Ba nhân đức của con tim

26 lượt xem

Không có triết gia nào của thời hiện đại viết sâu sắc về nhân đức hơn Josef Pieper. Ông có thể làm cho nhân đức trở nên hấp dẫn và giải thích rằng nhân đức không phải là một loại thứ đồ trang hoàng cho xã hội, mà là điều cần thiết cho sự hoàn thiện của con người. Ông tuyên bố rằng “Nhân đức là cực điểm mà một người có thể trở thành; đó là sự nhận ra khả năng tồn tại của con người.”

Nhân đức, ngoài việc phát triển tính cách của một người, còn là biểu hiện của tình yêu. Vì tình yêu gắn liền với con tim, nên ba nhân đức thể hiện rõ nhất cho chân lý này là nhân hậu, vô tư và ấm áp. Bộ ba này không gây nên tranh luận và được mọi người chào đón. Chúng có sức lan tỏa và đem đến sự sung túc, không giống như nhiều nhân đức khác, với sự tức thời đầy bất thường.

Con tim nhân hậu

Thật tuyệt khi nói về một người rằng anh ta có một con tim nhân hậu. Chúng ta biết rằng, giống như trường hợp của Ramses hay Giuđa, con tim có thể trở nên chai sạn ra sao. Việc khích lệ một hành động tử tế bất kỳ mang đến niềm tin rằng con đường dẫn đến một thế giới tốt đẹp hơn là thông qua các hành động tử tế.

Những hành động như vậy có thể không được người khác biết đến, nhưng bất kể thế nào thì chúng vẫn luôn đem đến lợi ích. Vì chúng gắn liền với con tim, chúng thay thế sự tức giận, thờ ơ và đố kỵ. Các hành động nhân hậu không cần đến lời cảm ơn. Chúng trong sáng, tách biệt khỏi bất kỳ khái niệm về sự khen ngợi nào. Theo nghĩa này, chúng đặc biệt mang đặc tính Kitô giáo. Trong Mt 6:2-4, chúng ta đọc thấy:

Vậy nên, khi chúng ta bố thí, đừng thổi kèn trước mặt mình như bọn đạo đức giả… Nhưng khi bố thí, đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc bố thí của anh em được kín đáo; và Cha anh em, là Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ thưởng công cho anh em.

Người nhân hậu có một sự đồng cảm nhất định với người khác. Đây là động lực để người đó thực hiện các hành động tử tế. Mối quan tâm của người đó chỉ tập trung vào người khác chứ không hề tập trung vào bản thân mình. Cái tôi thường cản trở các hành động nhân đức và phá hủy chúng bằng cách đòi hỏi lời cảm ơn. William Wordsworth nắm bắt được nghịch lý của lòng nhân hậu khi ông nói rằng đó là “phần tốt nhất trong cuộc đời của một con người, là những hành động tử tế và tình yêu nhỏ bé, vô danh, không được nhớ đến của người đó.”

Con tim vô tư

“Một con tim vô tư sẽ sống bền lâu,” Shakespeare đã viết (Love’s Labours Lost, V: iii). Trái ngược với sự vô tư là chán nản, tuyệt vọng, buồn bã. Một con người u sầu thì đã mất đi đôi cánh và không thể bay nữa.

Chúng ta bị giằng co giữa hai ảnh hưởng cơ bản: ân sủng và trọng lực. Khát vọng tự nhiên của chúng ta là hướng lên trên. Do đó, chúng ta thích những thứ bay vút lên như chim, bay như máy bay hoặc bay lên như tên lửa. Chúng ta gọi thang máy, thang cuốn và thang nâng là như vậy mặc dù chúng cũng được thiết kế để đi xuống. Chúng ta sống bằng hy vọng. Và hy vọng luôn gợi ý một chuyển động hướng lên trên. “Các thiên thần bay bổng,” G. K. Chesterton đã viết trong một trong những câu nói đáng nhớ nhất của mình, “vì họ xem nhẹ bản thân mình.”

Người vô tư là người vui tươi, và khiếu hài hước của họ là liều thuốc giải cho sự nặng nề của thế gian. Thiên Chúa yêu thương người biết cho đi cách vui vẻ vì chính Người cũng vui vẻ trao ban bằng lòng rộng lượng của Người. Thánh Tôma Aquinô liên kết sự vô tư với sự vui nhộn hoặc niềm vui thích, điều mà tất cả chúng ta cần có để duy trì sự cân bằng. Trọng lực đè nén chúng ta, nhưng ân sủng nâng chúng ta lên một tầm cao hơn. Chúng ta lên tới thiên đàng và xuống tận địa ngục. Sự vui nhộn nâng cao tinh thần của chúng ta và mang lại cho chúng ta cảm giác an tâm rằng chúng ta thực sự là những con người vô tư.

Người vô tư xóa tan bóng tối, qua đó lặp lại khoảnh khắc sáng tạo khi Thiên Chúa phán, “Hãy có ánh sáng (light).” “Hãy có con tim vô tư (lightheartedness)” là sự đáp ứng thích hợp của chúng ta. Giáng Sinh vui vẻ chính là sự vô tư ở mức phù hợp theo sau sự xuất hiện của Đấng là Ánh Sáng cho thế giới.

Con tim ấm áp

Con tim ấm áp là ánh sáng dịu nhẹ của tình yêu giúp giành được lòng tin của mọi người và khiến họ cảm thấy thoải mái trong bầu không khí thân mật, thường là trong gia đình. Đây là một nhân đức thường gắn liền với người lớn tuổi. Tác giả đoạt giải Pulitzer, J. P. Marquand, đã nhận xét rằng “có một giai đoạn nhất định trong cuộc đời của người già khi sự ấm áp của con tim dường như tăng lên theo tỷ lệ thuận với tuổi tác.”

Sự ấm áp bắt nguồn từ lò nung của trái tim. Do đó, nó truyền sự ấm áp của mình cho người khác. Sau khi trò chuyện với Chúa Giêsu trên đường đến Emmaus, hai người bạn đồng hành của Người đã nói với nhau: “Lòng chúng ta chẳng bừng cháy khi Người trò chuyện với chúng ta trên đường, trong khi Người khai mở Kinh Thánh cho chúng ta sao?” (Lc 24:32) Những lời của Chúa Giêsu đi kèm với sự ấm áp từ con tim của Người.

Cũng giống như có lực hấp dẫn kéo chúng ta xuống, thì cũng có một sự lạnh lẽo làm làm đông cứng con người chúng ta. Chúng ta phải sưởi ấm con tim mình bất chấp sự lạnh lẽo xung quanh. Khi đó, chúng ta có thể sưởi ấm con tim của người khác, như Chúa Giêsu đã làm với hai người bạn đồng hành của mình trên đường đến Emmaus.

Một trong những đặc điểm đáng trân quý của con tim ấm áp là giá trị nhận thấy được khi nó được thể hiện ra bên ngoài. Người có con tim ấm áp sở hữu nhân đức này như một đặc điểm cố định trong nhân cách của mình. Người đó là một người ấm áp, người mà ngay lúc này hoặc về có thể thực hiện những hành động đầy ấm áp từ con tim.

Kết luận

Một người có thể có nhiều nhân đức, chẳng hạn như đức tin, lòng trung thành, lòng dũng cảm, sự hào phóng và lòng biết ơn. Nhưng những nhân đức này không được chứng kiến ​​cho đến khi chúng được đem vào hành động. Tuy nhiên, ba nhân đức của con tim được nhìn nhận là những đặc điểm cá nhân mà không cần phải thể hiện ra. Đó là những nhân đức dễ dàng được người khác nhận ra vì nhân hậu, vô tư và ấm áp thì được chia sẻ cách liên tục. Đó là những nhân đức lan truyền từ con tim này sang con tim khác mà không cần đến sự can thiệp của một phương tiện trung gian.


Tác giả: Ts. Donald DeMarco – Nguồn: Catholic Exchange (11/12/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Nguồn: https://giaophanvinhlong.net/

Có thể bạn quan tâm