Số 14: Tại sao khi cử hành Thánh lễ, chúng ta lại đọc lời nguyện tín hữu?

52 lượt xem

 

Trong lịch sử Giáo hội, lời nguyện tín hữu là một thành phần của Thánh lễ. Nhưng nó đã sớm bị lãng quên. Công đồng Va-ti-ca-nô II, khi canh tân về cử hành Thánh lễ đã ra chỉ thị phải tái lập lời nguyện cho mọi người. Công đồng nói như sau: “Phải tái lập ‘Lời nguyện chung’ hay ‘Lời nguyện tín hữu’ sau Phúc âm và bài diễn giảng Thánh Kinh, nhất là vào các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng, để với sự tham gia của toàn dân, người ta cầu khẩn cho Hội Thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những người gặp khó khăn khác nhau, cho mọi người và cho toàn thế giới được ơn cứu độ” (Công đồng Va-ti-ca-nô II, Hiến chế Phụng vụ, số 53).

Chúng ta cùng tìm hiểu một vài nét về tên gọi, lịch sử, ý nghĩa và nội dung của lời nguyện này.

1. Tên gọi

Quy chế tổng quát sách lễ Rô-ma gọi lời nguyện này là “Lời nguyện chung” – Oratio universalis hay “Lời nguyện tín hữu” – Oratio fidelium (x. Quy chế tổng quát Sách lễ Rô-ma, số 69).

Gọi là “lời nguyện chung” vì trước hết đây là lời nguyện của toàn thể cộng đoàn. Hơn nữa, mọi thành phần của Giáo hội được liên kết trong những lời nguyện này; và những lời nguyện này không chỉ cầu nguyện cho Giáo hội hay cộng đoàn địa phương, nhưng còn cầu nguyện cho nhu cầu Giáo hội hoàn vũ và toàn thể thế giới.

Đôi khi có người dịch “Oratio fidelium” là “lời nguyện giáo dân”, gọi như vậy không được chính xác lắm và có thể dẫn đến sự hiểu lầm là lời nguyện này chỉ dành cho giáo dân, không có sự hiện diện của hàng giáo sĩ trong đó. Gọi là “lời nguyện tín hữu”, vì trong lịch sử, trước lời nguyện tín hữu là lời nguyện cho các dự tòng. Sau lời nguyện này, các dự tòng phải ra về, chỉ có các tín hữu mới được tiếp tục tham dự vào phần phụng vụ Thánh Thể.

2. Vài nét lịch sử

Có thể thấy chứng từ đầu tiên của lời nguyện tín hữu trong 1 Tm 2,1-2: “Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh”.

Chứng từ về lời nguyện tín hữu cũng xuất hiện khá sớm trong tài liệu các giáo phụ. Tại Đông Phương, lời nguyện này phổ biến rộng rãi và xuất hiện dưới hình thức những lời nguyện ngắn, do phó tế xướng lên và cộng đoàn tham dự bằng những lời đáp, như “Xin Chúa thương xót chúng con”, “xin Chúa nhận lời chúng con”. Vị chủ sự chỉ đọc lời mở đầu và lời nguyện kết thúc (x. Joseph-André Jungmann, Missarum solemnia, I, Aubier, Paris 1964, tr. 40-41).

Tại Tây Phương, vào đầu thế kỷ thứ II, thánh Policarpo Smirne đã viết cho các tín hữu Phi-líp-phê như sau: “Anh chị em hãy cầu nguyện cho tất cả các thánh, cầu nguyện cho các vua chúa, các vị thủ lãnh, cầu nguyện cho những người bách hại, thù ghét anh chị em và cho những kẻ thù của thập giá, như vậy anh chị em sẽ mang lại hoa trái tỏ tường cho mọi người, và anh chị em sẽ nên hoàn hảo trong Chúa Giê-su” (x. Lettera ai Filippesi 12,3: ed. Th. Camelot, Sources Chrétiennes 10, 220-221). Tuy nhiên, bản văn này vẫn chưa thể hiện rõ đặc tính là bản văn phụng vụ. Thánh Gius-ti-nô trong cuốn Hộ Giáo, ngài đã để lại cho chúng ta một chứng từ rõ ràng về lời nguyện tín hữu: “Đối với chúng tôi, sau khi rửa tội cho người tin và kết hợp [với Chúa Giê-su], chúng tôi dẫn họ tới hội họp với cộng đoàn. Chúng tôi dâng lời cầu nguyện chung cho chúng tôi, cho anh chị em, cho tất cả mọi người ở mọi nơi, để cùng với việc nhận biết chân lý, chúng tôi lãnh nhận hồng ân để thực hành các nhân đức, tuân giữ các giới răn, nhờ đó được hưởng sự sống đời đời. Khi lời nguyện kết thúc, chúng tôi trao ban bình an cho nhau, rồi mang bánh đến cho vị chủ sự của cộng đoàn” (x. Gius-ti-nô, Apologia, 65,1-3: PG 6,428). Ở chỗ khác, cũng trong cuốn Hộ Giáo, thánh Gius-ti-nô viết như sau: “Khi xướng viên kết thúc [lời nguyện], vị chủ sự mời gọi và khích lệ cộng đoàn thực hành những lời giáo huấn này. Sau đó, chúng tôi đứng dậy và cầu nguyện lớn tiếng. Và như đã nói, sau khi lời nguyện vừa kết thúc, bánh được mang đến” (x. Giustinô, Apologia, 67,4-5: PG 6,432). Ngoài chứng từ của thánh Gius-ti-nô, tại Tây Phương, còn có một số chứng từ khác, như của thánh Au-gus-ti-nô. Trong nhiều bài giảng, thánh Au-gus-ti-nô thường kết thúc bằng cách mời gọi cộng đoàn hướng lên Chúa để cầu nguyện: “Hướng về Chúa, chúng ta cầu xin cho chúng ta và cho toàn thể dân Người đang hiện diện trong nhà của Người đây; Xin Người đoái thương gìn giữ và bênh đỡ dân Người, nhờ Đức Ki-tô…” (x. Augustinô, Sermo 100 và 362: PL 38,605 và 39,1634).   

Theo linh mục A. Nocent, trong phụng vụ Rô-ma, lời nguyện tín hữu đã được duy trì liên tục trong vòng 5 thế kỷ đầu, từ thời thánh Gius-ti-nô cho đến thời Đức Giáo Hoàng Felice III (483-492). Phần phụng vụ Lời Chúa vào thời kỳ này bao gồm: Bài đọc Sách Thánh, Thánh vịnh Đáp ca, Bài giảng và Lời nguyện tín hữu (x. A. Nocent, Prospective d’avvenire per Ordo Missae, trong: G. Barauna, La sacra Liturgia rinnovata dal Concilio, Elle di Ci, Torino-Leumann, 1964, tr. 372-385). Năm 492 Đức Giáo Hoàng Gelasio lên ngôi, ngài bãi bỏ lời nguyện tín hữu và thay thế vào đó bằng một lời cầu nguyện mang sắc thái kinh cầu, kinh này khá thịnh hành tại Đông Phương. (x. P. De Clerck, La prière universelle dans les liturgies latines anciennes, Témoignages patristiques et textes liturgiques, Munster-W. Aschendorff, 1977, tr. 125-143). Nhưng chỉ khoảng một thế kỷ sau, ngay cả kinh cầu này cũng biến mất trong thực hành phụng vụ và phải chờ đến công đồng Va-ti-ca-nô II, lời nguyện tín hữu mới được khôi phục lại.

3. Ý nghĩa và mục đích

Như đã trình bày, có thể dễ dàng nhận ra ý nghĩa và mục đích của lời nguyện tín hữu khi đối chiếu với lời của thánh Phao-lô và lời của thánh Gius-ti-nô là “để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh” (x. 1 Tm 2,1-2) và “để cùng với việc nhận biết chân lý, chúng ta lãnh nhận hồng ân để thực hành các nhân đức, tuân giữ các giới răn, nhờ đó được hưởng sự sống đời đời” (x. Apologia, 65,1-3).

Quy chế tổng quát sách lễ Rô-ma cũng nêu rõ ý nghĩa và mục đích của lời nguyện tín hữu như sau: “Trong lời nguyện chung, cũng gọi là lời nguyện tín hữu, một cách nào đó cộng đoàn đáp lại Lời Chúa mà họ vừa đón nhận trong đức tin và thực thi chức vụ linh mục có được do bí tích Thánh Tẩy mà dâng lên Thiên Chúa lời cầu xin ơn cứu độ cho mọi người” (số 69).

Như vậy, lời nguyện tín hữu như là hoa trái của việc lắng nghe Lời Chúa. Qua các bài Sách thánh và bài giảng, các tín hữu phần nào hiểu được ý muốn và chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Họ ý thức được bổn phận phải dấn thân để thực hiện chương trình cứu độ, đồng thời họ cũng cảm thấy được những yếu đuối, hạn chế của mình. Vì thế, họ dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện cho chính mình, cho Giáo hội địa phương, cho Giáo hội hoàn vũ và cho toàn thể thế giới.

 

Lm. Giu-se Đào Hữu Thọ

 

Có thể bạn quan tâm