Số 2302-2306: Đức Kitô là bình an của chúng ta

Số 2437-2442: Những chứng nhân và những người xây dựng công lý và hoà bình

Bài Ðọc I: Gr 23, 1-6

Bài Ðọc II: Ep 2, 13-18

Phúc Âm: Mc 6, 30-34

Số 2302-2306: Đức Kitô là bình an của chúng ta

Số 2302. Khi nhắc lại điều răn: “Chớ giết người” (Mt 5,21), Chúa chúng ta đòi chúng ta giữ trái tim bình an và Người tố cáo tính vô luân của việc giận dữ và sự căm ghét.

Giận dữ là một ước muốn trả thù. “Ước muốn báo thù vì điều xấu của kẻ đáng bị phạt, là không hợp pháp”: nhưng bắt phải đền bù “nhằm sửa chữa lại các thói xấu và duy trì điều tốt của đức công bằng” là điều đáng khen ngợi[1]. Nếu giận dữ đến độ chủ ý muốn giết chết hay làm bị thương nặng người lân cận, là xúc phạm đến đức mến một cách nghiêm trọng; đó là tội trọng. Chúa nói: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa” (Mt 5,22).

Số 2303. Căm ghét có chủ ý là điều nghịch với đức mến. Căm ghét người lân cận là có tội, khi một người chủ ý muốn điều xấu cho người khác. Căm ghét người lân cận là có tội nặng, khi một người chủ ý muốn cho người khác bị thiệt hại nghiêm trọng. “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,44-45).

Số 2304. Sự tôn trọng và sự phát triển đời sống con người đòi phải có hoà bình. Hoà bình không phải chỉ là vắng bóng chiến tranh, và không thể giản lược vào việc giữ được thế quân bình giữa các lực lượng đối nghịch nhau. Hoà bình không thể có được trên trái đất, nếu không có sự bảo vệ của cải của các nhân vị, không có sự truyền thông tự do giữa con người, không có sự tôn trọng phẩm giá của con người và của các dân tộc, không có sự chuyên chăm thực thi tình huynh đệ. Hoà bình là “sự ổn định của trật tự”[2]. Hoà bình là “sự nghiệp của đức công minh” (Is 32,17) và là hiệu quả của đức mến[3].

Số 2305. Hòa bình trên trần thế là hình ảnh và hoa trái của bình an của Đức Kitô, “Thủ lãnh Hòa Bình” thời Messia (Is 9,5). Nhờ máu đổ ra “trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù hận” ngay trong thân xác Người[4], Người đã giao hoà loài người với Thiên Chúa và làm cho Hội Thánh trở thành bí tích hợp nhất nhân loại và kết hợp nhân loại với Thiên Chúa[5]. “Chính Người là bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Người tuyên bố: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình” (Mt 5,9).

Số 2306. Những ai khước từ hành động bạo lực và đổ máu, sử dụng những phương tiện tự vệ vừa tầm những kẻ khá yếu đuối, để bảo vệ quyền lợi của con người, là những người làm chứng cho đức mến của Tin Mừng, miễn là điều này không phương hại đến các quyền lợi và bổn phận của những người khác và các tập thể khác. Họ làm chứng cách hợp pháp cho tính nghiêm trọng của những nguy cơ về thể lý và luân lý, khi sử dụng bạo lực, với những tàn phá và chết chóc của bạo lực[6].

Số 2437-2442: Những chứng nhân và những người xây dựng công lý và hoà bình

Số 2437. Trên bình diện quốc tế, sự bất bình đẳng về các nguồn tài nguyên và các phương tiện kinh tế là hết sức lớn lao, đến nỗi nó gây nên một “hố sâu” thật sự giữa các quốc gia[7]. Một bên là những quốc gia nắm giữ và gia tăng các phương tiện phát triển, bên kia là những quốc gia nợ nần chồng chất.

Số 2438. Nhiều nguyên do khác nhau về tôn giáo, chính trị, kinh tế và tài chính, khiến cho “vấn đề xã hội ngày nay mang một chiều kích quốc tế”[8]. Tình liên đới là cần thiết giữa các quốc gia vốn có liên hệ chính trị phụ thuộc lẫn nhau. Tình liên đới còn hết sức cần thiết khi vấn đề là phải loại trừ những “cơ chế máy móc bất nhân” gây chướng ngại cho sự phát triển của các quốc gia chậm tiến[9]. Thay vào các hệ thống kinh tài đầy lạm dụng hoặc thậm chí bóc lột[10], những tương quan thương mại bất công giữa các quốc gia, việc chạy đua vũ trang, cần phải có một nỗ lực chung để huy động các nguồn tài nguyên vào những mục tiêu phát triển luân lý, văn hóa và kinh tế “trước hết bằng việc làm sáng tỏ những vấn đề quan trọng nhất và các bậc thang các lợi ích, dựa theo đó … mà đề ra những kế hoạch”[11].

Số 2439. Các nước giàu có trách nhiệm luân lý nghiêm trọng đối với các nước không thể tự bảo đảm cho mình sự phát triển hoặc bị ngăn cản không phát triển được vì những biến cố lịch sử bi thảm. Đây là một bổn phận của tình liên đới và bác ái; đây cũng là sự bắt buộc của đức công bằng, nếu sự sung túc của các nước giàu là do những tài nguyên đã không được trả tiền cách công bằng.

Số 2440. Việc viện trợ trực tiếp là giải pháp thích hợp đáp ứng những nhu cầu trước mắt và đột xuất, chẳng hạn do thiên tai, nạn dịch, v.v…. Nhưng việc viện trợ này không đủ để bù đắp những thiệt hại nghiêm trọng do hoàn cảnh túng thiếu, cũng không thể trường kỳ đáp ứng các nhu cầu được. Phải cải tổ các thể chế kinh tế và tài chánh quốc tế, để chúng cổ võ cách tốt hơn những tương quan công bằng với các nước kém phát triển[12]. Phải nâng đỡ nỗ lực của các nước nghèo đang phấn đấu để tự phát triển và tự giải phóng mình[13]. Điều này phải được áp dụng cách hết sức đặc biệt trong lãnh vực lao động nông nghiệp. Các nông dân, nhất là ở thế giới thứ ba, là thành phần hết sức đông đảo trong số những người nghèo.

Số 2441. Gia tăng cảm thức về Thiên Chúa và sự hiểu biết chính mình là nền tảng của mọi phát triển trọn vẹn xã hội loài người. Sự phát triển này làm sinh sôi nảy nở các của cải vật chất và dùng chúng vào việc phục vụ con người và sự tự do của con người. Sự phát triển này làm giảm bớt nỗi khốn cùng và sự lạm dụng kinh tế. Nó làm gia tăng sự tôn trọng đối với các bản sắc văn hóa và đối với việc mở ngỏ hướng tới chiều kích siêu việt[14].

Số 2442. Sự can thiệp trực tiếp vào cơ cấu chính trị và vào việc tổ chức đời sống xã hội không thuộc về các mục tử của Hội Thánh. Nhiệm vụ này là một phần ơn gọi của các tín hữu giáo dân, là những người hành động bằng sáng kiến riêng cùng với đồng bào của mình. Hành động xã hội có thể bao hàm nhiều đường lối cụ thể. Hành động đó phải luôn nhắm tới công ích và phù hợp với sứ điệp Tin Mừng và với giáo huấn của Hội Thánh. Các tín hữu giáo dân có bổn phận “đem nhiệt tình Kitô giáo làm sinh động các thực tại trần thế, và trong đó tỏ ra mình là những chứng nhân và những người xây dựng công lý và hoà bình”[15].

Bài Ðọc I: Gr 23, 1-6

“Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta, và cho chúng có những chủ chăn”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Chúa phán: “Khốn cho các mục tử làm tản mát và xâu xé đoàn chiên Ta. Vì thế, Chúa là Thiên Chúa Israel phán cùng các mục tử chăn dắt dân Ta rằng: “Các ngươi đã phân tán xua đuổi và không trông nom đoàn chiên Ta”. Chúa lại phán: “Vậy Ta sẽ xét xử những hành động gian ác của các ngươi. Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta từ khắp các xứ mà Ta đã phân tán chúng, Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ, để chúng lớn lên và tăng số. Ta sẽ cho chúng có những chủ chăn để họ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn sợ hãi và kinh hoàng, và chúng không còn thiếu thốn gì nữa”.

Chúa còn phán rằng: “Này đây, đã tới những ngày Ta gây cho Ðavít một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan, thực hiện công lý và đức công bình trên đất nước. Những ngày ấy, Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel sẽ được an cư, và chúng sẽ gọi tên Người là “Chúa công bình của chúng ta”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.

Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.

2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con.

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.

Bài Ðọc II: Ep 2, 13-18

“Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, xưa kia anh em là những kẻ ở xa, thì nay trong Ðức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết của Người. Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người, tức là bãi bỏ lề luật cũ với những thể lệ để kiến tạo cả hai nên một người mới, đem lại bình an, dùng thập giá giải hoà hai dân tộc trong một thân thể với Thiên Chúa. Nơi Người, mối thù nghịch đã bị tiêu diệt, và Người đã đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Và chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một Thần Trí.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 8,12

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 30-34

“Họ như đàn chiên không người chăn”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.

Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài.

Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

Ðó là lời Chúa.

_______

[1] Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, II-II, q. 158, a. 1, ad 3: Ed. Leon. 10, 273.

[2] Thánh Augustinô, De civitate Dei, 19,13: CSEL 402, 395 (PL 41, 640).

[3] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 78: AAS 58 (1966) 1101.

[4] X. Ep 2,16 ; Cl 1,20-22.

[5] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 1: AAS 57 (1965) 5.

[6] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 78: AAS 58 (1966) 1101-1102.

[7] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis, 14: AAS 80 (1988) 526-528.

[8] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis, 9: AAS 80 (1988) 520-521.

[9] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis, 17: AAS 80 (1988) 532-533; Ibid., 45: AAS 80 (1988) 577-578.

[10] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, 35: AAS 83 (1991) 836-838.

[11] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, 28: AAS 83 (1991) 828.

[12] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis, 16: AAS 80 (1988) 531.

[13] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, 26: AAS 83 (1991) 824-826.

[14] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis, 32: AAS 80 (1988) 556-557; Id., Thông điệp Centesimus annus, 51: AAS 83 (1991) 856-857.

[15] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis, 47: AAS 80 (1988) 582; x. Ibid., 42: AAS 80 (1988) 572-574.