Cộng đoàn Nhà Mẹ Xã Đoài

120 lượt xem

CỘNG ĐOÀN NHÀ MẸ XÃ ĐOÀI

 

Cộng đoàn Xã Đoài là trụ sở chính, được gọi là Nhà Mẹ của Hội Dòng, tọa lạc bên cạnh Tòa Giám mục Giáo phận Vinh, thuộc xóm Quyết Thắng, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Không biết chính xác Nhà Mụ Mến Thánh Giá đã hiện diện trên đất Xã Đoài khi nào, chỉ biết vào năm 1846, khi Tòa Thánh tách phần đất Nghệ-Tĩnh-Bình ra khỏi Địa phận Tây Đàng Ngoài, với tên gọi Địa phận mới là Nam Đàng Ngoài, thì đã có một cơ sở Mến Thánh Giá tại Làng Đoài (theo Sử gia Trương Bá Cần). Sau đó, vì hoàn cảnh lịch sử ly loạn, cơ sở này đã bị xóa sổ.

Tuy vậy, Cộng đoàn Xã Đoài đã hồi sinh và được sử liệu ghi lại trong công cuộc Cải tổ của Hội Dòng. Có thể nói lịch sử của Cộng đoàn Nhà Mẹ Xã Đoài được khởi đi từ công cuộc cải tổ Dòng Mến Thánh Giá trên vùng lãnh thổ Giáo phận Vinh, những sự kiện của cộng đoàn này cũng là những sự kiện chính của Hội Dòng.

Năm 1952, Đức Cha Gioan Baotixita Trần Hữu Đức kêu gọi sát nhập tất cả các nhà phước Mến Thánh Giá trong khắp vùng Nghệ-Tĩnh-Bình thành Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh, dưới sự lãnh đạo của một Mẹ Bề trên và một Ban Điều Hành. Sở chính được đặt gần Tòa Giám mục. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, vì tình hình chiến sự, chưa thể tìm được nơi thích hợp để đặt cơ sở Tập Viện, nên Ban Điều Hành và Tập Viện tạm thời di chuyển về Cộng đoàn Vạn Lộc.

Năm 1955, Đức Cha Gioan Baotixita cho cải tạo khu Nhà Lẫm của Nhà Chung thành cơ sở Nhà Mẹ của Hội Dòng, với khuôn viên rộng khoảng ba héc-ta. Căn nhà đâm xay rộng rãi nằm về phía tây, song song với khu Nhà Lẫm được sắp xếp lại làm thành nội vi cho Tập Viện sinh hoạt. Và thế là ngày 29/09/1955, Ban Điều Hành và Tập Viện từ Vạn Lộc được chuyển về Xã Đoài. Từ đây, Cộng đoàn Nhà Mẹ Xã Đoài chính thức được thành lập.

Lúc bấy giờ, cộng đoàn mới chỉ có 4 chị khấn. Để chuẩn bị nhân sự làm việc trong tương lai, đầu tháng 12/1955, Mẹ Bề trên Anê Trần Thị Đóa đã gọi 4 chị có năng lực học tập từ các cộng đoàn về Nhà Mẹ, đó là chị Maria Lê Thị Đức Hạnh và chị Anna Phan Thị Hải (Sở Vạn Lộc), chị Anê Nguyễn Thị Tâm (Sở Lưu Mỹ), Chị Matta Trần Thị Nhường (Sở Nghĩa Yên). Dưới sự hướng dẫn của bà giáo Diệm, quý chị đã hăng say học tập và phụ giúp cộng đoàn trong việc cải tạo khu đất.

Từ mùa hè năm 1956, cộng đoàn bắt đầu đón nhận lớp nữ sinh có độ tuổi từ 12 đến 20. Đây là giai đoạn ơn gọi nở rộ. Chỉ trong hai năm, con số đệ tử đã lên đến 50 em và lớp đệ tử này được gọi là lớp nữ sinh của trường Thánh Thất. Theo năm tháng, mọi sinh hoạt của cộng đoàn dần được ổn định và ngày một thịnh vượng. Mọi sự đang thuận buồm xuôi gió, sức sống của cộng đoàn đang triển nở trên nhiều phương diện, thì một cơn cuồng phong ập đến. Đó là sự kiện ngày 17/05/1968, chiến tranh tàn khốc nổ ra khiến cơ sở Xã Đoài bị bom đạn phá hủy tan tành, nên tất cả chị em phải đi sơ tán.

Kể từ đó, chị em sống lây lất trong các làng lân cận, nhưng vẫn cố gắng liên lạc với nhau để phần nào giữ được tính cộng đoàn. Một số chị em gan dạ hơn thì ngày ngày lui tới Tu Viện để vừa bảo quản, vừa tu sửa những gì còn sót lại. Đến năm 1973, chị em mới thực sự quy tụ về cơ sở để xây dựng nhà cửa và tái thiết Nhà Nguyện. Lúc này, chị em sống chung, không có nội vi Nhà Tập riêng biệt nữa và lớp đệ tử tại Xã Đoài cũng không còn.

Đến năm 1993, nhờ chủ trương mở cửa của nhà nước, cộng đoàn được chính thức đón nhận nhiều ơn gọi và Hội Dòng được phép mở lại Nhà Tập sau 23 năm bị đóng cửa. Thật là một hồng ân lớn lao. Cũng trong thời gian này, cơ sở vật chất được xây dựng khang trang hơn và căn nhà rộng lớn phía đông được dùng làm nội vi cho Tập Viện sinh hoạt. Có thể nói, sức sống của Cộng đoàn Nhà Mẹ được vực dậy từ đây.

Năm 2002, Hội Dòng mừng 50 năm cải tổ. Đây cũng là dịp thuận lợi giúp chị em nhìn lại chặng đường lịch sử sau nửa thế kỷ hình thành và phát triển cộng đoàn. Chặng đường này được sánh ví với hành trình lên núi Sọ cùng Thầy Chí Thánh; một chặng đường thấm đầy mồ hôi, nước mắt và máu để gầy dựng và củng cố cơ sở cũng như bảo tồn ơn gọi trước những khó khăn và thách đố của thời cuộc.

Từ năm 2002 đến nay, cộng đoàn đã có những bước chuyển mình nhằm đáp ứng những đòi hỏi của sứ vụ loan báo Tin Mừng trước đà tiến của xã hội. Cụ thể, trong công tác đào tạo, chị em được huấn luyện kỹ lưỡng về nhân bản và đào sâu về đời sống thiêng liêng, làm nền tảng và hành trang cho sứ vụ. Bên cạnh đó, chị em còn được trang bị thêm những kiến thức thần học, kỹ năng mục vụ và khả năng chuyên môn theo năng lực của mỗi người. Về các hoạt động sứ vụ, chị em phục vụ nhiều lĩnh vực khác nhau như mục vụ giáo xứ, bác ái xã hội, y tế, luân lý, giáo dục đức tin và văn hóa. Đến nay, cộng đoàn đã mở rộng phạm vi hoạt động đến 36 nhóm tại Việt Nam và Hải Ngoại.

Về nhân sự, Cộng đoàn Nhà Mẹ luôn là cộng đoàn có số nhân sự đông nhất trong các cộng đoàn. Hơn nữa, tại đây, chị em phải đảm nhiệm nhiều trách vụ, nên việc phân bố nhân sự cũng được ưu tiên hơn những cộng đoàn khác. Thêm vào đó, kể từ năm 2014 trở đi, khi Học Viện Liên Dòng Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII Giáo phận Vinh được thành lập, tất cả chị em đã tuyên khấn lần đầu được ở lại Nhà Mẹ để hoàn thành chương trình thần học trong hai năm trước khi đi sứ vụ tại các cộng đoàn thì số lượng khấn sinh tại Nhà Mẹ khá lớn.

Theo thời gian, Nhà Nguyện cũng như cơ sở nhà ở đã bị xuống cấp. Do đó, tháng 08/2020, Ban Điều Hành Hội Dòng đã quy hoạch lại tổng thể khuôn viên Cộng đoàn Nhà Mẹ cũng là trung tâm của Hội Dòng. Tháng 11/2022, ngôi nhà hưu dưỡng trong bản quy hoạch đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Đồng thời, Hội Dòng cũng xây dựng và hoàn thành hai ngôi nhà làm Trường Mầm Non tại giáo xứ Kẻ Gai và Ngọc Liễn cho cộng đoàn.

Cùng với Giáo Hội lữ hành trước vận hội mới, chị em quyết tâm một lòng một ý hiệp nhất với nhau xây dựng cộng đoàn ngày một lớn mạnh, để cộng đoàn không chỉ đông về con số mà còn giàu về chất lượng; không chỉ khang trang đẹp đẽ về cơ sở hay những hoạt động rầm rộ bề ngoài mà còn thăng tiến hơn về chiều sâu nội tâm, hầu có thể gầy dựng một Cộng đoàn Nhà Mẹ xứng tầm với sức vóc của một Hội Dòng lớn, đã vinh dự hiện diện trong gần 350 năm lịch sử.

MỘT SỐ THÔNG TIN (Thông tin được cập nhật vào tháng 11/2023)

– Nhân sự: Hiện nay, cộng đoàn có 333 thành viên, gồm 229 chị khấn trọn và 104 khấn sinh.

– Nhóm phục vụ: Có 36 nhóm phục vụ tại Việt Nam và Hải Ngoại.

Quý Chị Phụ trách qua các thời kỳ:

+ Năm 1955-1979: Mẹ Anê Trần Thị Đóa

+ Năm 1979-1981: Mẹ Maria Nguyễn Thị Thịnh

+ Năm 1981-1987: Chị Anê Nguyễn Thị Tâm

+ Năm 1987-1991: Chị Anna Trần Thị Hải

+ Năm 1991-1993: Chị Anna Nguyễn Thị Lịch

+ Năm 1994-2001: Chị Anna Trần Thị Hải

+ Năm 2001-2003: Chị Anna Nguyễn Thị Lịch

+ Năm 2003-2005: Chị Têrêsa Nguyễn Thị Ngoãn

+ Năm 2005-2010: Chị Anê Nguyễn Thị Tâm

+ Năm 2011-2012: Chị Maria Hồ Thị Quy

+ Năm 2012-2015: Chị Têrêsa Trần Thị Lộc

+ Năm 2015-2019: Chị Maria Nguyễn Thị Nga

+ Năm 2019 đến nay: Chị Têrêsa Trần Thị Lộc

 

BAN ĐIỀU HÀNH ĐƯƠNG NHIỆM
(Nhiệm kỳ 2023-2027)

 

MỘT SỐ CHỊ EM TRONG CỘNG ĐOÀN

Có thể bạn quan tâm