Bới đất tìm no đủ

148 lượt xem

BỚI ĐẤT TÌM NO ĐỦ

Trích “Hồn Đất Nắn Hồn Người”

Maria Fiat Diệu Huyền, MTG Vinh

 

Không biết có ai đã hơn một lần như tôi, ngoảnh lại nhìn về quá khứ, chiêm nghiệm về cái tuổi thơ bới đất tìm no đủ để thực sự lớn lên. Với gia đình tôi, một ngày sống là một hành trình tìm sự no thỏa trên nhiều phương diện.

Cái bới cái tìm đầu tiên chưa phải là những đường cày xuyên vào đất, nhưng là cái khát khao tìm thấy sự no thỏa phần hồn. Thường thì cứ vào 4h30 sáng, khi tiếng chuông nhà thờ ngân vang những thanh âm huyền nhiệm, mẹ tôi cứ đứng bên mạn giường, lanh lảnh những tiếng kêu dồn dập: ‘Mấy đứa dậy đi lễ! Nhanh lên, người ta xướng kinh dưới nhà thờ rồi!’. Khi nào cũng thế, kêu liền thanh xong là mẹ lại phải đi dựng từng đứa dậy, rồi giục chúng tôi mặc đồ. Những ngày đầu tập thói quen này, thật không dễ cho mấy đứa đang tuổi ăn tuổi ngủ, bởi để trỗi mình bật dậy vào giờ vàng ấy, đứa nào đứa nấy phải gục xuống ngồi lên không biết bao nhiêu lần. Nhà đông con, ngoài hai đứa đầu đã đi vào Sài Thành theo đuổi sự nghiệp học hành, ba mẹ tôi sắp năm đứa con trai nằm ngang một chiếc giường, trông cứ như một mớ cá trích đều đặn từ nhỏ đến lớn, còn hai đứa con gái nằm riêng gian khác.

Đi lễ về. Khi những sợi nắng ban mai vừa mới phả hơi ấm vào không gian thúc mầm non cựa quậy, trong gian bếp cũ kĩ mù mịt khói, mẹ vội vàng chuẩn bị bữa sáng cho chúng tôi. Lúc nào cũng vậy, cùng một lúc, mẹ dùng một nắm lá khô tùa vội ngoài vườn hoặc một vòng rơm quấn quanh thành ụ nhỏ rồi châm lửa. Khi lửa bén hết nắm lá hay vòng rơm thì mẹ đặt nồi lên nấu cơm. Rồi mẹ nhen bếp bên kia rang mớ ‘cá khô ấu nhi’ và nấu một nồi canh lá lằng khô cho chị em chúng tôi chắc bụng mà đi học, còn ba mẹ thì ăn vội để ra đồng làm lụng. Đó là bữa sáng thông thường của cả gia đình. Vào các bữa chính thì mâm cơm gia đình tôi cũng thường rất đơn sơ, ngoài đĩa rau lang hay rau muống luộc, thì món mặn là mớ tép hay cá đồng kho mặn cho đỡ tốn, còn năm thì mười họa mới biết đến miếng thịt. Trong gian bếp của mẹ, theo mùa vụ, khi thì bắp, lúc là củ lang, củ mì, chúng tôi đã có những ngày quây quần vừa ăn vừa chuyện trò đùa giỡn, nghe ba mẹ kể những câu chuyện ngày xưa.

So với mấy nhà hàng xóm, ba mẹ tôi vất vả hơn nhiều, bởi người ta không cho con đi học hoặc cho con nghỉ học sớm để có người phụ công việc đồng áng, còn ba mẹ tôi thì phải quần quật kiếm từng đồng để đủ tiền học phí cho chín đứa con ăn học. Dẫu ‘lúc cơm no áo ấm’ hay ‘lúc cơm hụt áo mòn’, ba mẹ luôn dành những thứ tốt nhất cho chúng tôi. Tôi vẫn còn nhớ, mỗi buổi sáng đi học, mẹ luôn bắt chúng tôi mặc rất nhiều áo ấm. Thật ra, bây giờ nhớ lại những chiếc áo ấm mình mặc lúc ấy, tôi thường tủm tỉm cười. Với tôi, đó là ‘sự phối hợp ngộ nghĩnh’, cái thì ngắn cũn, cái thì rộng thùng thình, tạo thành lớp lang che ấm, dày đến nỗi tôi không đếm nổi mấy lớp áo. Nếu có bị ngã dọc đường thì cũng khó mà đứng dậy! Chị em tôi thì chẳng mấy quan tâm tới chuyện xấu đẹp, chỉ nghĩ đơn giản là có áo mặc để không phải xuýt xoa mỗi khi cơn gió heo may thổi táp vào mặt…

Những ngày đi học là vậy, còn những ngày nghỉ học thì chúng tôi phải nhanh chân đi làm từ sáng sớm. Khi những làn sương mỏng manh còn lãng đãng bên mấy bụi cây ven đường, ba mẹ đã gọi chúng tôi ra đồng. Vai vác cày, tay dắt bò, ba giục mấy chị em cầm theo cái giỏ treo sẵn nơi cửa bếp. Có khi mưa giăng mù mịt khiến cho tầm nhìn bị giảm, vì vậy cảm tưởng như cánh đồng xa lắc. Đường trơn, chúng tôi phải đi bên mép cỏ, ngón chân bấm xuống đất cho khỏi bị trượt. Sau mỗi bước chân của chúng tôi, cỏ viền bên bờ ẹp xuống, chỉ vài ba ngọn vươn lên ngơ ngác. Đến ruộng. Khi ba mở đường cày, chúng tôi lón xón chạy theo sau để bắt những con cá chạch dài gần gang tay, to như ngón tay cái, vàng ươm, lưng lốm đốm hoa. Chúng tôi bắt mãi không được. Cứ nắm vào thân cá là nó lại tuột ra rơi xuống, đành phải trông chờ vào mấy cái giỏ. Cá chạch mang về, dốc giỏ đổ vào chiếc rổ mắt dày, rắc nắm tro bếp thêm ít muối rồi chà xát làm sạch nhớt và khử mùi tanh, ngon tuyệt cú mèo. Những con cá chạch mẹ nấu khô, giòn, đưa vào miệng cắn nghe rõ tiếng xạo từ thân cá vỡ ra. Thịt cá bùi bùi, ngầy ngậy, hơi chua chua vị khế, đậm đà món ăn quê hương.

Thường thì vào các buổi chiều, chúng tôi không đi học nên luôn luôn có phiên thứ làm việc hẳn hoi. Chị gái tôi được mẹ giao cho chức vụ ‘Bộ trưởng Bộ Lao động’ nên có trách nhiệm chia việc cho các em. Đứa thì đi cắt cỏ ngoài đồng, đứa thì nhặt củi trong rừng, đứa thì đi làm cỏ khoai lang vụ chiêm, đứa thì đi câu lươn, đứa thì ở nhà phụ mẹ nấu ăn cho lợn và bò. Ngày qua tháng lại, cuộc sống chúng tôi như được mặc định bởi những công việc quen thuộc ấy. Đời cần lao thì vất vả, quy ra đồng tiền cũng chẳng được bao nhiêu nhưng lại có nhiều niềm vui dung dị. Tôi vẫn nhớ, cứ mỗi khi đi làm về, đứa nào trong chúng tôi mà nhặt được một quả trứng vịt là mừng như được vàng. Chả là lâu lâu, có một vài chú vịt nhà ai đi tắm ao về, giữa đường vô tình thả rơi cái trứng bên bụi cây, chứ chẳng về nhà sinh nở cho nó có kế hoạch. Khi đàn vịt mất hút, ai tinh mắt là chụp ngay được quả trứng dọc đường. Cái vận may nho nhỏ như vậy nhưng có thể mang lại niềm hạnh phúc thật lớn lao. Có lẽ, với chúng tôi, khoái chí nhất là vào mỗi mùa dẻ rụng, đứa nào đứa nấy hăm hở vào rừng nhặt hạt dẻ. Ai mà có khả năng leo trèo và rung lắc thì như trúng độc đắc. Hạt dẻ từ trên cây vãi đầy mặt đất, nhặt đầy túi rồi mang về bán, lấy tiền mua bút vở và được ăn hàng tràn miệng. Mỗi năm được một mùa vài tháng như thế cũng đủ làm chúng tôi sướng rơn cả người.

Cuộc sống nơi thôn dã cứ như vậy. Cả ngày chăm chỉ học hành tìm kiếm con chữ và vất vả làm việc bới tìm ấm no là thế, nhưng tối đến, lũ trẻ quê chúng tôi vẫn không thôi khao khát trải nghiệm những điều mới mẻ. Mỗi lúc chập choạng tối, chúng tôi chạy ào ra giếng, lấy gáo sọ dừa múc nước trong cái ang hay lấy gàu được đan bằng lá dừa mà múc nước dưới giếng lên tắm. Sau khi í ới kêu nhau đi nhà thờ đọc kinh, về nhà tập trung học nhóm, chúng tôi lại rủ nhau đi xem phim. Phải nói rằng, hồi đó, phim ảnh là một trò tiêu khiển mới lạ và có sức gây nghiện ghê gớm cho lũ trẻ trong làng. Ở xóm tôi, có khoảng hơn chục ngôi nhà nối nhau bằng con đường nhỏ quanh co, lổn nhổn sỏi đá và cỏ dại hai bên. Hơn chục nóc nhà ấy mới có một tivi. Nhà nào sở hữu một chiếc tivi đen trắng thôi cũng đủ điều kiện để nhận danh hiệu ‘phú gia’. Ba tôi vốn rất nghiêm khắc, cứ nghe nói đến phim ảnh là lại dị ứng. Ấy thế nên chúng tôi phải chơi bài chuồn để trốn đi xem phim vào buổi tối. Còn nhớ những đêm nào, chúng tôi chờ cho ba ngủ, rồi mới nhón gót nhẹ nhàng đi ra. Xem xong bộ phim cũng tầm hơn 10h00 đêm, chị em lại dắt tay nhau mò mẫm về nhà, nín thở bước vào cửa, vừa đi vừa cầu mong cho mấy chú chó không sủa lên inh ỏi. Lần nào thoát hiểm là mừng lắm, còn những lúc bị mấy chú chó phát hiện là sáng hôm sau bị ba cho một bài giáo huấn cực chất. Bẵng đi một thời gian, không biết từ đâu mà nhà tôi lại tậu được một cái tivi màu khá nét, dù chỉ là nét hơn tivi đen trắng mà thôi. Nhưng sự kiện này cũng đủ làm tôi ngây ngất. Đứng giữa đám bạn, sống mũi tôi cứ thế mà phình dần. Đêm đêm, cả xóm trong lẫn xóm ngoài tập trung xem bóng đá, xem thời sự và xem phim truyền hình. Đương nhiên, vào lúc đó, Internet chưa về làng, chỉ có ba kênh là VTV1, VTV2 và VTV3, nên ban biên tập cứ phát sóng chương trình gì thì chúng tôi xem chương trình ấy thôi.

Tất cả những điều đó là cuộc sống, là tuổi thơ đầy sắc màu của tôi! Từ mảnh đất này, tôi đã nhọc nhằn lớn lên, học hành, rồi mãi cho đến sau này khi đã rời làng, trong tiềm thức của tôi, chưa bao giờ tôi thôi mơ tiếp những ước vọng một thời trẻ thơ. Có những giấc mơ đã trở thành điệp khúc, bởi ẩn sâu cái viễn tượng trong giấc mơ là nỗi niềm khao khát về một tương lai sáng hơn. Ám ảnh nhất trong tôi là hình ảnh phải lăn lộn đi kiếm cỏ về cho trâu bò vào những mùa nắng cháy. Thi thoảng, trong giấc chiêm, tôi bắt gặp một bãi cỏ xanh mỡ màng và đã nhảy cẫng lên vì sung sướng. Tôi còn mơ thấy mình cầm bao đi nhặt trứng vịt ngoài đường đưa về cho mẹ. Rồi tôi còn mơ thấy mình tìm được nhiều gốc dẻ có hạt rơi đầy mặt đất, nhặt đến mỏi tay mà hạt dẻ vẫn cứ không vơi, và còn có những bãi củi khô lượm mãi mà không hết. Nói chung là cái tuổi thơ nó cứ níu mãi trong miền vô thức của tôi, dù bây giờ tôi là ai, đi đến đâu và làm gì. Và điều hiển nhiên, lúc bé thơ, trong các giấc mơ của tôi toàn là cào cào, châu chấu; nhưng cho đến hôm nay, cuộc sống bộn bề đã mang đến trong giấc mơ của tôi nhiều điều phức tạp trong kiếp người.

Về quê bây giờ, tôi không còn nghe chuyện đói chuyện khát. Người làng đã khá lên, không phải nhờ vào mấy ‘cơn gió may’ mà nhờ vào đất đai tăng giá, công nghiệp về làng, và buôn bán thịnh vượng. Danh sách đại gia ‘hai lúa’ mỗi bận cuối năm lại thấy nhắc dài thêm. Chợ quê đã nên sầm uất hơn. Một vài chuồng trâu ngày xưa đã mục vào đất, nhường chỗ cho mấy ga-ra xe hơi. Internet, truyền hình cáp về mỗi góc nhà. Ngày xưa thì người ta bán mặt cho đất cho ruộng, thời này người ta lại bám mặt vào màn hình điện thoại các kiểu. Nghề nông vẫn còn đó với bà con, nhưng cái cách người ta tìm kiếm no ấm, cách đo lường hạnh phúc đã hoàn toàn khác xưa. Không mấy người như tôi còn nhớ đến nghĩa tình thời đói khổ của làng. Làng giàu có, khang trang lên, thế mà sao khi trở về lòng tôi lại thấy nao nao vì thiếu một điều gì đó. Phải chăng tôi đang nhớ cái truyền thống đã mất đi? Phải chăng đó là hương vị hồn quê mà tôi từng dưỡng nuôi trong ký ức? Lòng tôi man mác một nỗi niềm sâu lắng. Đi giữa xóm làng mà bỗng nhớ hồn làng…

Có thể bạn quan tâm