Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo (Ga 2,1-12), Bức tranh “Tiệc cưới ở Cana” năm 1563 của Paolo Veronese.
WHĐ (15/01/2025) – Chỉ có mình Thánh sử Gioan nhắc đến Tiệc cưới tại Cana. Tuy nhiên, mặc dù không được nhắc đến nhiều trong Tân Ước, nhưng mầu nhiệm này có ý nghĩa rất lớn. Gioan đã tóm tắt một cách ngắn gọn: “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Ngài. Các môn đệ đã tin vào Ngài” (2:11).
Thánh sử Gioan không bao giờ nói về “phép lạ” và không kể lại chúng theo trình tự thời gian, như những tác giả sách Tin Mừng khác đã làm. Thánh sử Gioan có chọn lọc và về mặt thần học thì chi tiết hơn nhiều trong những sự kiện này, mà ngài gọi là “những dấu chỉ”, bởi vì mỗi dấu chỉ đều cho chúng ta biết một điều gì đó sâu sắc hơn về Chúa Giêsu là ai. Và Thánh Gioan nói rằng tất cả đều bắt đầu tại Cana.
Tất cả bắt đầu tại một tiệc cưới. Chúa Giêsu, Mẹ của Ngài và các môn đồ của Ngài là khách được mời.
Một tiệc cưới. Một khoảnh khắc của tình yêu, của niềm vui, của sự khởi đầu một cuộc sống mới. Trong ba năm tiếp theo trong sứ vụ công khai của mình, Chúa Giêsu sẽ ám chỉ đến tiệc cưới đó nhiều lần. Ngài sẽ nói, “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình…” (Mt 22:1-14). Những ai tưởng tượng ra một thiên đàng buồn tẻ, tĩnh lặng, chỉ có tiếng nhạc của hạc cầm cổ điển thì đã không đọc Tân Ước! Bất cứ khi nào chúng ta nói về thực tại của Thiên Chúa, chúng ta luôn phải mở rộng ngôn ngữ của con người, bởi vì: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Ngài” (1 Côrintô 2: 9). Nhưng, điều đó cũng có nghĩa là ngôn ngữ của con người là một sự khởi đầu. Và chính Thiên Chúa là Tình yêu (1 Gioan 4:8). Ngài không “yêu” như một hành động trong nhiều hành động: Ngài LÀ Tình yêu. Và những ai hy vọng được chia sẻ thiên đàng phải trở nên giống như Ngài: “Khi Chúa Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Ngài, vì Ngài thế nào, chúng ta sẽ thấy Ngài như vậy” (1 Gioan 3:2). Và Con Thiên Chúa thấy rằng nơi để bắt đầu kinh nghiệm của con người nhằm mô tả thực tại đó chính là hôn nhân.
Giờ đây, hôn nhân, giống như Nước Trời, có những yêu cầu nhất định. Chúa Giêsu sẽ nói về thiên đàng như một tiệc cưới, nhưng Ngài cũng sẽ yêu cầu khách dự tiệc cưới phải đến chuẩn bị, ăn mặc chỉnh tề. Người nào không mặc “áo cưới” – ơn thánh sủng – sẽ bị đuổi ra ngoài (Mt 22:11-13). Những trinh nữ được mời làm thành viên của đoàn phù dâu được mong đợi phải khôn ngoan trong cung cách họ chuẩn bị. Những người dại dột – những người không tỉnh thức và không sửa soạn đèn – sẽ thấy cửa bị đóng lại (Mt 25:1-13, đặc biệt là 25:10).
Hôn nhân đòi hỏi những điều nhất định và đòi hỏi những chuẩn mực nhất định. Giống như những cô khờ dại, đôi vợ chồng trẻ ở Cana cũng không được chuẩn bị kỹ lưỡng.
“Họ hết rượu rồi.”
Có lẽ mọi người đang vui vẻ: đây là một tiệc cưới truyền thống có thể kéo dài trong nhiều ngày, không phải là một tiệc cưới hiện đại “đúng năm giờ và bạn sẽ phải ra khỏi đây”. Ở Cana xứ Galilê có thể có một số người uống rượu nhiều. Có thể ngân sách của đôi vợ chồng này eo hẹp. Chúng ta không biết tại sao. Chúng ta chỉ biết “họ hết rượu rồi”.
Thậm chí có lẽ đôi vợ chồng này còn không biết họ hết rượu rồi. Hoặc có lẽ họ biết nhưng lại xấu hổ: lòng hiếu khách là điều quan trọng trong văn hóa Trung Đông. Có lẽ họ không biết cách thoát khỏi tình cảnh khó khăn của mình.
Mẹ Maria nhận thấy tình cảnh đó. Mẹ không làm to chuyện. Mẹ chỉ mang tình cảnh khó khăn đó đến với Con mình: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2:3).
Chúa Giêsu dường như ngần ngại: “Giờ của Tôi chưa đến” (Ga 2:4). Nhưng đôi khi, các bà mẹ cũng có cảm nhận về những điều này.
Mẹ Maria để mặc cho Chúa Giêsu, vì Mẹ tin tưởng Ngài. Mẹ không biết Ngài sẽ làm gì. Nhưng Mẹ biết rằng, Ngài đáng để được tin tưởng trong bất kể điều gì Ngài làm. “Thân mẫu Ngài nói với gia nhân: Ngài bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2:5).
Modus operandi – Cách làm – của Mẹ Maria không chỉ dành cho tiệc cưới ngày xưa, mà đó vẫn là cách Mẹ làm và cách Mẹ vẫn muốn chúng ta đến với Con của Mẹ. Mẹ nhận thấy tình cảnh, Mẹ nói với Con Mẹ, và Mẹ tin tưởng. Mẹ Maria giao tình cảnh khó khăn cho Con của mình. Mẹ vẫn giao tình cảnh khó khăn của chúng ta cho Con của Mẹ. Và Mẹ nói với chúng ta, như Mẹ đã nói với những gia nhân: “Ngài bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2:5).
Đó là những gì Mẹ đã làm: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” như Mẹ đã từng nói khi xưa (Luca 1:38).
Chúa Giêsu chỉ ra sáu chiếc chum đá lớn. Chúng được dùng cho các loại nghi lễ rửa tay mà sau này Chúa Giêsu và các tông đồ của Ngài bị khép tội là đã bỏ bê không thực hành (Mc 7:1-5, 14-15; Mt 15:2). Ngài bảo những gia nhân đổ đầy nước vào đó và mang đến cho người quản tiệc.
Khi họ đưa những chiếc chum cho người quản tiệc, họ phát hiện ra rằng họ có khoảng 570 đến 680 lít rượu chất lượng “ngon nhất”. Người quản tiệc “không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết” (Ga 2: 9). Sau này, Chúa Giêsu sẽ nói về những điều bị “che giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11:25).
Chúa Giêsu biến nước thành rượu. Chúng ta nên rút ra điều gì từ đó? Hai điểm:
– Lòng quảng đại của Thiên Chúa sẽ không bao giờ bị vượt trội hơn, vậy tại sao đôi khi chúng ta lại nghi ngờ điều đó?
– Hôm nay, Chúa biến nước thành rượu ngon nhất. Ngày mai, Ngài sẽ biến rượu thành Máu Ngài.
Người quản tiệc rất ngỡ ngàng. Ông ta nói rằng hầu hết các chú rể đều mua một ít rượu ngon và sau đó, khi vị giác của khách đã giảm đi, họ mới lấy ra loại rượu rẻ tiền hơn. “Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ” (Ga 2: 10).
Có lẽ đó thực sự là những gì đôi tân hôn này đã lên kế hoạch: phục vụ rượu kém chất lượng hơn khi đêm xuống. Nhưng, một lần nữa, Thiên Chúa không chịu thua kém.
Đó là “dấu chỉ đầu tiên” của Chúa Giêsu, qua đó Ngài bày tỏ “bày tỏ vinh quang của Ngài” (Ga 2; 11), vinh quang “thuộc về Con Một của Chúa Cha” (Ga 1:14).
Mầu nhiệm hôm nay đã được nhiều nghệ sĩ mô tả, nhưng tôi đã chọn một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất – bức Nozze di Cana năm 1563 của Paolo Veronese – hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Louvre ở Paris. Tại sao lại là bức tranh này? Có cả lý do nghệ thuật và thần học.
Bức tranh “Tiệc cưới ở Cana” năm 1563 của Paolo Veronese
Bức tranh “Tiệc cưới Cana” theo nghệ thuật Phục hưng có kích thước lớn (gần 6.1 x 9.15 mét), trong đó sự hân hoan của khách mời cho thấy niềm vui của một tiệc cưới như thế nào. Mọi người đều có mặt ở đó, và nếu bạn đọc các chú giải, bạn sẽ biết “mọi người” có tên trong danh sách khách mời là những người có vai vế ở châu Âu thế kỷ 16, cả những người bạn trung thành của con người, đó là một vài con chó, vì “ngay cả lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mátthêu 15:26-28).
Tất cả khách mời đều diện những bộ trang phục dự tiệc cưới đẹp nhất của mình. Dàn nhạc ở phía trước và trung tâm, góp thêm niềm vui vào “rượu ngon làm phấn khởi lòng người” (Thánh vịnh 104:15, vua Đavít, được cho là một nhạc sĩ, tác giả của nhiều Thánh Vịnh, đã nói như thế). Nếu bạn nhìn vào đội ngũ phục vụ phía trên, đàng sau lan can, bạn có thể tưởng tượng ra khoản tiền mà cha cô dâu phải bỏ ra cho tiệc cưới này.
Điều thú vị hơn là thần học. Trước hết, Chúa Giêsu và Mẹ của Ngài là trung tâm của mọi thứ. Các Ngài là trung tâm của bức tranh, Chúa Giêsu nhìn chúng ta, chứ không nhìn cô dâu và chú rể, ở phía dưới bên trái: bạn thấy người đàn ông giơ tay lấy ly rượu mà người hầu đang đưa cho ông ta không? Theo cảm nhận thời nay thì chúng ta có thể cảm thấy điều này là kỳ lạ, nhưng hôn nhân Kitô giáo trước hết và quan trọng nhất là nói về Chúa Kitô, bởi vì hôn nhân là dấu hiệu của sự kết hợp của Chúa Kitô với Giáo hội của Ngài: “Hội Thánh tùng phục Chúa Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh… Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Chúa Kitô và Hội Thánh” (Êphêsô 5: 21-33). Những người vợ, những người chồng Kitô giáo được cho là hình ảnh của Chúa Kitô, vì vậy hình ảnh thực sự của họ phụ thuộc vào những gì – trong trường hợp này, họ phụ thuộc vào Đấng – mà họ là hình ảnh.
Một chi tiết đáng chú ý: hãy nhìn thẳng lên phía trên đầu Chúa Giêsu, nhìn vào đội ngũ phục vụ. Ngay phía trên Chúa Giêsu là một người đàn ông đang cầm dao chặt thịt, đang mổ và chặt nhỏ một con chiên. Sự ám chỉ đó không phải là ngẫu nhiên.
Hãy nhìn những vị khách. Họ đã được ăn uống no nê. Hãy nhìn những vị khách ngồi cùng bàn ở phía trên cặp vợ chồng trẻ: họ trông có vẻ no nê. Hãy nhìn vị khách mặc đồ trắng có hoa văn bên phải, được cho là một nhà thơ người Ý, đang đứng ra nếm thử rượu mới mà Chúa Giêsu vừa làm ra với vẻ mặt của một người chứng tỏ mình sành sỏi nhưng lại bị ấn tượng. Họ đã được chiêu đãi một bữa tiệc cưới tuyệt vời, nhưng điều tuyệt vời nhất – từ Thiên Chúa – vẫn chưa đến.
Đúng vậy, vì mặc dù tiệc cưới này rất tuyệt vời, nhưng “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình” (Mt 22: 2) và “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 14: 15).
Tuy nhiên, chúng ta không nên kết thúc bài suy niệm này mà không xem xét các dấu chỉ của thời đại chúng ta và những gì các dấu chỉ đó nói với chúng ta ngày nay. Chị Lucia, người đã nhận được các thị kiến của Đức Mẹ tại Fatima, đã nói rằng: “Sẽ đến lúc trận chiến quyết định giữa Nước Chúa Kitô và Satan sẽ là trận chiến về hôn nhân và gia đình”. Nếu Nước Trời giống như một tiệc cưới và các hôn lễ có các quy tắc và những kỳ vọng không do các khách mời, thậm chí không do đôi vợ chồng, quyết định, thì liệu chúng ta lại không cần cảnh giác và sẵn sàng đối mặt với những “tiệc cưới” giả mạo làm ra vẻ như chúng là bona fides – thiện ý và chân thực siêu phàm sao? Bởi vì Chúa Giêsu đã nói rõ: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (Gioan 14:21).
Để biết thêm về bức tranh này, hãy xem tại:
John Grondelski
https://en.wikipedia.org/wiki/The_Wedding_at_Cana_(Veronese)
Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: ncregister.com (23/4/2024)
Có thể bạn quan tâm
Ban Tu sĩ Giáo phận Vinh: Thư mời tham dự Ngày Đời Sống..
Th1
Bạn còn muốn về nhà?
Th1
Cáo phó: Thân mẫu của Nữ tu Anna Hoàng Thị Huyền (Cộng đoàn..
Th1
4 Lời Khuyên Cho Cuộc Sống Kitô Hữu Hạnh Phúc
Th1
Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công..
Th1
Ra đi – Một hành trình để nhìn lại Sứ Vụ
Th1
Giáo hội, thân thể của Chúa Kitô, điều đó muốn nói gì cụ..
Th1
Tài Liệu Tuần Cầu Nguyện Cho Các Kitô Hữu Hiệp Nhất Năm 2025
Th1
5 lý do để hòa mình vào màu sắc của năm 2025
Th1
Đức Thánh Cha: Hy vọng là những dấu chỉ đường trong hành trình..
Th1
Cùng người Samari hành hương trong hi vọng
Th1
Rượu Mới Cho Hạnh Phúc Viên Mãn (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật..
Th1
Lắng nghe Thiên Chúa qua trí tưởng tượng
Th1
Canh Tân Và Hòa Giải: Thượng Phụ Luciani Và Năm Thánh 1975
Th1
Cuba Thả Tù Nhân, Hoan Nghênh Sự Trung Gian Hòa Giải Của Tòa..
Th1
Kinh Mân Côi Và Nghệ Thuật: Mầu Nhiệm Thứ Hai Năm Sự Sáng..
Th1
Thánh lễ Truyền Chức Phó Tế – Giáo phận Vinh
Th1
Diễn Văn Của Đức Phanxicô Dành Cho Ngoại Giao Đoàn Cạnh Tòa Thánh..
Th1
Làng ôm ấp tuổi thơ tôi
Th1
Giờ chầu Thánh Thể tháng 01/2025: Xây dựng một Cộng Đoàn Cầu Nguyện
Th1