1. Ông Men-ki-xê-đê

Vì vậy, trong phần Dâng lễ, chúng ta tạ ơn Đấng Tạo hóa vì đã ban bánh và rượu, là kết quả của “công lao của con người,” nhưng trước hết đó là “hoa mầu ruộng đất” và “sản phẩm từ cây nho”, tức là những hồng ân của Đấng Tạo Hóa. Hội Thánh nhận ra cử chỉ của Men-ki-xê-đê, là vua và là tư tế, ông “mang bánh và rượu ra” (St 14,18), là hình ảnh tiên báo cho hiến lễ của mình. (GLCG 1333)

2. Cuộc xuất hành

Thời Giao Ước cũ, trong số các hoa trái đầu mùa của ruộng đất, bánh và rượu được dâng lên làm lễ vật, với tính cách một dấu chỉ của lòng biết ơn đối với Đấng Tạo Hóa. Nhưng chúng còn mang một ý nghĩa mới trong bối cảnh cuộc Xuất Hành: Các bánh không men mà người Do-thái hằng năm vẫn ăn trong dịp lễ Vượt Qua, gợi nhớ đến sự vội vã của cuộc ra đi thoát khỏi Ai Cập(GLCG 1334)

3. Manna trong sa mạc

Kỷ niệm về manna trong sa mạc luôn nhắc nhớ dân Israel rằng họ sống bằng bánh là Lời Chúa. (GLCG 1334)

4. Đất hứa

Bánh ăn hằng ngày là sản phẩm của Đất hứa, là bảo chứng việc Thiên Chúa trung tín với các lời hứa của Ngài. (GLCG 1334)

5. Bữa tiệc Vượt Qua

“Chén chúc tụng” vào cuối bữa tiệc Vượt Qua của người Do-thái, đã thêm cho rượu một ý nghĩa cánh chung ngoài niềm vui lễ hội, đó là sự trông chờ Đấng Mêsia đến tái tạo Giêrusalem. (GLCG 1334)

6. Phép lạ hóa bánh ra nhiều

Các phép lạ hóa bánh ra nhiều, khi Chúa dâng lời chúc tụng, bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ Người để nuôi dưỡng đám đông, là hình ảnh tiên báo sự vô cùng phong phú của tấm bánh duy nhất là Thánh Thể của Người. (GLCG 1335)

7. Phép lạ Cana

Dấu chỉ nước hóa thành rượu ở Cana đã loan báo Giờ vinh quang của Chúa Giêsu. Dấu chỉ này biểu lộ sự hoàn tất của bữa tiệc cưới trong Nước của Chúa Cha, nơi các tín hữu uống rượu mới đã trở thành Máu Đức Kitô. (GLCG 1335)

***

Xin cho việc chúng ta lãnh nhận Thánh thể, không chỉ cho chúng ta được hiệp thông vào Thân Thể Ðức Kitô mà còn giúp chúng ta sống mầu nhiệm hiệp thông ấy với niềm tin yêu, hy vọng ngay trong cuộc sống hàng ngày.