Dấu đinh cuộc đời

177 lượt xem

DẤU ĐINH CUỘC ĐỜI

PHÊRÔ_NGUYỄN

 

“Lạy Chúa của Lòng Thương Xót, trước khi qua khỏi đời này, xin cho hồn xác con cảm thông hết nỗi đau đớn Chúa đã chịu trong giờ tử nạn và xin cho con yêu Chúa như Chúa đã yêu chúng con”.

Lời cầu nguyện của thánh Phanxicô Assisi tại núi La Verna thật phù hợp với tâm tình của chúng ta trong Tam Nhật Thánh. Noi gương Chúa Giêsu và thánh Phanxicô, chúng ta cũng khát khao tìm thấy và cảm nếm một “Dấu Đinh Cuộc Đời” cho riêng mình.

Từ Thập giá Chúa

Trong 4 sách Tin Mừng, các tác giả đã trình bày như cuốn phim quay chậm về “thời và giờ” đã đến của Người Con Chí Ái. Khi mà thời gian càng “trôi chậm” bao nhiêu, cũng như việc miêu tả càng rõ nét bao nhiêu thì cơn đau cùng cực của Chúa Giêsu lại càng được thấy rõ nét hơn bấy nhiêu. Trên Đồi Sọ, tiếng búa chát chúa vang lên khi đinh nhọn xuyên qua tay chân Chúa Giêsu. Một bên là đám đông hả hê tra tấn, một bên là Ngài lặng thinh chịu đau để hòa giải và tha thứ – ôi, thật nghịch lý! Thân thể Ngài, vốn đã tan nát, còn chịu thêm lưỡi đòng đâm thấu cạnh sườn, như để mở trọn cánh cửa lòng thương xót, cho máu và nước tuôn trào làm nguồn suối cứu độ. “Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thủng của Chúa Giêsu là dấu hiệu tiên tri về hai điều mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta: máu để chuộc tội và nước để thanh tẩy, để chúng ta lại xứng đáng với tình yêu của Ngài”[1]. Như xưa trong sa mạc, “bất cứ ai ngước trông lên con rắn đồng đều được cứu, không phải do bởi vật họ nhìn, nhưng là do chính Ngài, Đấng cứu độ muôn người hết thảy” (Kn 16,6-7) thì ngày nay thập giá Chúa Kitô chính là ơn cứu độ trọn vẹn cho những ai tin (x. Ga 3,15).

Chúa Giêsu không chỉ chịu đau khổ để cứu chuộc, mà Ngài còn mời gọi mỗi người chúng ta cùng bước theo Ngài trong cuộc hành trình yêu thương và hy sinh. Đó là lý do thánh Phanxicô, người luôn khao khát sống theo gương Đức Kitô nghèo khó và chịu đóng đinh, đã muốn nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, đến nỗi ngài trở thành người đầu tiên mang năm Dấu Thánh, những vết thương nhắc nhở chúng ta về tình yêu đích thực.

Phanxicô và tình yêu cháy bỏng

“Hậu thế đã kính cẩn gọi thánh Phanxicô Assisi là ‘Alter Christus’, tức là bản sao của Đức Kitô, không chỉ đơn giản vì ngài là người đầu tiên trong lịch sử được ơn mang năm dấu thánh, tức năm vết thương ở hai bàn tay, hai bàn chân và cạnh sườn phải, y như Đức Kitô bị đóng đinh, hoặc cũng không chỉ vì ngài đã luôn cố gắng theo gương sáng và lời dạy của Đức Kitô cũng như luôn kết hiệp với Đức Kitô trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động. Danh hiệu cao quý và độc đáo đó còn nói lên vai trò của thánh Phanxicô thành Assisi trong Giáo Hội của Đức Kitô: gương sáng cuộc đời, tinh thần và lời dạy của thánh nhân mãi mãi là kim chỉ nam đích thật chỉ đường về Thiên Chúa”[2].

Nhìn lại hành trình bước theo vết chân của Đức Kitô nghèo khó và chịu đóng đinh, thánh Phanxicô nhận thấy đời sống tâm linh trong Thần Khí hay trong đời sống thể lý của mình đều có kế hoạch mà Cha Trên Trời đã dự định[3]. Thánh nhân đã biết phân chia cách khôn ngoan khoảng thời gian được ban cho ngài để lập công phúc. Ngài dành một phần để làm việc mưu ích cho đồng loại và dành phần còn lại để tâm hồn yên tĩnh thăng tiến trong chiêm ngưỡng, nhất là sau những năm cuối đời đầy cam go và thử thách. Với ý định đó, Phanxicô thực hiện cuộc hành trình cuối cùng lên đỉnh La Verna _ đỉnh núi thánh của ân sủng và tình yêu. “Ở đó, ngài rũ sạch bụi bặm có thể đã bám vào người trong thời gian sống giữa đám đông, cho bản thân được tự do hơn nữa tiếp xúc với Chúa để tìm hiểu thánh ý của Thiên Chúa là điều ngài vốn hết sức nhiệt thành ao ước được tuân theo trong mọi sự”[4]. Và rồi, như là phần thưởng xứng đáng cho ai bền chí đến cùng (x. Rm 2,7), Thiên Chúa Tối Cao đã tháp vào thân thể nhỏ bé và yếu đau của Kẻ Hèn Mọn Năm Dấu Thánh cao quý. “Trên đỉnh La Verna, Phanxicô nhận Năm Dấu Thánh: tay chân ngài như bị đinh xuyên, cạnh sườn rỉ máu, phản ánh trọn vẹn khổ đau của Đức Kitô. Những vết thương ấy không chỉ là dấu ấn thể lý, mà là minh chứng cho tình yêu cháy bỏng ngài dành cho Chúa”[5].

Tình yêu hay sự gắn bó mà thánh Phanxicô dành cho Thiên Chúa quả là tuyệt hảo. “Khi yêu ai hết lòng, tự nhiên người ta ao ước được nên giống với người mình yêu, đặc biệt là được cùng chịu khổ (com-passio) với kẻ ấy. Và thánh Phanxicô đối với Chúa chịu đóng đinh cũng vậy” [6]. Không dừng lại ở việc sở hữu các Dấu Thánh như quà tặng cao quý cho riêng mình, thánh Phanxicô muốn làm lan tỏa ân sủng ấy ra cho cả thế giới. Chính Thiên Chúa đã hoạt động trong Phanxicô và ngài muốn mọi người cũng đều có Chúa. Trước lúc về bên Chúa, Phanxicô nói với các anh em của ngài: “Tôi đã làm xong phần việc của tôi, xin Chúa Kitô dạy anh em làm phần việc của anh em”[7].

“Chạm đất” với những dấu đinh trong đời

“Dấu Đinh nào cho cuộc đời?” là câu hỏi không dễ trả lời, vì nó mang đậm tính Hiện Sinh, gắn liền với trải nghiệm cá nhân của mỗi người. Câu hỏi này không chỉ liên quan đến đau thương hay sự thử thách, mà còn là lời mời gọi mỗi chúng ta tự hỏi mình: chúng ta có sẵn sàng để dính dự vào đời nhau, sống với tình yêu và hy sinh như Chúa Giêsu và thánh Phanxicô đã làm?

Tìm một “Dấu Đinh” không phải là tìm kiếm sự đau thương hay khổ cực, mà là tìm kiếm một sự gắn kết sâu sắc với Chúa và tha nhân. Chính trong những thử thách và đau đớn, chúng ta được mời gọi sống trọn vẹn hơn với tình yêu mà Đức Kitô đã dành cho chúng ta. Năm Dấu Đinh mà thánh Phanxicô mang chính là dấu chỉ của sự gắn bó trọn vẹn với Thiên Chúa. Và nếu hiểu được điều này, mỗi “Dấu Đinh” trong cuộc đời chúng ta sẽ không còn là dấu hiệu của thất bại hay đau khổ vô nghĩa, mà là cơ hội để tham gia vào công trình cứu độ của Chúa.

Cuộc sống của mỗi chúng ta, dù là trong những mối quan hệ gia đình, công việc, hay những thử thách cá nhân, luôn có những “Dấu Đinh” – những khoảnh khắc đòi hỏi chúng ta vượt lên chính mình, để yêu thương vô điều kiện và hy sinh vì người khác. Chính trong những lúc khó khăn đó, chúng ta học được cách đón nhận người khác, chia sẻ không gian của mình và sống trọn vẹn hơn trong sự gắn bó với nhau.

Chúng ta không thể tránh khỏi những thử thách và vết thương trong đời, nhưng chính qua những “Dấu Đinh” ấy, chúng ta nhận ra sự hiến dâng và tình yêu chân thật. Và đó chính là điểm nhấn quan trọng trong hành trình Hiện Sinh: tìm thấy sự cứu rỗi, hy sinh, và lòng thương xót trong những khó khăn, để mỗi “Dấu Đinh” trở thành một dấu hiệu sống động của tình yêu và hòa giải, như Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta.

Tạm kết như là sự mở ra cho những sự chọn lựa mới

Nếu thân thể của Đức Kitô đã bị thương tích vì yêu, và nếu thánh Phanxicô đã vui mừng mang lấy những vết thương ấy, thì mỗi chúng ta cũng được mời gọi không sợ hãi trước những dấu đinh trong đời. Khi chúng ta dám chấp nhận đánh cược với sự an toàn vốn có thì sợ hãi được hóa nên mạnh mẽ; sự đau thương tạm thời được lấp đầy bởi tình mến chân thành. Hãy để những “Dấu Đinh” ấy dẫn ta về gần hơn với Đấng chịu đóng đinh và phục sinh, để cuối cùng, trong chính thương tích của mình, ta có thể nói: “Tôi mang nơi thân mình những dấu tích của Chúa Giêsu Kitô” (Gl 6,17). Đừng để “Dấu Đinh” chỉ là ký ức nhưng là một dấu hiệu sống động trong cuộc đời mỗi chúng ta. Hãy dám sống trọn vẹn với tình yêu và hy sinh, như chính Đức Kitô và thánh Phanxicô đã làm.

[1] https://dcvxuanloc.net/loi-chua-le-thanh-tam-chua-giesu-le-trong-ga-19-31-37-chua-giesu-dang-cuu-the-tu-canh-suon-bi-dam-thung-cua-ngai-mau-cung-nuoc-chay-ra.

[2] THÁNH BONAVENTURA, Các Bài Suy Niệm Ngắn Về Cuộc Đời Thánh Phanxicô Thành Assisi (Legenda Minor Sancti Francisci), Biên soạn và dịch thuật Tôma Nguyễn Đình Anh Nhuệ, OFMConv., Phương Đông, 2014, trang 10.

[3] X. MURRAY BODO, Thánh Phanxicô: Hành Trình Và Ước Mơ, Tôn giáo, 2013, trang 120.

[4] THÁNH BONAVENTURA, Đại Truyện, Bản dịch của Gioan Nguyễn Gia Thịnh, Ofm, 2019, trang 174.

[5] x. Sđd trang 177.

[6] NGUYỄN HỒNG GIÁO, OFM, Thánh Phanxicô Và Mầu Nhiệm Thập Giá, đăng trên http://ofmvientu.org/thanh-phanxico-va-mau-nhiem-thap-gia.html.

[7] THÁNH BONAVENTURA, Đại Truyện, Bản dịch của Gioan Nguyễn Gia Thịnh, Ofm, 2019, trang 188.

 

Bài viết được gửi đến mtgvinh.org