Ngày 12/7 – Thánh Anê Lê Thị Thành

62 lượt xem

Ngày 12/7

Thánh Anê Lê Thị Thành (Đê)
Giáo dân (1781-1841)

I. Tiểu sử
 

Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy,
mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?

 

Thánh Anê Lê Thị Thành sinh năm 1781 tại làng Bái Điền (Bái Đền hay Gia Miếu), huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Song thân là người đạo gốc, gia đình khá giả nhưng không có con trai nối dõi tông đường nên thân phụ cưới thêm vợ thứ hai, khiến mẹ bà Thành phải mang hai cô con gái Thành (12 tuổi) và Thuộc (10 tuổi) ra đi lập nghiệp tại thôn Đông, xã Phúc Nhạc, tỉnh Ninh Bình.

Năm mười bảy tuổi, cô Thành kết hôn với anh Nguyễn Văn Nhất, sinh được hai cậu con trai và bốn cô con gái. Theo phong tục địa phương, người làng lấy tên cậu con trai đầu lòng để gọi song thân, vì thế mà bà Thành còn được gọi là bà Đê.

Hai ông bà quan tâm nuôi dưỡng và giáo dục đức tin cho con cái. Đặc biệt, bà Đê rất trọng những người dâng mình cho Chúa, cách riêng các thừa sai và linh mục bản quốc. Gia đình ông bà luôn sẵn sàng đón tiếp giáo sĩ đến tá túc trong thời bị bách hại.

Vào sáng ngày đại lễ Chúa Phục Sinh, 14-4-1841, tên Đễ, người theo giúp cha Thành, muốn lập công và ham tiền thưởng đã mật báo nơi trú ẩn các đạo trưởng Tây Nam với tổng đốc Trịnh Quang Khanh. Linh mục thừa sai Jean Paul Galy Carles – Lý được ông trùm Cơ đưa sang vườn nhà bà Đê, núp trong đường mương khô cạnh bụi tre, có rơm rạ che khuất. Nhưng lính đã nhìn thấy bóng người chạy trốn nên cố sức lục soát và cuối cùng thì bắt được cha. Bà Đê, chủ nhà, cũng bị bắt vì tội che giấu đạo trưởng trong nhà. Ông trùm Cơ, bà Đê và tám người khác bị đóng gông đưa về ngục Nam Định. Vì chiếc gông quá nặng, bà Đê nhiều lần gục ngã trên đường.

Tại công đường, tổng đốc Trịnh Quang Khanh khuyến dụ ngọt ngào, tra tấn nhục hình, đánh đòn đến tan nát thân mình cũng không thể lung lạc niềm tin son sắt của bà Đê.

Khi vào thăm mẹ, cô Nguyễn Thị Nụ khóc nức nở khi nhìn thấy tấm áo mẫu thân loang lổ vết máu, nhưng bà Đê âu yếm an ủi: “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?”. Một lần viếng thăm khác, bà Đê nhắn nhủ: “Con hãy về chuyển lời mẹ đến với anh chị em con, nhớ coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối nguyện kinh, dâng lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá đến cùng. Không bao lâu nữa, mẹ con chúng ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên Đàng”.

Ngoài cực hình tra tấn, ăn uống kham khổ, bà Đê còn mắc chứng kiết lỵ. Mặc dù có nữ tu tận tình chăm sóc, sức lực bà Đê ngày càng yếu và đã an nghỉ trong Chúa vào đêm 12-7-1841 nơi chốn lao tù, dưới đời vua Thiệu Trị. Thi hài của bà được an táng tại pháp trường Năm Mẫu, sáu tháng sau, được giáo hữu cải táng về nhà thờ Phúc Nhạc.

Chứng nhân đức tin Anê Lê Thị Thành (Ðê) được nâng lên bậc chân phước ngày 02-5-1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Trích sách “Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam”
Biên soạn: Hội đồng Giám mục Việt Nam

II. Cầu nguyện

Cầu nguyện cho các bà mẹ trong gia đình

Trong Tông huấn “Hãy vui mừng hân hoan, về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay” số 12, ĐTC Phanxicô nói rằng: “…Những phong cách thánh thiện nữ tính, là phương tiện thiết yếu để phản ảnh sự thánh thiện của Thiên Chúa trong thế giới này. Thật vậy, trong những thời mà người nữ có khuynh hướng bị lờ đi hoặc không được nhìn đến, thì Chúa Thánh Thần đã làm nổi bật những vị thánh mà sự hấp dẫn của các ngài đã tạo ra sức mạnh tinh thần mới và những cải cách quan trọng trong Hội Thánh.”[1] Quả vậy, những người nữ đã làm thánh theo cách thế riêng tuyệt vời của họ; họ đã nâng đỡ – biến đổi các gia đình cũng như cộng đồng bằng sức mạnh chứng từ; họ làm cho Giáo hội xinh đẹp hơn lên.

Trong danh sách 117 thánh tử đạo Việt Nam, chỉ có duy nhất một vị thánh nữ – thánh Anê Lê thị Thành. Ngài là mẫu gương về tinh thần kiên cường, bất khuất.Chính quan tổng đốc Nam Định – Trịnh Quang Khanh cũng đành phải bất lực trong việc thuyết phục ngài chối đạo. Quan áp dụng nhiều phương thế, từ khuyên dụ ngon ngọt đến tra tấn nhục hình, gông xiềng, đòn đánh đến tan nát thân mình, tất cả đều không thể lung lạc đức tin trung kiên của thánh nữ.

Anê Lê thị Thành (còn gọi là Bà Ðê),sinh khoảng 1781 tại làng Bái Điền, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Ngay từ nhỏ, cô Thành đã theo Mẹ về quê ngoại ở Phúc Nhạc, một giáo xứ lớn nay thuộc giáo phận Phát Diệm, tỉnh Ninh Bình. Năm 17 tuổi cô kết hôn và sinh được 6 người con. Hai vợ chồng hiền lành đạo đức, rất quan tâm đến việc giáo dục con cái.
Khi giáo quyền thẩm vấn điều tra phong thánh, Cô con gái út Lucia Nụ đã khai rằng: “Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục chúng tôi. Chính người dạy chúng tôi học chữ và giáo lý, sau dạy cách tham dự thánh lễ và xưng tội rước lễ. Người không để chúng tôi biếng nhác việc xưng tội. Khi chúng tôi lơ là, người thúc dục chúng tôi bằng được mới thôi.”
Một người con khác, cô Anna Năm cũng xác minh: “Song thân chúng tôi chỉ gả con gái cho những thanh niên đạo hạnh. Sau khi tôi kết hôn thân mẫu thường đến thăm chúng tôi và khuyên bảo những điều tốt lành. Có lần người dạy tôi: Tuân theo ý Chúa, con lập gia đình là gánh rất nặng. Con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lời cha mẹ chồng. Hãy vui lòng đón nhận Thánh Giá Chúa gởi cho. Người cũng thường khuyên vợ chồng tôi: Hai con hãy sống hòa hợp, an vui, đừng để ai nghe chúng con cãi nhau bao giờ.”
Ta nghe câu chuyện về thánh nữ Anê Lê thị Thành, ta lại nhớ về câu chuyện thật hay trong Kinh Thánh, bà mẹ có bảy người con mà sách Macabê kể lại.[2]Ta cũng đã từng nghe chuyện ngập tràn những giọt nước mắt của thánh Monica với người con là thánh Augustino… Và hôm nay, ta lại được nghe về tấm gương sáng đạo hạnh cho các bà mẹ Công giáo.
Thánh nữ Anê Thànhcó lòng bác ái trọng kính và sốt sắng giúp đỡ các linh mục gặp khó khăn trong thời cấm đạo. Gia đình bà dành một khu nhà đặc biệt để các linh mục thừa sai trú ẩn. Bị một người tham tiền muốn lập công tố cáo, quan đã đến bao vây nhà và bắt bà; quan đánh đòn, tống ngục… Khi cô Lucia Nụ, đến thăm Mẹ trong ngục bà Đê khuyên con: “Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị em con: coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên Đàng.”
Bà Anê Đê đã về nhà cha trên trời 12/7/1841, sau ba tháng bị giam cầm hy sinh vì đức tin. Ngày 02/5/1909, Đức Piô X đã suy tôn chân phước. Ngày 19/6/1988, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã cho con người mẹ, mẹ đã cho con chào đời, mẹ đã dành thời gian sức lực để nuôi nấng và dạy dỗ con, mẹ đã làm tất cả để con có được những gì tốt đẹp nhất, mẹ thật yêu con. Con xin Chúa gìn giữ mẹ của con khỏe mạnh, xin cho mẹ con dư tràn ơn thánh Chúa để ơn thánh tuôn đổ xuống trên cuộc đời chúng con. Amen

[1] Tông huấn “Hãy vui mừng hân hoan, về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay” của ĐTC Phanxicô, số 12.

[2] Macabê 7, 27-29.