Cộng đoàn Lưu Mỹ

135 lượt xem

CỘNG ĐOÀN LƯU MỸ

Cộng đoàn Lưu Mỹ tọa lạc tại giáo xứ Lưu Mỹ, thuộc xóm Trù Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Cho đến nay, không có sử liệu nào khẳng định Lưu Mỹ là nơi đầu tiên xuất hiện các nữ tu Mến Thánh Giá. Tuy nhiên, có một tài liệu cho biết chắc chắn là Nhà Mụ Mến Thánh Giá Lưu Mỹ đã hiện diện từ rất sớm. Theo cuốn Lịch sử Giáo phận Vinh do Vương Đình Chữ biên soạn, ở trong Nhật ký truyền giáo Đàng Ngoài, có đề cập vào khoảng năm 1682, thừa sai Jean Louis Sarraute đến Bùi Chu, năm sau vào Thanh Hoá và sau đó vào Nghệ An. Cha đặt cơ sở tại Trang Đen và đã đi thăm ba nhà thờ Kẻ Hương Khê, Bút Cang và Kẻ Trầu (Lưu Mỹ ngày nay). Điều này có nghĩa rằng Tin Mừng đã hiện diện trên mảnh đất Kẻ Trầu rất sớm. Ở đây, cha xác định rằng cha đã gặp khoảng 30 người nữ mà “đức hạnh ở Châu Âu cũng không sánh bằng”. Như vậy, từ năm 1683-1684, đã có một dạng Nhà Mụ Mến Thánh Giá tại Kẻ Trầu.

Tuy nhiên, dựa vào cuốn lịch sử giáo xứ Lưu Mỹ do cụ Hoài An (Hàn Uy) biên soạn thì giáo xứ Lưu Mỹ chính thức đón nhận ánh sáng Tin Mừng vào năm 1754, tức đời Cảnh Hưng năm thứ 14. Hai mươi năm sau đó, Nhà Mụ Lưu Mỹ xuất hiện. Có lẽ đây là sự hình thành chính thức của Cộng đoàn  Lưu Mỹ mà trước đó nhóm trinh nữ sống chung với nhau chưa được sử liệu của giáo xứ nhắc đến. Người tiên phong cho nhóm chị em Nhà Mụ Mến Thánh Giá tại đây là chị Sao, quê ở làng Văn Nhiệm, xã Xà Hoàng, phủ Kỳ Hoa, nay thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Lúc đến Lưu Mỹ, chị Sao khoảng 30 tuổi. Lúc đầu, chị ở tạm nhà giáo dân. Là người phụ nữ can đảm, khôn ngoan, dịu dàng và rất thánh thiện, chị tậu đất làm nhà, cày bừa xốc vác và làm ăn có kế hoạch. Một thời gian sau lại có chị Do, người cùng quê với chị Maria Sao, đến cùng chung sống. Sau đó, lần lượt chị Ân và chị Nhường cũng đến chia sẻ lối sống này với hai chị. Con số chị em tăng dần lên đến 15 người. Song song với công tác tông đồ bác ái, các chị làm ăn sinh sống bằng nghề nông nghiệp, buôn bán tạp hóa và cao đơn hoàn tán. Các chị đi bán thuốc khắp nơi, len lỏi vào các gia đình lương dân để rửa tội cho trẻ em nguy tử. Vì thời cuộc và hoàn cảnh, hầu hết chị em trong cộng đoàn đều mù chữ, và mãi đến thời cha già Kiên, cha mới nhờ cụ trùm Uy dạy chị em học chữ Nôm để xem sách phép nhà và sách thiêng liêng.

Năm 1874, làng Kẻ Trầu bị đốt phá, Nhà Mụ Kẻ Trầu cũng chung số phận. Thời này, chị Ca làm Bề trên. Ba chị Nhà Phước bị bắt, đó là chị Maria Hồi (khoảng 40 tuổi), chị Anna Nhiên (36 tuổi) và chị Matta Mến. Sau một thời gian chịu đựng thử thách, cả ba chị đã chịu thiêu sống với 17 giáo dân trong nhà thờ xứ. Ngày nay, phần mộ của ba chị đã được cải táng và xây trước Nhà Nguyện của cộng đoàn, được chị em tôn kính bảo vệ .

Cùng với Giáo Hội Việt Nam trải qua bốn giai đoạn bách hại dưới thời Cảnh Thịnh, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và Văn Thân, Nhà Phước Lưu Mỹ cũng đã mấy phen ly tán, nhưng phúc thay chưa có giai đoạn nào phải giải thể. Mãi tới thế kỷ XX, sở Lưu Mỹ mới có điều kiện dạy giáo lý cho các em trong các dịp xưng tội rước lễ lần đầu, thêm sức và nghĩa binh Thánh Thể.

Bắt đầu từ lúc nào không rõ, nhưng Nhà Phước Lưu Mỹ còn có một nhà nuôi trẻ mồ côi, thường gọi là nhà Dục Anh, tại giáo xứ Bột Đà, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Các chị thay phiên nhau phục vụ, nêu gương bác ái bỏ mình giữa đời. Đặc biệt, các chị đã rửa tội và cứu vớt được rất nhiều trẻ em lương dân. Mãi đến năm 1954, vì lý do khách quan, chị em phải rời bỏ cơ sở Dục Anh.

Từ năm 1946 đến năm 1952, thời bà Maria Nguyễn Thị Thịnh làm Bề trên, cơ sở cộng đoàn đã bắt đầu mọc lên một hai căn nhà rộng rãi và bớt ẩm thấp, có nơi thờ phượng (Nhà Nguyện) xứng đáng, đáp ứng đời sống thiêng liêng của người sống đời tận hiến. Đồng thời, cũng từ đây, có nhiều tâm hồn khao khát tìm hiểu ơn gọi. Vì thế, Cộng đoàn Lưu Mỹ được kể là phồn thịnh trong giai đoạn này. Cùng với các cộng đoàn khác trong Giáo phận, lịch sử Cộng đoàn Lưu Mỹ bước sang trang sử mới từ năm 1952, khi được hợp nhất với nhau.

Vào năm 1958, khi bà Matta Nguyễn Thị Thân làm Bề trên, có một trận hỏa hoạn xảy ra từ nhà dân bên cạnh và ngọn lửa bùng lên đã lan sang thiêu hủy toàn bộ cơ sở của chị em. Biến cố này làm cho chị em cạn kiệt mọi nguồn sống. Vậy nên, mọi người chỉ còn giải pháp là tạm giải tán. Trong tình cảnh đó, cha già Hưng lúc bấy giờ quản xứ Lưu Mỹ đã khuyên bảo chị em: “Với Chúa thì không có gì khó. Tất cả chị em không được đi đâu, mà phải quyết tâm ở lại để duy trì cộng đoàn”. Nhờ đó, chị em đã vững tâm ở lại cùng nhau.

Với tấm lòng quảng đại, giáo dân đã chia sẻ cơm sắn cho chị em sống qua ngày; đồng thời, cũng nhờ sự nhiệt tình yêu thương của dân làng, chị em sớm có được ba gian lán tranh để nương thân. Nhờ lòng tín thác vào Thiên Chúa cùng với sự hiệp nhất giữa chị em, cuộc sống vất vả đời thường cứ dần trôi qua và chị em kiên trì gầy dựng lại cơ sở ngày một ổn định hơn. Trong những giai đoạn tiếp theo, sở Lưu Mỹ đã phát triển đáng kể về nhân sự lẫn nếp sống tinh thần và vật chất.

Theo thời gian, nơi ở của cộng đoàn không còn đáp ứng được nhu cầu về sức khỏe và đời sống của chị em, vì thế, ngày 16/08/2014, cộng đoàn đã khởi công quy hoạch tổng thể khuôn viên và khánh thành ngày 26/08/2018. Ngoài ra, cộng đoàn cũng đã xây dựng một số cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục như: nhóm Ngọc Long (06/2021-05/2022), và nhóm Xuân Kiều (10/2022 – 08/2023).

Cho đến hôm nay, trình độ tri thức và kỹ năng chuyên môn của quý chị em đang ngày được nâng cao và điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sứ vụ tông đồ. Vì thế, cộng đoàn đang tích cực đầu tư vào việc đào tạo lớp trẻ Mầm Non, dạy văn hóa cho học sinh nội trú và một số hoạt động khác.

Hy vọng với đà tiến trên, chị em Cộng đoàn Lưu Mỹ có thể cùng với các cộng đoàn khác trong Hội Dòng kiến tạo một tương lai tươi sáng, hướng đến sứ mạng làm vinh danh Thiên Chúa và phục vụ phần rỗi con người.

MỘT VÀI THÔNG TIN (Thông tin được cập nhật vào tháng 11/2023)

– Nhân sự: Hiện nay, cộng đoàn có 56 thành viên, gồm 45 chị khấn trọn và 11 khấn sinh.

– Nhóm phục vụ: Có 8 nhóm phục vụ tại các giáo xứ.

Qúy Chị Phụ Trách qua các thời kỳ:

* Trước năm 1986:

+ Chị Maria Sao

+ Chị Maria Ca

+ Năm 1946-02/1952: Chị Maria Nguyễn Thị Thịnh

+ Năm 1953-1956: Chị Maria Nguyễn Thị Thịnh

+ Năm 1956-1957: Chị Maria Ái

+ Năm 1958: Chị Matta Nguyễn Thị Thân

+ Chị Matta Nguyễn Thị An

* Sau năm 1986:

+ Năm 1986-1993: Chị Maria Đoàn Thị Thiện

+ Năm 1993-1994: Chị Anna Hoàng Thị Kim

+ Năm 1994-1997: Chị Maria Đoàn Thị Thiện

+ Năm 1997-1998: Chị Anna Nguyễn Thị Thái

+ Năm 1998-2002: Chị Maria Đoàn Thị Thiện

+ Năm 2002-2003: Chị Anna Nguyễn Thị Phương

+ Năm 2003-2008: Chị Maria Đoàn Thị Thiện

+ Năm 2008-2011: Chị Anna Hoàng Thị Thành

+ Năm 2011-2014: Chị Maria Nguyễn Thị Hồng

+ Năm 2014 – 2023: Chị Maria Trần Thị Hạnh

+ Từ 08/2023: Chị Anna Nguyễn Thị Lan Nga

 

BAN ĐIỀU HÀNH ĐƯƠNG NHIỆM
(Nhiệm kỳ 2023-2027)

 

MỘT SỐ CHỊ EM TRONG CỘNG ĐOÀN