CÁNH ĐỒNG KHÊU RẠNG CHÂN TRỜI
(Trích Hồn Đất Nắn Hồn Người)
Maria Fiat Diệu Huyền, MTG Vinh
Tôi đi trên con mương sực nức mùi cỏ, ngắm nhìn cả vạt không gian xanh mướt. Gió từ làng mang tới hương ổi chín, mít chín, thị chín, bưởi thơm; gió từ rừng mang về hương dẻ và hương sim ngát dịu. Tuổi thơ tôi trải rộng ra trên cánh đồng lúa quê hương. Từ góc này nhìn ra xa, tôi nghe thấy những hình ảnh nói cười rộn rã của ngày xưa vọng về. Thấp thoáng đâu đây hình ảnh một cô bé đang nhảy chân sáo theo gió tung tăng giữa cánh đồng bát ngát. Không ngóc ngách nào mà dấu chân tôi không lướt qua. Quê hương dẫu không phải của riêng mình nhưng nó đã thực sự hiến trọn cho mình những gì thuộc về nó.
Kìa! Con đường nhỏ tắt qua cánh đồng ngày ấy thơm lựng nắng cuối thu, nắng đổ vàng những đoạn đường bùn lầy sình đóng lại, nắng làm tím rịm những trái dại mọc ven lối đi, nắng nhuộm nâu làn da thô ráp của người thôn quê, nắng chiếu lung linh ánh mắt trẻ thơ, nắng khêu rạng cả một chân trời sáng quang và nắng đưa tôi về một bầu trời bình yên đến lạ lùng. Tôi dang rộng cánh tay, nhắm mắt lại hít một hơi thật sâu vào lồng ngực, cảm nhận cái mùi ngan ngát quen thuộc của ruộng đồng đang ngấm vào từng đường gân thớ thịt, len lỏi vào từng tế bào, lan tỏa…ngây ngất!
Phải chân nhận rằng cánh đồng là nơi mà mỗi người con tha hương sẽ không bao giờ cảm thấy xa xôi, dù có đi đến góc biển chân trời. Khoảng cách địa lý không thể nào làm giảm bớt sự gần gũi nội tâm. Nơi ấy, mỗi lần ai đó tìm về trong tiềm thức, ánh nhìn của mẹ cha dưới cánh đồng sẽ là đất lành dịu êm, che chở và giữ gìn, không để những đứa con lạc lối, trôi dạt theo những vùng gió chướng chao đảo. Như bao trẻ thơ nông thôn, như từng đứa con trong nhà, từ lúc bé tí, tôi đã được mẹ gánh ra đồng, một bên là thúng lúa giống, một bên là tôi. Tôi ngồi trong thúng, đôi mắt ngơ ngác nhìn mẹ làm việc trong tiếng gió lao xao. Có lẽ, cái thúng ấy là chỗ an toàn và ấm áp nhất dưới cánh đồng quê. Tôi đã lớn lên bằng hương đồng nội, bằng thảo thơm khoai lúa, bằng mộc mạc sắn ngô, bằng tinh chất của đồng chua nước mặn, bằng tất cả những hiện hữu quê hương. Chẳng biết từ lúc nào, những sản vật quê hương đã biến thành máu thịt!
Có thể nói nhịp thở của đồng ruộng như hòa vào nhịp sống của người dân quê tôi. Mùa này qua mùa khác, người ta đi ra đồng cứ như theo một chu kỳ đã định sẵn. Hôm nay ra đồng gieo sạ, ngày mai nhổ cỏ, rồi lại phun thuốc, rồi gặt, rồi lại gieo… Đời cần lao cứ như vậy luân chuyển theo không gian vạn vật. Dưới cái nắng miền quê rực lửa, để chống lại cái nắng, cái gió nóng dữ dằn, để cuốc bẫm cày sâu, người dân quê tôi phải ra đồng từ tờ mờ sáng, nghỉ trưa sớm, rồi về nhà lúc chạng vạng tối.
Cứ đầu vụ mùa, nhà nào nhà nấy chuẩn bị phân chuồng sẵn, rồi chở ra để thành từng đống nhỏ khắp mặt ruộng. Khi đất khô ải, người ta cho nước từ các con mương lớn về. Nước đi đến đâu thì đất sẽ bủn ra đến chỗ đó. Chỉ vài đường bừa là đất nhuyễn ra cùng mớ phân chuồng đã được rải đều chung quanh. Những luống đất được đánh tơi xốp thành từng hàng thẳng tắp, những đường cày của các bác nông dân cứ như hành trình rẽ đất ra để bới tìm no đủ. Khi những lưỡi cày lật đất lên, cả một thế giới nhỏ bé bên dưới mặt đất bỗng chốc lộ diện. Các chú cua đồng và mấy chú ếch nhái quýnh quáng chạy ra dọc theo luống cày, hướng về phía bờ ruộng, nơi cư trú mới trong suốt vụ mùa.
Vào cái độ tuổi đủ lớn để học việc, mỗi lần ra ruộng làm đất, tôi lại hăm hở lẽo đẽo theo dáng ba trên lối đi nhỏ thơm mùi bùn mùi cỏ, đếm các bờ mương, các mô đất và vui mừng khi đến đúng thửa ruộng nhà mình. Tôi đã từng thán phục ba mẹ về cái biệt tài nhận diện ruộng, bởi giữa một cánh đồng bao la, nơi mà các khoảng ruộng gần như là giống nhau, thì việc phân biệt ruộng nhà mình là điều khá tù mù. Cứ đến ngày chớm vụ, ruộng nhà tôi lại tập hợp được một đội quân tý hon đông đảo. Từ đứa nhỏ đến đứa vừa vừa, mỗi đứa một việc. Nào rải phân, nhổ cỏ, đắp bờ, tháo nước… cứ thế mà các công đoạn cứ liên hồi. Ba mẹ thấy chúng tôi lầm lũi trên đám ruộng, lặng lẽ nhìn sâu thẫm vào ước mơ trẻ thơ mà chạnh lòng, ngấn lệ trong nỗi khắc khoải: ‘Giá mà lúa năm nay được mùa thì …’
Khi đất đã sẵn sàng đón hạt giống vào lòng, ba mẹ tôi thực hiện công việc gieo sạ. Trong khi ba bừa đất, tôi thấy mẹ xắn quần lên mà thoăn thoắt bưng từng thúng hạt giống đã ủ mấy ngày trước, rắc rải đều trên cả mặt ruộng. Ấy thế mà sau vài tuần, khi cây mạ đã điểm xanh bãi ruộng, thì có những lối trống trơn không cây lúa nào chịu mọc lên, lại có những đám lúa chen nhau mọc dày chi chít. Thế là, mẹ con phải cắp nhau đi dặm lúa. Lội dưới lớp bùn non, từng cây mạ được cấy xuống cẩn thận, chẳng mấy chốc mà cả ruộng đều răm rắp. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới ngày nào ruộng đồng còn lấm tấm mạ non, mà rồi đã phủ một màu xanh rì. Nhờ ơn Trên và công sức chăm bẵm của con người, mạ non lớn nhanh như thổi.
Sau một thời gian, những tưởng các công đoạn đã hoàn thành, nào ngờ cỏ dại mọc lên xanh um. Chúng chen ngốt cả lúa, khiến cho thân lúa gầy còm úa đỏ, lại thêm mớ sâu rầy ăn lá trơ trụi, và đám chuột đồng ngốn loang lổ từng đám lúa. Rồi ba mẹ tôi lại âm thầm đi nhổ cỏ, bắt sâu, đuổi chuột, phun rầy. Công việc đồng áng cứ như là một cái lò hun đúc nên sự kiên nhẫn phi thường trong tâm hồn những người nông dân chân lấm tay bùn như ba mẹ tôi. Bao công khó đổ ra rồi cũng bõ! Những cây lúa khẳng khiu ngày nào cũng tới lúc đương thì con gái, cao chừng đầu gối, thân bẹ ra bụ bẫm, còn lá thì xanh biêng biếc. Những hạt gạo lúc này còn bé, còn non, phả mùi thơm ngọt ngào như sữa mẹ pha lẫn cỏ xanh. Một thời gian sau, chúng biến thành những bông lúa trĩu nặng, căng tròn mây mẩy, hạt đều tăm tắp, uốn cong mềm mại. Không hiểu sao mà các cây lúa cứ cúi đều thẳng tắp. Phải chăng nhờ sự chỉ đạo của Đấng Trên Cao mà chúng đồng loạt cúi rạp về một bên cách kỳ diệu như vậy?
Mùa về! Trong mắt nhà nông bừng lên ánh hy vọng. Khi chưa có máy gặt, chúng tôi phải lấy liềm mà hái cả mẫu ruộng từ ngày này qua ngày khác. Vì là con nhà nòi, được huấn luyện gặt lúa từ tấm bé, nên mấy anh chị em tôi rất đảm, đứa nào cũng được xếp vào hạng ‘thợ gặt’. Nhớ nhất là cảnh tượng ba mẹ tôi cầm lưỡi hái, lạt buộc, còn chị em tôi thì xách theo ấm nước cùng rổ khoai lang luộc. Chúng tôi đi lặng lẽ trong ánh sáng mờ nhạt của buổi sớm mai. Đến ruộng, ba mẹ phân cho mỗi đứa một vùng, đứa nào cũng lo cắm đầu cắm cổ hoàn thành nghĩa vụ được giao. Sau khi xong việc, chúng tôi hăm hở mót những phần lúa còn sót lại để cho vào bao riêng của mình. Số lúa mót thì chúng tôi được ba mẹ cho dành riêng để mua đồ Tết hoặc mua bánh kẹo ăn. Mấy năm sau này, khi ruộng đồng được công nghiệp hóa, máy móc đến tận ruộng, chúng tôi không còn phải vất vả như trước và cũng không có cơ may mót lúa nữa. Khi máy chạy, những cọng rơm quấn lấy nhau thành cuộn phóng ra ngoài, nhường chỗ cho những hạt lúa vàng ươm đựng đầy từng thúng đổ vào bao. Nhà có trâu bò thì dùng xe kéo chở lúa, nhà không có thì dùng xe cải tiến kéo tay, còn nhà dư giả hơn thì thuê xe công nông chở. Và thế là hạt vàng mọc lên từ đất nâu, nay cuộn lại dải lụa óng ánh, mang theo hương đất trời, hoan hỉ về làng với bà con.
Lúa về. Trong làng, nhà nhà thóc phơi vàng óng đầy sân. Vì lúa được gặt theo từng thửa ruộng khác nhau, nên được chia ra phơi nhiều chỗ. Mớ dưới sân có nắng nên lúa nhanh khô. Mớ trên hiên nắng ít thì lâu khô hơn, còn ở phòng khách cứ phải cào qua cào lại, hong cho ráo, chờ mớ dưới sân khô mới đổ ra phơi. Mỗi mùa phơi lúa, giấc ngủ trưa của chúng tôi thường bị ngắt quãng bởi những cơn mưa kéo đến bất chợt. Đang tuổi ăn tuổi lớn, chúng tôi thường lăn ra ngủ, chẳng biết trời trăng mây gió gì, đến khi mẹ về cứ rần rần rằng: ‘Ở nhà lo ngủ, chẳng chịu đảo lúa cho khô, trời mà mưa nữa thì có mà mọc mầm hết’. Chúng tôi nín lặng không dám thanh minh thanh nga gì, cảm thấy áy náy vì quên lời mẹ dặn đi lúa cho mau khô. Rồi có những hôm, bỗng dưng mây ùn ùn kéo tới, mẹ hô hoán lên là cả mấy chị em nháo nhào chạy ra hối hả cào lúa. Mưa to quá cuốn phăng mớ lúa chưa kịp cào thành ụ, dù làm hết tốc lực nhưng vẫn không kịp hốt hết lúa giữa sân. Mẹ phải chạy đi lấy rơm thút nút vào lỗ cống ở góc sân để chặn cho thóc không bị trôi đi mất. Mẹ nhìn mưa mà thở dài xót xa, khóe mắt trĩu đầy lo âu mong trời mau hửng nắng. Thế mới biết để có được hạt gạo trắng thơm thật chẳng dễ dàng chi… Thóc phải phơi được khoảng bốn, năm bận nắng thì mới chắc mẩy, khô ráo tinh tươm.
Phơi xong. Thời quạt lúa. Những thúng thóc được ba mẹ đặt nghiêng khẽ trên vai rồi từ từ đổ xuống, đẹp như một dòng thác ban mai vàng rực rỡ. Thứ ban mai ấy, dịu dàng và tươi mới, mang hình hài của những hạt lúa mới, khiến người lớn rạng rỡ nụ cười, còn bọn trẻ thì phấn khởi, chạy nhảy khắp các ngõ rơm quanh xóm. Mẹ tôi sàng sảy những hạt thóc mẩy còn sót lại bên mớ thóc lép đã quạt xong xuôi. Còn ba thì cho hạt mẩy vào các rương gỗ lớn và bỏ hạt lép vào bao để đi nghiền cám. Hết hạt thì lại đến thân lúa, ba mẹ lo lắng phơi rơm để xây từng trụ cho trâu bò và để nhen lửa mỗi khi nấu nướng. Ba mẹ tảo tần cả một đời qua biết bao mùa lúa để chúng tôi được thành nhân. Tôi biết ơn ba mẹ, biết ơn hạt lúa quê hương!
Sau vụ gặt, cánh đồng im lìm vắng lặng. Có chăng thì lác đác dăm ba bóng người. Mặt ruộng trơ trụi, đầy những gốc rạ vương vãi, những vệt bánh xích máy gặt in sâu trên đất, như dấu tích còn lại của những ngày mùa rộn ràng và vội vã. Gốc rạ xác xơ, khô rạc tưởng chừng như rệu rã nhưng vẫn mang trong mình mầm sống bất diệt để trổ ngọn đơm bông lúa chét. Một vài đống rơm người ta bỏ lại ngoài đồng được đốt thành tro làm sạch ruộng, lại thêm phần màu mỡ cho đất trong vụ mới, những cuộn khói đốt rơm rạ bay lên cao hoà quyện vào ráng chiều vàng sậm. Một vài đàn bò long nhong gặm cỏ rồi bì bõm lội qua các đám ruộng tắm bùn. Đó đây lác đác đôi ba cánh cò trắng muốt cần mẫn lặn lội kiếm mồi. Có mấy đứa trẻ thì ngồi trên triền đê chơi đá gà bằng cọng cỏ; có đứa thì mang gàu kéo nước óc ách, tát nước cạn từ bờ này qua bờ khác để bắt cá mò cua; có đứa thả diều bay lên bầu trời rộng lớn, vươn ra khỏi ngọn khói làng.
Thời gian vần vũ theo nhịp quay của đất trời, từng khoảnh khắc lặng lẽ trôi qua. Thoáng chốc, dưới lớp đất bùn, những gốc rạ bắt đầu nhuốm màu thẫm, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của mình: trả lại cho đất mẹ những dưỡng chất đã hút lên trong mùa vụ. Cánh đồng như được đánh thức, lại lao xao tiếng bước chân người, tiếng máy rì rầm làm đất thêm tơi xốp, đất đai như đang cựa mình thai nghén những mầm sống nhỏ bé, những chân mạ mới chớm. Mùa màng lại cứ luân dịch, đón nắng ấm, hứng mưa lành, rồi lại sinh sôi nảy nở và hứa hẹn một mùa vàng bội thu với những hạt lúa tinh khôi. Thật diệu kỳ, bản trường ca bất tận của đất đai!
Với cánh đồng quê hương, tôi như chưa từng rời bỏ chính mình. Vẫn là cô bé của ngày nào, trái tim và tâm hồn vẫn đong đầy cái thắm thiết với hồn quê. Từ những vẻ đẹp dung dị mà chất nặng hồn cốt của đất, tôi tự nhủ với bản thân rằng sẽ sống một cuộc đời thật giản dị, chân chất nhưng thật cao đẹp như chính cái bức họa đồng quê thanh bình nơi tôi đã bước ra. Tôi cũng sẽ đổ tràn trái tim mình niềm tin về một cuộc sống sáng tươi cứ như cánh đồng quê đã ‘khêu rạng một chân trời xa xăm diệu vời’ cho tương lai của chị em chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Vatican Công Bố Một Văn Bản Tham Khảo Về Sự Phát Triển Vũ..
Th2
Tinh Thần Hiệp Hành Trong Đào Tạo Tại Các Trường Công Giáo Nigeria..
Th2
Lịch Phụng vụ Hội dòng – 02/2025
Th2
Ý Cầu Nguyện Của Đức Thánh Cha Tháng 02/2025: Cầu Nguyện Cho Ơn..
Th2
Trí Tuệ Nhân Tạo Là Cơ Hội, Nhưng Con Người Có Thể Trở..
Th2
Gia Đình Trong Thế Kỷ Xxi: Thách Đố Và Hy Vọng
Th2
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 5 (28/01 – 03/02/2025): Đón Xuân..
Th2
Cánh đồng khêu rạng chân trời
Th2
Thành kiến che lấp ân sủng (Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật IV..
Th2
Lời Dẫn Lễ và Lời Nguyện Lễ Tất Niên và ba ngày Tết..
Th1
Đức Thánh Cha: Nhiều nhà truyền thông đã hy sinh mạng sống
Th1
Giáo phận Vinh: Thư Mục Vụ Xuân Ất Tỵ 2025
Th1
Chúa ơi, Xuân đã về!
Th1
Năm Thánh Truyền Thông: Câu chuyện là con đường ngắn nhất để kết..
Th1
Lời Chúa và Sứ Mạng (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Thường..
Th1
Đức Thánh Cha Bổ Nhiệm Đức Hồng Y Koovakad Làm Bộ Trưởng Bộ..
Th1
Năm Thánh Truyền Thông: Câu Chuyện Là Con Đường Ngắn Nhất Để Kết..
Th1
Đức Thánh Cha: Con Cái Không Bao Giờ Phải Là “Con Tin” Giữa..
Th1
Niềm Tin Tôn Giáo Và Đạo Cầu Lộc Trong Văn Hóa Việt Nam:..
Th1
Ban Tu sĩ Giáo phận Vinh: Thư mời tham dự Ngày Đời Sống..
Th1