Ngày 14/7 – Thánh Camilo Lenti

83 lượt xem

 

Về đời sống đức ái, Đức Thánh cha Phanxicô đã nói với các bạn trẻ: “Sự tăng trưởng thiêng liêng của các con được biểu lộ trước hết bằng sự tăng trưởng của các con trong tình yêu huynh đệ, rộng lượng và nhân hậu. Thánh Phaolô đã cầu nguyện: ‘Xin Chúa làm cho anh em gia tăng và dồi dào trong tình yêu dành cho nhau và dành cho mọi người’ (1Thes 3,12). Thật tuyệt vời biết bao được trải nghiệm điều “xuất thần” ra khỏi con người chúng ta đây và tìm kiếm điều tốt đẹp cho người khác, thậm chí đến hy sinh mạng sống của chúng ta.”[1] Chúng ta có thể minh họa cho ý tưởng này bằng cuộc đời thánh Camilô Lenti như sau:

“Tôi xin bắt đầu bằng đức bác ái, đó là căn nguyên của mọi nhân đức và là ân huệ mà anh Camilô quý mến hơn hết. Tôi xin nói rằng anh là con người bừng cháy lửa nhân đức ấy, không phải chỉ đối với Thiên Chúa mà còn đối với tha nhân, đặc biệt đối với các bệnh nhân, đến nỗi mới nhìn thấy họ là anh đã mủi lòng, không còn màng chi đến thú vui và sung sướng trần gian và không để cho mình vương vấn… Anh quen nói: Vì những người nghèo trên đời này không được người ta đoái hoài, nên phải có những người xả thân tìm kiếm họ và kéo họ lên khỏi đất đen, để mang lại cho họ những điều tốt lành và thương xót họ.”[2] Đó là những dòng ghi nhận của một người bạn về thánh Camilô Lenti.

Camilô Lenti sinh năm 1550 tại thành Napôli, nước Ý. Tuổi thơ của Camillô không mấy tốt đẹp vì cha mẹ mất sớm. Tuổi thanh niên cũng không mấy xuôi thuận vì Camillô gia nhập quân đội và mắc phải thói cờ bạc. Đến tuổi trưởng thành, vì muốn thay đổi cuộc đời, Camillô đã xin vào tu trong dòng Capuxinô ở thành Napôli. Tuy nhiên, Camillô không thể tuyên khấn ở trong dòng được bởi đôi chân thương tích không thể chữa trị. Thay vì thất vọng bởi nỗi đau đó, Camillô bắt đầu biến nỗi đau thành ân phúc cho người khác. Anh đã ra đi chăm sóc các người đau ốm trong thành phố; rồi anh đã trở thành giám đốc bệnh viện thánh Giacôbê. Vị hướng dẫn tinh thần của Camillô (thánh Philipphê Nêri – lễ kính ngày 26/5) là một linh mục rất thánh thiện ở Rôma. Cha đã giúp Camillô học làm linh mục. Sau đó, Camillô được thụ phong. Cha Camillô quyết định thành lập một nhóm đạo đức tình nguyện chăm sóc những người đau ốm. Cùng với hai người phụ tá. Camillô đã thành lập một hội dòng chuyên lo cho những người đau bệnh, gọi là dòng Camêllô.

Các tu sĩ Camêllô phục vụ trong các bệnh xá ở Rôma và Napôli cũng như giúp các nạn nhân mắc bệnh dịch tả trên các boong tàu ở hải cảng Rôma. Các ngài đã liều mạng sống mình để đem an vui và hy vọng đến cho những bệnh nhân mắc bệnh lây nhiễm… Thánh Camillô qua đời tại Rôma ngày 14/7/1614 sau một cơn bệnh lâu dài. Ngài được phong thánh năm 1746. Đức thánh cha Lêô XIII đã đặt thánh Camillô làm thánh bổn mạng của các bệnh nhân. Đức thánh cha Piô XI tôn ngài làm thánh quan thầy của giới y tá.

Cuộc đời thánh Camilô cho ta thấy: ngài chịu nhiều thử thách do bệnh về phần xác và cả những đau khổ tinh thần. Ngài là một trong ba khuôn mặt bác ái lớn cùng với thánh Vinh Sơn Phaolô, thánh Gioan Thiên Chúa. Ngài thường nói: “Tôi ao ước có một quả tim rộng lớn như thế giới” để có thể bắt đầu mọi sự bằng đức ái. Ước gì người trẻ chúng ta cũng học được nơi thánh nhân một lòng bác ái quảng đại lớn lao như ngài. Ước gì những người trẻ cũng hăng say tham gia vào các chương trình xã hội xây dựng nhà cửa cho người vô gia cư, hoặc phục hồi các khu vực bị ô nhiễm hoặc cung cấp nhiều loại trợ giúp cho người túng thiếu. Sẽ rất hữu ích nếu năng lực chung này có thể được gom góp và tổ chức một cách ổn định và với các mục tiêu rõ ràng hơn, để có thể đạt được hiệu quả cao hơn nữa…
 

Tuổi thơ bất hạnh thương đau
Mẹ ra đi những ngày đầu sơ sinh
Sáu tuổi cha cũng bỏ mình
Bơ vơ con trẻ thiếu tình đói ăn
Camillô quả khó khăn
Tuổi trẻ phóng túng tung tăng chơi đùa
Chưa hề biết nghĩ hơn thua
Sa vòng cờ bạc chen đua thói đời
Bỗng nhiên tình Chúa gọi mời
Chàng trai tội lỗi đổi đời nên gương.
Sống bằng đức ái yêu thương
Dấn thân phục vụ dặm trường quản chi.
Các người trẻ, hãy ra đi
Yêu thương rộng mở sống vì Chúa thôi.
Hãy ghi nhớ kỹ lấy lời
“Bắt đầu mọi sự bằng đời yêu thương.”

[1] Đức Thánh Cha Phanxico, Tông huấn Christus Vivit, số 163.

[2] Trích hạnh thánh Camilô do một người bạn ghi chép. Bđ 2, BĐKS ngày 14/7.