Socrates, trong tác phẩm Tự biện (Apology) của Plato, đã từng nói rằng “cuộc sống không được kiểm chứng thì không đáng sống.” Câu châm ngôn này chắc chắn có thể áp dụng cho đời sống thiêng liêng và rất phù hợp với một trong những vị bảo trợ vĩ đại nhất của chúng ta – Thánh Giuse. Thật đáng để xem xét những bài học mà Thánh Giuse đã dạy chúng ta và cân nhắc về cách chúng ta có thể mang những bài học này vào Mùa Vọng cao quý.
Một tác giả truyện tranh nổi tiếng của Mỹ đã từng nói rằng “bạn phải để mắt đến những người trầm tính.” Bây giờ, tôi tin chắc rằng ông ấy không ám chỉ đến Thánh Giuse khi nói điều này. Tuy nhiên, khi chúng ta suy ngẫm về cuộc đời của Thánh Giuse, chúng ta thực sự không biết gì về ngài. Thánh Giuse âm thầm như một điệp viên quốc tế. Không có đoạn hội thoại nào được ghi lại về ngài trong Kinh Thánh và không có bản lý lịch đáng kể nào được ghi lại. Ngài sẽ là một trường hợp tuyệt vời cho “Những bí ẩn chưa được giải đáp” hoặc “Hồ sơ tuyệt mật.”
Tuy nhiên, sự im lặng của Thánh Giuse dạy cho chúng ta rất nhiều điều. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, trong bài huấn dụ tại buổi đọc kinh Truyền tin ngày 18 tháng 12 năm 2005, đã nói như sau về thái độ ít nói của Thánh Giuse: “Sự im lặng của Thánh Giuse không diễn tả sự trống rỗng bên trong, mà ngược lại, thể hiện sự trọn vẹn của đức tin mà ngài mang trong tim và hướng dẫn mọi suy nghĩ và hành động của ngài”.
1. Sự thinh lặng của Thiên Chúa
Bài học đầu tiên của Thánh Giuse trong Mùa Vọng là bước vào sự thinh lặng của Thiên Chúa, nơi tràn đầy ân sủng, sự gần gũi và tình yêu vô điều kiện. Thánh Giuse không thinh lặng vì ngài không có gì để nói. Thay vào đó, ngài thinh lặng vì ngài muốn lắng nghe và hoàn toàn bước theo Thiên Chúa.
Trong tông thư “Patris Corde” (“Với Trái tim của Người Cha”), Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết về sự thinh lặng của Thánh Giuse. “Sự thinh lặng kiên nhẫn của ngài là lời mở đầu cho những biểu hiện cụ thể của lòng tin.”
Có lẽ Mùa Vọng này, chúng ta cũng có thể dành thời gian cầu nguyện trong thinh lặng, chiêm niệm trước Mình Thánh Chúa, hoặc thậm chí suy niệm về những lời Kinh Thánh trong sâu thẳm trái tim mình như Thánh Giuse đã làm. Làm như vậy không phải là vô ích, mà thay vào đó là sự sinh sôi nảy nở và niềm vui mong chờ Chúa Kitô đến thế gian.
2. Phục vụ và từ bỏ bản thân
Bài học thứ hai mà Thánh Giuse dạy chúng ta là bài học bắt nguồn từ sự phục vụ và từ bỏ bản thân. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn năm 1989 “Redemptoris Custos” (“Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế”) đã viết như sau về Thánh Giuse: “Tình phụ tử của ngài được diễn tả cụ thể trong ‘việc ngài biến cuộc đời mình thành một sự phục vụ, một sự từ bỏ bản thân cho mầu nhiệm Nhập thể và sứ mệnh cứu chuộc gắn liền với mầu nhiệm đó; qua việc sử dụng quyền uy hợp pháp của mình đối với Thánh gia để hiến dâng toàn bộ bản thân, cuộc sống và công việc của mình.”
Thánh Giuse không để những đam mê hoặc những ham muốn và dục vọng ích kỷ chi phối hành động của mình. Thay vào đó, Thánh Giuse ngoan ngùy và dễ dàng tiếp thu ý muốn của Thiên Chúa. Sự chuẩn bị của ngài cho cuộc hạ sinh của Chúa Kitô không phải là mua sắm, cãi vã với người thân và nướng bánh quy. Thay vào đó, ngài mời bạn và tôi trở thành những môn đệ phục vụ người khác trước, chứ không phải cho bản thân mình.
Bây giờ, điều này có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Chúng ta có thể tình nguyện dành thời gian ở nhà thờ hoặc trong cộng đoàn của mình để hỗ trợ tại các ngân hàng thực phẩm, nơi trú ẩn cho người vô gia cư hoặc các nhiệm vụ cứu hộ. Chúng ta có thể hỗ trợ những người xung quanh đang gặp khó khăn về tài chính, tình cảm và đặc biệt là về mặt tinh thần ngay lúc này, trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức từ thiện. Hoặc, chúng ta có thể đến thăm những người phải ở nhà, trong bệnh viện, viện dưỡng lão hoặc những người không thể ăn mừng ngày sinh của Chúa Kitô cùng gia đình và bạn bè vì nhiều lý do. Không có cách thức phục vụ nào là “quy chuẩn,” nhưng ước muốn làm như vậy phải bắt nguồn từ ước muốn của Thánh Giuse là chỉ phục vụ Thiên Chúa mà thôi.
Thứ ba, Thánh Giuse dạy chúng ta một bài học về sự giản dị. Thế giới mà chúng ta đang sống quá phức tạp. Chúng ta quá say mê các tiện ích, công nghệ, thời trang và giải trí đến nỗi chúng ta thường bỏ lỡ những điều thiết yếu. Đó không phải là thế giới của Thánh Giuse. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, trong bài huấn dụ tại buổi đọc Kinh Truyền tin ngày 19 tháng 3 năm 2006, đã nói về sự giản dị của Thánh Giuse như sau: “Sự vĩ đại của ngài, giống như của Đức Maria, nổi bật hơn nữa vì sứ mệnh của ngài được thực hiện trong sự khiêm nhường và ẩn dật của ngôi nhà Nazareth. Hơn nữa, chính Thiên Chúa, nơi con người của Người Con nhập thể, đã chọn đường hướng và phong cách sống này – sự khiêm nhường và ẩn dật – trong cuộc đời trần thế của Người.”
3. Sự đơn sơ
Thánh Giuse không muốn “làm nên tên tuổi” cho mình. Ngài không phải là người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Thay vào đó, lý do tồn tại cho cuộc đời ngài là luôn khiêm nhường trước Thiên Chúa.
Thánh Giuse mời gọi chúng ta trong Mùa Vọng hãy chậm lại và trân trọng những con người, ơn lành và những cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa đang diễn ra trong cuộc sống của chúng ta. Quà tặng, trang trí và việc bước vào thế giới mua sắm điên cuồng có lẽ không phải là cách tốt nhất để chuẩn bị cho Chúa Kitô. Thay vào đó, dành thời gian cho những người thân yêu, chia sẻ đức tin và kinh nghiệm, hoặc thậm chí là tĩnh tâm cá nhân sẽ có lợi trong việc giữ mọi thứ đơn sơ. Tuy nhiên, sự giản dị còn có một điều khác: Nó cho phép chúng ta tăng thêm lòng tin và sự phụ thuộc vào Thiên Chúa.
Trong “Patris Corde”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết về “lòng dũng cảm sáng tạo” của Thánh Giuse. Ngài viết rằng “Thiên Chúa tìm cách cứu độ chúng ta”, “miễn là chúng ta thể hiện lòng dũng cảm sáng tạo giống như người thợ mộc thành Nazareth, người có thể biến một vấn đề thành khả thi bằng cách luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.” Thánh Giuse, vì không bị phân tâm bởi những cạm bẫy của văn hóa, đã có thể có được sự kiên cường trong kế hoạch của Thiên Chúa vì lòng tin đơn sơ của ngài vào một Thiên Chúa yêu thương ngài. Chúng ta có thể đạt được lòng tin này nếu chúng ta giữ cho nó đơn sơ.
4. Sự hy sinh
Cuối cùng, Thánh Giuse dạy bạn và tôi giá trị của sự hy sinh. Sự hy sinh là cần thiết cho tất cả chúng ta trong ơn gọi của mình, và bất kỳ bậc cha mẹ, vợ chồng, linh mục, tu sĩ hay người độc thân tận tụy nào cũng biết giá trị và sự cần thiết của điều này. Trong cuốn “Bí ẩn của Thánh Giuse,” Cha Marie-Dominique Philippe đã viết về nỗi đau khổ của Thánh Giuse rằng: “Không còn nghi ngờ gì nữa, thanh gươm đau buồn đâm sâu nhất vào trái tim của Đức Maria, nhưng nó cũng đâm vào trái tim của Thánh Giuse. Trong nỗi đau khổ chung của các ngài, trong nỗi buồn và sự sầu não chung của các ngài, Thánh Giuse và Mẹ Maria đã biết đến một mức độ thân mật mới; cùng nhau các ngài mang đến những hoa trái đầu mùa nơi đời sống tông đồ của Chúa Giêsu.”
Thánh Giuse mời gọi bạn và tôi trong những cuộc đấu tranh của cuộc sống để kết hợp nỗi đau của chúng ta với thập giá của Chúa Kitô. Khổ đau luôn là một điều bí ẩn, nhưng không phải là không có ý nghĩa. Càng kết hợp nỗi đau và cuộc đấu tranh của mình với Chúa Kitô, chúng ta càng được thu hút vào tình yêu vô hạn, lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa. Thánh Giuse khi từ bỏ các mục tiêu, mong muốn và khát khao của riêng mình đã làm cho ý chí của mình nên một với Thiên Chúa. Chúng ta cũng được kêu gọi, giống như ngài, để kết hợp và hy sinh. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc bố thí, ăn chay, cầu nguyện nhiều hơn hoặc cho đi những thứ chúng ta không cần đến. Bất kể thế nào, hy sinh là điều cốt yếu để dọn đường cho Chúa Kitô.
Mùa Vọng này mang đến cơ hội để chúng ta gia tăng ước muốn noi gương vị thánh vĩ đại được Đức Mẹ và Đấng Cứu Độ của chúng ta yêu mến. Sự thinh lặng, phục vụ, giản dị và hy sinh không phải là những viên thuốc dễ nuốt, nhưng chúng đưa chúng ta đến gần hơn với Chúa Kitô và ơn cứu độ. Mong rằng niềm vui mong đợi của Mùa Vọng sẽ dẫn đưa tất cả chúng ta đến với tình yêu sâu sắc hơn đối với Chúa Hài Đồng qua sự chuyển cầu của Thánh Giuse.
Tác giả: Lm. Michael Ackerman – Nguồn: Our Sunday Visitor (30/11/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Nguồn: https://giaophanvinhlong.net/
Có thể bạn quan tâm
Một Nền Thần Học Về Lương Thực Và Biến Đổi Khí Hậu: Tác..
Th12
Ba Tỷ Người Trên Toàn Cầu Bị Ảnh Hưởng Bởi Tình Trạng Suy..
Th12
Giờ chầu tĩnh tâm tháng 12/2024: Sám hối và Tạ ơn
Th12
Hừng đông Giêsu
Th12
Đức Thánh Cha mong muốn mọi người có thể tiếp cận với thần..
Th12
Tông Thư Miranda Prorsus – Điều Kỳ Diệu Được Mặc Khải Của Đức..
Th12
Đức Phanxicô cầu chúc việc mở lại nhà thờ Đức Bà Paris trở..
Th12
Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội – Ý nghĩa và tầm quan trọng
Th12
Tâm tình con
Th12
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 Hồng y
Th12
Mầu Nhiệm Của Niềm Hy Vọng
Th12
Bạn là – Một Gioan
Th12
Lời Khuyên Của Một Giáo Phụ Sa Mạc Để Tháo Gỡ Mối Dây..
Th12
Huấn Luyện Người Trẻ-Thiếu Nhi Sống Gắn Bó Với Chúa Giêsu Thánh Thể
Th12
Trở Nên “Tiếng Hô” Cho Con Người Hôm Nay (Suy Niệm Tin Mừng..
Th12
Đông về – Vọng mùa chờ
Th12
Bốn cách để noi gương Thánh Giuse trong Mùa Vọng này
Th12
Giải Đáp Thắc Mắc Cho Người Trẻ: Bài 148 – Vị Thánh Tương..
Th12
Lời Giới Thiệu Sách: Lịch Sử Các Năm Thánh Trong Dòng Lịch Sử..
Th12
Bài Giảng Đức Thánh Cha – Chúa Nhật 2 Mùa Vọng Năm C
Th12