Vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng đến đời sống cầu nguyện của chúng ta ngày nay chính là sự thiếu kiên trì.

Chính Chúa Giêsu biết rằng đây sẽ là một thử thách liên tục đối với chúng ta, nên Ngài đã hướng dẫn và khích lệ chúng ta kiên trì cầu nguyện.

Ngài nói với họ rằng: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả”; mà người kia từ trong nhà lại đáp: “Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được?” (Luca 11:5-8)

Trước khi tìm hiểu lý do tại sao chúng ta thiếu kiên trì, hãy cùng xem xét ba tiêu chí khác để nâng cao hiệu quả của lời cầu nguyện. Những tiêu chí này có thể hỗ trợ đáng kể cho sự kiên trì của chúng ta.

Trước hết, chúng ta nên cầu nguyện cho những gì chúng ta cần. Cầu nguyện cho người khác là điều tốt, và chúng ta chắc chắn nên làm điều này, nhưng chúng ta cũng phải cầu nguyện cho những gì chúng ta cần.

Hiển nhiên, nếu chúng ta không có đủ thức ăn, quần áo mặc, hay một nơi ở thích hợp, điều đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng cầu nguyện của chúng ta. Vì vậy, chúng ta nên cầu xin Chúa ban cho những gì chúng ta cần.

Dĩ nhiên, mỗi điều này đều có một điều kiện tiên quyết. Chúng ta nên cầu xin Chúa ban cho chúng ta thức ăn cần thiết, nhưng cũng nên cầu xin được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Và chúng ta phải học cách thấu hiểu trọn vẹn những Lời này, và từ đó tìm thấy niềm vui trong những gì mình đọc.

“Gặp được lời Chúa, con đã nuốt vào,
lời Ngài làm cho con hoan hỷ,
làm vui thoả lòng con, vì con được mang danh Ngài,
lạy Chúa, Thiên Chúa các đạo binh”

(Giêrêmia 15:16).

Chúng ta nên cầu nguyện xin cho mình những bộ quần áo cần thiết, nhưng chúng ta cũng nên cầu nguyện để được trang điểm bằng sự tinh khiết của các đức hạnh; đây là điều kiện tiên quyết để chúng ta bước vào tiệc cưới của sự sống đời đời.

“Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, 1mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?” Người ấy câm miệng không nói được gì” (Mátthêu 22:11-12).

Và chúng ta nên cầu nguyện cho có nhà ở đầy đủ, nhưng chúng ta cũng nên cầu xin Chúa sẽ sử dụng những lời cầu nguyện, hành động bác ái và sự hy sinh của chúng ta như nguyên liệu thô để hoàn thành công việc của Ngài về nơi ở đời đời của chúng ta.

“Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Gioan 14:3).

Thứ hai, chúng ta nên cầu nguyện cho tất cả những điều này trong bối cảnh điều gì cần thiết nhất cho sự cứu rỗi của chúng ta. Thiên Chúa mong muốn ban cho chúng ta những gì chúng ta cần trong cuộc sống này, nhưng Ngài quan tâm nhất đến sự sống đời đời của chúng ta.

“Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Gioan 6:40).

Thứ ba, chúng ta nên cầu nguyện với hết lòng tin tưởng và khiêm hạ hết lòng.

“Lạy Chúa, Ngài nghe thấy ước vọng của kẻ nghèo hèn;
Ngài cho họ an lòng và lắng tai nghe họ,
để bênh kẻ mồ côi và người bị áp bức,
khiến cho kẻ mang thân cát bụi, chẳng còn khủng bố ai” (Thánh vịnh 10:17-18).

Và Chúa mong muốn chúng ta đến với Ngài bằng đức tin, xác tín rằng Ngài sẽ làm những gì vì lợi ích tốt nhất của chúng ta.

“Thiên Chúa đã hành động như thế theo quyết định Ngài đã có từ muôn thuở và đã thực hiện nơi Chúa Kitô Giêsu, Chúa chúng ta. Trong Chúa Kitô và nhờ tin vào Ngài, chúng ta được mạnh dạn và tin tưởng đến gần Thiên Chúa” (Êphêsô 3:11-12).

Nếu chúng ta thiết lập từng nguyên tắc này trong đời sống cầu nguyện, chúng ta vẫn còn đối mặt với thách thức quan trọng nhất, sự thiếu kiên trì. Một trong những lý do chính khiến chúng ta thiếu kiên trì trong cầu nguyện là do lối sống. Nhưng may thay là chúng ta có thể kiểm soát được chuyện này.

Ngày nay, tất cả chúng ta đều bị tấn công bởi quá nhiều thông tin liên lạc đến mức gần như không thể tập trung sự chú ý vào hành động cầu nguyện đơn sơ và lặng lẽ. Mỗi người chúng ta đều có một hoặc nhiều thiết bị để giao tiếp với người khác và tìm kiếm thông tin trực tuyến, và chúng ta đang chìm đắm trong đó.

Hơn nữa, tất cả chúng ta đều mong đợi sự đáp ứng ngay lập tức, nếu không muốn nói là sự hài lòng tức thì, cho mọi thứ chúng ta mong muốn trong cuộc sống, miễn là chúng ta có đủ khả năng chi trả. Tất cả chúng ta đều đã quen với việc tìm kiếm và đặt hàng trực tuyến những gì mình muốn, và trong nhiều trường hợp, chúng ta mong đợi được giao hàng ngay ngày hôm sau.

Những trải nghiệm này có thể giúp cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn ở một số khía cạnh, dù điều này còn phải bàn cãi, nhưng chúng cũng đã lập trình chúng ta rút ngắn thời gian và công sức cần thiết để đạt được điều mình mong muốn trong cuộc sống. Liên quan đến những lời cầu nguyện của chúng ta, điều này có thể rất dễ gây hiểu lầm và tiềm ẩn nguy hiểm.

Đúng là Chúa muốn ban cho chúng ta những điều chúng ta cần trong cuộc sống này, và Ngài hoàn toàn muốn ban cho chúng ta sự sống đời đời. Nhưng cầu nguyện không chỉ đơn thuần là cầu xin và nhận được những gì chúng ta muốn hoặc cần. Cầu nguyện còn hơn cả việc chúng ta đạt được sự sống đời đời. Cầu nguyện chủ yếu là phương tiện để biến đổi chúng ta thành những con người mà Chúa luôn muốn chúng ta trở thành.

Một phần của sự thay đổi đó là học biết Chúa thực sự là ai, Ngài muốn gì cho chúng ta và từ chúng ta. Cuối cùng, xét về cơ bản, cầu nguyện là phát triển mối tương quan với Chúa. Như chúng ta đều biết, các mối tương quan không được thiết lập chỉ sau một đêm, chúng cần thời gian. Các mối tương quan đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, hy sinh, khiêm nhường và học cách đáp ứng nhu cầu của người khác. Tóm lại, xây dựng các mối tương quan lâu dài đòi hỏi sự kiên trì.

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

Từ nguồn: integratedcatholiclife.org