Bài ca ngợi khen Thiên Chúa của Đức Maria
Kinh Magnificat là bài ca ngợi khen Thiên Chúa của Đức Maria. Bài thánh ca tuyệt vời này tuôn trào từ tâm hồn Mẹ, sau khi bà Elisabeth, người đang cưu mang Gioan tiền hô, đã nhìn nhận Mẹ được diễm phúc làm Mẹ Thiên Chúa (x. Lc 1,42-45). Trái tim Đức Maria vỡ òa trong niềm vui lớn lao và Mẹ ngợi khen Thiên Chúa. Mẹ không nói gì về mình nhưng chỉ nói về sự can thiệp đầy lòng thương xót của Thiên Chúa trong đời sống của Mẹ và đời sống của dân Israel.
Trong lời kinh Magnificat, Đức Maria không chỉ nhớ đến những việc tốt lành Thiên Chúa đã làm cho cuộc đời Mẹ (câu 46-49), nhưng còn cho cả nhân loại (câu 50-53). Trong phần kết luận (câu 54-55), Mẹ nhắc đến những việc tốt lành và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho Israel. Có hai lý do để Đức Maria ca ngợi Thiên Chúa: (1) Thiên Chúa đã đoái thương đến phận hèn của nữ tỳ Ngài; (2) Đấng Toàn Năng đã làm bao việc trọng đại cho Mẹ và cho dân Israel.
Trong Phụng vụ Giờ kinh, Giáo hội công bố bài ca này trong giờ Kinh chiều mỗi ngày. Giáo hội nhìn nhận bài ca này là một trong những bài ca quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất của Tân ước. Cùng với Đức Maria, Giáo hội ca ngợi Thiên Chúa bằng chính những lời của Mẹ.
Chiều kích Giáo hội của Kinh Magnificat
Như đề cập từ rất sớm, trong kinh Magnificat, Đức Maria không chỉ ca ngợi Thiên Chúa vì những ích lợi và ân sủng Mẹ nhận được cho mình, nhưng lời cầu nguyện của Mẹ lên đến đỉnh điểm trong việc công bố mọi kỳ công Thiên Chúa đã làm cho dân của Ngài là Israel mà Mẹ là một thành viên. Ở đây nói lên tầm quan trọng của khía cạnh cộng đoàn trong lời ca ngợi của Mẹ. Mẹ là đại diện cho toàn thể dân Israel.
“Hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”: trong những lời này, Đức Maria nhắc lại lời của Leah trong sách Sáng Thế 30,13: “Tôi hạnh phúc biết bao ! Vì các cô gái sẽ khen ngợi tôi có phúc”. Về điểm này, J. Fitzmyer đã viết trong lời bình luận của ông như sau: “Thánh Luca đã đổi cụm từ “các cô gái” thành “hết mọi đời” và có ngụ ý nói lên một sự tôn trọng dành cho Đức Maria, là Mẹ Thiên Chúa và là người đại diện đầu tiên của đức tin trong bài tường thuật của ngài liên quan đến tất cả mọi người sẽ đón nhận Con của Mẹ trong đức tin. Câu này diễn tả một thái độ căn bản của tất cả Kitô hữu đối với người Mẹ đáng tin của Chúa”[1]. Bài thánh ca này mang chiều kích Giáo hội. Một mặt, nó nhắc nhớ về lịch sử của dân Israel, mặt khác nó diễn tả một Israel mới, đó là những người tin vào Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, Đức Maria đại diện cho cả Israel cũ và mới.
Trong Giáo hội hiệp hành, khía cạnh cộng đoàn rất quan trọng. Đó như là một sự tập họp để chúng ta ca ngợi Thiên Chúa. Tất cả mỗi người chúng ta là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Là Giáo hội hiệp hành, chúng ta phải phụng thờ Thiên Chúa và ca ngợi Ngài như một gia đình. Điều đó không chỉ thể hiện trong việc thờ phượng của chúng ta, mà còn nên được thể hiện trong đời sống thường ngày của chúng ta đối với nhau trong tư cách là dân Chúa được liên kết trong tình yêu.
Khiêm nhường chấp nhận thân phận thấp hèn của mình
Khi Đức Maria công bố mình “là nữ tỳ của Chúa” trong biến cố Truyền tin, Đức Maria đã tái khẳng định sự khiêm nhường của Mẹ trong kinh Magnificat qua việc công nhận cách chính đáng những sự tốt lành mà Chúa làm trong cuộc đời Mẹ. Lời cầu nguyện của bà Anna nài xin một đứa con và những lời của Leah sau khi bà sinh con đã được lặp lại trong Luca 1,48a. Vị thế thấp kém của người nữ tỳ của Chúa trong câu 48a trong kinh Magnificat có thể được ghi nhận trong các đoạn Kinh Thánh Cựu ước: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, nếu Ngài đoái nhìn đến thân phận thấp hèn của nữ tỳ Ngài” (1 Sm 1,11); “vì Đức Chúa đã đoái đến thân phận thấp hèn này” (St 29,32); “Tôi hạnh phúc biết bao ! Vì các cô gái…” (St 30,13); “Đức Chúa đã nghe nữ tỳ Ngài và đoái đến thân phận thấp hèn, và đoái xem sự khốn cùng của tôi và ban cho tôi một người con trai” (4 Ezra 9,45).
Trung thành với giáo huấn trong Cựu ước, Đức Maria chấp nhận thân phận thấp hèn và tín thác vào lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa. Mẹ không ngần ngại chấp nhận mọi tình huống trong cuộc sống như “nghèo khó” và “thấp hèn”. J. Fitzmyer nhận định rằng: “Đức Maria đã nhìn nhận bản thân Mẹ như một người ‘nữ tỳ’ (Lc 1,38) trong câu trả lời của Mẹ với sứ thần Gabriel; vì thế, danh từ ‘nữ tỳ’ ở đây nên được hiểu là ‘người có địa vị thấp’. Nó diễn tả sự không xứng đáng của Mẹ, khi được trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa, Mẹ Đấng Cứu Thế”[2].
Với một người khiêm tốn, họ sẽ chấp nhận sự nghèo khó của mình và dựa vào Chúa. Sự khiêm tốn của chúng ta phải xuất phát từ sự xem xét bản thân. Chấp nhận tổn thương với thái độ tích cực là một điều kiện tiên quyết để lớn lên như một Kitô hữu trưởng thành. Khiêm tốn trước Chúa và trong mối tương quan với người khác có thể giúp chúng ta trưởng thành trong hành trình thiêng liêng. Những lời của Đức Maria trong kinh Magnificat dạy chúng ta khiêm tốn, để đón nhận ân huệ của Chúa, và củng cố tương quan huynh đệ bằng cách thiết lập một mối dây hiệp thông giữa anh chị em của chúng ta.
Ca tụng tình yêu thương xót của Chúa
Chúng ta cần nhận ra tình yêu thương xót của Chúa như một động lực thúc đẩy chúng ta cất bước với nhau trên cùng con đường như một gia đình. Tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa đối với dân người không thể so sánh được. Trong kinh Magnificat, Đức Maria dùng từ ‘thương xót’ (trong tiếng Hy Lạp là eleos) đến hai lần (câu 50 và 54).
Trong tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và Israel, thuật ngữ ‘thương xót’ (trong tiếng Do thái là hesed) liên quan đến một cam kết pháp lý và trung thành. Nhưng khi dân Israel không còn tôn trọng giao ước và vi phạm lề luật, Thiên Chúa đã không bám chặt vào các khía cạnh pháp lý của giao ước, vì tình yêu của Ngài vượt trên mọi giới luật. Do đó, thuật ngữ này không bị giới hạn trong nghĩa vụ pháp lý nhưng nó bày tỏ một tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa, tình yêu vượt trên mọi điều kiện và luật lệ. Ở đây, thuật ngữ này đạt đến một ý nghĩa sâu sắc hơn về tình yêu vô điều kiện và vĩnh cửu đối với dân Người.
Tiến trình hiệp hành là một cơ hội tuyệt vời để nhận ra và chiêm ngưỡng tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa trong mỗi kinh nghiệm cá nhân và trong mỗi kinh nghiệm của đời sống Giáo hội. Đôi khi chúng ta bị cám dỗ xem Thiên Chúa như là một quan tòa vô cùng nghiêm khắc, thay vì cần xây dựng mối tương quan hiếu thảo với Người như là Cha yêu thương. Nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, là Cha, cũng giống như tình yêu của một người mẹ được mặc khải trong Hôsê 11,8 và Isaia 49,15 là một yếu tố cần thiết cho linh đạo hiệp hành, bởi vì một người không có cảm nhận rằng mình được yêu – thì họ không thể yêu người khác và cũng không thể xây dựng một cộng đoàn hiệp hành.
Nói không với tính kiêu căng và tự mãn
Khi tuyên bố công trình kỳ diệu của Thiên Chúa, Đức Maria hát lên: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng” (câu 51). Cánh tay Chúa là sự nhấn mạnh đến uy quyền và sức mạnh của Ngài (x. Xh 6,6; Đnl 4,34). Cựu Ước mô tả kẻ kiêu căng và tự mãn như là kẻ thù của Thiên Chúa (x. Is 2,12). Thiên Chúa không muốn ai trở thành người kiêu căng và tự mãn.
Kiêu căng và tự mãn là những kẻ thù nguy hiểm của Tính hiệp hành, bởi vì chúng phá hủy những tương quan giữa con người với nhau. Người kiêu căng đối lập với kẻ khiêm nhường (x. Cn 3,34; Gc 4,6). Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về tội kiêu ngạo như sau: “Có những tội được nhìn thấy và những tội không được nhìn thấy. Có những tội rõ ràng, ồn ào nhưng cũng có những tội quanh co ẩn nấp trong lòng khiến chúng ta không hay biết. Điều tồi tệ nhất trong số này là tội kiêu ngạo, nó có thể tiêm nhiễm vào cả những người đạo đức. Có một tu viện nổi tiếng của các nữ tu, vào những năm 1600-1700, vào thời Jansenimo. Họ vô cùng hoàn hảo, và người ta nói họ trong sáng như thiên thần, nhưng cũng kiêu ngạo như ác quỷ. Đúng là một điều tồi tệ. Tội chia rẽ tình huynh đệ; tội khiến chúng ta nghĩ rằng mình tốt hơn người khác; tội cũng làm chúng ta tưởng rằng mình có thể so sánh với Chúa”[3].
Bất cứ ai kiêu ngạo và tự mãn dù họ là linh mục, tu sĩ nam nữ, hoặc những người giáo dân đang cộng tác và phục vụ trong các giáo xứ, hội dòng, giáo phận hoặc bất kỳ một tổ chức nào của Giáo hội, đều đi ngược lại tinh thần của sứ điệp Tin mừng và Linh đạo Hiệp hành.
Tán thành bình đẳng và công bằng xã hội
Kinh Magnificat của Đức Maria là một bài ca cách mạng có tính thay đổi rất lớn. Nó nói lên tệ nạn áp bức xã hội và khoảng cách giàu nghèo. Đức Maria tiên báo Chúa là “Đấng hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (câu 52, 53).
Những suy nghĩ mang tính cách mạng của Đức Maria về sự giải thoát của Thiên Chúa truyền cảm hứng để chúng ta cộng tác trong việc xây dựng Vương quốc Thiên Chúa, nơi không còn sự khác biệt giữa chủ và tớ, giàu và nghèo, nam và nữ, có học hay thất học, v.v… Chúng ta là con cái Thiên Chúa và chúng ta có phẩm giá giống nhau như những con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Là những người đã được rửa tội, chúng ta là anh chị em trong Đức Kitô, với những quyền lợi và bổn phận như nhau trong Giáo hội.
Magnificat – một lời cầu nguyện hiệp hành
Suy niệm kinh Magnificat mời gọi chúng ta hát lên lời ca ngợi Thiên Chúa cùng với Đức Maria trong suốt tiến trình hiệp hành. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI nói: “Đức Maria là trinh nữ cầu nguyện. Mẹ thể hiện điều đó trong chuyến viếng thăm bà mẹ của vị tiền hô, khi đó tâm hồn Mẹ dâng trào lời tôn vinh Thiên Chúa, bày tỏ lòng khiêm nhường, tin tưởng và hy vọng. Tâm tình cầu nguyện này chính là kinh Magnificat (x. Lc 1,46-55), lời cầu nguyện tuyệt hảo của Đức Maria, bài ca về thời thiên sai trong đó hòa lẫn niềm vui của dân Israel cũ và mới. Theo thánh Irênê, trong bài thánh ca của Đức Maria, người ta một lần nữa có thể nghe thấy niềm vui của Abraham, người đã thấy trước Đấng Thiên Sai (x. Ga 8,56) và vang lên trong sự dự đoán tiên tri về tiếng nói của Giáo hội: Trong niềm hân hoan của mình, Đức Maria nhân danh Giáo hội đã tuyên bố lời tiên tri: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa…” Và quả thực, bài thánh ca của Đức Maria đã lan truyền khắp mọi nơi và trở thành lời cầu nguyện của toàn Giáo hội qua mọi thời đại”[4].
Chúng ta hãy học nơi Mẹ tâm tình tạ ơn Thiên Chúa về tất cả những điều kỳ diệu Ngài đã thực hiện trong đời sống đức tin cá nhân và cộng đoàn của chúng ta. Đức Maria dạy chúng ta hát lên lời ca ngợi Thiên Chúa và trở thành những cộng tác viên của Ngài trong việc thúc đẩy công lý và hoà bình. Nếu Giáo hội muốn trở nên hiệp hành, thì Giáo hội phải mang tính quy tụ, đón nhận người bị áp bức, người nghèo khổ và bị gạt ra bên lề xã hội và phải đấu tranh cho công bằng xã hội. Dù cho chúng ta bị tổn thương và yếu đuối, Thiên Chúa vẫn tiếp tục hướng dẫn chúng ta như Ngài đã từng dẫn dắt dân Israel. Chúng ta hãy cam kết bước đi trên con đường biến đổi, con đường thống nhất nội tâm, con đường Giêsu và con đường mà Giáo hội đang đề nghị cho hành trình hiệp hành của chúng ta.
Chuyển ngữ: Nt. Têrêsa Kiều Thị Yến Ly, SPC
Trích từ: Tác phẩm “Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành”
Nguyên tác: Mary Icon of the Synodal Church: Biblical Reflections
Có thể bạn quan tâm
Hồng ân đêm Diễn Nguyện kỷ niệm 340 năm Hiện Diện, 100 năm..
Th11
Nguyện cầu đêm hồng ân!!!
Th11
Nguyện xin!!!
Th11
Cáo phó: Thân mẫu của nữ tu Anna Phan Thị Hòa (Cộng đoàn..
Th11
Hợp rồi tan
Th11
Bên Chúa muôn đời hay cách xa vĩnh viễn? (Suy niệm Tin Mừng..
Th11
Kitô Hữu Chiếm 75% Tổng Số Các Cuộc Bách Hại Chống Các Tôn..
Th11
Trường ca tự tình khúc
Th11
Tuổi già
Th11
Bà Nancy Và Ông Patrick, Triệu Phú Canada Bỏ Tất Cả Để Trở..
Th11
Ngày Thế Giới Người Nghèo: Đức Thánh Cha Phanxicô Sẽ Dùng Bữa Trưa..
Th11
Một lần để sống
Th11
Kho Tàng Đức Tin Không Thay Đổi Và Không Thể Thay Đổi
Th11
Người Tự Kỷ Có Gì Để Cống Hiến
Th11
Mở Án Phong Chân Phước Cho Sơ Clare Crockett
Th11
Cha Roberto Pasolini, Tân Giảng Thuyết Của Phủ Giáo Hoàng
Th11
Giới Trẻ Tham Gia Đời Sống Giáo Hội
Th11
Dốc cạn túi để được Thiên Chúa lấp đầy (Suy niệm Tin Mừng..
Th11
Hội dòng MTG Vinh: Khóa Thường Huấn dành cho quý chị trong Ban..
Th11
Hội Dòng MTG Vinh: Thánh lễ Tạ ơn mừng Ngân Khánh Khấn Dòng..
Th11