Thánh lễ Tuyên khấn Trọn đời và mừng Ngọc khánh, Kim khánh Khấn dòng (18-11-2020)

94 lượt xem

Khấn dòng được diễn tả như một giao ước được thực hiện cách cá nhân giữa tu sĩ và Đức Kitô, để được nên đồng hình đồng dạng với Người qua đời sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Khấn dòng là dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa hầu chu toàn trọn vẹn Thánh ý của Người trong sự thông hiệp với anh chị em. Mỗi Kitô hữu đã chết đối với tội lỗi qua phép Thanh Tẩy, nhưng để hoa trái của ân sủng bí tích được dồi dào hơn, tu sĩ muốn tuyên khấn sống các lời khuyên Phúc Âm như một phương thế để được phụng sự Thiên Chúa một cách mật thiết hơn (LG, 44).

Vào lúc 7g30 Thứ Tư 18/11/2020, tại tiền sảnh Nguyện đường Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh, Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Giáo phận Vinh, đã chủ sự thánh lễ khấn dòng cho 48 nữ tu tuyên khấn trọn đời, 4 nữ tu mừng Kim khánh và 3 nữ tu mừng Ngọc khánh khấn dòng. Đồng tế và hiện diện trong thánh lễ có cha Tổng Đại diện Giáo phận Vinh Phêrô Nguyễn Văn Vinh, cha Tổng Đại diện Giáo phận Hà Tĩnh Gioan B. Nguyễn Khắc Bá; đông đảo quý cha trong và ngoài giáo phận, cùng quý chủng sinh, tu sĩ nam nữ, quý ân nhân, thân nhân và đông đủ chị em trong đại gia đình Mến Thánh Giá Vinh.

Khấn trọn đời là một quyết định quan trọng và cũng là một nghi thức thánh thiêng. Các khấn sinh sẽ biến đời sống mình thành một hành vi tôn thờ Thiên Chúa qua việc tuyên đọc lời khấn của mình trước Đức Giám mục giáo phận, chị Tổng Phụ trách và cộng đoàn. Các chị công khai tuyên bố dấn thân phụng sự Chúa và Hội Thánh qua ba lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục để từ đây vĩnh viễn thuộc trọn về Chúa và Hội Thánh.

Giảng trong thánh lễ, cha Tổng Đại diện Phêrô Nguyễn Văn Vinh mời gọi các tu sĩ biết tái khám phá căn tính cũng như sứ mạng của mình để đáp ứng những đòi hỏi của con người thời đại đặt ra cho Giáo Hội nói chung và người tu sĩ nói riêng. Ngài gợi ra ba điểm để cộng đoàn, cách riêng các tu sĩ cùng suy tư. Thứ nhất, tu sĩ là người dấn thân, dõi bước theo chân và nối dài cánh tay của Chúa Giêsu. Thứ hai, các tu sĩ phải trở nên những chuyên viên của tình hiệp thông, trở nên những chứng nhân và người làm nên dự án hiệp thông. Sau cùng, tu sĩ phải là người có khả năng đến với thế giới hôm nay.

Trước những chủ thuyết, những thách đó cũng như thông tin trái chiều về ơn gọi tận hiến cho rằng thời đại của những người tận hiến coi như đã chấm tận, thời hậu tu trì đã đến, đời tu đã lỗi thời tại nhiều vùng trên thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tu sĩ biết lấy Kinh Thánh làm cuốn sách gối đầu giường. Các tu sĩ không chỉ đọc và suy niệm Phúc Âm nhưng còn phải thực hiện Phúc Âm, sống và diễn tả các lời của Người. Sống Phúc Âm sẽ giúp tu sĩ trở về nguồn để chất vấn bản thân về căn tính của mình rằng Chúa Giêsu có còn là tình yêu thứ nhất và cuối cùng như tôi đã khấn. Chỉ khi như thế, tu sĩ mới có thể và phải yêu thương trong chân lý và lòng thương xót tất cả mọi người trên hành trình tận hiến, yêu thương như Đức Kitô đã yêu thương.

Điều cuối cùng làm cho đời tu còn có giá trị đó là sự cho đi và biết ra đi. Đức Giêsu đã dạy: Ai tìm mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy (Mt 10,39). Nhà dòng được lập nên không phải vì chính nó nhưng cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Người sống đời thánh hiến không chỉ cho cá nhân họ nhưng là sống cho tha nhân. Nếu tu sĩ hay tu viện chỉ loay hoay với các vấn đề của chính mình, họ sẽ mất giá trước mặt Chúa và tha nhân. Ngược lại, chấp nhận cuộc sống đạm bạc của mình để hiên ngang ra đi phục vụ và loan báo Tin Mừng sẽ lan tỏa giá trị của họ.

Sau phần giảng lễ, Nghi Thức Tuyên Khấn Trọn Đời mở đầu với việc gọi tên các khấn sinh, phần thẩm vấn của Ðức Giám mục giáo phận và lời đáp trả của các chị em về ước vọng muốn tự hiến cho Thiên Chúa cách trọn vẹn. Sau khi hoàn tất lời thẩm vấn, các khấn sinh được mời gọi phủ phục, nài xin Ðức Mẹ cùng chư Thánh chuyển cầu trước tòa Thiên Chúa để Người củng cố quyết định của các chị. Cộng đoàn cùng chung lời khẩn nguyện trong Kinh Cầu Các Thánh.

Tiếp đến, lần lượt các khấn sinh tiến lên đặt tay mình trong tay chị Tổng Phụ trách Maria Nguyễn Thị Nga, trước sự chứng giám của Đức Giám mục Giáo phận và của toàn thể cộng đoàn, nói lên lời tự nguyện cam kết tận hiến cho Thiên Chúa: sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục trọn đời trong gia đình Mến Thánh Giá Vinh.

Sau lời nguyện thánh hiến các khấn sinh, Đức cha chủ tế làm phép và trao nhẫn, thánh giá cho các khấn sinh. Nhẫn chính là dấu chỉ giao ước các chị đã ký kết với Chúa Kitô để được thuộc trọn về Chúa bằng lời khấn trọn đời. Đón nhận Thánh Giá giúp chị em năng suy niệm về tình yêu cao cả của Thiên Chúa đối với con người qua hình ảnh Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, đối tượng duy nhất của lòng trí quý chị.

Kết thúc nghi thức tuyên khấn, chị Tổng Phụ trách Maria chúc mừng và đón nhận các tân vĩnh khấn đã trở thành những thành viên chính thức của Hội dòng với đầy đủ mọi nghĩa vụ và quyền lợi.

Quý chị mừng hồng ân Ngọc khánh và Kim khánh cũng đã lặp lại lời khấn của mình với mong ước ước được trung thành trong ơn Chúa đến hết cuộc đời, đồng thời làm tươi trẻ lại Giáo Ước Thánh mà các chị đã ký kết với Thiên Chúa và Hội Thánh.

Kết thúc thánh lễ, chị Tổng Phụ trách thay lời cho chị em trong Hội dòng, cách riêng 48 nữ tu mừng hồng ân thánh hiến, dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, tri ân quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ, quý thân nhân, ân nhân và quý khách đã đồng hành, nâng đỡ quý chị và Hội dòng trong suốt chặng đường dâng hiến. Đặc biệt, cám ơn quý ông bà cố đã sẵn sàng dâng hiến những người con của mình cho Thiên Chúa, qua Hội dòng. Để hôm nay, Hội dòng có thêm những tông đồ hăng say với sứ mạng loan báo Tin Mừng mà Giáo Hội đang mong đợi.

Tất cả là hồng ân. Nguyện ước rằng, thánh lễ tuyên khấn trọn đời hôm nay sẽ nguồn ơn thánh thiêng giúp các nữ tu luôn kiên trung bước đi trên con đường tận hiến, để các chị luôn biết chọn Đức Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí mình, ngõ hầu có thể sống, diễn tả và loan báo Tin Mừng Chúa Kitô cách trọn vẹn, để tôn vinh Thiên Chúa và mưu ích cho tha nhân.

Quốc Diện