THÁNH GIA – MÔ MẪU CỦA MỌI GIA ĐÌNH
(Suy niệm Tin Mừng Lễ Thánh Gia Thất – Năm C)
Maria Fiat Diệu Huyền, MTG Vinh
LỜI CHÚA: Lc 2, 41- 52
Hằng năm cha mẹ Chúa Giê-su có thói quen lên Giê-ru-sa-lem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giê-su lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giê-ru-sa-lem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giê-ru-sa-lem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.
Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại.
Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.
Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Na-da-rét, và Người vâng phục hai ông bà. Ma-ri-a mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giê-su thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.
SUY NIỆM: THÁNH GIA – MÔ MẪU CỦA MỌI GIA ĐÌNH
Gia đình là nơi tình yêu bắt đầu và không bao giờ kết thúc, bởi thế, đây là nơi thể hiện chân thực và tròn đầy nhất tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Và gia đình Thánh Gia là kiểu mẫu hoàn hảo nhất cho mọi gia đình nhân loại trên phương diện lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Hôm nay, Giáo Hội long trọng cử hành lễ Thánh Gia Thất, là gia đình của Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse. Lễ Thánh Gia Thất được đặt ngay trong tuần bát nhật lễ Giáng sinh nhằm làm nổi bật Mầu nhiệm Nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa và làm sáng lên vai trò của gia đình trong cuộc sống con người, nhất là trong bối cảnh thế giới hôm nay.
Gia đình có vai trò quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Khi tạo dựng muôn loài muôn vật, Thiên Chúa đã trao phó cho con người nhiệm vụ làm bá chủ và tiếp nối công cuộc sáng tạo của Ngài. Ngài đã tác hợp hai con người đầu tiên và thiết lập nên gia đình là tế bào cơ bản cho sự tồn vong, hưng thịnh của mọi xã hội. Khi mô hình gia đình bị đổ vỡ do tội, Thiên Chúa đã cho chính Con Một nhập thể làm người trong một gia đình, để thánh hóa gia đình và làm cho gia đình trở về với căn tính là “tổ ấm của sự sống và yêu thương”.
Tin Mừng cho chúng ta thấy, dầu là Thiên Chúa, Đức Giêsu đã đến với loài người trong hình hài của một trẻ thơ bé bỏng. Ngài cũng có cha có mẹ, cũng cần đến sự đùm bọc, che chở của những người thân. Cha mẹ Ngài cũng là những người lao động, phải sống bằng mồ hôi nước mắt như hầu hết các cha mẹ trên thế giới này. Cũng như bao trẻ em khác, Ngài cũng bị những biến cố lớn nhỏ của gia đình và xã hội chi phối, đưa đẩy, ảnh hưởng.
Tuy vậy, điều làm nên sự khác biệt giữa con trẻ Giêsu cũng như gia đình Nazaret với những đứa trẻ và gia đình khác đó chính là sự thánh thiện và chu toàn luật Chúa. Thánh Gia Nazareth đã phản ảnh đúng nghĩa một gia đình với vai trò, chức năng của từng thành viên. Trong gia đình này, mọi người đã sống, đã sinh hoạt, đã trải qua những gian nan, thử thách, và vất vả như bao gia đình khác. Chúa Giêsu là một đứa con được sinh ra trong gia đình Do thái như bao nhiêu đứa trẻ khác nên cần thực hiện tất cả những gì lề luật quy định: Được dâng vào Đền Thờ như một biểu tượng vì mọi con trai đầu lòng đều là thánh, dành riêng cho Chúa và cũng cần phải chuộc lại (x. Lc 2,22-24.27.39). Tại Đền Thờ, dẫu hòa mình vào dòng người trần thế, tư cách Cứu Thế của Chúa Giêsu cũng như vai trò của Thánh Giuse và Mẹ Maria trong chương trình cứu độ vẫn nổi bật, qua lời tiên báo của ông Simêon và nữ ngôn sứ Anna. Sau mọi nghi lễ, Đức Maria và thánh Giuse trở về và sống âm thầm tại làng Nadarét, nuôi dạy Hài Nhi Giêsu lớn lên vững mạnh, đầy khôn ngoan và được ân nghĩa cùng Thiên Chúa (x. Lc 2,39-40). Thánh Gia thật là một gia đình bình thường, tuân giữ những gì luật dạy, và chăm sóc, nuôi dưỡng con như bao gia đình Do thái đạo hạnh. Thánh Gia vừa bình thường, giản dị, gần gũi như bao nhiêu gia đình nhân loại, nhưng cũng vừa vĩ đại và cao cả vì đã trung thành đi theo đường lối nhiệm mầu của Thiên Chúa giữa lòng cuộc sống nhân sinh với bao thách đố và khó khăn. Qua Thánh Gia, Thiên Chúa cho thấy Người có thể làm những điều cao cả cho nhân loại nhờ sự cộng tác khiêm tốn và âm thầm của những con người bình thường.
Qua dọc dài lịch sử, Giáo Hội đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng gia đình Kitô hữu thành một cái nôi của tình thương, thành một mái trường dạy cho chúng ta những bài học làm người. Suy niệm về Lễ Thánh Gia mở ra cho chúng ta một cái nhìn trung thực về giá trị cao cả của gia đình và ý nghĩa thánh thiện của ơn gọi hôn nhân, đồng thời, làm cho gia đình trở nên một Giáo hội thu nhỏ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khằng định trong Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm Vui Của Tình Yêu rằng: “Niềm vui của tình yêu trong đời sống của các gia đình cũng là niềm vui của Hội Thánh”. Hơn lúc nào hết, trong thế giới hôm nay, nền tảng và giá trị gia đình đang bị phá vỡ và coi thường. Đứng trước những khó khăn thách đố của thời đại, Đức Thánh Cha mời gọi các gia đình sống tinh thần niềm vui tình yêu và tình yêu Tin Mừng, xây dựng một gia đình, cộng đoàn hiệp nhất yêu thương, cầu nguyện và chứng tá. Để rồi, gia đình sẽ luôn là chốn yên bình và vững chắc mà bất cứ ai ở nơi đâu cũng muốn tìm về.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu,
Gia đình ngày nay dường như đang mất dần căn tính hiện hữu.
Có quá nhiều đổ vỡ và những khoảng trống mênh mông dưới mái ấm gia đình.
Có nơi thiếu vắng tình cha, nơi thiếu bóng dáng mẹ,
có nơi lại vắng sự hiếu thảo của con cái.
Biết bao gia trở thành địa ngục trần gian,
nấm mồ chứa đựng những ký ức đau buồn
mà những thành viên đều muốn trốn tránh và giấu mình.
Xin Chúa cho mỗi người chúng con
biết ý thức tìm lại ý nghĩa nguyên thủy của gia đình;
Bởi từ trong thâm sâu, gia đình là nơi phát sinh sự sống và tình yêu,
là mái trường đầu tiên hun đúc nhân cách và tâm hồn con người,
là điểm tựa yêu thương để tìm về giữa những giông bão của cuộc đời.
Như thế, chúng con sẽ làm cho gia đình
luôn trở nên nơi hội tụ của tình yêu và đức tin. Amen.
Có thể bạn quan tâm
12 Sự Kiện Đánh Dấu Năm 2024 Của Đức Thánh Cha Phanxicô
Th12
Thánh Gia – Mô Mẫu Của Mọi Gia Đình (Suy niệm Tin Mừng..
Th12
Hy Vọng Vượt Trên Mọi Hy Vọng
Th12
Đức Thánh Cha Mở Cửa Thánh Tại Nhà Tù Rebibbia: Hãy Nắm Lấy..
Th12
Lịch Sống Năm Thánh Theo Gương Đức Cha Pierre Lambert De La Motte
Th12
Giáng Sinh Trong Thời Chiến
Th12
Điểm Hẹn Hài Nhi
Th12
ĐỨC THÁNH CHA CHỦ SỰ NGHI THỨC MỞ CỬA THÁNH ĐỀN THỜ THÁNH..
Th12
Các Sứ Điệp Giáng Sinh Của Đức Thánh Cha
Th12
Mùa đông có Chúa
Th12
Hành Hương Thời Cựu Ước – Phần 4: Hành Hương Năm Thánh
Th12
Giáng Sinh yêu thương cùng những “Vị Khách Quý”
Th12
Nghi thức Gia nhập Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá Vinh tại..
Th12
Đức Thánh Cha gửi thư cho các tù nhân mời họ đón Chúa..
Th12
Lần đến âm thầm của Chúa Giêsu trong Mùa Vọng
Th12
Cáo phó: Thân phụ của Nữ tu Maria Nguyễn Thị Đạt (Cộng đoàn..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Khen Ngợi Đức Tin Mạnh Mẽ Của Cộng Đồng Người..
Th12
Tòa Giám Mục Phan Thiết Thông Báo Về Tài Khoản Facebook Mạo Danh..
Th12
“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng..
Th12