Giới Trẻ Công Giáo Việt Nam Loan Báo Tin Mừng Trong Không Gian Kỹ Thuật Số

68 lượt xem

WHĐ (19/10/2024) – Có rất nhiều vấn nạn và thách đố mà giới trẻ Công giáo có thể gặp phải khi Loan báo Tin mừng trong không gian kỹ thuật số, nhưng cũng không thiếu những cơ hội tuyệt vời mà họ có thể khai thác từ việc sử dụng công nghệ, và tìm cách tận dụng để giới thiệu về Chúa cho người trẻ của thế hệ @ hiện nay.

Dẫn nhập

I. Hiện trạng – Những nhu cầu, cơ hội và thách đố

II. Định hướng của Giáo hội

III. Một số cách tiếp cận Loan Báo Tin Mừng hôm nay

1. Loan báo Tin Mừng đối nội

2. Loan báo Tin Mừng đối ngoại

IV. Đề xuất một số ưu tiên để phát triển trong tương lai

1. Đào tạo nhân sự cho hoạt động truyền giáo trong không gian số

2. Đẩy mạnh các hoạt động mục vụ truyền thông của Giáo hội

3. Một hướng mới: mục vụ truyền thông cho AI

Kết luận

Dẫn nhập

Với sự phát triển nhanh chóng đến mức siêu tốc của công nghệ thông tin trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, vai trò của không gian kỹ thuật số ngày càng quan trọng đối với cuộc sống con người. Không gian kỹ thuật số chính là những môi trường sử dụng công nghệ số, hay nói cách khác là nơi mà hầu hết các loại thông tin được mã hóa và chuyển tải với tốc độ ngày càng cao dưới dạng số hóa. Không gian kỹ thuật số không chỉ bao gồm mạng Internet, mà còn có các nền tảng số hóa và các dịch vụ tài nguyên số khác nhau, cùng với các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông đa dạng, cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến. Dù bị xem là không gian ảo, nhưng thế giới kỹ thuật số là một phần quan trọng hình thành nên căn tính và lối sống của người trẻ đương đại, và là nơi họ hiện diện tương tác ngày càng nhiều, hầu như họ nối mạng 24/7. Có thể nói người trẻ hôm nay đều tham gia vào thế giới kỹ thuật số, vì thế nơi đó trở thành một “lục địa truyền giáo mới” mà Giáo hội cần quan tâm. Đức giáo hoàng Phanxicô đã mạnh dạn mời gọi các Kitô hữu trở nên công dân của thế giới kỹ thuật số, Ngài đề nghị một phương thức truyền giáo mới, bằng cách hiện diện trong không gian số để đối thoại với con người thời nay và giúp họ gặp gỡ Đức Kitô.[1] Nói cách khác, mục tiêu của việc truyền giáo là người trẻ của thế hệ @, vì thế việc truyền giáo phải hội nhập với lối giao tiếp của người trẻ, sử dụng ngôn ngữ của người trẻ và cách thức giao tiếp của họ.

Trong tài liệu “Hướng tới sự hiện diện tròn đầy – Suy tư mục vụ về việc tham gia mạng xã hội” do Bộ Truyền thông của Tòa Thánh công bố dịp lễ Hiện Xuống ngày 29/05/2023, Giáo hội nhìn nhận đã có những bước tiến lớn trong thời đại kỹ thuật số, nhưng điều đáng ưu tư là làm thế nào để tất cả chúng ta, trong tư cách cá nhân và cộng đoàn Giáo hội, có thể sống trong thế giới số như ‘những người thân cận đầy yêu thương’, những người thực sự hiện diện và quan tâm đến nhau trong hành trình cùng đi trên ‘xa lộ kỹ thuật số’; vì thế vấn đề quan trọng đối với người Kitô hữu hôm nay, đặc biệt là những người trẻ, không còn là “có nên tham gia vào thế giới kỹ thuật số hay không, mà là tham gia như thế nào”.[2] Và để thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ” (x. Mc 16, 15-16; Mt 28, 19-20), chúng ta cần tích cực tham gia vào thế giới số này. Có rất nhiều vấn nạn và thách đố mà giới trẻ Công giáo có thể gặp phải khi Loan báo Tin mừng trong không gian kỹ thuật số, nhưng cũng không thiếu những cơ hội tuyệt vời mà họ có thể khai thác từ việc sử dụng công nghệ, và tìm cách tận dụng để giới thiệu về Chúa cho người trẻ của thế hệ @ hiện nay.

I. Hiện trạng – Những nhu cầu, cơ hội và thách đố

Theo thống kê của Công ty chuyên phân tích mạng xã hội toàn cầu We Are Social, Việt Nam nằm trong top đầu những quốc gia có lượng người dùng Internet nhiều nhất trên thế giới tính đến cuối năm 2023. Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương 79,1% dân số, có trên 150 triệu thiết bị có kết nối di động; mạng 3G, 4G đã phủ sóng gần như toàn quốc. Ở Việt Nam, người dân có thể truy cập Internet ở hầu như bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào, thậm chí được sử dụng miễn phí, và gần như 100% người trưởng thành Việt Nam đã phổ cập Internet.[3] Người trẻ Việt Nam nói chung và giới trẻ Công giáo nói riêng ngày càng dành nhiều thời gian cho thế giới kỹ thuật số, nhất là các mạng xã hội trên Internet như Facebook, Tiktok, Zalo, Messenger, Viber, WhatApps…, nơi kết nối họ với nhau và với đủ loại thông tin kiến thức, thông qua môi trường số hóa. Thế giới ngày nay đã trở nên một ngôi làng toàn cầu và ai ai cũng có thể sở hữu thông tin trên mạng cách dễ dàng. Nhu cầu sử dụng mạng vẫn đang gia tăng và chúng ta có thể nhìn thấy vô vàn những giá trị lớn lao của kỹ thuật số trong cộng đồng nhân loại cũng như trong đời sống của Giáo hội hôm nay.

Một hình ảnh rất cảm động ngay tâm điểm của cuộc khủng hoảng thế giới – khi Đại dịch Covid-19 cướp đi sinh mạng của hàng triệu người – thì một chương trình truyền hình phát sóng trực tiếp đã giúp Đức thánh cha Phanxicô dẫn dắt một trải nghiệm biến đổi mang tầm vóc toàn cầu: đó là lời cầu nguyện và sứ điệp gửi đến một thế giới đang bị phong tỏa. Vào ngày 27/03/2020, quảng trường Thánh Phêrô vắng tanh nhưng lại đầy ắp sự hiện diện, vì những người đang bị cách ly, cô lập và tuyệt vọng thấy mình được nâng đỡ nhờ kết hợp sâu xa với nhau và với đấng kế vị thánh Phêrô.[4] Điều đó cho thấy rõ ràng rằng truyền thông kỹ thuật số là một công cụ mạnh mẽ cho sứ vụ của Giáo hội hôm nay, vì nhờ đó lời cầu nguyện của Đức thánh cha đã đến được với các gia đình và chạm đến cuộc sống của mọi người trên khắp thế giới. Trong thời gian đại dịch hoành hành, nhiều chương trình hội họp, học online, phổ biến các loại thông tin, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn và cả việc tư vấn chữa lành cũng đã được thực hiện rộng rãi qua mạng, giúp cho rất nhiều người. Mạng Internet làm cho con người trong thời đại công nghệ số cảm thấy mình được gần gũi, hòa nhập vào cuộc sống của ngôi làng thế giới, vì các khoảng cách địa lý như bị thu hẹp và nhiều giá trị được lan tỏa.

Không gian kỹ thuật số càng ngày càng mở rộng, xóa các biên giới và đem lại nhiều tiện ích cho con người trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Đặc biệt mạng Internet là nơi hội tụ tất cả các phương tiện truyền thông, dễ dàng truy cập mọi thông tin cần thiết, giúp cập nhật tất cả tin tức sự kiện mới nhất và nhanh nhất trong Giáo hội và thế giới. Qua mạng chúng ta có thể tìm hiểu về mọi thông tin kiến thức đa dạng, sở hữu và chia sẻ kho tàng văn hóa khổng lồ của nhân loại cách phong phú mà không tốn kém. Không gian mạng cũng giúp chúng ta lưu trữ và chuyển tải các loại tin tức, hình ảnh, âm thanh, hoặc những định dạng tài liệu số khác nhau. Đó cũng là cầu nối liên kết con người, phục vụ cho nhu cầu giao tiếp ở mọi cấp độ và giúp con người hợp tác, học hỏi, họp hành hoặc trao đổi qua lại cách dễ dàng. Internet – nhất là các mạng xã hội còn đáp ứng cho việc phục vụ các nhu cầu văn hóa và là sân chơi giải trí đa dạng; tạo nhiều thuận lợi cho các hoạt động giáo dục, y tế, kinh doanh thương mại, du lịch, tiếp thị, phát triển và hội nhập về kinh tế – văn hóa – xã hội với toàn thế giới. Hơn nữa, đó còn là nơi nhiều người tìm được sự hỗ trợ về mặt tâm lý và đáp ứng cả những nhu cầu tâm linh…

Thế nhưng cũng có vô số những thách đố và cạm bẫy đáng sợ trong không gian kỹ thuật số, nơi mà người ta ít biết đến nhau do khả năng ẩn danh hoặc mạo danh của người sử dụng. Khi vào mạng, nhiều người dễ bị “mất mạng” theo nhiều nghĩa, vì cả tin và vì nghĩ rằng không ai biết đến mình. Mạng Internet là không gian ảo, nhưng tất cả những hệ lụy là thực, đồng thời nó có thể gây ảnh hưởng nặng nề và lâu dài trong đời sống cá nhân lẫn gia đình và xã hội. Điều Giáo hội mong muốn là giới trẻ Công giáo có thể sử dụng Internet để truyền rao Tin mừng và làm chứng tá cho niềm tin của mình, nhưng trong thực tế rất nhiều người ngại nói về niềm tin, chạy theo “trend” của bạn bè để trở thành phản chứng, thậm chí còn mắc kẹt trong nhiều cạm bẫy của mạng Internet. Ngày nay tính hai mặt của công nghệ Internet đang là thách thức lớn đối với người sử dụng mạng và nhất là những người có trách nhiệm…

Có thể kể ra một số những vấn nạn cho người trẻ khi họ du hành trên các đại lộ cao tốc của không gian kỹ thuật số, như nguy cơ mất kiểm soát vì thiếu khả năng định hướng và kỷ luật bản thân, bị nghiện mạng, nghiện game, nghiện phim ảnh… Nhiều bạn trẻ bị cuốn vào những thông tin không chính xác và các ảnh hưởng tiêu cực trên mạng như các chương trình bạo lực, khiêu dâm, các nhóm lừa đảo, các hình thức bài bạc, bán hàng đa cấp, đường dây buôn người, các hình thức bắt nạt hoặc tống tiền qua mạng… Hiện tượng đạo văn, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đánh cắp công nghệ và bản quyền trên Internet ngày càng nhiều, nhất là từ khi các ứng dụng của Trí tuệ nhân tạo (AI) được đưa vào. Các loại khủng bố mạng, tội phạm mạng vẫn không ngừng gia tăng và có nhiều loại hacker cao cấp mà cho tới nay pháp luật vẫn chưa làm gì được! Giới trẻ đang hình thành một thói quen xấu, bất kể khi nào rảnh là kết nối Internet để buôn chuyện, hoặc vào mạng xã hội để xem thiên hạ làm gì…

Trước những nguy cơ đó, việc gây ý thức và hướng dẫn giới trẻ Công giáo về cách sử dụng mạng Internet một cách lành mạnh và tích cực là điều cần đặt ra cho những người có trách nhiệm. Khi không thể ngăn cản dòng chảy của các loại thông tin đa chiều trên mạng, chúng ta cần biết phân định và chọn lựa để làm chủ các thông tin ảo mà không để nó cuốn trôi. Ngược lại, phải biết khai thác những giá trị tích cực của Internet để giúp tăng trưởng cuộc sống, và đóng góp vào đó những điều tốt đẹp, nhất là lan tỏa các giá trị Tin mừng và chia sẻ niềm tin của mình. Điều đáng nói là nhiều vị có trách nhiệm trong Giáo hội cũng không hiểu biết nhiều về những vấn đề của không gian số, nên gặp nhiều khó khăn trong việc đồng hành, hướng dẫn người trẻ trước biết bao loại cám dỗ và lừa đảo tinh vi, khi họ đắm mình trong không gian ảo của thế giới kỹ thuật số. Vì vậy việc Phúc Âm hóa châu lục kỹ thuật số ngày càng trở nên cần thiết và cấp bách hơn.

II. Định hướng của Giáo hội

Từ trước Công đồng Vatican II, Giáo hội là Mẹ đã quan tâm đến các phương tiện truyền thông xã hội, vì nếu được sử dụng đúng đắn chúng sẽ mang lại những lợi ích hữu hiệu cho nhân loại và có thể giúp mở rộng Nước Chúa; nhưng nếu con người dùng chúng nghịch lại với ý định của Chúa, thì sẽ gây ra những thiệt hại lớn lao. Trong Sắc lệnh Inter Mirifica (IM) về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội[5], Công đồng nhấn mạnh: “Vì được Chúa Kitô thiết lập để mang lại phần rỗi cho hết mọi người, và do có nhiệm vụ phải rao giảng Phúc Âm, Giáo hội Công giáo nhận thấy mình có bổn phận dùng cả phương tiện truyền thông xã hội mà loan báo ơn cứu rỗi và dạy con người biết sử dụng chúng cho đúng đắn (IM #3). Do đó, mọi người khi sử dụng phải hiểu biết những nguyên tắc luân lý và cân nhắc nội dung được truyền thông tùy theo bản chất của mỗi phương tiện; đồng thời phải chú ý đến bối cảnh truyền thông cũng như quyền lợi và phẩm giá con người (x. IM #4, 5). Để làm được điều đó, “Mọi con cái Giáo hội phải đồng tâm hiệp lực, chẳng những không ngần ngại mà phải hết sức hăng say, sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội cách đắc lực vào các công việc tông đồ khác nhau tùy theo những đòi hỏi cụ thể của hoàn cảnh và thời gian… (IM #13).

Huấn thị Mục vụ ‘Aetatis Novae’[6] (AN) về Truyền Thông Xã Hội xác quyết rằng Hội Thánh nhìn nhận các phương tiện truyền thông xã hội như là ‘những hồng ân Chúa ban, phù hợp với kế đồ quan phòng của Ngài là hiệp nhất con người trong tình huynh đệ và giúp họ cộng tác vào chương trình Ngài cứu rỗi họ’ (x. AN#22), đồng thời yêu cầu mỗi Hội đồng Giám mục và mỗi giáo phận nên triển khai một kế hoạch mục vụ toàn diện về truyền thông. Hội đồng Giáo hoàng về Truyền Thông Xã Hội khẳng định “Chúa Kitô vừa là nội dung vừa là nguồn mạch năng động cho việc truyền thông của Hội Thánh khi công bố Tin mừng” (AN#6). Vì thế, “Hội Thánh cảm thấy mình có lỗi trước mặt Chúa nếu như Hội Thánh không sử dụng những phương thế hữu hiệu mà tài năng con người ngày càng hoàn thiện. Các phương tiện truyền thông xã hội có thể và phải là những khí cụ trong chương trình tái rao giảng Tin mừng và Tân Phúc âm hóa Hội Thánh trong thế giới hiện nay” (AN #11). Qua các phương tiện truyền thông, Hội Thánh phải duy trì sự hiện diện tích cực, chăm chú lắng nghe thế giới – một loại hiện diện vừa nuôi dưỡng cộng đoàn vừa nâng đỡ con người tìm kiếm những giải pháp có thể chấp nhận được cho các vấn đề cá nhân và xã hội (x. AN #8).

Nhiều giáo huấn khác của Giáo hội cũng mời gọi và cổ võ sự hiện diện của các tín hữu trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng Internet, để loan báo Tin Mừng. Tài liệu Đạo đức trong Truyền thông[7] cho thấy Giáo hội có một truyền thống lâu đời về sự khôn ngoan luân lý bắt nguồn từ sự mặc khải của Thiên Chúa và suy tư của con người để đóng góp vào lãnh vực truyền thông, và luôn nhắm mục đích phục vụ phẩm giá con người, giúp họ sống hạnh phúc và biết hành động như những ngôi vị trong cộng đồng (x. #5 và #6). Tài liệu Đạo đức trong Internet[8] nhìn nhận truyền thông là đặc trưng của Giáo hội và đề cao những khả năng tích cực của Internet chuyển tải những thông tin tôn giáo và giáo huấn vượt mọi rào cản và biên giới. Giáo hội luôn sẵn sàng trả lời cho những vấn nạn của phận người, “Tôi là ai? Tôi từ đâu đến và tôi sẽ đi về đâu? Tại sao có sự dữ? Cái gì diễn ra sau cuộc sống này?…”, bằng cách mang đến một Đấng tối hậu trả lời thỏa mãn những câu hỏi sâu xa nhất về cuộc đời – Ðức Giêsu Kitô, Đấng “mạc khải hoàn toàn cho con người về chính Ngài và đưa ra ánh sáng ơn gọi cao trọng nhất của Ngài” (#18). Trước con số thính giả rộng lớn qua mạng vượt quá trí tưởng tượng phong phú nhất của những người truyền giảng Tin Mừng… “Người Công giáo không nên sợ mở rộng cửa truyền thông xã hội ra cho Chúa Kitô, để Tin Mừng của Ngài có thể được nghe từ trên những mái nhà của thế giới” (x. # 3, 4). Vì thế, giáo dục và đào tạo về IT (công nghệ thông tin), đặc biệt là Internet, phải là một phần của những chương trình Giáo dục Truyền thông Công giáo dành cho mọi thành phần trong Giáo hội.

Người trẻ cần học biết cách hành xử tốt trong không gian số, đưa ra những phán đoán sắc bén theo những tiêu chuẩn luân lý lành mạnh trước nhiều vấn nạn, và sử dụng kỹ thuật mới cho sự phát triển tổng thể; và cho lợi ích của tha nhân (Đạo đức trong Internet #7). Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II mời gọi người trẻ: “Đừng sợ những kỹ thuật mới! Chúng nằm “trong số những điều kỳ diệu” – “Inter Mirifica” – mà Thiên Chúa đặt để trong tay chúng ta để khám phá, sử dụng và công bố sự thật, cũng là sự thật về phẩm giá của chúng ta về vận mệnh của chúng ta như là con cái của Ngài, những người thừa tự Vương Quốc vĩnh cửu của Ngài (Tông thư Sự phát triển Nhanh chóng, #14)Vì thế, hãy truyền giáo bằng cách truyền thông sứ điệp cứu độ của Đức Kitô về niềm hy vọng, về ân sủng và tình yêu, trong khi giữ cho sống động trong thế giới đang qua đi này, triển vọng vĩnh cửu của thiên đàng, một triển vọng mà không phương tiện truyền thông đại chúng nào có thể trực tiếp truyền thông…

Hằng năm, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông của các Đức thánh cha được gởi đến toàn Giáo hội để nhắc nhở các tín hữu về tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông trong việc loan báo Tin Mừng. Sứ điệp năm 2024 của ĐTC Phanxicô có chủ đề: “Trí tuệ nhân tạo và trí tuệ của trái tim: để đạt được sự giao tiếp trọn vẹn của con người”.[9] Ngài nói đến những cơ hội và tiềm năng của AI vượt quá khả năng đánh giá của con người cùng với nguy cơ mất hướng đầy rủi ro. Để không đánh mất nhân tính, con người cần dùng trí tuệ của con tim trong sạch, giúp điều chỉnh các hệ thống trí tuệ nhân tạo theo một nền truyền thông nhân văn trọn vẹn. Nhiều vấn nạn được đặt ra, nhưng câu trả lời còn tùy thuộc vào cách ta nuôi dưỡng một con tim tự do, hành động có trách nhiệm và tôn trọng các giá trị cơ bản của con người như sự hòa nhập, tính minh bạch, an ninh, công bằng, bảo mật và khả tín…

III. Một số cách tiếp cận Loan Báo Tin Mừng hôm nay

Khi nói đến việc Loan báo Tin mừng hay Sứ vụ truyền giáo của Giáo hội, cần đặt ra cả hai chiều kích là đối nội và đối ngoại, đồng thời cần được thực hiện cả online và offline. Giáo hội ý thức rằng truyền giáo chính là truyền thông sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người. Vì “đối với Giáo hội công cuộc Phúc âm hóa là mang tin mừng cho mọi người, mọi tầng lớp, để rồi nhờ ảnh hưởng của Tin Mừng, biến đổi nhân loại từ bên trong và làm cho nhân loại nên mới” (Evangelii Nuntiandi, #18). Nhưng nếu người tín hữu, đặc biệt là những người trẻ chưa vững vàng về niềm tin, thiếu kiến thức về Giáo lý và các Giáo huấn của Giáo hội, không có đời sống cầu nguyện với hoa trái là chứng tá đức ái, và nhất là chưa có những kinh nghiệm cá vị về Chúa, thì làm sao họ có thể loan báo Tin Mừng? Do đó Giáo hội cùng lúc cần đẩy mạnh cả trên không gian số và cả trong đời sống thực tế các hoạt động truyền giáo đối nội, để củng cố và làm lớn mạnh đức tin cho cộng đoàn tín hữu; cũng như truyền giáo đối ngoại, để giới thiệu Chúa và mang tin mừng cho người chưa nhận biết Chúa.

1. Loan báo Tin Mừng đối nội

Bài giáo lý của Đức thánh cha Phanxicô vào buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 22/3/2023 có chủ đề “Chứng tá là cách thế đầu tiên để loan báo Tin Mừng”, trong đó ngài khẳng định rằng chính Giáo hội cũng cần được loan báo Tin Mừng, vì dù là những người tin vào Chúa Kitô và là thành viên tích cực của Dân Chúa, chúng ta cần hoán cải mỗi ngày, đón nhận lời Chúa và thay đổi cuộc sống.[10] Giáo hội là Dân Chúa giữa thế gian và thường bị cám dỗ, nên cần liên tục lắng nghe những gì Giáo hội phải tin, những lý do để trông cậy và yêu mến, bằng cách nghe Lời Chúa, cầu nguyện và cảm nhận sức mạnh biến đổi của Thánh Thần. Có rất nhiều phương cách offline Giáo hội vẫn đang sử dụng để giảng dạy và củng cố niềm tin cho con cái mình, nhất là những người có niềm tin suy yếu; như người đã lãnh nhận bí tích Rửa tội mà không sống niềm tin Kitô giáo, người có niềm tin nhưng thiếu kiến thức về nền tảng của đức tin, hoặc người có nhu cầu biết Chúa Giêsu Kitô khác với cách họ đã biết lúc nhỏ, và nhiều trường hợp khác nữa… (x. Tông huấn Evangelii Nuntiandi #52)

Để thực hiện việc loan báo Tin Mừng đối nội trên không gian kỹ thuật số, Giáo hội cần đầu tư để tăng cường phẩm chất, đẩy mạnh nội dung, ứng dụng cách sáng tạo các kỹ thuật mới để trình bày và cập nhật các trang mạng của Giáo hội. Cần cổ võ và khích lệ việc đào sâu, học hỏi và tương tác của người trẻ Công giáo -cả online và offline- để củng cố và chia sẻ niềm tin. Việc sử dụng Internet có thể giúp người trẻ tìm kiếm thông tin để tăng cường các kiến thức và hiểu biết về niềm tin của mình. Có nhiều website, blog, diễn đàn online cung cấp những tài liệu, giúp nắm bắt và thảo luận các vấn đề liên quan đến Thiên Chúa, đức tin và luân lý Kitô giáo. Các bạn trẻ ngoài việc tham gia tích cực vào các chương trình ở cấp giáo xứ, giáo phận hoặc các Hội đoàn Công giáo có thể cùng lên mạng để được giúp tăng trưởng niềm tin.

Một vài phương cách cụ thể các bạn trẻ có thể cùng thực hiện trên mạng:

a) Tìm kiếm và tham gia vào các cộng đồng trực tuyến có liên quan đến đức tin Công giáo để cùng nhau cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa, trao đổi cảm nhận đức tin, học hỏi Giáo lý, Kinh thánh, Thần học… và đào sâu các giá trị của niềm tin Công giáo.

b) Theo dõi các trang web uy tín của Giáo hội toàn cầu, các giáo phận, các Ủy ban của HĐGM, các Dòng tu, các Hội đoàn Công giáo…, các chương trình chuyên đề, suy tư nghiên cứu, cũng như các trang blog và mạng xã hội có nội dung về đời sống đạo để nắm bắt cập nhật thông tin của Giáo hội và hiểu sâu hơn về tôn giáo của chính mình.

c) Kết nối với các nhóm bạn cùng niềm tin trên các trang mạng xã hội để trao đổi, học hỏi, chia sẻ kiến thức hoặc cảm nghiệm về đức tin và các giá trị Tin Mừng, tham gia giới thiệu các sinh hoạt phụng vụ online và thông tin để mời gọi người khác cùng tham dự, chia sẻ và lắng nghe kinh nghiệm niềm tin cùng với những câu chuyện sống đạo truyền cảm hứng…

d) Sử dụng các ứng dụng và trang web học trực tuyến về Đức Tin để kết nối nhằm nâng cao hiểu biết của mình. Tham gia các sân chơi Công giáo và nhóm bạn trực tuyến hoặc offline để thảo luận và đào sâu kiến thức về niềm tin, để biết cách trả lời hoặc ứng xử trước các vấn nạn cụ thể về niềm tin khi làm việc hoặc tương tác với những người khác niềm tin.

e) Tìm xem các video, phim ảnh Công giáo, các chương trình Radio và Podcast Công giáo, tin tức Công giáo, trực tiếp các sự kiện quan trọng… đồng thời giới thiệu những chương trình hay cho người thân và bạn bè cùng tham gia học hỏi, từ đó có những chất liệu để đưa vào cuộc sống thực làm phong phú cho đời sống cầu nguyện của cá nhân và cộng đồng.

f) Mời gọi và tạo điều kiện hỗ trợ các bạn trẻ tham gia thực hiện các chương trình khác nhau trên mạng nhằm trình bày về đời sống đức tin. Ví dụ như các video giáo lý và nhân bản cho thiếu nhi, Tiktok kể chuyện các Thánh, Panel học hỏi Kinh Thánh, thi đua thiết kế Logo cho giáo xứ – hội đoàn, các cuộc thi về Mỹ thuật và Âm nhạc Công giáo, các chuyên trang văn thơ, tiểu phẩm kịch hoặc phim ngắn về Đạo, các video giới thiệu Nhà thờ, Dòng tu, Di tích lịch sử Công giáo, địa điểm hành hương, các Mái ấm và chương trình thiện nguyện đầy ý nghĩa… Đó sẽ là cơ hội cho các bạn trẻ làm việc hợp tác với nhau, cùng sáng tạo và tìm tòi để nắm chắc vấn đề và có thể trình bày những nội dung hay cho mọi người…

Nhìn chung, việc loan báo Tin Mừng đối nội trên không gian kỹ thuật số cần được đầu tư nhiều hơn và cập nhật thường xuyên để thu hút người trẻ. Nếu không họ chỉ vào xem qua một lần rồi chẳng bao giờ ghé lại. Những chương trình đó có thể giúp ích rất nhiều cho các bạn trẻ Công giáo, tùy thuộc mức độ các bạn khao khát hiểu sâu kiến thức về niềm tin và mở lòng tìm kiếm để sống một cách thực lòng. Tuy nhiên những chương trình đó không thể thay thế cho việc cùng tham dự trực tiếp vào đời sống phụng vụ của Giáo hội và tìm kiếm gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa. Vì thế, các chương trình trên mạng nên có thêm những phần đặt vấn đề – cật vấn – suy tư, giúp các bạn trẻ dừng lại phản tỉnh, hướng dẫn họ cách gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa và chọn lựa cách đáp trả cụ thể để sống các giá trị Tin mừng. Từ đó họ mới có những cảm nghiệm phong phú để chia sẻ. Cũng nên đề nghị và giới thiệu các chương trình Linh thao, Tĩnh tâm, các Chuyên đề hay… để người trẻ tham dự và được củng cố niềm tin.

2. Loan báo Tin Mừng đối ngoại

Lệnh truyền đi Loan Báo Tin Mừng của Chúa Giêsu không dành riêng cho linh mục tu sĩ hoặc một số thành phần nào đó trong Giáo hội, nhưng là nhiệm vụ của mỗi một Kitô hữu đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Có nhiều phương thức truyền giáo truyền thống để chia sẻ niềm tin cho những anh chị em chưa biết Chúa, như làm chứng tá bằng đời sống, thăm viếng, gặp gỡ và chia sẻ với tha nhân… Các hoạt động truyền giáo khác nhau của Giáo hội được thực hiện trong lãnh vực Giáo dục, Y tế, Xã hội, các công việc bác ái, từ thiện giúp người nghèo, hoặc đi đến giúp các vùng sâu, vùng xa, các làng anh em dân tộc, nơi thiếu vắng sự hiện diện của Giáo hội… Ngày nay, không gian kỹ thuật số -đặc biệt mạng Internet- cũng chính là một lục địa mới cần được Phúc Âm hóa, Giáo hội nhìn nhận tiềm năng to lớn của Internet trong việc truyền giáo cho thế giới và rất quan tâm đến việc áp dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để loan báo Tin mừng. Với khả năng kết nối rộng rãi, truyền đạt nhanh chóng và linh hoạt, việc sử dụng thích đáng các hình thức truyền thông đa dạng và sự hấp dẫn của các sân chơi Internet sẽ đóng góp lớn lao trong việc loan báo Tin mừng cho người chưa biết Chúa.

Một vài đề xuất cụ thể để sử dụng hữu hiệu truyền thông hiện đại cho truyền giáo:

a) Làm thật tốt công tác Loan báo Tin Mừng đối nội trong không gian kỹ thuật số để tất cả những người chưa biết Chúa cũng đều có thể tiếp cận và được nhiều lợi ích cho bản thân, vì các thông tin trên mạng Internet là công khai cho mọi người. Nhiều người ngoại rất thích nghe các bài giảng Công giáo, các chuyên đề, chuyện kể hoặc sự kiện hay trên mạng, nhờ đó có những người đã mến mộ đạo và được ơn trở lại.[11]

b) Các bạn trẻ Công giáo có thể tham gia vào các hoạt động trực tuyến và các diễn đàn ngoài Công giáo trên mạng như các cuộc thảo luận, thuyết trình, chuyên đề… hoặc cộng tác tổ chức các sự kiện trực tuyến có nhiều giá trị ngoài xã hội; để tìm cơ hội đóng góp những suy nghĩ tích cực nhằm lan tỏa các giá trị Tin mừng và thúc đẩy việc sống chứng tá niềm tin trong các cộng đồng trực tuyến. Cần khích lệ các bạn thường xuyên tham gia hoặc chia sẻ các hoạt động tình nguyện, từ thiện trên mạng để sống tình bác ái Kitô giáo và tôn trọng người nghèo.

c) Thúc đẩy các sáng kiến của giới trẻ nhằm tạo những sân chơi hấp dẫn trên Internet, có khả năng kết nối rộng rãi và truyền đạt thông điệp nhanh chóng để người trẻ có thể sử dụng trong việc loan báo Tin mừng, như các cuộc thi tài trên mạng cho phép nhiều nhóm trẻ trong và ngoài Công giáo tham gia, các loại Game Công giáo online[12], trò chơi ô chữ cho thiếu nhi (https://www.tonggiaophanhanoi.org/category/thieu-nhi/tro-choi-o-chu/), các Giải Viết văn Đường trường[13], các cuộc thi sáng tác thi ca, hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, làm phim ngắn Công giáo[14], như cuộc thi “Thước Phim Về Mẹ” của Ban Mục Vụ Gia Đình TGP/SG[15]

d) Khích lệ các bạn trẻ sử dụng các trang mạng xã hội, podcast, blog hoặc trang web cá nhân và các ứng dụng tin nhắn để chuyển tải các thông tin và giáo huấn của Giáo hội, chia sẻ những cảm nhận về niềm tin và kinh nghiệm trong việc sống đạo, nhằm phổ biến thông điệp về các giá trị Tin Mừng, những hoa trái và ích lợi cụ thể của việc tham dự các cử hành Phụng vụ cùng với cộng đoàn Giáo hội, chia sẻ Lời Chúa, thực hành đời sống cầu nguyện cá nhân hằng ngày để duy trì sự kết nối và đào sâu tương quan gắn bó với Thiên Chúa.

e) Có những chuyên trang về đào tạo Tác nhân loan báo Tin mừng nối kết với các chương trình offline, giới thiệu các mẫu gương truyền giáo trong Giáo hội qua các thời đại với phần suy tư học hỏi và rút kinh nghiệm, chia sẻ những khó khăn thách đố và những cách thế giúp vượt qua, giới thiệu các khóa học và các phương cách giúp người trẻ tự trang bị cho mình những hiểu biết cần thiết để trở nên Tông đồ mạng. Có thể có những nhóm kín online nối kết các bạn trẻ với cùng sứ mạng để hỗ trợ nhau; và cũng cần những vị nhiều kinh nghiệm, có thể hướng dẫn đồng hành giúp các bạn trẻ khi họ gặp những khó khăn thách đố.

f) Các trang web chính thức của Giáo hội nên có phần mở ra cho việc tương tác, phản hồi, nhằm lắng nghe và trả lời thắc mắc cho những ai cần tìm hiểu sâu hơn. Cũng nên có những diễn đàn mở, mời các diễn giả hay trình bày các vấn đề về niềm tin, cho phép người tham dự đặt câu hỏi trực tiếp với diễn giả (như chương trình Dòng Chảy Cuộc đời của TGP Sài Gòn), các chuyên trang hay trên Blog hoặc Facebook, các GameShow Công giáo, các Ứng dụng (Apps) để học hỏi và tìm hiểu các thông tin Công giáo…

g) Cần những đường link liên kết để dẫn đến những trang có nhiều thông tin Công giáo hay, giúp các bạn trẻ có thể khám phá, giải trí, học hỏi thêm như trang Thư viện Công giáo (https://thuvienconggiao.info/), Tủ sách Công giáo (https://tusachconggiao.com/), Sách nói Công giáo (https://www.youtube.com/c/SachNoiCongGiao-SachHay), Vaticannews (https://www.vaticannews.va/vi.html), Radio Veritas (https://vietnamese.rvasia.org/), Phim ảnh Công giáo https://phimconggiao.net/, Nghệ Thuật Thánh (https://www.facebook.com/nghethuatthanh/), Thánh nhạc online, Quê hương Hải Linh (https://hailinhquehuong.com/)…

h) Hợp tác thiết kế các chương trình tích hợp mới với sự trợ giúp của AI (trí tuệ nhân tạo), giúp giới trẻ Công giáo phát huy các ân ban của Chúa nhằm tìm ra những phương cách hữu hiệu để kết hợp các nội dung hay có hình ảnh và âm thanh phù hợp với người trẻ, nhằm truyền đạt những nội dung đó một cách sinh động và hiệu quả hơn, giúp thế giới số biết về Chúa.

Còn có rất nhiều cách tiếp cận đa dạng và đầy sáng tạo khác, cả trên không gian mạng và cả trong đời sống thực tế, giúp giới trẻ Công giáo lan tỏa Tin mừng cách hiệu quả qua các tín hiệu kỹ thuật số. Tuy nhiên cần lưu ý rằng những hoạt động trên mạng không thể thay thế cho việc tham gia trực tiếp vào công tác loan báo Tin Mừng và các sinh hoạt trực tiếp của Giáo hội, học hỏi, thăm viếng, chia sẻ offline trong cuộc sống. Một điều đáng lưu ý nữa là cần những tông đồ IT hăng say nhiệt thành, có chiều sâu cầu nguyện và đời sống đức tin, nhưng họ cũng cần hiểu biết sâu, khả năng kỷ luật bản thân và làm việc chung, sống hy sinh, biết khổ chế… để không bị cuốn vào những vấn đề gây nhiều hệ lụy xấu của thế giới ảo.

IV. Đề xuất một số ưu tiên để phát triển trong tương lai

Giáo hội các cấp cần cổ võ và đẩy mạnh việc loan báo Tin mừng trong không gian kỹ thuật số của giới trẻ Công giáo Việt Nam, để người trẻ với sức sống nhiệt thành và những khả năng nhạy bén, linh hoạt, đầy sáng tạo và say mê, có thể tiếp cận và lan tỏa Tin mừng hiệu quả thông qua các phương tiện kỹ thuật số. Nhưng để làm được việc đó cần có sự quan tâm đồng thuận, mở ra hợp tác, khơi dậy tiềm năng, chuẩn bị chu đáo về nhiều mặt. Nhất là cần hiểu biết và cảnh giác trước những vấn đề của truyền thông để có thể hòa nhập vào thế giới số mà không bị hòa tan trong đó, hay nói cách khác là biết cách vào mạng mà không “mất mạng”. Có rất nhiều phương cách, chỉ xin nêu ra một vài ưu tiên cho việc truyền giáo online:

1. Đào tạo nhân sự cho hoạt động truyền giáo trong không gian số

Việc rao giảng Chúa Kitô trong thế giới công nghệ mới đòi hỏi một sự hiểu biết sâu sắc về thế giới này, vì thế Giáo hội cần đẩy mạnh việc đào tạo về truyền thông để truyền giáo ở nhiều cấp. Cần có những chương trình khác nhau giúp cho những ai đang dấn thân trong lãnh vực loan báo Tin mừng có khả năng tự học, tự cập nhật những kiến thức cần thiết để trở thành những công dân số đích thực. Việc đào tạo chuyên môn về truyền thông cho các nhà truyền giáo, bao gồm cả các linh mục, chủng sinh, tu sĩ và giáo dân là rất quan trọng. Họ cần được đào tạo về những kỹ năng sử dụng các phương tiện truyền thông mới, như mạng xã hội, website, video, các ứng dụng số… để có thể giúp con người hôm nay khám phá ra sự hiện diện của Chúa Kitô trong cuộc sống và ngay trong lòng mình. Họ cũng cần được trang bị thêm các kiến thức tổng quát về thần học truyền thông, linh đạo truyền thông, luân lý truyền thông, cách quản lý nội dung cũng như các chính sách truyền thông của Giáo hội và xã hội.

Việc đào luyện chuyên môn và các kỹ năng truyền thông căn bản là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là sự hiểu biết tổng quát và khả năng định hướng nội dung để thiết kế các chương trình truyền thông chuyển tải được các giá trị Tin Mừng. Cần đưa thêm môn học truyền thông vào các chương trình đào tạo Tác nhân Tin mừng và ngành Truyền giáo học, đồng thời có những khóa học ngắn hạn về truyền thông trong các Đại chủng viện, Học viện Công giáo, các Trung tâm Mục vụ… với các chuyên đề hoặc chương trình online cho mọi người tham dự. Nhưng cũng cần đầu tư các chương trình học dài hạn để đào tạo chuyên nghiệp cho những người có tài năng trong lãnh vực truyền thông. Nhờ đó họ có thể dấn thân đối thoại với thế giới truyền thông và giúp cho các thành phần trong Giáo hội hiểu biết về truyền thông để mạnh dạn tham gia truyền giáo trong môi trường số. Việc đào tạo nâng cấp và cập nhật kiến thức truyền thông cho những nhà truyền giáo cũng cần được tổ chức thường xuyên.

Tuy nhiên, khả năng sử dụng công nghệ và kiến thức về truyền thông không phải là mục đích tối hậu của tiến trình đào tạo Tông đồ IT, mà phải hướng tới việc giúp các bạn trẻ có nền tảng đức tin vững chắc, có khả năng làm việc chung và mở ra cho các tương quan gặp gỡ con người thật trong cuộc sống chứ không cô lập mình trong thế giới số. Vì thế, bên cạnh việc đào tạo về truyền thông, các nhà truyền giáo trên mạng cũng cần được đào tạo và cập nhật thường xuyên về Kinh thánh, giáo lý, thần học và đời sống thiêng liêng, để có thể truyền đạt đức tin Công giáo một cách đúng đắn và có sức thuyết phục. Nhiều Học viện Công giáo đã mở rộng ra cho giáo dân có thể tham dự các lớp Thần học và cả các chương trình dài hạn. Cũng cần lắm những dịp gặp gỡ, chia sẻ, tĩnh tâm năm… để các anh chị em “Tông đồ mạng” được hâm nóng nhiệt tâm loan báo Tin Mừng và có cơ hội chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm về những phương cách sáng tạo giúp chuyển tải các giá trị Tin Mừng đến con người hôm nay.

2. Đẩy mạnh các hoạt động mục vụ truyền thông của Giáo hội

Với một kho tàng quý giá các kiến thức Kinh thánh – Triết học – Thần học – Luân lý Kitô giáo và kinh nghiệm về Thiên Chúa, Giáo hội cần hợp tác để tổ chức tốt hoạt động Mục vụ truyền thông và khích lệ giới trẻ tham gia loan báo Tin mừng trong không gian số. Mục tiêu quan trọng là giúp mọi người khi lên mạng có thể gặp được chính Chúa Giêsu, Đấng duy nhất thỏa mãn được những khao khát thâm sâu của họ. Việc sử dụng Internet còn cung cấp cơ hội truyền bá Tin Mừng tới những người sống ở các vùng xa xôi hay những đối tượng mà Giáo hội khó tiếp cận với cách truyền thống. Nhờ nỗ lực mở rộng sự hiện diện có phẩm chất, nhân thêm các trang web uy tín, chia sẻ các ý tưởng và giá trị; sự hiện diện của Giáo hội trên Internet có thể tạo ra các kết nối và chuyển tải thông tin hữu ích về Chúa cho mọi người.

Các hoạt động mục vụ truyền thông truyền giáo của Giáo hội bao gồm nhiều nội dung như tổ chức và điều hành tốt các website ở mọi cấp; phát sóng trực tiếp các bài giảng và thánh lễ trên Youtube hoặc các trang web; cung cấp nguồn tài nguyên về các thông tin và giáo huấn của Giáo hội –nhất là giáo huấn về truyền thông xã hội–; mở ra hợp tác và khích lệ để giáo dân tham gia vào các cộng đồng trực tuyến, nhằm lan tỏa thông điệp đức tin qua các công cụ kỹ thuật số và các ứng dụng di động… Ngoài ra việc tổ chức các sân chơi đa dạng và lành mạnh trên Internet góp phần truyền bá giáo lý Công giáo theo nhiều cách, giúp đào sâu niềm tin cho cả người thực hiện và người tham dự. Cũng cần phát triển và phổ biến các ứng dụng hữu ích như Lịch Công giáo, Kinh Thánh Công giáo, Kinh Thánh Thiếu Nhi, App Lời Chúa, Phút Cầu Nguyện… cho mọi người sử dụng hằng ngày. Những hoạt động này giúp Giáo hội tiếp cận đông đảo đối tượng thuộc mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội cách hiệu quả và linh hoạt.

Một đóng góp rất quan trọng của Giáo hội là lãnh vực đạo đức truyền thông, vì Giáo hội có một truyền thống lâu đời về sự khôn ngoan luân lý bắt nguồn từ mặc khải của Thiên Chúa và những suy tư của nhiều thời đại. Giáo hội luôn khuyến khích sử dụng truyền thông cách khôn ngoan, biết tận dụng những mặt tích cực của chúng để loan truyền lời Chúa và đem Đức Kitô đến cho thế giới. Giáo hội cho thấy kỹ thuật số luôn là con dao hai lưỡi cần sử dụng thận trọng, vì những thông tin được đưa lên mạng Internet thì không thể thu hồi. Bên cạnh đó, việc lạm dụng công nghệ để trục lợi, gây bất đồng, chuyển tải nội dung bẩn hoặc sai lệch dẫn đến nhiều vấn đề ảnh hưởng lên đời sống đức tin của cá nhân cũng như tập thể. Vì thế Giáo hội hướng dẫn và cảnh báo con cái mình sử dụng Internet một cách tích cực, khôn ngoan, minh bạch, có trách nhiệm, trong tình bác ái và tôn trọng sự thật, với mục tiêu xây dựng thế giới hiệp thông và liên đới, để mọi người nên một như ước muốn của Chúa Giêsu.

Hiện nay cũng đang có những nỗ lực kết nối, tập hợp những tiện ích chuyên về Công giáo như các website, app, map… thành một hệ thống liên kết, nhằm mục đích loan báo Tin mừng bằng công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện. Vừa qua, hệ thống C-MATE (Catholic Media And Technology Ecosystem, Hệ sinh thái công nghệ và truyền thông Công giáo) được khởi động với mục tiêu tối ưu hóa công nghệ phục vụ cho truyền giáo và truyền thông bằng sự sáng tạo và trái tim biết sẻ chia, mở ra cộng tác với nhau, như Chân phước Carlo Acutis nói: “Mục tiêu của chúng ta phải là vô hạn, chứ không là điều hữu hạn”.[16]

3. Một hướng mới: mục vụ truyền thông cho AI

AI (Artificial Intelligence – trí tuệ nhân tạo) là một ngành của khoa học máy tính thu thập vô số nguồn dữ liệu khác nhau và áp dụng thuật toán để xử lý các vấn đề mới theo cách giống như trí tuệ con người. AI đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc trên khắp thế giới và được ứng dụng trong nhiều lãnh vực khác nhau, giúp tự động hóa nhiều loại công việc. Nhưng cùng với các ưu điểm và giá trị, chúng cũng mang theo những rủi ro và hiểm họa toàn cầu, như các thách thức về bảo mật và quyền riêng tư, phần mềm độc hại AI, các vũ khí tự trị, video và tin tức giả mạo… Giáo hội nhìn nhận tầm quan trọng của AI và tác động của nó đối với xã hội, nhưng nhấn mạnh rằng mọi tiến bộ công nghệ đều phải tôn trọng phẩm giá con người, thúc đẩy công lý và phục vụ lợi ích chung. Trước khi Chat GPT ra đời vào tháng 11/2022, Lời kêu gọi Roma cho Đạo đức trí tuệ nhân tạo đã được ký kết ngày 28/02/2022 nhằm thúc đẩy cách tiếp cận đạo đức đối với AI, trách nhiệm chung giữa các tổ chức quốc tế – chính phủ và tư nhân để đổi mới kỹ thuật số và tiến bộ công nghệ, dành cho nhân loại vị trí trung tâm.[17]

Có nhiều cách mục vụ truyền thông cho AI mà Giáo hội cần quan tâm. Ứng dụng Chat GPT được tích hợp vào Google cho phép mọi người dùng miễn phí (https://gptgo.ai/) nhưng còn khá “ngoại đạo” và thiếu nhiều kiến thức về Công giáo. Khi được phản hồi góp ý về câu trả lời sai, Chat GPT biết nói xin lỗi và lần sau sẽ thay đổi cách trả lời. Trong một thử nghiệm dùng Chat GPT, khi được hỏi một câu khác cùng chủ đề, hoặc đặt cùng câu hỏi vào một thời điểm khác, Chat GPT liền cho ngay đáp án theo cách khác, không hề copy hoặc đạo văn! Vài ngày sau đặt cùng một câu hỏi sẽ có một bài mới, câu văn suôn sẻ và hoàn chỉnh hơn, dù nhiều khi cũng lặp lại… Chắc hẳn khi tương tác với con người, Chat GPT càng thêm thông hiểu và sâu sắc hơn.[18] Điều này cho thấy “anh chatbot” này có khả năng học hiểu các kiến thức về niềm tin, nhưng vấn đề đặt ra là ai sẽ huấn luyện và làm mục vụ cho nó?

Không chỉ tìm cách Phúc Âm hóa trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng của nó, Giáo hội còn khuyến khích các cá nhân và cộng đồng tham gia vào việc suy tư và phân định đạo đức liên quan đến việc phát triển và sử dụng AI. Điều này bao gồm việc xem xét các lợi ích và rủi ro tiềm ẩn, cũng như những tác động đến con người, đến công lý hòa bình, môi trường và các lợi ích chung. Giáo hội dạy rằng con người có một phẩm giá bất khả xâm phạm, có vai trò độc nhất và không thể thay thế.[19] Mặc dù AI có thể hỗ trợ và nâng cao khả năng của con người nhưng không thể thay thế hoặc làm suy yếu giá trị nội tại của cuộc sống con người. Con người phải quản lý có trách nhiệm đối với công nghệ, bảo đảm sự phù hợp với các nguyên tắc đạo đức mà không làm mất nhân tính, gây hại hoặc dẫn đến sự lạm dụng bóc lột cá nhân.

Đức thánh cha Phanxicô trong Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 57 với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo và hòa bình” đã kêu gọi sự hợp tác toàn cầu để đạt đến một hiệp ước quốc tế giúp quản lý việc phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm ngăn chặn những hành vi có hại, và khuyến khích những phương pháp tiếp cận sáng tạo hữu ích. Trong lãnh vực mục vụ quan trọng này, giới Công giáo cần cùng với những người có trách nhiệm xác định các giá trị tốt lành làm cơ sở cho việc xây dựng, áp dụng và thực thi các quy định pháp lý cần thiết. Cũng cần có các hướng dẫn phân định về đạo đức để các dạng thức AI không gây tổn hại cho các quyền cơ bản của con người, nhưng để tạo ra một thế giới công bằng và nhân đạo hơn.[20]

Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 58, Đức thánh cha cũng mời gọi kết hợp trí tuệ nhân tạo và sự khôn ngoan của trái tim cho một nền truyền thông nhân văn, vì tùy theo định hướng của trái tim mà mọi thứ trong tay con người đều trở thành cơ hội hay nguy hiểm. Cộng đồng nhân loại cần một hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc nhằm quản lý việc phát triển và sử dụng AI, nhưng quy định thì chưa đủ.[21] Liệu AI có tạo ra các đẳng cấp mới dựa trên việc làm chủ thông tin, điều kiện hóa suy nghĩ của mọi người, tạo ra các hình thức bóc lột và bất công mới; hay sẽ cổ võ thông tin đúng đắn, thúc đẩy việc lắng nghe những nhu cầu của con người, và khả năng mọi người đều tham gia phát triển tư duy? Chúng ta được mời gọi làm mục vụ truyền thông cho AI bằng cách cùng lớn lên trong nhân tính, tái khám phá sự khôn ngoan của trái tim để đọc ra và giải thích sự mới mẻ của thời đại, đồng thời tìm kiếm ánh sáng của Chúa để điều chỉnh các hệ thống AI cho việc phục vụ.

Trong một thời đại có nguy cơ giàu về kỹ thuật và nghèo về nhân tính, Giáo hội cũng cần lưu ý việc chăm sóc mục vụ cho những người đang tiếp cận với AI và tìm cách giảm thiểu khoảng cách số giữa người với người. Cần tăng cường cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ về mặt tinh thần và hình thành đạo đức cho cá nhân và cộng đồng khi lên mạng hoặc sử dụng AI. Cần quan tâm những ai đang tham gia xây dựng các chương trình phát triển AI và cả những người bị thất nghiệp bởi hậu quả của nó. Phải khuyến khích các tín hữu tích cực tham gia vào những cuộc thảo luận và vận động công khai về các quy định đạo đức khi sử dụng AI, cũng như cách giải quyết các thách thức và rủi ro tiềm ẩn… Bằng cách thúc đẩy việc mục vụ AI, Giáo hội đóng góp sự phân định và suy tư về đạo đức để phát triển việc sử dụng AI có trách nhiệm vì lợi ích chung của nhân loại, và đưa AI vào phục vụ Giáo hội.[22]

Kết luận

Tóm lại, Giáo hội Công giáo ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc mở rộng việc tiếp cận với cộng đồng trực tuyến để lan tỏa Tin Mừng cách hiệu quả. Có thể nói mạng Internet là một công cụ mạnh mẽ có khả năng kết nối toàn cầu để truyền bá Tin Mừng đến mọi con người trong thời đại hiện nay. Không gian mạng này mở ra hầu như vô tận với nhiều cơ hội tuyệt vời, nhưng cũng không thiếu những thách đố, cạm bẫy và nhiều nguy cơ đáng sợ. Vì thế giới trẻ Công giáo cần sử dụng Internet một cách sáng suốt và có trách nhiệm để tăng trưởng lành mạnh, đồng thời lan tỏa đức tin và tình yêu thương đến với nhiều người hơn. Giáo hội luôn khuyến khích các tín hữu, đặc biệt là giới trẻ, sử dụng Internet và các phương tiện truyền thông kỹ thuật số để loan báo Tin Mừng, với điều kiện phải đảm bảo tính chân thực, tính cộng đồng và tôn trọng phẩm giá con người. Tuy nhiên, điều các bạn cần ý thức là việc tham gia trên Internet không thể thay thế cho các mối tương quan giữa các cá nhân, việc tham dự vào đời sống thực tế của Giáo hội địa phương, việc lãnh nhận các bí tích và các hình thức rao giảng Tin Mừng trực tiếp.

Trong cuộc sống hiện nay, người trẻ Công giáo có nhiều khả năng nhanh nhạy để truyền cảm hứng về niềm tin của mình, bằng cách thể hiện sự chân thành và trung thực trong các mối tương quan ngoài xã hội, cũng như các chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình để kết nối với bạn bè và những người thân yêu. Nhưng làm sao khích lệ họ sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội trong tầm tay để chia sẻ các thông điệp tích cực và lan tỏa các giá trị Tin mừng? Có một câu chuyện kể về một bạn trẻ Công giáo mời gọi bạn mình chia sẻ những suy tư về Chúa trên mạng, nhưng bạn ấy nói không muốn viết vì đã có nhiều người viết rồi, và họ viết hay hơn mình, sao phải lặp lại công việc của họ… Tuy nhiên người bạn đã trả lời rất hay: “Mình nghĩ đó chỉ là biện minh thôi, vì cho dù đã có nhiều người viết rất tốt rồi, thì điều bạn viết về Thầy Giêsu vẫn là duy nhất và đáng tự hào, vì bạn đang sống và làm chứng cho Người trong không gian và thời gian của riêng mình, không sợ trùng lặp với ai hết…”. Chúng ta cũng cần tự hỏi: Có phải tôi cũng là chuyên gia tìm lý do để biện minh và thoái thác không, vậy tại sao tôi không dám viết về niềm tin của mình, không dám chia sẻ những giá trị tích cực trong cuộc sống cho những người chung quanh bằng mọi phương cách sẵn có trong tầm tay?

Ước mong mỗi bạn trẻ Công giáo ngày nay biết cách sử dụng mạng cách đúng đắn và nghiêm túc, không để cho nó điều khiển mình. Đồng thời biết thao thức, can đảm và nhiệt thành chia sẻ niềm tin của mình cho người khác, dám kể những câu chuyện về Chúa cho họ, dám nói với họ về những ước mơ và niềm hy vọng của mình theo cách sáng tạo và ngôn ngữ riêng của mình. Nhờ đó có thể tạo ra một cách tiếp cận mới đầy tích cực và những cảm nhận độc đáo trong không gian kỹ thuật số mà bạn thường xuyên hiện diện. Chính khi dám nói công khai về những gì mình xác tín, mỗi chúng ta sẽ có những quyết tâm và nỗ lực để sống các xác tín đó, và chắc chắn Chúa sẽ chúc lành cho tất cả chúng ta. Góp gió thành bão, những đóng góp nhỏ bé của các bạn để làm cho mạng Internet tốt hơn, ích lợi hơn, có Chúa hiện diện nhiều hơn, sẽ tạo nên sự thay đổi lớn lao cho thế giới đang qua đi này…

Giáo hội ngày hôm nay vẫn đặc biệt tin tưởng và kêu gọi các tín hữu trẻ -là những người đầy nhiệt tình và sáng tạo, có khả năng sử dụng thành thạo các công nghệ mới-, hãy biết hăng say đem Tin Mừng vào không gian kỹ thuật số rộng lớn. Nhờ đó các bạn có thể tạo ra nơi đó các môi trường lành mạnh, giúp loan báo Chúa Giêsu và xây dựng các cộng đồng đức tin… Từ không gian số đó các bạn cũng hãy cùng nhau trở về trong mái nhà Giáo hội, để gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau trong các sinh hoạt, cử hành Phụng vụ và các Bí tích nhằm múc lấy sức sống thánh thiêng và năng động truyền giáo cho những hoạt động Tông đồ IT của mình. Khi có khả năng mở ra cho team-work lành mạnh và những mơ ước lớn lao, với ơn Chúa các bạn sẽ gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp cho bản thân, cho Giáo hội và cho cả thế giới thân thương của mình.

Chúng ta mỗi người vào mạng Internet cách riêng lẻ, nhưng không độc hành trong con đường truyền giáo mạng. Cậu thiếu niên Carlo Acutis cũng đã đi từ cái bình thường cho đến cái riêng biệt độc đáo trong hành trình tìm cho mình một con đường riêng. Cậu đã mở ra một con đường nên thánh bằng chính sự sáng tạo, nhiệt huyết và khả năng IT của mình để lập trình một trang web giới thiệu Chúa Kitô đang sống, đang hiện diện trong Bí tích Thánh Thể; và cuối cùng cậu đã trở nên một vị Chân phước trẻ tuổi giữa một thế giới đại công nghệ kỹ thuật truyền thông mới.[23] Nhiều nhóm Tông đồ IT đã chọn Chân phước Carlo Acutis làm Bổn mạng, và theo gương ngài sử dụng Internet để loan truyền Nước Chúa. Điều đó gợi hứng và mở lối để các bạn trẻ hôm nay cũng có thể nên thánh trong tính năng động và con tim biết mở ra của người trẻ, thay vì cô lập và tự cầm tù trên Internet để cày game, xem phim hoặc lướt mạng xã hội tìm cách câu like… Xin được kết thúc bài viết này với những lời đầy khích lệ của Đức giáo hoàng Bênêđictô muốn nói với từng bạn trẻ Công giáo:

Các bạn trẻ rất quý mến, các con hãy dấn thân đưa vào trong nền văn hóa của lãnh vực truyền thông và thông tin mới mẻ này những giá trị mà cuộc sống của các con dựa vào… Chính nơi những người trẻ các con, hầu như tự nhiên đồng cảm với các phương tiện truyền thông mới mẻ này, mà đặc biệt bổn phận phúc âm hóa “châu lục kỹ thuật số” này thuộc về các con.

Các con hãy biết gánh lấy cách nhiệt tình việc loan báo Tin Mừng cho những người đương thời với các con! Các con biết sự sợ hãi và hy vọng của họ, sự nhiệt tình và thất vọng của họ: hồng ân cao quý nhất mà các con có thể làm cho họ là chia sẻ với họ “Tin Mừng” về một Thiên Chúa đã làm người, đã đau khổ, đã chết và đã phục sinh để cứu rỗi nhân loại.

Tâm hồn con người khát mong một thế giới nơi tình yêu ngự trị, nơi các ân huệ được chia sẻ, nơi sự hiệp nhất được xây dựng, nơi sự tự do tìm thấy ý nghĩa của nó trong chân lý và là nơi mà căn tính của mỗi người được thể hiện trong một sự hiệp thông tôn trọng. Đức tin có thể mang lại một câu trả lời cho những mong đợi này: các con hãy là những sứ giả của nó![24]

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 142 (Tháng 7 & 8 năm 2024)

_______

[1] X. Serge C. Maniba, Người Trẻ Dấn Thân Trong Thế Giới Kỹ Thuật Số: Những Thách Đố Và Cơ Hội, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/nguoi-tre-dan-than-trong-the-gioi-ky-thuat-so-nhung-thach-do-va-co-hoi-40537, Chuyển ngữ: Lm. Gioan Phan Văn Định.

[2] X. Bộ Truyền thông, Tài liệu Hướng tới sự hiện diện tròn đầy – Suy tư mục vụ về việc tham gia mạng xã hội; số 1, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bo-truyen-thong-tai-lieu-suy-tu-muc-vu-ve-viec-tham-gia-mang-xa-hoi-51105#_ftn1.

[3] X. Lê Phương, Ngày Internet An toàn hơn: góc nhìn từ Việt Namhttps://vovworld.vn/vi-VN/binh-luan/ngay-internet-an-toan-hon-goc-nhin-tu-viet-nam-1269877.vov.

[4] X. Bộ Truyền thông, Tài liệu Hướng tới sự hiện diện tròn đầy – Suy tư mục vụ về việc tham gia mạng xã hội; số 4, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bo-truyen-thong-tai-lieu-suy-tu-muc-vu-ve-viec-tham-gia-mang-xa-hoi-51105#_ftn1.

[5] Công đồng Vatican II, Sắc Lệnh Inter Mirifica, Vatican 1962, https://tgpsaigon.net/bai-viet/inter-mirifica-sac-lenh-ve-cac-phuong-tien-truyen-thong-xa-hoi-63005.

[6] Hội đồng Giáo hoàng về Truyền Thông Xã Hội, Huấn Thị Mục Vụ ‘Aetatis Novae’, Vatican 1992, https://tgpsaigon.net/bai-viet/huan-thiaetatis-novae-thoi-dai-moi–63017.

[7] Hội đồng Giáo hoàng về Truyền Thông Xã Hội, Đạo Đức Trong Truyền Thông, Vatican 2000, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dao-duc-trong-truyen-thong-tai-lieu-huong-dan-cua-hoi-dong-giao-hoang-ve-truyen-thong-xa-hoi-45979.

[8] Hội đồng Giáo hoàng về Truyền Thông Xã Hội, Đạo Đức Trong Internet, Vatican 2002, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dao-duc-trong-internet-tai-lieu-cua-hoi-dong-giao-hoang-ve-truyen-thong-xa-hoi-45996.

[9] ĐGH Phanxicô, Sứ điệp Truyền thông năm 2024, http://fmmvn.net/tin-tuc/p67/c74/n14234/su-diep-cua-duc-phanxico-cho-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-58-nam-2024-lon-len-trong-nhan-tinh.html.

[10] X. Hồng Thủy, Chứng tá là cách thế đầu tiên để loan báo Tin Mừng, Vatican News, 22/03/2023,

https://www.tonggiaophanhanoi.org/tiep-kien-chung-thu-tu-22-03-2023-cach-the-dau-tien-de-loan-bao-tin-mung-la-lam-chung-ta/

[11] Maria Phạm Ngọc Thảo, Cậu bé 14 tuổi gặp Chúa nhờ video Công giáohttps://tgpsaigon.net/bai-viet/cau-be-14-tuoi-gap-chua-nho-video-cong-giao-63485.

[12] Vatican News, Ra mắt game Công giáo mới “MetaSaint” dành cho “Thế hệ Alpha”https://tgpsaigon.net/bai-viet/ra-mat-game-cong-giao-moi-metasaint-danh-cho-the-he-alpha-72936.

[13] Trăng Thập Tự, Giải viết văn đường trường 2018https://tgpsaigon.net/bai-viet/giai-viet-van-duong-truong-2018-46476.

[14] Jim Graves – Vi Hữu chuyển ngữ, Làm phim Công giáo, truyền cảm hứng và truyền giáohttps://tgpsaigon.net/bai-viet/lam-phim-cong-giaotruyen-cam-hung-va-truyen-giao-61785.

[15] Ban Mục Vụ Gia Đình TGP.SG, Cuộc thi “Thước Phim Về Mẹ”, https://tgpsaigon.net/bai-viet/cuoc-thi-thuoc-phim-ve-me-68501.

[16] X. Kim Ngọc, Đức cha Chủ tịch Ủy ban Truyền thông khởi động hệ thống C-Mate, https://tgpsaigon.net/bai-viet/duc-cha-chu-tich-uy-ban-truyen-thong-khoi-dong-he-thong-c-mate-buoc-tien-moi-cua-truyen-thong-giao-phan-phu-cuong-72679, truy cập ngày 01/05/2024.

[17] Ngọc Yến – Vatican News, Đạo đức trí tuệ nhân tạo phải bảo vệ lợi ích gia đình nhân loạihttps://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-01/dtc-dao-duc-tri-tue-nhan-tao-bao-ve-nhan-loai.html

[18] X. Vĩnh Ân, Bài Giảng và ChatGPT, Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 134 (Tháng 3 & 4 năm 2023)

[19]X. Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 37, 105, 107.

[20] ĐTC Phanxicô, Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới Lần Thứ 57https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-duc-thanh-cha-cho-ngay-hoa-binh-the-gioi-nam-2024-tri-tue-nhan-tao-va-hoa-binh-53163.

[21] ĐTC Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội Lần Thứ 58http://fmmvn.net/tin-tuc/p67/c74/n14234/su-diep-cua-duc-phanxico-cho-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-58-nam-2024-lon-len-trong-nhan-tinh.html.

[22] Justin McLellan, Chatbot Công giáo: Đưa AI phục vụ Giáo hội, https://tgpsaigon.net/bai-viet/chatbot-cong-giao-dua-ai-phuc-vu-giao-hoi-74341.

[23] X. Têrêsa Lê Thị Ngọc Lễ, Chân Phước Carlo Acutis – Linh Đạo Nên Thánh Dễ Dàng Cho Người Trẻ Thời 4.0, Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 123 (Tháng 3 & 4 năm 2021), https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/chan-phuoc-carlo-acutis-linh-dao-nen-thanh-de-dang-cho-nguoi-tre-thoi-4-0-42051

[24] ĐTC Bênêđictô, Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội Lần Thứ 43https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-benedicto-xvi-nhan-ngay-quoc-te-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-43-24-05-2009-17705.

TAGS: