Lăng Kính Của Đôi Mắt Và Trái Tim (Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXII-B)

20 lượt xem

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXII-B

 

Maria Fiat Diệu Huyền

LỜI CHÚA: Mc 7,1-8. 14-15. 21-23

Có những người Pharisêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giêsu. Họ là những người từ Giêrusalem đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pharisêu và kinh sư hỏi Đức Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” Người trả lời họ: “Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”.

Sau đó, Đức Giêsu lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

SUY NIỆM: LĂNG KÍNH CỦA ĐÔI MẮT VÀ TRÁI TIM

“Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7, 15)

Bài Tin mừng hôm nay phác hoạ cho ta một bức tranh tương phản trong thái độ giữ luật của Người Pharisêu và của Chúa Giêsu.

Giữa một rừng luật gồm 613 điều của người Do Thái, những người Pharisêu và kinh sư đã ghi nhớ tỉ mỉ từng chi tiết để dù đi đâu và vào thời điểm nào, họ cũng luôn có thể tỏ ra mình là những chuyên viên luật lệ, phán xét lòng đạo đức của người khác. Họ đã vất vả cất công từ Giêrusalem xuống Galillê chỉ để bới lông tìm vết mà loại trừ Chúa Giêsu. Cơ hội đã đến, họ hả hê khi quan sát thấy vài môn đệ của Người không rửa tay trước khi dùng bữa. Không chậm trễ giây phút nào, họ liền lên tiếng phàn nàn với Chúa Giêsu tại sao các môn đệ của Người lại không tuân giữ truyền thống tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa. Đây chẳng phải là một cách trách khéo Chúa Giêsu không biết cách dạy dỗ đồ đệ của mình sao? Qua đôi mắt trần và trái tim cứng cỏi, họ đã biến một phép giữ vệ sinh sơ đẳng trong sinh hoạt hằng ngày thành một nghi thức tôn giáo nhằm để phân loại con người trong sạch hay ô uế theo lề luật truyền thống. Họ nghĩ rằng những nghi thức bên ngoài như vậy có sức làm cho con người được thanh sạch và họ đã làm đẹp lòng Thiên Chúa vì đã làm đúng răm rắp theo luật lệ. Với họ, ai không tuân giữ các tập tục cổ xưa đều bị kể là hạng người dơ bẩn, bị loại ra ngoài cộng đoàn tôn giáo, mất quyền tham dự nghi lễ phụng tự trong đền thờ. Vậy ra đôi mắt của họ được tạo nên là để dòm ngó, xét đoán; trái tim của họ được ban tặng là để áp đặt quan điểm hà khắc lên người khác. Thật đáng buồn cho những người được sinh ra trong môi trường đạo giáo và được huấn luyện để trở nên thầy dạy cho mọi người!

Dưới lăng kính của đôi mắt nhìn thấu mọi sự bên trong và một trái tim đong đầy tình yêu cứu độ, Chúa Giêsu đã không ngần ngại làm phản tỉnh thói sống đạo giả hình của những người Pharisêu và kinh sư; đồng thời, Người đã cố gắng gạt những cái xà trong mắt và bẻ những cái khoá trong trái tim cứng cỏi của họ bằng việc định giá lại sự thanh sạch đích thật mà Thiên Chúa muốn nơi con người. Trước tiên, Chúa Giêsu đã khiển trách họ tôn thờ Thiên Chúa một cách giả dối ngoài môi miệng nhưng tấm lòng thì lại cách xa Người. Chúa Giêsu còn nhắn nhủ họ không được thay thế những huấn lệnh của Thiên Chúa bằng những quy tắc phàm nhân, bởi vì những quy tắc phàm nhân xem việc tuân giữ bên ngoài là quan trọng, còn những huấn lệnh Thiên Chúa biến đổi con người từ bên trong. Rồi Người ghé mắt trao gửi để mở rộng cái nhìn công minh chính trực và trái tim yêu thương đến đám đông đang hiện diện ở đó: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được”. Quả thế, sự dơ bẩn bên ngoài không làm cho tâm hồn ra ô uế, không tác hại và đáng lo cho bằng sự dơ bẩn trong tâm hồn do những ý muốn xấu xa, độc ác. Vậy thì việc tẩy rửa bên ngoài không quan trọng bằng việc tẩy rửa bên trong, bằng việc thanh tẩy tâm hồn, hoán cải cuộc sống. Sự trong sạch của tâm hồn quan trọng và cần thiết hơn sự sạch sẽ bên ngoài của thể xác. Dưới lăng kính của Thiên Chúa, tâm hồn con người luôn cần phải được thanh lọc bằng “tình yêu sâu thẳm” từ một trái tim thuần khiết. Tình yêu chính là “hạt giống” của trái tim và làm nên động lực cho mọi hành động tốt đẹp. Nếu tình yêu được “cắm sâu”, nó sẽ có sức mạnh tiềm tàng đẩy xa những cỏ lùng là các thói hư tật xấu. Thế nên, “rửa tay bằng nước thì quan trọng nhưng rửa tâm hồn bằng tình yêu lại quan trọng hơn”.

Lời khiển trách của Chúa Giêsu khi xưa có lẽ cũng là âm vang mời gọi mỗi người chúng ta xem lại lăng kính đôi mắt và trái tim của mình đối với Thiên Chúa và tha nhân. Chúng ta có ý thức sự hiện diện kín nhiệm của Thiên Chúa, rằng Người thấu suốt mọi chi tiết trong cuộc đời ta, chúng ta có thể che đậy hay giấu giếm cả thế giới nhưng không thể che mắt Thiên Chúa? Chúng ta có sống theo kiểu trong ngoài bất nhất, hỗn độn hay giữ đạo bằng việc chỉ tuân thủ một số luật lệ, đọc một số kinh, hoặc làm một vài việc đạo đức nhưng lại quên đi giới luật yêu thương của Thiên Chúa? Chúng ta có sốt sắng trong việc nhỏ mà bỏ qua việc lớn, có biết phân biệt đâu là cái chính yếu, đâu là cái tiểu tiết phụ thuộc? Giữa một xã hội có xu hướng nhìn thế giới với lăng kính của “sự giả tạo tân tiến”, của hình thức lộng lẫy bên ngoài, và cư xử với nhau bằng trái tim khô cứng tình người, chúng ta được mời gọi đi sâu vào bên trong, phát triển những hoa trái của tâm hồn, đối đãi với nhau bằng tình yêu vô điều kiện và ý thức sự hiện diện quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc đời.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,

Xin cho con mắt trần của chúng con được thấu nhập với con mắt đức tin

Và ngày càng đồng điệu với đôi mắt nhân hậu của Chúa.

Xin cho trái tim máu thịt của chúng con được ăn khớp với trái tim tâm hồn

Và được cùng chung nhịp đập với Trái tim Cực Thánh Chúa.

Xin cho chúng con trong ngoài như một, ngôn hành đồng nhất

Và tìm thấy sự hài hoà, quân bình nơi bản thân

Để chúng con xứng đáng là “hình ảnh trọn vẹn” của Chúa. Amen.