ mà hãy cùng đồng hành với chúng con; chúng con muốn cùng đồng hành với quý vị.”

Những vai trò khác nhau trong Giáo hội

Bà Pires tiếp tục cho biết: “Những bài phát biểu khác đã đề cập đến vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, nhấn mạnh tầm quan trọng căn bản của họ, sau đó là vai trò của giáo dân, các Hội đồng Giám mục, các linh mục, đời sống thánh hiến và các cộng đoàn Kitô nhỏ bé.” Thư ký Ủy ban Thông tin đã kết luận rằng “sáng nay, các vấn đề thời sự cũng đã được nêu ra trong hội trường Thượng Hội đồng, với lời kêu gọi Giáo hội nhấn mạnh ‘một lời phản đối mạnh mẽ và rõ ràng’ đối với chiến tranh đã được nói trong Hội trường: ‘Chúng ta cần tiếp tục kêu gọi và khẩn cầu chấm dứt những cuộc xung đột này, nếu không, sẽ không còn ai sống sót để có thể đọc được Tài liệu này.'”

Tưởng tượng cách thức mới để trở thành cộng đồng

“Chúng ta được triệu tập không phải để giải quyết các vấn đề cụ thể mà để tưởng tượng một cách thức mới để trở thành Giáo hội.” Hồng y Fridolin Ambongo Besungu, Tổng Giám mục Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo, đã mở đầu bài phát biểu của ngài như vậy. Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc cuộc họp của Thượng Hội đồng, vị hồng y bày tỏ sự hài lòng: “Đất nước chúng tôi vẫn còn được coi là vùng đất truyền giáo, Giáo hội của chúng tôi cho đến gần đây vẫn là của các nhà truyền giáo và phải thích nghi với thực tế xã hội văn hóa.” Ngài nói, vì vậy “cuộc triệu tập Thượng Hội đồng này được coi là một kairós – thời điểm thuận tiện“, một cơ hội để “cùng nhau hình dung một cách thức mới để trở thành Giáo hội.” Bây giờ khi phương thức này đã được tiếp thu, khi trở về quê nhà, ngài – Chủ tịch Hội nghị các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar – đã đảm bảo rằng “chúng tôi sẽ cố gắng cùng với anh chị em Châu Phi bước vào động lực mới này, trở thành một Giáo hội Công Giáo theo một cách khác biệt.”

Châu Phi, mảnh đất màu mỡ cho tinh thần hiệp hành

Tổng Giám mục Andrew Nkea Fuanya của Tổng Giáo phận Bamenda, Cameroon, đã chia sẻ về đóng góp của Châu Phi cho Thượng Hội đồng, bắt đầu từ các cộng đoàn cơ bản và các giáo lý viên. Tinh hiệp hành là “một dấu hiệu cánh chung cho tất cả chúng ta, những người đến từ các nơi khác nhau trên thế giới với những ý tưởng khác biệt: điều mà tiên tri Isaia đã nói đã trở thành hiện thực, sư tử, gấu và bê con sẽ ở chung với nhau. Tất cả chúng ta có thể trở về không chỉ như những người thụ động nhận lãnh tinh thần hiệp hành, mà còn như những sứ giả tích cực, điều mà tôi tin thực sự là tương lai.” Trong bối cảnh Châu Phi, nơi “các nhà thờ luôn đông đúc”, vấn đề đặt ra là “làm thế nào để duy trì tình trạng này,” ngài nhấn mạnh, “và chúng ta sẽ làm điều đó qua tinh thần hiệp hành.” Vị giám mục cũng nêu bật vai trò quan trọng của các giáo lý viên, đặc biệt là các phụ nữ, chiếm khoảng một nửa: “Châu Phi là một nơi đặc biệt cho tinh thần hiệp hành, là mảnh đất màu mỡ,” ngài kết luận, “trong các cộng đoàn nhỏ, chúng ta có thể giải quyết các vấn đề và đạt được hòa bình.”

Tái hội nhập văn hóa Công Giáo trong thời kỳ hậu thế tục

Liên quan tình hình hậu thế tục ở Đức, Giám mục Franz-Josef Overbeck của Giáo phận Essen nhấn mạnh sự cần thiết phải tái hội nhập văn hóa cho Giáo hội Công Giáo. “Sau nhiều năm khi mọi người hoặc là Công Giáo hoặc là Tin Lành, giờ đây trong tổng số gần 84 triệu dân, một nửa không có đức tin, không có tôn giáo và thậm chí không có khái niệm về Thiên Chúa là ai,” ngài chia sẻ, “trong khi nửa còn lại gần như chia đều giữa người Công Giáo và người Tin Lành, cùng với sự hiện diện của hơn 4 triệu người Hồi giáo.” Mặc dù các cộng đồng nhỏ mới đang hoạt động, vẫn xuất hiện nhu cầu “tái truyền giáo” và đồng thời “cần một câu trả lời mới về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội.” Trong tình trạng hậu thế tục, nơi mà Giáo hội đang sống “trong sự căng thẳng giữa một bên là cơ cấu và một bên là linh đạo mới,” tinh thần hiệp hành là “một con đường mà chúng ta đã sống từ nhiều năm nay,” ngài tiếp tục, thêm rằng sau vụ bê bối lạm dụng ở Đức, một cách tiếp cận mang tính hiệp hành đã được phát triển.

Châu Á, một đức tin sống động và đối thoại

Linh mục Clarence Sandanaraj Davedassan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công Giáo tại Kuala Lumpur, Malaysia, đã chia sẻ về kinh nghiệm sống tinh thần hiệp hành cả trong và ngoài Giáo hội. “Ngoại trừ Philippines và Timor Leste,” ngài giải thích, “Châu Á là một châu lục mà người Công Giáo là thiểu số. Đúng là đức tin ở đây rất sống động, nhưng điều đó không có nghĩa là không có hiện tượng thế tục hóa và các vấn đề khác.” Ngài tiếp tục, “khi không gian công cộng dành cho việc thể hiện đức tin ngày càng thu hẹp ở nhiều nơi, cũng do chủ nghĩa cực đoan về chính trị và tôn giáo, thì trong bối cảnh đó cần tìm kiếm sự hòa hợp thông qua việc đối thoại.” Đối thoại ở đây “không phải là một lựa chọn,” mà là “một vấn đề sinh tồn. Nó không phải là điều mới mẻ, mà là một nhu cầu cấp thiết và là một phần của kinh nghiệm chúng tôi sống hàng ngày trong một nền văn hóa đa nguyên.” Tinh thần hiệp hành là “nền tảng của tất cả những điều này” và được sống trong mọi môi trường, bắt đầu từ gia đình, và tiếp tục sinh hoa trái. Thách thức của Châu Á là làm thần học “từ góc độ sống chung với người khác” và liên quan đến việc truyền giáo “ở những nơi đức tin không thể được bày tỏ một cách công khai.” Cuối cùng, cha cũng đề cập đến hiện tượng di cư, khi nhiều người Châu Á di cư đến các nơi khác trên thế giới: “Họ là những nhà truyền giáo mới, vì khi họ ra đi, họ không chỉ tìm kiếm lợi nhuận mà còn mang theo đức tin của mình, và tôi biết — ngài kết luận — rằng ở nhiều nơi trên thế giới, họ góp phần làm sống động các Giáo hội và giữ vững đức tin.”

Câu hỏi của các nhà báo dành cho khách mời

Trong phần dành cho câu hỏi của các nhà báo, Giám mục Overbeck đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, liên quan đến “vấn đề thiếu linh mục và ai sẽ đảm nhận công việc mục vụ.” Một chủ đề khác, về việc thu hút giới trẻ đến với các cử hành phụng vụ, theo quan điểm của vị giám mục Đức, có thể được khơi dậy thông qua âm nhạc và nghệ thuật, cũng như khả năng đóng góp của họ vào phụng vụ. Về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội và khả năng mở ra chức phó tế cho họ, Hồng y Ambongo Besungu đã cho biết rằng các cộng đoàn Giáo hội Châu Phi không phản đối khả năng này. Tuy nhiên, theo ngài, cần phải làm rõ hơn về hình ảnh của phó tế: “Ban đầu đó là một sự phục vụ cộng đoàn,” không liên quan gì đến chức linh mục. “Đó không phải là bước đầu tiên của chức linh mục, vì vậy nó cũng mở ra cho phụ nữ.” Tuy nhiên, theo thời gian, khái niệm này đã thay đổi, và ngày nay, phó tế “được coi là bước đầu tiên của chức linh mục.”

Vấn đề cộng đồng LGBTQIA+

Khi được hỏi về sự tiến triển của các chủ đề liên quan đến cộng đồng LGBTQIA+, Giám mục Overbeck đã lưu ý “có nhiều giải thích đang diễn ra” trong bối cảnh đa dạng văn hóa rộng lớn. Một câu hỏi khác liên quan đến suy nghĩ của nhà thần học Timothy Radcliffe, được đăng trên tạp chí The Tablet vào tháng 4, và được dịch sang tiếng Ý trên tạp chí Vita e Pensiero số tháng 7 và được L’Osservatore Romano đăng lại vào ngày 12 tháng 10. Trong đó, có trích dẫn về “áp lực mạnh mẽ từ những người Tin Lành, với tiền từ Mỹ; từ Chính Thống Giáo Nga, với tiền từ Nga; và từ người Hồi giáo, với tiền từ các nước vùng Vịnh giàu có” mà các giám mục Châu Phi phải chịu. Hồng y Ambongo Besungu đã trả lời rằng, “Tôi hoàn toàn không nhận ra Cha Radcliffe trong những điều được viết ra đó,” và ngài cho biết trong một cuộc gặp gỡ, nhà thần học đã nói rằng ông ‘bị sốc’ khi những điều như vậy được gán cho mình. Hồng y khẳng định lại, “Cha Radcliffe chưa bao giờ nói điều này.”

Những khó khăn ngôn ngữ và vai trò phục vụ của phụ nữ

Vấn đề về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội đã được đặt ra trong hai câu hỏi khác. Giám mục Overbeck nhấn mạnh tại giáo phận của ngài, do sự hiện diện của các linh mục đến từ các quốc gia khác không biết nói tiếng Đức, các phụ nữ đã được giao trách nhiệm “giảng dạy”, cũng như đôi khi hướng dẫn “các nghi thức tôn giáo với trẻ em”. Đức Cha Fuanya đã trình bày các trường hợp của một số cộng đoàn giáo xứ ở Cameroon, nơi mà các “giáo điểm, sau này trở thành giáo xứ” không có linh mục cử hành thánh lễ vào mỗi Chúa nhật, do khoảng cách xa phải di chuyển. Ở những nơi đó, “việc dạy giáo lý thuộc trách nhiệm của cộng đoàn”, cũng như việc chuẩn bị cho các bí tích, được giao cho các thầy hoặc cô giáo lý viên. Tuy nhiên, việc cử hành các bí tích vẫn là trách nhiệm độc quyền của các linh mục, Tổng Giám mục của Bamenda đã nhấn mạnh.

Khả năng phong chân phước cho Vua Baudouin

Cuối cùng, liên quan đến việc Đức Thánh Cha Phanxicô tỏ ra sẵn sàng trong chuyến tông du đến Bỉ về việc phong chân phước cho Vua Baudouin, một câu hỏi đã được đặt ra cho Hồng y Ambongo Besungu, đề cập đến những cáo buộc cho rằng nhà vua Bỉ có trách nhiệm trong việc sát hại Thủ tướng Congo, Lumumba, vào ngày 17 tháng 1 năm 1961. “Chúng tôi vẫn để ngỏ” là lập trường được vị Hồng y đưa ra, “đối với chúng tôi, ông ấy là một chính trị gia đồng thời là một người sống đời tôn giáo” và đã có “rất nhiều can đảm. Nếu hồ sơ này khả thi, và họ muốn trình bày để xin phong thánh, chúng tôi đồng ý”. Tuy nhiên, vị Hồng y Châu Phi cũng nói thêm về một “vết đen” trong cuộc đời của nhà vua, “chúng tôi không biết tất cả mọi khía cạnh của cuộc đời ông ấy”.

Tâm Bùi (TGPSG)

Chuyển ngữ từ: vaticannews.va/it

Nguồn: tgpsaigon.net