TÌNH YÊU PHẢN CHIẾU ĐỨC TIN
(Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXI – TNB)
Maria Fiat Diệu Huyền, MTG Vinh
LỜI CHÚA: Mc 12,28b-34
28b Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?” 29 Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: ‘Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, 30 và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi’. 31 Còn đây là giới răn thứ hai: ‘Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi’. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. 32 Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người, chẳng có Chúa nào khác nữa. 33 Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”. 34 Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
SUY NIỆM: TÌNH YÊU PHẢN CHIẾU ĐỨC TIN
Bài Tin Mừng theo thánh Maccô hôm nay mời gọi chúng ta đi vào chiều sâu của một cuội đối thoại giữa Chúa Giêsu và người luật sĩ. Cuộc đối thoại không chỉ nhấn mạnh đến điều cốt lõi của đức tin là giới răn yêu thương với hai đối tượng cụ thể: Thiên Chúa và tha nhân, mà còn đặt lề luật vào mối tương quan với tình yêu.
Người Do thái có 613 điều luật ghi trong sách Luật Do thái, trong đó 365 điều luật cấm và 248 điều luật truyền làm, chưa kể các điều luật phụ nữa. Nhóm luật sĩ là những người tinh thông những lề luật đó. Cách ăn mặc, đi đứng và lối hành xử của họ hiện lên chữ luật trước mặt người khác. Trong mắt họ, Chúa Giêsu là một nhân vật mới nổi nang nhờ tài giảng dạy và chữa bệnh. Cho dù Người là một thanh niên trẻ, họ vẫn cúi mình gọi Người là thầy, và một vị luật sĩ đã tiến đến đặt ra cho Người một câu hỏi hóc búa: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?”. Thật không dễ để chọn một giữa một rừng luật như thế.
Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: “Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi” (Mc 12). Đây không đơn thuần là một lời chân nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, mà còn là một lời mời gọi người ta đi sâu vào mối tương quan sâu đậm với Người. Thế nhưng, Thiên Chúa vô hình thì phải yêu làm sao? Đó là đặt cả con người chúng ta: từ cảm xúc, lý trí đến hành động quy hướng về Người. Nếu chúng ta thật sự thể hiện tình yêu qua đức tin của mình thì chúng ta sẽ có khả năng họa lại chân dung của Thiên Chúa cho người khác. Khi chúng ta yêu Chúa thì chúng ta luôn có thể tìm thấy sức mạnh trong lời cầu nguyện, bình an giữa giông tố cuộc đời, niềm vui giữa những nỗi đắng cay, sự an ủi giữa những thất bát, và có thể tìm thấy mục đích tốt đẹp cho những nghĩa cử của mình. Như vậy, yêu mến Thiên Chúa là điều răn lớn nhất và cần thiết nhất cho con người trong hành trình đức tin.
Chúa Giêsu không dừng lại ở điều trọng nhất của giới luật yêu thương, vì tình yêu Thiên Chúa không chỉ được thể hiện ở những cảm xúc mơ hồ khó diễn tả. Điều thứ hai mà Người nhấn mạnh là: “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi” (Mt 22, 39). Điều răn này như một sợi dây nối từ Thiên Chúa đến những con người xung quanh. Nó thách thức chúng ta nhìn xa hơn bản thân mình, chân nhận phẩm giá của người khác như chính bản thân ta là hình ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa chẳng bao giờ dựng nên thiên đàng cho bất cứ ai. Nếu ai muốn chiêm ngưỡng thánh nhan Người thì phải cùng bước đi với người khác dưới ánh sáng của tình yêu. Con người ta có xu hướng quy ngã, vị kỷ, luôn vun vén cho bản thân, luôn muốn điều tốt nhất cho mình, luôn muốn mình đứng vào chỗ an toàn nhất, luôn muốn người khác dành cho mình điều tốt đẹp nhất. Như vậy, khi nói chúng ta phải yêu thương người khác như chính mình, Chúa Giêsu mời gọi mỗi người biết hướng con mắt, trái tim và bàn tay đến người khác. Khi chúng ta vun vén hạnh phúc cho người khác thì chúng ta sẽ tự động tìm thấy niềm vui và chính Thiên Chúa cũng sẽ ghé mắt đoái nhìn mỉm cười với chúng ta.
Thực ra mến Chúa yêu người không phải là hai giới răn tách biệt, nhưng là một giới răn duy nhất, như hai mặt của một tấm huy chương. Lòng mến Chúa phải được chứng minh bằng việc yêu người. Tình mến mọi người phải được dựa trên nền tảng lòng mến Chúa. Trong khi chúng ta cố gắng để kết hợp với Thiên Chúa, chúng ta sẽ tự động trở nên như Người: giàu tình thương và lòng trắc ẩn đối với anh chị em đồng loại. Hay nói cách khác, khi chúng ta đã thực sự yêu Thiên Chúa với một tình yêu lớn lao, chúng ta không cần phải mất sức hay chiến đấu để học cách yêu thương người khác; hay không cần ép bản thân mình phải sống tốt với tha nhân. Ngược lại, khi chúng ta đã đạt đến mức độ yêu mến người khác với một tình yêu vô điều kiện, chúng ta sẽ dễ dàng gặp Thiên Chúa trong chính câu chuyện cuộc đời và hoàn cảnh sống của họ.
Nói tóm lại, tình yêu thức mà mà chúng ta dành cho Thiên Chúa và tha nhân phải thực sự đâm rễ từ trái tim, phát xuất từ sự khôn ngoan tìm kiếm điều thiện lành của lý trí và quan trọng nhất là phải dẫn tới hành động. Ba yếu tố nền tảng: trái tim – ý chí – và hành động là một biểu hiện tròn đầy cho một tình yêu đủ lớn. Tình yêu có sức biến đổi và có tốc độ di chuyển nhanh chóng. Từ những cảm nghiệm của trái tim, sẽ len lỏi vào lý trí những thao thức, từ những thao thức trong đầu sẽ biến thành những hành động nơi bàn tay và bàn chân. Tình yêu không thể chờ đợi và không có lời biện minh. Nếu yêu đủ, sẽ hành động liền. Nếu yêu sâu, sẽ không cần trì hoãn. Chúng ta hãy làm cho dòng diện tình yêu lan tỏa khắp nơi trong con người mình, và từ bản than mình đến những người xung quanh chúng ta.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu,
Trong cuộc sống, Chúa muốn chúng con thực thi lòng thương xót
bằng cả trái tim nhân hậu, không điều kiện,
không giới hạn và không bị ngăn cản bởi bất cứ rào cản nào,
vì Chúa cũng đã yêu thương chúng con không giới hạn,
không bao giờ mỏi mệt và cũng chẳng khi nào tính toán thiệt hơn.
Vậy mà, nhiều khi chúng con lại so đo, tính toán
với Chúa và với anh chị em xung quanh.
Cũng có khi chúng con lấy lý do thực thi luật Chúa
mà từ chối thể hiện tình yêu tha nhân
Chúng con đã quá bận tâm đến luật lệ, câu nệ đến hình thức mà quên đi tình người,
Chúng con từ chối cơ hội làm một việc tốt hay bỏ qua một nghĩa cử nhân văn.
Xin cho chúng con nhận ra rằng:
Yêu mến Chúa bằng con tim với những cảm xúc thoáng qua
hay bằng những câu kinh thì vẫn chưa đủ
nhưng còn phải yêu Chúa bằng chính đôi tay và đôi chân
sẵn sàng mở ra, cho đi và tiến đến với tha nhân
trong mọi cảnh huống mà họ cần đến sự nâng đỡ của chúng con.
Xin cho chúng con ta biết phá tan giới hạn về tình thân,
đồng thời mở ra vòng tay nhân ái, để không một ai bị chơi vơi, cùng cực
giữa biển đời lắm phong trần đắng cay. Amen.
Có thể bạn quan tâm
Lời Dẫn Lễ và Lời Nguyện Lễ Tất Niên và ba ngày Tết..
Th1
Đức Thánh Cha: Nhiều nhà truyền thông đã hy sinh mạng sống
Th1
Giáo phận Vinh: Thư Mục Vụ Xuân Ất Tỵ 2025
Th1
Chúa ơi, Xuân đã về!
Th1
Năm Thánh Truyền Thông: Câu chuyện là con đường ngắn nhất để kết..
Th1
Lời Chúa và Sứ Mạng (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Thường..
Th1
Đức Thánh Cha Bổ Nhiệm Đức Hồng Y Koovakad Làm Bộ Trưởng Bộ..
Th1
Năm Thánh Truyền Thông: Câu Chuyện Là Con Đường Ngắn Nhất Để Kết..
Th1
Đức Thánh Cha: Con Cái Không Bao Giờ Phải Là “Con Tin” Giữa..
Th1
Niềm Tin Tôn Giáo Và Đạo Cầu Lộc Trong Văn Hóa Việt Nam:..
Th1
Cáo phó: Thân phụ của Nữ tu Têrêxa Nguyễn Thị Vinh (Cộng đoàn..
Th1
Ban Tu sĩ Giáo phận Vinh: Thư mời tham dự Ngày Đời Sống..
Th1
Bạn còn muốn về nhà?
Th1
Cáo phó: Thân mẫu của Nữ tu Anna Hoàng Thị Huyền (Cộng đoàn..
Th1
4 Lời Khuyên Cho Cuộc Sống Kitô Hữu Hạnh Phúc
Th1
Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công..
Th1
Ra đi – Một hành trình để nhìn lại Sứ Vụ
Th1
Giáo hội, thân thể của Chúa Kitô, điều đó muốn nói gì cụ..
Th1
Tài Liệu Tuần Cầu Nguyện Cho Các Kitô Hữu Hiệp Nhất Năm 2025
Th1
5 lý do để hòa mình vào màu sắc của năm 2025
Th1