Càng Lớn Càng Nhỏ (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXV – TNB)

112 lượt xem

CÀNG LỚN CÀNG NHỎ

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXV- TNB

Maria Fiat Diệu Huyền, MTG Vinh

 

LỜI CHÚA: Mc 9, 29-36

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.

Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.

SUY NIỆM: CÀNG LỚN CÀNG NHỎ

“Nếu ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết của mọi người và làm người phục vụ cho mọi người” (Mt 9, 35)

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho ta thấy rằng, trong khi các môn đệ bị hấp lực của cơn cám dỗ kinh điển là tranh giành quyền lực thế gian chi phối, Chúa Giêsu đã kịp thời “đánh thức” tâm hồn họ bằng bí nhiệm của Nước Trời, đó là “càng làm lớn càng phải nên nhỏ”.

Giữa cảnh êm đềm của con đường dọc triền núi, lại một lần nữa Chúa Giêsu róc cạn tâm tình của mình cho các môn đệ, chỉ các ông mà thôi. Đây đã là lần thứ ba Người báo trước về cuộc khổ nạn, vậy mà các ông vẫn không hiểu gì và cũng tỏ ra rất hững hờ. Dù đang đi chung với Thầy trên cùng một con đường, nhưng lý tưởng, trái tim và sứ mạng của họ chưa ăn khớp với Thầy mình. Trong khi Thầy đang tiến dần đến đỉnh cao của hiến tế Thập Giá để cứu độ nhân loại, các môn sinh lại lao mình vào cơn mê được làm người thống trị. Là những bậc chính nhân quân tử, là người môn đệ được tuyển lựa cách đặc biệt, vậy mà khi được Thầy báo tin sẽ bị bắt bị giết, thì họ đã vội tranh cãi nhau giữa đường xem ai sẽ là người lớn nhất. Lòng Chúa Giêsu không tê tái, không héo hắt sao được khi nghe cuộc tranh luận rộn ràng ấy ngay sau lưng mình! Vậy mà Chúa không chua cay lên tiếng cũng chẳng đắng đót trách la, Người nhẫn nại chờ cho tới khi về nhà và nhẹ nhàng gợi lại câu chuyện như thể mình không biết gì: “Dọc đường anh em đã bàn tán điều gì vậy?”. Các môn đệ làm thinh nhìn nhau trong sự mắc cỡ, thẹn thùng. Nén cơn đau vì sự hững hờ và mất phương hướng của các môn đệ, Chúa ân cần gọi họ lại rồi từ tốn trao gửi một bài học rất bất ngờ: “Nếu ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết của mọi người và làm người phục vụ cho mọi người” (c. 35). Chúa không ra lệnh nhưng Người khéo léo cắm sâu bài học về sự khiêm nhu phục vụ vào trong tâm hồn còn vương vấn vinh hoa trần thế của họ. Người không dập tắt tham vọng của các môn đệ nhưng Người thanh lọc và hướng tham vọng ấy lên một giá trị cao hơn. Thay cho tham vọng cầm quyền thống trị, Chúa Giêsu hướng các ông đến lòng khát khao phục vụ. Thay cho tham vọng vun vén mọi sự cho bản thân, Người hướng các ông đến ước muốn xả thân cho người khác. Trong Nước Trời, người lớn nhất là người phục vụ hết mình nhất. Và đỉnh cao của bài học quý là khi Người âu yếm đặt một đứa trẻ vào lòng và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. Và ai tiếp đón Thầy thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”.

Tham vọng nắm giữ quyền lực, danh dự, tiền của vẫn là một “bản năng không bao giờ chết” được mặc định cho kiếp nhân sinh. Bài học của Chúa Giêsu hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng người làm lớn không được “tự cao, tự mãn, tự kiêu” nhưng phải luôn “tự giác, tự nguyện và tự hủy” bản thân để phục vụ người khác. Để làm công dân Nước Trời thì cần phải tìm kiếm và thi hành bí nhiệm của Nước Trời: “Càng làm lớn càng nên nhỏ”. Đây quả là một thách đố lớn lao bởi để làm cái lớn bé lại, chúng ta phải gọt dũa, cắt tỉa bản thân. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ phải đối diện với những hy sinh, những cơn đau rướm máu, những trận chiến cam go trong tâm hồn. Vậy, để cho Lời Chúa hôm nay soi sáng và hướng dẫn, chúng ta tự chất vấn bản thân: Tôi đã sống tinh thần phục vụ như thế nào? Tôi có thích sai khiến, thích lãnh đạo người khác hơn là phục tùng và phục vụ tha nhân không? Tôi có tự nguyện hạ mình phục vụ những kẻ nghèo khó thấp hèn và ý thức mình đang phục vụ chính Chúa trong những số phận đáng được phục vụ ấy không?

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu khiêm hạ và quảng đại phục vụ!

Xin tha thứ cho con vì con đã mất quá nhiều thời gian

cho việc phô trương hình ảnh bản thân hơn là việc dấn thân phục vụ tha nhân.  

Từ sâu thẳm đáy lòng,

con nhận thấy mình vẫn rất hám danh, ham lợi.

Phải chăng đây là những cây cỏ dại

mọc lên từ một nội tâm cằn cỗi và nghèo đói giá trị tinh thần?

Xin giúp con nhận ra rằng:

khi con phục vụ một trẻ nhỏ hay một kẻ nghèo hèn

là lúc con phục vụ một Đức Kitô uy quyền ẩn dấu dưới hình hài khiêm hạ,  

và cũng là phục vụ một Đức Kitô thực sự vinh quang

trong sự bé nhỏ, nghèo hèn và tự hủy ấy.

Qua việc phục vụ đó, con đang tham dự vào bí nhiệm của Nước Trời

là “Càng lớn khôn càng nên nhỏ lại trong tâm hồn”

để tất cả cho hiển vinh danh Chúa, không phải làm vinh danh con. Amen.

Có thể bạn quan tâm