Giờ chầu tĩnh tâm tháng 7: Sống Đức Vâng Phục Thánh Hiến

26 lượt xem

1. THỜ LẠY

Lời dẫn  

Kính thưa cộng đoàn!

Đời sống thánh hiến được kêu gọi để làm chứng cho vẻ đẹp của sự thánh thiện, mầu nhiệm tự hủysức sống của Đức Giêsu hiện diện trong Giáo Hội và thế giới qua những đặc nét Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Phục. Cách riêng, với đức vâng phục, người tu sĩ hiến dâng tất cả ý chí và toàn bộ đời sống để bước vào kế hoạch cứu độ của Chúa Giêsu một cách vững mạnh và quyết liệt hơn. Sống đức vâng phục thánh hiến, người tu sĩ thao thức tìm kiếm ý Chúa, đem hết sức lực và ý chí, năng khiếu tự nhiên và ân huệ siêu nhiên thi hành thánh ý Người” (x.HC.30). Trong giây phút linh thiêng này mỗi người chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Đức Giêsu – mẫu gương tuyệt hảo của sự Vâng phục. Chúng ta đã cam kết tự nguyện bước theo Người trên đường Thánh Giá, thì xin cho mỗi chị em chúng ta biết hiến dâng cho Người một cách trọn vẹn. Để một khi chúng ta được thực sự tháp nhập vào Chúa Giêsu trong chương trình cứu độ của Chúa Cha, chúng ta luôn tìm thấy niềm vui và sự tự do nội tâm trong cuộc sống cũng như khi thi hành sứ vụ. Giờ đây, với tất cả niềm tin tưởng, phó thác và cậy trông, chúng ta dâng giờ đền tạ này để tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

Hát: Thờ lạy

2. LỜI CHÚA (Dt 5, 7-10)

  • Suy niệm: (Mời cộng đoàn ngồi):

Thư gửi tín hữu Do-thái như kể cho chúng ta về một kinh nghiệm thâm thúy của Chúa Giêsu khi Người sống vâng phục: một khát vọng được biết ý muốn của Chúa Cha khi đối diện với một chọn lựa hay một quyết định sống còn; một trải nghiệm học biết thế nào là vâng phục Thánh ý; và một giá trị vĩnh cửu mang lại cho nhân loại là nguồn ơn cứu độ qua việc sống Thánh Ý Cha. Phẩm vị của Đức Giê-su thật cao cả, Người là Đấng toàn năng, toàn tri và toàn thiện. Tuy nhiên, trong thân phận con người, Đức Giê-su đã vâng phục để học hỏi hầu có thể trưởng thành như bao người khác. Vị Thiên Chúa “phải học cho biết thế nào là vâng phục” quả là khó hiểu đối với chúng ta. Tuy nhiên, khi chúng ta nhận thức rằng tình yêu của Người đối với chúng ta là vô ngần vô hạn thì chúng ta có thể lãnh hội được (Rm 5,8-9; Ep 2,4-5; 1 Ga 4,10). Là con người, Đức Giê-su cần học để được lớn lên như chúng ta, để cảm nghiệm được đau khổ, cảm nghiệm được tình trạng bi đát của con người dưới mãnh lực của sự dữ trong môi trường thế giới thụ tạo. Người học vâng phục bằng ngôn ngữ và kinh nghiệm của con người để dạy con người cách thức vâng phục xứng hợp với thánh ý Thiên Chúa. Người vâng phục đến chết để có được cảm nghiệm đau khổ tột cùng của con người và đem lại ơn cứu độ vĩnh cửu cho nhân loại. Nơi Đức Giê-su, chúng ta thấy rõ mẫu gương vâng phục tuyệt hảo. Như thế, mẫu gương để sống đức vâng phục của chúng ta là Đức Giêsu, Chúa Giêsu vâng phục Chúa Cha thế nào, thì người tu sĩ tự nguyện theo sát Chúa Kitô cũng muốn vâng phục như vậy. Thánh Phaolô trong thư Philiphê đã mô tả cách ngắn gọn đức vâng phục của Chúa Giêsu, vì thảo hiếu với Chúa Cha “Người đã vâng lời cho đến chết, và chết trên Thập giá” (Pl 2,8). Là những người sống đời Thánh Hiến trong linh đạo Mến Thánh Giá, tất cả chúng ta được mời gọi học nơi Đức Giêsu tinh thần vâng phục.

Trước hết, vâng phục là thái độ lắng nghe, giống như con cái đối với cha mẹ mình. Trong tâm thức đó, khi nhận ra là Cha mẹ thương yêu và luôn muốn trao ban những điều tốt cho mình sẽ giúp con dễ dàng lắng nghe và đón nhận ý muốn của cha mẹ. Cũng vậy, Thiên Chúa là người Cha yêu thương luôn ban mọi điều tốt lành cho con, thì vâng phục là cách chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài khi biết đặt mình nơi kế hoạch của Ngài qua sự tin tưởng phó thác. Như thế, sống tâm tình của một người con sẽ là cách thế hữu hiệu nhất để chúng ta lắng nghe, thao thức tìm kiếm và nhận ra ý Chúa qua ánh sáng Lời Chúa, qua Giáo hội, qua các vị hữu trách như là trung gian của Chúa, qua chị em, qua những dấu chỉ lớn nhỏ trong cuộc sống. Lời khấn vâng phục của người tu sĩ không chỉ diễn ra một lần là xong, cũng như ý muốn của Thiên Chúa không chỉ nói với chúng ta một lần là đủ, nhưng như Mẹ Maria là cả một đời suy gẫm và tìm kiếm thánh ý Chúa. Thứ đến,  khi chúng ta  Vâng phục là chúng ta  dám từ bỏ tận căn con người cũ để học bước đi trong thánh ý Chúa.  Như Thánh Basilio đã nói: “Mục đích của Đức vâng phục là từ bỏ con người cũ, với những dự tính riêng của mình để được thanh thảnh bước theo Đức Kitô trong một Hội Dòng”. Dấn thân trong đời sống vâng phục đòi hỏi chúng ta luôn phải có cái nhìn đức tin mạnh mẽ, dứt khoát, là sẵn sàng dâng tất cả ý chí, toàn bộ  đời sống để bước vào kế hoạch cứu độ của Chúa Giêsu cách vững mạnh và quyết liệt. Hơn nữa, sự vâng phục của chúng ta trở nên tròn đầy hơn khi chúng ta biết cậy nhờ vào ân ban và phó thác hoàn toàn cuộc sống mình trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa qua Hội Dòng, trong cộng đoàn và nơi những người chị em mà chúng ta đang chung sống và cùng nhau thi hành sứ vụ. Tuy nhiên trong thực tế, điều này cũng chẳng dễ dàng. Vâng lời làm những điều hợp ý mình thì đơn giản nhưng nhiều lúc phải làm những điều trái ý thì rất khó khăn, lắm lúc chúng ta cũng đau đớn và rướm máu. Thêm vào đó, khi đức vâng phục của chúng ta thiếu vắng lòng mến bởi sự vâng phục ấy chưa thể hiện được sự tự do nội tâm của một con người đã được Chúa kêu gọi và sai đi. Giờ này, chúng ta hãy chất vấn bản thân mình:

– Tôi đã khấn dòng được 60 năm, 20 năm, 10 năm, mới khấn lần đầu hay là mới chập chững bước vào đời tu. Vậy, tôi đã can đảm thưa tiếng “xin vâng” hay chưa?  Xin vâng trong việc thuyên chuyển của sứ vụ mới, xin vâng theo chương trình sống của cộng đoàn, xin vâng để làm một công việc trái ý, xin vâng để đón nhận sự khác biệt của chị em, hay những lời góp ý.

– Tôi có sẵn sàng vâng phục với tinh thần của đức tin và lòng yêu mến, vì tình yêu đối với Thiên Chúa hay tôi còn có thái độ khó chịu, bằng mặt nhưng không bằng lòng?

– Tôi đã từ bỏ cái tôi, ích kỷ, ước muốn và sở thích để vâng phục ý Chúa qua bề trên của mình không?

3. SÁM HỐI, TẠ ƠN VÀ CẦU XIN

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con những giây phút được ở bên Chúa để suy ngắm Đức vâng phục của Chúa và hồi tâm nhìn lại tinh thần sống vâng phục của chính mình. Chúng con biết vâng phục là một lời khấn đụng chạm đến cái tôi nhiều nhất. Dầu vậy, chúng con vẫn muốn bước theo Chúa trên con đường vâng phục để Chúa Cha dùng chúng con như khí cụ cứu độ cho bản thân mình và cho tha nhân. Với lời khấn vâng phục, chúng con biến đời mình thành của lễ toàn thiêu, trong đó những ý muốn, ước mơ, kế hoạch, dự định và tính tóan, phán đoán của chúng con sẽ được thiêu hủy để dâng về ngai Chúa. Dù biết là vậy, nhưng những ngày tháng qua, chúng con đã nhiều lần bỏ quên lời hứa, coi thường kỉ luật, sống bất trung, thất tín để mình trượt dài trên những nẻo đường bất chính, lạc vào những khoảng không vắng bóng Thiên Chúa. Chúng con luôn nghĩ và hành động theo ý riêng mình mà chối từ ý Chúa qua các trung gian. Đức tin của chúng con còn yếu kém, nhiều lúc chưa thấy ý Chúa trong bề trên. Giữa guồng quay của chủ nghĩa cá nhân, vòng xoáy danh lợi, tự do và hưởng thụ, đã không ít lần chúng con bị chao đảo và gục ngã vì chưa giữ trọn đức vâng phục thánh hiến. Hôm nay, một lần nữa chúng con xác tín hơn vào quyền năng của Chúa giúp chúng con can đảm vượt qua những cơn sóng của thời đại, để chúng con quyết tâm trung thành với lời chúng con đã khấn hứa. Xin cho chúng con biết đương đầu với những cuộc chiến đấu nội tâm để thánh ý Chúa được thực hiện trên cuộc đời chúng con. Nhờ lời Đức Mẹ và Đức Cha Lambert chuyển cầu, xin Tình yêu và Lòng thương xót Chúa làm mới lại trong chúng con tình yêu tinh tuyền của Chúa, để chúng con hăng say và can đảm dấn thân cho sứ vụ mà chúng con đang đảm nhiệm