Giờ Chầu Tĩnh Tâm tháng 6: Sống Đức Nghèo Khó Thánh Hiến

117 lượt xem

 

CHẦU THÁNH THỂ

Chủ Đề: Sống Đức Nghèo Khó Thánh Hiến

 

1. Khai mạc

  • Hát kinh Chúa Thánh Thần
  • Kinh Truyền tin……Lạy Chúa Cứu Thế…
  • Kính Đức Mẹ…
  • Kinh Dâng Hội Dòng…

Dẫn: Kính Thưa cộng đoàn!

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, con người đang chạy đua để tìm kiếm của cải vật chất, chức quyền, danh vọng… nên dần đánh mất những phẩm giá cao quý mà Đấng Tạo Hóa đã ban tặng. Nhu cầu hưởng thụ đang chiếm ngự, bởi thế con người luôn tìm cách tích trữ cho mình kho tàng của cải nhằm thỏa mãn những đòi hỏi, ước muốn của tính xác thịt mà quên đi lời dạy của Đức Kitô: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3). Giữa một thời đại đầy thách đố như vậy, những người sống đời thánh hiến cũng dễ rơi vào vòng xoáy của sự hưởng thụ. Hơn bao giờ hết, lời kêu mời của Chúa Giêsu lại vang vọng: “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện”. Là những môn đệ của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi sống đức Nghèo Khó theo gương Thầy Chí Thánh. Giờ đây trước nhan Thánh Chúa, chúng ta cùng nhau suy chiêm sự Nghèo Khó triệt để của Chúa Giêsu; đồng thời nhìn lại chính mình đã sống Tinh Thần Nghèo Khó như thế nào? Hầu làm mới lại tình yêu dành cho Thiên Chúa, quyết tâm sống Lời Khấn cách trung thành, ý nghĩa, và trọn vẹn hơn.

Hát: Thờ Lạy… (thinh lặng…)

2. LỜI CHÚA (kính mời cộng đoàn đứng)

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê (Pl 2, 6-11)

(Kính mời cộng đoàn ngồi)

– Suy niệm:

6 Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.

8 Người lại còn hạ mình,vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.

Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa nhưng đã tự nguyện rời bỏ địa vị giàu sang để đến trần gian, chấp nhận mang thân phận phàm nhân, để chung chia cảnh nghèo khổ của kiếp người. Cả cuộc đời Người mang đậm dấu ấn của sự Nghèo Khó. Đức Giêsu mà chúng ta chọn làm “Đối Tượng Duy Nhất” của lòng trí mình, Đấng đã đến ở với nhân loại, Ngài trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài đã sống trọn kiếp nghèo và đi đến tột cùng của cái nghèo. Suốt hành trình dương thế, chúng ta chứng kiến một Đức Giêsu Kitô trần trụi và tự huỷ hoàn toàn (Pl 2, 6-11). Người đã sống Nghèo khi chấp nhận sinh ra và lớn lên trong vùng thôn quê với nghề thợ mộc. Tiếp đến, trong những năm hoạt động công khai, Ngài đã chấp nhận cảnh sống nay đây mai đó như một người vô gia cư.

Trong cuộc khổ nạn, Chúa bị lột trần trụi hoàn toàn không một mảnh vải che thân, đem phơi bày nhục nhã trước sự nhạo báng của thế gian. Đó chính là cái nghèo tột cùng, trần trụi của Chúa Giêsu: Ngài đã trở nên mẫu gương tuyệt vời cho mỗi người chúng ta trong cuộc đời dâng hiến. Khi chúng ta sống nghèo về vật chất lẫn tinh thần, cần cù và thanh đạm, không dính bén của cải thế gian, không lệ thuộc vào việc sử dụng của cải, chính là lúc chúng ta được tự do và bình an. Vì Chúa đã nói: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6, 24). Sự khó nghèo chỉ có ý nghĩa khi chúng ta yêu mến và tự nguyện tuân giữ. Bằng không, đó chỉ là một sự gượng ép, gắng chịu đựng rồi đến một lúc nào đó, khi có cơ hội, chúng ta sẽ tìm cách lấy lại những gì mình đã từ bỏ để bù trừ.

Chúng ta tự nguyện cam kết sống Tinh Thần Khó Nghèo theo gương Chúa Giêsu. Khi sống trọn vẹn Tinh Thần Nghèo Khó Thánh Hiến, chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu. Chỉ khi chúng ta dám khước từ tất cả, chúng ta lại có TẤT CẢ trong Đấng mà chúng ta bước theo.

Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta cần nghiêm túc nhìn lại chính mình đã sống Lời Khấn Nghèo Khó như thế nào?

Tôi sử dụng thời gian Chúa ban như thế nào? Trong một ngày tôi đã phí bao nhiêu thời gian để lướt mạng, điện thoại, lười biếng, khô khan, tương quan không trong sáng, bàn tán những chuyện vô ích? Có thể thấy, công nghệ thông tin và truyền thông xã hội đã ảnh hưởng không ít tới cung cách sống của bậc tu trì. Tâm trí quá bận rộn với những kênh thông tin có khi thiếu lành mạnh trên mạng cũng làm cho ta rơi vào sự bấp bênh giữa việc dành giờ cho Chúa hay cho sứ vụ. Của cải, đồ dùng tôi sử dụng thế nào? Cái nghèo nhất của tôi là gì? Giữa một thế giới tục hóa, tôi đã thực sự trở thành chứng tá về nhân đức Nghèo Khó hay tôi đang bị cuốn vào guồng xoáy hưởng thụ của thế gian? Tôi đã thật sự “chạm” tới cái nghèo của Chúa khi tôi sống ý nghĩa của lời khấn Nghèo Khó chưa? Tôi đã thật sự cảm nếm được niềm vui, hạnh phúc khi sống Lời Khấn Nghèo Khó, hay tôi chỉ tuân giữ lời khấn như một sự gượng ép, bắt buộc?

3. ĐỀN TẠ – Cầu xin

– Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể! Cảm tạ Chúa đã cho chúng con có thời gian được ở lại bên Chúa. Trong giờ phút hồi tâm, chúng con thấy mình thật bất toàn, yếu đuối và tội lỗi. Chúng con thành tâm xin lỗi Chúa.

– Lạy Chúa, chúng con đang sống trong một xã hội hưởng thụ, những mời gọi hấp dẫn của trần gian làm cho chúng con dễ bị lôi cuốn xa rời chân lý, xa rời tinh thần Khó Nghèo của Chúa. Nhưng chúng con tin, cùng với ơn Chúa, chúng con có sức mạnh đáp lại lời mời gọi của Chúa để sống đức Nghèo Khó cách vui tươi, thanh thoát và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa.

– Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể! Chúng con cảm nghiệm được ý nghĩa của việc từ bỏ chính mình. Xin cho chúng con ý thức mình đã tự nguyện cam kết sống nghèo khó. Xin Chúa tăng thêm Sức Mạnh, Tình Yêu của Chúa cho chúng con, để giữa những khó khăn, thiếu thốn, vất vả và giới hạn của bản thân, mỗi người chúng con biết nỗ lực hy sinh, thanh thoát và tràn đầy niềm vui vì đã có Chúa là gia nghiệp duy nhất của chúng con.

– Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể! Chúa đã tự ý trở nên nghèo khó vì chúng con. Chúa đã lấy cái nghèo của mình mà làm cho chúng con được giàu có. Xin cho chúng con luôn nhận ra giá trị cao quý của đức nghèo khó thánh hiến, và luôn nhớ rằng nghèo khó là điều kiện không thể thiếu trên hành trình theo Chúa. Và chỉ khi nào chúng con dám khước từ tất cả thì chúng con mới thực sự cảm nếm được niềm vui, hạnh phúc và sự giàu có qua lời khấn Khó Nghèo như lời thánh Phaolô đã nói: “Vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác rưởi để được mối lợi tuyệt vời là Đức Kitô”(x.Pl 3,8).

Trong tâm tình phó thác, cậy trông, chúng con xin dâng lên Chúa các phẩm trật trong Giáo Hội, và những người sống đời thánh hiến. Xin cho các ngài luôn sống thánh thiệnthanh thoát, không dính bén của cải thế gian, không lệ thuộc trong viêc sử dụng và định đoạt tài sản, hầu nhiệt thành loan báo Tin mừng. Và xin Chúa tuôn đổ muôn phúc lành xuống trên Hội Dòng thân yêu của chúng con. Cùng chúc lành cho thế giới được hòa bình, người dân có cuộc sống ấm no-hạnh phúc.

4. KẾT THÚC

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể! Chúng con được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng một cách mới mẻ và mạnh mẽ về sự từ bỏ và tiết độ. Đời sống nghèo khó của chúng con được kết dệt bằng những chọn lựa từng ngày, bởi những đòi hỏi của sự nghèo khó là những điều rất tinh tế, những cám dỗ, mời mọc hấp dẫn khiến chúng con ngày càng dính bén. Những vật chất, tham vọng sở hữu khiến chúng con khó từ bỏ, và rồi hình thành nơi chúng con một cuộc sống “giàu cả bên trong lẫn bên ngoài”. Để sống một cuộc đời nghèo khó khiêm nhu, tín thác, chúng con cần bước từng bước theo Chúa, qua từng khoảnh khắc chọn lựa, qua từng từ bỏ, hy sinh. Xin cho mỗi người chúng con hăng say đáp lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa và ngập tràn niềm vui hạnh phúc khi có Chúa là gia nghiệp của chúng con. Sau hết, xin Chúa cho các tín hữu đã qua đời được hưởng Thánh Nhan Chúa muôn đời. Amen