Ông Bruni nhắc lại rằng Luxembourg và Bỉ là hai quốc gia ở ngã tư lịch sử châu Âu, quan trọng không chỉ về mặt lịch sử mà còn có ý nghĩa chính trị. Qua hai quốc gia này người ta có thể hiểu những giai đoạn khác nhau của lịch sử toàn lục địa. Do đó, trọng tâm chuyến tông du của Đức Thánh Cha là suy tư về lịch sử và vai trò mà châu Âu có thể đảm nhận trên thế giới trong tương lai gần, một chủ đề đã được Đức Thánh Cha đề cập đến trong chuyến tông du Strasbourg năm 2014 và trong bài phát biểu trao Giải thưởng Charlemagne danh giá năm 2016.

Dưới cái nhìn này, nội dung các bài phát biểu của Đức Thánh Cha sẽ tập trung vào các vấn đề thời sự như chủ đề đón tiếp, vốn cần một cái nhìn vượt ra ngoài biên giới và tình liên đới giữa các quốc gia. Hơn nữa, chủ đề hoà bình sẽ được đặt lên hàng đầu, như một một ơn gọi phát sinh từ lịch sử châu Âu và ở ngay trung tâm châu Âu, đồng thời gợi nhớ đến những vùng đất đã làm việc vất vả vì hòa bình sau chiến tranh, trong một thời điểm trong đó thế giới có nguy cơ bị kéo vào xung đột một lần nữa.

Giám đốc Phòng báo chí Toà Thánh nói thêm, sự kiện nổi bật của chuyến tông du của Đức Thánh Cha là sự kiện đại học Công giáo Leuven kỷ niệm 600 năm ngày thành lập.

Tiếp đến, theo ông Bruni, những vấn đề cấp bách nhất của châu lục là vấn đề tục hóa, một thách đố đối với đời sống và chứng tá Kitô giáo ở một nơi mà Kitô giáo hiện ít được biết đến hơn so với quá khứ, và nơi mà nhận thức về sự suy thoái đang thống trị.

Nguồn: vaticannews.va/vi